Ukraine 25 năm tìm lối thoát

07:05 | 08/09/2016

3,797 lượt xem
|
 Ngày 24-8, Ukraine đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày độc lập kể từ khi Liên Xô tan rã. Kiev cho rằng, Ukraine có một lịch sử quốc gia lâu dài, phong phú và vinh quang. Điều đó là sự thật. Nhưng hiện tại, quốc gia này đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng mà suốt 25 năm qua vẫn chưa tìm ra lối thoát…  

Hoài niệm về “nước Nga Kiev”

Được biết, đương kim Tổng thống Ukraine luôn tự hào gọi đất nước mình là “Nước Nga Kiev”. Quả là ở một thời xa xưa từng tồn tại một quốc gia có tên gọi là Nước Nga Kiev (tiếng Nga: Киевская Русь). Phải chăng ông Poroshenko cho rằng Ukraine ngày nay là sự kế thừa hợp pháp của quốc gia ấy? Tuy nhiên, theo nhà sử học Pavel Pryanikov, lịch sử của Ukraine hiện đại chẳng dính dáng gì đến Nước Nga Kiev ngày trước. Thực ra thì cũng có liên quan đôi chút, cũng giống như Nga và Belaruss ngày nay vậy thôi. 11 thế kỷ đã trôi qua. Nga Kiev là một hình thức nhà nước phong kiến sớm, với lãnh thổ bao trùm Nga, Belarussia và Ukraine ngày nay, kéo dài đến tận Moldova.

Bởi vì con cháu của Sviatoslav (hay Vladimir) đã xâm chiếm đến Constantinople, thậm chí cả Moldova và Bulgaria ngày nay. Đó là một dạng tiền đế quốc hàng ngàn năm cũ, trên thực tế có sự kết hợp lãnh thổ của nhiều quốc gia, và mỗi nước trong số đó đều có quyền khiếu nại về xuất xứ Nước Nga Kiev của mình.

Tính đúng tính đủ ra thì Ukraine chỉ có 25 năm vừa qua là thực sự có độc lập, nếu không kể đến 2 năm (1918-1919) giai đoạn Cộng hòa Nhân dân Ukraine sau Cách mạng Tháng Mười. Còn lại thì trong hơn 10 thế kỷ gần đây, Ukraine chỉ là thuộc quốc, công quốc, đại công quốc… trực thuộc Nga. Trong khoảng 1/4 đầu thế kỷ XX, chính quyền ở Ukraine thay đổi xoành xoạch, đất nước bị cai trị bởi đủ các thế lực nước ngoài cho đến trong nước, từ Ba Lan, Đức cho đến các tướng phỉ như Skoropadsky, Petrlyura, Makhno…

ukraine 25 nam tim loi thoat
Người dân Ukraine trong lễ mừng 25 năm ngày độc lập

Ngay cả trong 2 năm chế độ Cộng hòa (1918-1919) thì cũng không thể gọi Ukraine là một thể chế quốc gia hoàn hảo. Ukraine lúc đó như một tấm mền gồm nhiều mảnh vải ghép, mỗi mảnh có một xuất xứ khác nhau. Miền Tây Ukraine thì ai cũng biết đó là phần đất ngày trước của Ba Lan, mà trước đó nữa thì thuộc lãnh thổ của đế quốc Áo - Hung, trước nữa là của Hungary. Vùng miền núi Karpat trước đây thuộc Hungary, vùng Bukovina vốn thuộc Romania. Crimea thì trong lịch sử chưa bao giờ là của Ukraine, chỉ được ông Khroushev “trao tặng” cho Ukraine hồi năm 1958. Vùng miền Nam và miền Đông Ukraine cho đến cuối thế kỷ XVIII vẫn được coi là vùng đất hoang, chỉ có một số dân Tatar sinh sống, nhưng cũng không giữ được lâu, chỉ đến khi nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị ra lệnh khai khẩn, xây dựng trung tâm Slavian ở Odessa thì nơi này mới trở nên phồn thịnh.

Tóm lại, Ukraine là một tấm chăn gồm nhiều mảnh vải ghép. Khắp châu Âu không có một quốc gia nào có địa bàn “loang lổ” đến thế.

Sau khi Liên Xô tan rã

Những năm đầu tồn tại như một quốc gia độc lập, Ukraine phải trải qua cơn sóng gió lạm phát đến ghê hồn. Trong giai đoạn 1992-1994, lạm phát đạt 1.000%. Quá trình tư nhân hóa nền công nghiệp đi kèm với nạn tham nhũng tràn lan. Kinh tế sa sút trầm trọng. Tới đầu năm 1994, Kiev đã nợ Nga đến hơn 1 tỉ rúp tiền khí đốt. Ukraine không tài chính để duy trì Hạm đội Biển Đen, đành phải trao lại cho Nga.

Trong năm 1994, cuộc khủng hoảng ở vùng mỏ than Donbass đã khiến ông Kravchuk phải rời ghế tổng thống, vùng Donbass được trao thêm quyền tự trị. Leonid Kuchma lên làm tổng thống, quan hệ với Nga được nối lại.

Dưới thời Kravchuk, kinh tế Ukraine tương đối ổn định, kìm hãm được lạm phát. Năm 1996 Hiến pháp mới đã được thông qua.

Kuchma được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai chủ yếu nhờ sự ủng hộ của các đại gia tài phiệt. Từ năm 2000, những xích mích với Nga nảy sinh còn nhiều hơn cả thời Kravchuk, đặc biệt là về vấn đề biên giới. Kuchma tuyên bố không sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ quốc gia thứ hai như đã hứa trước đó, đồng thời định hướng chính sách hội nhập EU và NATO.

Cuối nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, Kuchma đã viết cuốn sách Ukraine không phải là Nga, có tính chất tuyên ngôn cho đường lối dân tộc chủ nghĩa của quốc gia. Giai đoạn trị vì của Kuchma kết thúc bằng cuộc “cách mạng Cam”, dẫn đến chuyện người trị vì tiếp theo không phải là Viktor Yanukovich (dù ông này chiến thắng trong cuộc bầu cử chính thức) mà là đối thủ chính trị của ông ta - Viktor Yushenko. Để phản ứng với sự việc này, tháng 11-2004, tại thành phố Severodonetsk thuộc vùng Luganskđã tổ chức Đại hội Đại biểu nhân dân tất cả các cấp, với sự tham dự của 3.500 đại biểu từ 17 khu vực của Ukraine.

Đại hội này đã đề nghị thành lập nước Cộng hòa tự trị Đông Nam với 10 tỉnh và thủ đô là Kharkov. Mặc dù đề nghị này không được chấp thuận lúc đó nhưng đã trở thành một ý tưởng để rồi 10 năm sau được thực hiện trên thực tế (đã hình thành hai nước cộng hòa tự xưng ở khu vực Đông Nam Ukraine).

Hậu quả khó tránh

Lên cầm quyền sau “cách mạng Cam”, Viktor Yushenko công khai đường lối hội nhập EU và NATO, ủng hộ việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu.

Kết quả của quá trình cải cách hiến pháp đã khiến Ukraine từ chế độ tổng thống toàn trị trở thành cộng hòa nghị viện, và tổng thống Yushenko phải chật vật chống đỡ với chính phủ do Viktor Yanukovich và Yulya Timoshenko cầm đầu. Hậu quả nhãn tiền là chỉ trong 4 năm, người tiêu dùng Ukraine phải chịu tới 5 lần tăng giá khí đốt. Ở cuối trào Timoshenko, kinh tế Ukraine có chỉ số tăng trưởng chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Về mặt uy tín cá nhân, Yushenko còn tệ hơn nữa: trong vòng bầu cử sơ bộ đầu năm 2010, ông này chỉ đạt 5,45% số phiếu bầu, chỉ số thấp nhất trong lịch sử thế giới đối với một tổng thống đương nhiệm.

Tổng thống kế tiếp của Ukraine là Vitor Yanukovich, có chiều hướng thân Nga. Năm 2010, hai nước đã ký hiệp định dành cho Hạm đội Biển Đen của Nga quyền sử dụng các căn cứ hải quân ở Crimea trong vòng 25 năm. Năm 2012, Yanukovich ký nghị định sử dụng tiếng Nga như ngôn ngữ quốc gia thứ hai (không bắt buộc). Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính hồi đầu năm 2014, Quốc hội Ukraine đã hủy bỏ nghị định này.

Tuy nhiên, Yanukovich lại sa vào tham nhũng quá nặng. Không chỉ ông mà còn cả các thành viên gia đình ông. Một chiếc bồn cầu làm bằng vàng ròng trong buồng vệ sinh của gia đình ông đã nói lên tất cả. Kết quả là sau cuộc đảo chính, ông đã phải rời đất nước, sống lưu vong ở nước ngoài.

Ông chủ lò kẹo bánh cầm quyền

Sau đảo chính 2014, Petro Poroshenko, một nhà sản xuất và kinh doanh bánh kẹo, lên làm tổng thống. Trong hơn 2 năm ông này cầm quyền, Ukraine mất đi ¼ nền công nghiệp của mình, xuất khẩu cũng giảm đi một nửa. Hàng triệu gia đình hiện sống dưới mức nghèo đói, hàng trăm nghìn chuyên gia tay nghề cao bị mất việc phải ra nước ngoài kiếm sống. Chỉ sau 2 năm, đồng grivna mất giá gấp 3 lần. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi dưới 25 là 23% - một chỉ số cực kỳ cao. Trong năm 2015, chỉ số lạm phát của Ukraine là 43,3%. Thu nhập bình quân đầu người ở Ukraine hiện nay chỉ tương đương với Gabon, một quốc gia nghèo khó ở châu Phi.

Dĩ nhiên, dưới thời cầm quyền của Poroshenko, Ukraine còn gặp vô vàn vấn đề nan giải khác về mọi phương diện như kinh tế, chính trị, quân sự, đối ngoại, đối nội, v.v… nhưng do khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi xin hẹn được trình bày vào dịp khác.

Phạm Bá Thủy

Năng lượng Mới 555

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc