Trung tướng Phạm Tuân: Từ người thợ máy trở thành Anh hùng (Kỳ 2)

07:20 | 04/05/2016

4,397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hành trang ông mang theo lên vũ trụ, ngoài những dụng cụ thí nghiệm là rất nhiều kỷ vật, gồm: Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nắm đất Ba Đình, bản Tuyên ngôn độc lập, cờ Tổ quốc. “Tất cả những thứ này đều được đóng dấu trạm vũ trụ và mang về mặt đất để khẳng định với thế giới rằng con người Việt Nam đã có mặt trên vũ trụ”, ông tự hào.

trung tuong pham tuan tu nguoi tho may tro thanh anh hung ky 2

Trung tướng Phạm Tuân: Từ người thợ máy trở thành Anh hùng (Kỳ 1)

Cùng với đó là bao câu chuyện đầy xúc động thấm đẫm cả máu và nước mắt mà người lính không quân từng trải qua các trận không chiến kinh điển để cùng đồng đội lập nên chiến công cho lực lượng Không quân Việt Nam anh hùng.

Đầu năm 1965, ông Phạm Tuân đi tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau đó họ thấy ông có sức khoẻ tốt nên đưa vào danh sách tuyển phi công.

“Nhưng đi tuyển phi công thì tôi không trúng vì bị rối loạn nhịp tim, hở tâm thu tim, bệnh đau mắt hột. Tháng 9/1965, nhà trường chọn sinh viên sang Nga học phi công và thợ máy. Tôi nằm trong danh sách học thợ máy do không đủ sức khoẻ.

Tháng 12/1965 thì tôi lại đi dự tuyển phi công do lại có đợt tuyển. Khi điện tim thì họ bảo tôi về, tim có vấn đề. Thế là lại trượt. Đêm về tôi nằm nghĩ mãi. Sáng hôm sau thì tôi lại đến. Ông kiểm tra sức khoẻ lúc đó bảo: “Hôm qua tao kiểm tra mày rồi cơ mà”. Tôi bảo: “Nhưng mà tôi rất thích bay, ông kiểm tra lại cho tôi xem thế nào”. Thế là lần này thì ông ấy bảo được”, ông kể.

trung tuong pham tuan tu nguoi tho may tro thanh anh hung ky 2

Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh: Thảo Phượng).

Đến khi bay vũ trụ thì ông thậm chí còn không nằm trong danh sách được dự tuyển. Lúc đó ở Việt Nam bắt đầu tìm 4 phi công để bay vào vũ trụ, nhưng chỉ tuyển được có 3. Cùng lúc đó, khoảng tháng 3/1979 khi ông đang ở bên Nga thì cũng đi tuyển, nhưng người ta bảo luôn: “Anh đủ điều kiện để bay bất cứ máy bay nào, nhưng riêng về bay vũ trụ thì anh đừng bao giờ mơ tới”. Thế là Phạm Tuân yên phận, chẳng mơ mộng gì. Đến khi bỗng nhiên người ta bảo: “Thôi cho thằng Tuân vào đó cho nó đủ quân số…”

Đến lúc vào tuyển, càng lúc khó khăn thì Phạm Tuân lại làm càng tốt. Những lúc thực hiện các thực nghiệm mạnh, quay cuồng, phải gắng sức, mọi người thấy khó khăn thì ông lại vượt qua. Ông bảo, dường như cứ vào guồng hoạt động rồi thì ông lại bất chợt khỏe lên. Đến tận bây giờ sức khỏe ông cũng thế, lúc phải làm việc bình thường thì mọi chỉ số huyết áp tim mạch đều rất ổn, nhưng khi nghỉ ngơi thì huyết áp lại tăng.

trung tuong pham tuan tu nguoi tho may tro thanh anh hung ky 2

Trung tướng Phạm Tuân (trái) và nhà du hành vũ trụ Nga Gorbatko. (Ảnh tư liệu)

Đan xen giữa những câu chuyện, giữa năm 1972, Phạm Tuân là 1 trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái máy bay tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc đánh B52.

Mỗi lần kể về ký ức này, trong lòng anh hùng Phạm Tuân lại trào dâng niềm tự hào và xúc động. Ông tâm niệm, chiến thắng đó là để bù cho những hy sinh, mất mát của bao đồng đội đã anh dũng hòa mình cùng với đất trời để bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng này.

Ông hào hứng kể lại, đó là lúc 22h16’ đêm 27/12/1972, cất cánh từ sân bay dã chiến ở Yên Bái, ông đã điều khiển máy bay Mig – 21 dùng chiến thuật “đi thấp kéo cao” để tránh rada của máy bay địch. Khi dẫn đường mặt đất thông báo còn cách phi đội địch khoảng 8 – 9km, phi công Phạm Tuân bất ngờ kéo cao rồi tăng tốc, vọt lên trên hai tốp F – 4 hộ tống và áp sát B – 52 ở khoảng cách gần 4km.

Chỉ huy mặt đất lệnh bắn nhưng ông chờ thêm vài giây cho cự ly gần hơn, cách độ 2 – 3km, ông tắt rada và các thiết bị liên lạc để B – 52 không phát hiện đang bị theo sát. Rồi lập tức, ông phóng 2 quả tên lửa không đối không tiêu diệt một chiếc B – 52 trên vùng trời phía Tây Hà Nội rồi bay trở về căn cứ an toàn.

trung tuong pham tuan tu nguoi tho may tro thanh anh hung ky 2

Chiếc máy bay Mig – 21 số hiệu 5121 mà anh hùng Phạm Tuân đã lái để tiêu diệt một chiếc B – 52 của Mỹ trong đêm 27/12/1972 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. (Ảnh: Nhật Minh).

Với thành tích xuất sắc này, hôm sau phi công Phạm Tuân - biên đội trưởng Đại đội 5, thuộc Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371 đã được đích thân Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện khen. Và tới tháng 9/1973, Phạm Tuân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân khi mới 26 tuổi.

Năm 1977 ông được cử đi học ở Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô) và học chuyển loại sang bay vũ trụ vào năm 1978. Tới ngày 23/7/1980, Phạm Tuân đã cùng với nhà du hành vũ trụ Xô Viết Viktor V. Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên con tàu vũ trụ Soyuz 37 để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trên trạm không gian Salyut 6 cùng với 2 phi hành gia khác.

Hành trang ông mang theo lên vũ trụ, ngoài những dụng cụ thí nghiệm là rất nhiều kỷ vật, gồm: Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nắm đất Ba Đình, bản Tuyên ngôn độc lập, cờ Tổ quốc… “Tất cả những thứ này đều được đóng dấu trạm vũ trụ và mang về mặt đất để khẳng định với thế giới rằng con người Việt Nam đã có mặt trên vũ trụ” - ông tự hào.

trung tuong pham tuan tu nguoi tho may tro thanh anh hung ky 2

Mảnh xác của một chiếc “pháo đài bay” B – 52 của Mỹ đã bị bắn rơi tại Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. (Ảnh: Nhật Minh).

Sau 7 ngày 20 giờ 42 phút, Phạm Tuân và Gorbatko đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo trái đất. Hai nhà du hành vũ trụ đã tiến hành gần 40 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu…

Sau đó, Phạm Tuân tiếp tục ở lại Liên Xô trong một năm rưỡi và hoàn thành chương trình đào tạo tại Học viện Không quân Gagarin. Đến tháng 6-1982, ông trở về nước tiếp tục công tác. Đi trọn con đường binh nghiệp, bắt đầu từ một người chiến sĩ cho đến khi được phong Trung tướng, Phạm Tuân từng giữ chức Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Chủ tịch Ngân hàng Quân đội.

“Nếu là thời điểm bây giờ, ở nhà cũng có thể quan sát từng động tác cử chỉ mà con tàu vũ trụ đưa chúng tôi vào không gian. Nhưng đó là năm 1980 nên khi biết tin này, gia đình tôi tuy vui mừng nhưng cũng lo lắng lắm. Tôi thì cảm thấy xúc động vô cùng. Được nâng cấp từ một người thợ máy dưới mặt đất, lên làm phi công lái máy bay rồi giờ lại được làm phi hành gia bay lên vũ trụ là một quá trình vượt bậc trong cuộc đời gần 50 năm binh nghiệp của mình”, Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ.

Với ông, quãng thời gian làm việc trên trạm vũ trụ, được bay qua và chụp hình đất nước Việt Nam từ trong vũ trụ là một cảm giác tự hào khó tả, xúc động vô cùng. Sau chuyến bay lịch sử đó, ông tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cùng với Huân chương Hồ Chí Minh khi đang ở cấp bậc Trung tá. Đồng thời phía bạn Liên Xô cũng tặng ông Huân chương Lê – Nin và danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

“Cho đến giờ gặp tôi, ai cũng hỏi khoảng thời gian sống trong vũ trụ có điều gì đáng nhớ. Nói chung cái gì cũng nhớ bởi cái gì cũng đặc biệt, nó chỉ xảy ra một lần thôi mà. Lúc cất cánh, nghĩ mình đang nằm chót vót trên quả tên lửa, dưới thì có biết bao nhiêu là tấn thuốc nổ thì kinh khủng lắm. Rồi lúc nó phóng ù ù lên, nó xoay phải xoay trái, nó ngật ngưỡng, nó thả tầng thứ nhất, thả tầng thứ hai... Những cái đó làm tôi cứ giật mình thon thót. Rồi lần đầu tiên bay vào điều kiện không trọng lượng, người mình lơ lửng nổi lên, giấy bút, mọi thứ bay lơ lửng. Thích lắm. Lúc đó nhìn thấy bầu trời xanh xanh, trái đất ở bên dưới, những cái đó thì không quên được” trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.

 

Đình Tuệ - Thảo Phượng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps