Từ Hà Nội lên Việt Bắc, Bác Hồ được bảo vệ như thế nào?

08:17 | 19/12/2011

3,056 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuyến đường đưa Người đi thường xuyên thay đổi. Nơi ở của Người luôn luôn được nghi binh. Có khi Người đến một địa điểm nào đó nhưng nghỉ đêm lại chuyển đến nơi khác.

Tháng Chạp năm 1946, tình hình thủ đô Hà Nội vốn đã căng thẳng giờ lại càng căng thẳng hơn. Khả năng xung đột giữa quân đội Pháp và lực lượng vũ trang của ta sẽ nổ ra bất cứ lúc nào. Trong thời gian này, để đảm bảo tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Thường vụ Trung ương Đảng đã bố trí một số địa điểm ở nội và ngoại thành để ban đêm đưa Người về nghỉ như: số nhà 112 phố Lò Đúc; biệt thự Cây Liễu (xã Nhân Chính, Từ Liêm nay là phường Nhân Chính quận Thanh Xuân); thôn Hậu Ái (xã Vân Canh, Hoài Đức). Tuyến đường đưa Người đi thường xuyên thay đổi. Nơi ở của Người luôn luôn được nghi binh. Có khi Người đến một địa điểm nào đó nhưng nghỉ đêm lại chuyển đến nơi khác.

18h ngày 2/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Văn phòng Chủ tịch ở Bắc Bộ Phủ. Trong buổi gặp, hai bên đã thỏa thuận 3 vấn đề đó là: Giải quyết ổn thỏa những xung đột giữa Việt Nam và Pháp; thi hành nhanh chóng bản Tạm ước 14/9; tránh tất cả những xung đột có thể tạo ra bầu không khí căng thẳng.

Văn bản thỏa thuận giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sainteny không được phía Pháp thi hành. Trái lại, thực dân Pháp ngày càng lấn tới, với mục đích là chiếm lại Đông Dương. Trước tình hình đó, Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định chỉ đạo lực lượng Cảnh vệ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nội thành di chuyển ra ngoại thành để đảm bảo an toàn và chuẩn bị kế hoạch trở lại chiến khu Việt Bắc như đã dự kiến.

Bảo vệ Bác Hồ trên đường đi kháng chiến tại Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên mùa hè năm 1947

Các địa điểm nghỉ và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian di chuyển được đồng chí Nguyễn Lương Bằng giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Thị Tấu (tức đồng chí Lê Thị Lịch) và đồng chí Nguyễn Tấn Phúc (hay còn gọi là Nguyễn Phúc Khánh), sau này là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ liên hệ với các địa phương bố trí tìm chọn. Ngày 3/12/1946, theo sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, tổ bảo vệ đã đưa Người về nghỉ và làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Gia đình ông Nguyễn Văn Dương vốn là cơ sở bí mật của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh nhiều năm nay nên rất yên tâm. Tổ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian này có đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Lý, Vũ Long Chuẩn, Chu Phương Vương, Trần Đình.

Trong thời gian ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Ban Thường vụ Trung ương Đảng để phát động cuộc kháng chiến trong cả nước và nêu ra phương hướng cơ bản của cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện. Đặc biệt, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi có đoạn viết:

"Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!…”.

Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bước vào một cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng chống trả lại thực dân Pháp xâm lược. Ở thủ đô Hà Nội đại bác của ta từ Pháo Đài Láng nã vào Thành cổ nơi có quân Pháp đóng. Các địa phương lân cận, quân và dân ta cũng nhất tề vùng dậy chống thực dân Pháp.

Trước tình hình chiến sự căng thẳng, Trung ương Đảng đã chỉ thị lực lượng Cảnh vệ đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh sơ tán đến địa điểm mới. Đúng 18h45 ngày 19/12/1946, tổ bảo vệ đưa người rời Vạn Phúc về xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai, Hà Tây) bằng xe ôtô do đồng chí Phạm Văn Nền lái. Hai cận vệ là Vũ Long Chuẩn và Nguyễn Văn Lý đã bảo vệ Người và đồng chí Nguyễn Lương Bằng, còn các đồng chí khác đi xe đạp đến tiền trạm trước để chuẩn bị mọi mặt cần thiết đón Người đến địa điểm mới. Mặc dù công tác bảo vệ được chuẩn bị khá chu đáo, song mỗi khi di chuyển địa điểm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhắc nhở các chiến sĩ cận vệ phải làm tốt công tác bảo mật phòng gian. Người căn dặn: “phải chú ý từ việc rất nhỏ như khi hút thuốc hoặc ăn bánh lương khô xong phải nhặt hết các mẩu thuốc và giấy hủy đi. Phải cử người đi sau xóa hết dấu vết, phải chú ý không được xáo trộn từng vạt cỏ cành cây”.

Địa điểm chuẩn bị cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc là nhà đồng chí Trúc, Xã đội trưởng xã Xuân Dương. Để bảo đảm bí mật, việc bố trí lực lượng bảo vệ vòng ngoài được tuyển chọn và tổ chức hết sức chu đáo. Công tác tuần tra canh gác ngày đêm được tăng cường với lý do phòng gian giữ làng do du kích địa phương đảm nhiệm. Để giữ bí mật tuyệt đối, hàng ngày Người thường xuyên làm việc trong buồng của ngôi nhà gỗ bốn gian của gia đình anh Trúc. Các đồng chí cận vệ, phục vụ, lái xe thành lập một đội lấy tên là: “Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong”. Đội này được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm công tác dân vận để nắm tình hình xung quanh nơi ở có liên quan đến công tác bảo vệ.

Nhà ông Nguyễn Văn Dương tại làng Vạn Phúc, Hà Đông

Tình hình chiến sự ngày càng quyết liệt, thực dân Pháp ngày càng trắng trợn tiến hành các cuộc tấn công và càn quét ra các tỉnh lân cận thủ đô Hà Nội. Để bảo đảm an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 13/1/1947, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho lực lượng Cảnh vệ đưa người chuyển đến địa điểm mới tại xóm Lai Cài, thôn Đa Phúc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Người ở và làm việc ở nhà đồng chí Thủ Bạ – Bí thư kiêm Chủ tịch xã. Ngôi nhà của đồng chí Thủ Bạ gồm 9 gian bằng tre, ở trên một quả đồi thấp, xung quanh cây cối mọc um tùm che khuất ngôi nhà, từ xa nhìn vào rất khó phát hiện, do vậy rất thuận tiện cho công tác bảo vệ và giữ bí mật. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở đây, Người đã sửa lại các cuốn sách đã viết và các tài liệu đã soạn thảo để cho in và phát hành rộng rãi như cuốn: “Vấn đề du kích”, “Chiến thuật du kích”, “Binh pháp Tôn tử”, “Chính trị viên” và rất nhiều các loại tài liệu khác. Công tác bảo vệ được triển khai chu đáo và chặt chẽ. Lực lượng phục vụ và bảo vệ vòng trong có 15 người. Bảo vệ vòng ngoài do một trung đội tự vệ quốc quân đảm nhiệm luôn được bố trí canh phòng cẩn mật và tuần tra xung quanh khu vực 24/24 giờ trong ngày.

Tối 2/2/1947, sau một thời gian ở Cần Kiệm, Thạch Thất, trước tình hình địch từ Hà Đông tiếp tục đánh ra vùng nông thôn đến thị xã Sơn Tây, lực lượng Cảnh vệ xin ý kiến của Trung ương cho di chuyển nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về địa điểm mới đó là chùa Một Mái trên núi Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây). Để giữ bí mật Người đã chỉ thị: “Vào các buổi sáng và buổi tối hàng ngày, các đồng chí trong cơ quan cần thỉnh chuông, gõ mõ như thường lệ của nhà chùa để tránh sự tò mò của mọi người xung quanh”. Công tác bảo vệ bố trí canh gác thường trực chiến đấu và nắm tình hình phát hiện địch từ xa được triển khai kịp thời, đặc biệt là công tác giữ bí mật và công tác nắm tình hình.

Ở và làm việc tại chùa Thầy đúng một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định di chuyển đến địa điểm mới. Địa điểm mới này là nhà ông Hoàng Văn Nguyên (bố vợ đồng chí Đỗ Văn Mô – Phó bí thư huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Tam Nông) tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Cũng trên địa điểm lịch sử này, sáng 6/3/1947, trước lúc mọi người vào công việc của mình, tám đồng chí cảnh vệ và phục vụ ngồi quây quần bên Bác quanh đống lửa như ngồi bên một người Cha. Bác nhìn mọi người rồi nói với giọng trầm ấm:

- Chiến sự đang ngày một lan rộng, các chú phải quân sự hóa mọi sinh hoạt. Đi ôtô không tiện nữa, ai có xe đạp thì sử dụng, các chú may cho mỗi người một chiếc balô để đựng đồ dùng, may cho Bác một chiếc để Bác đeo máy chữ.

Mọi người đang chăm chú nhìn Bác như nuốt từng lời. Bác thân mật nói:

- Hôm nay, Bác đặt tên lại cho các chú tính theo vòng tròn các chú đang ngồi: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

Đặt xong tên Bác trìu mến hỏi:

- Các chú có biết tại sao Bác đặt tên cho các chú như vậy không?

Mọi người chưa hiểu ý Bác, ngồi yên lặng. Bác nói tiếp:

- Nhiệm vụ của Bác cháu ta hiện nay vừa trước mắt, vừa lâu dài là cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến này đến thắng lợi. Vì vậy, Bác đặt tên lại cho các chú để các chú trở thành khẩu hiệu sống bên Bác, nhắc nhở mọi người hàng ngày phải hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Đầu tháng Tư, qua nắm tình hình nghi có việt gian, các đồng chí bảo vệ báo cáo lên Người, Người quyết định di chuyển ngay sang Tuyên Quang nơi Bác đã ở, làm việc và trực tiếp lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng lịch sử và vĩ đại nhất của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Sau gần 4 tháng trong điều kiện hết sức khó khăn phức tạp, nhưng được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Đảng, lực lượng Cảnh vệ đã bảo vệ an toàn tuyệt đối Chủ tịch Hồ Chí Minh di chuyển từ thủ đô Hà Nội ra các tỉnh lân cận và trở lại chiến khu Việt Bắc, tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày hoàn toàn thắng lợi.

Nguyễn Đức Quý