Trung tướng Phạm Tuân: Từ người thợ máy trở thành Anh hùng (Kỳ 1)

14:20 | 02/05/2016

4,393 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông là một trong số cực hiếm quân nhân vinh dự 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động của Việt Nam và Anh hùng Liên Xô. Cùng với đó là bao câu chuyện đầy xúc động thấm đẫm cả máu và nước mắt mà người lính không quân từng trải qua các trận không chiến kinh điển để cùng đồng đội lập nên chiến công cho lực lượng Không quân Việt Nam anh hùng.

Dù rất bận rộn với các lịch hẹn dịp 30/4 nhưng Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân vẫn dành cho phóng viên Báo điện tử PetroTimes một cuộc chia sẻ ở nhà riêng. Tại đây, những câu chuyện đặc biệt đáng nhớ của cuộc đời ông dần được hé mở.

Đã về nghỉ hưu gần chục năm nay, nhưng vóc dáng ông vẫn khỏe khoắn và còn phong độ lắm. Gặp ở cuộc sống đời thường, ít ai biết rằng người đang chăm sóc vườn giống lan rừng và cây cảnh xanh mát kia là một vị Tướng hai sao của QĐND Việt Nam.

trung tuong pham tuan tu nguoi tho may tro thanh anh hung ky 1

Hình ảnh Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân bên những mô hình máy bay chiến đấu một thời làm khiếp vía quân thù. (Ảnh: Thảo Phượng).

Ông bộc bạch, đời lính mình chỉ quay vòng theo chiều đi học, đi chiến đấu, lấy vợ và lại đi chiến đấu rồi về hưu. Đến chuyện sinh con và chăm con cũng đều do vợ mình tự làm một mình. Lắm khi, ông cứ nghĩ đến mà thấy thương người vợ hiền của mình xiết bao.

Rót tách trà nóng thơm mùi hương sen đặc trưng mời khách, ông chỉ lần lượt vào từng mô hình máy bay chiến đấu, những tấm huân chương và một vài bức ảnh chụp chung với các bạn Liên Xô. Ánh mắt đầy tự hào và giọng kể thật chân thành của ông làm căn phòng bỗng rộn rã lạ thường.

Nói về mối lương duyên với phu nhân Trần Thị Phương Tiến, vị tướng không quân nở nụ cười hiền và chia sẻ: “Đời tôi có một điều may mắn đặc biệt, đó là yêu và cưới được một người vợ thảo hiền biết chăm lo, vun vén cho gia đình như bà xã tôi. Dù lúc còn trong đơn vị chiến đấu, chiến tranh đang ác liệt mình cũng chả nghĩ gì chuyện vợ con nhưng, duyên phận run rủi khiến mình cũng không thể ngờ có thể thoát cảnh…“phòng không” như thế.

trung tuong pham tuan tu nguoi tho may tro thanh anh hung ky 1
Trung tướng Phạm Tuân và các phi hành gia của chương trình tìm kiếm người Việt Nam thứ 2 bay vào vũ trụ. (Ảnh tư liệu).

Năm 1969, khi đơn vị đóng quân ở Sóc Sơn, Hà Nội có cậu bạn cùng phòng được vợ và cô em vợ lên chơi. Anh em tiếp đón nhiệt tình rồi chúng tôi quen nhau. Dần dần tình cảm lớn dần theo những chuyến thăm ấy và hai con tim đã hòa chung nhịp đập tự bao giờ. Thế là tôi đã yêu cô em vợ của đồng đội từ khi đó”.

Số phận một lần nữa thử thách đôi bạn trẻ, khi vừa mới quen nhau và có tình cảm thì cô bạn gái Phương Tiến của Phạm Tuân nhận được lệnh sang Lào làm y sỹ ở cánh đồng Chum. Hai người từ biệt nhau và cùng đi chiến đầu biền biệt cho tới tận năm 1974, cô y sỹ trở về Việt Nam và làm trong Tổng công ty bay của Quân chủng Phòng không. Hai người có dịp gặp lại nhau vui mừng khôn xiết sau bao tháng ngày xa cách.

Mãi tới năm 1976, trải qua bao “cửa ải” và thử thách ông đã kết hôn với cô bác sỹ quân y tài năng và xinh đẹp. Giọng ông trầm ấm và bỗng nghẹn ngào chia sẻ, đời lính sinh ra trong chiến tranh, lúc lấy vợ, đẻ con cũng gặp phải cảnh loạn. Vợ một nơi, chồng một nẻo không thể chăm sóc cho vợ. Đến khi vợ sinh con gái đầu lòng tên Hằng Thu (cũng trong năm 1976) cũng là lúc ông cũng không ở bên săn sóc được. Chỉ tranh thủ gặp chốc lát tại bệnh viện rồi lại lên đường chiến đấu tiếp.

Năm 1978, ông theo lệnh cấp trên lên đường sang Liên Xô học phi công tiếp. Tiễn người chồng trẻ lên đường làm nhiệm vụ là hàng nước mắt rơi lã chã của cô vợ trẻ và bé Hằng Thu mới lên 2 tuổi lại đang bị thủy đậu. “Lòng đau như cắt nhưng nhờ sự động viên của đồng đội và của ông chú vợ tôi mới cất bước lên đường được”, ông nghẹn ngào nhớ lại.

trung tuong pham tuan tu nguoi tho may tro thanh anh hung ky 1
Trung tướng Phạm Tuân và nhà du hành Gorbatko hội ngộ sau 35 năm tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu).

Quen nhau, có tình cảm với nhau từ năm 1969 nhưng mãi tới tận năm 1976 mới kết hôn nhưng với nghi thức cực kỳ đơn giản vì điều kiện lính phi công rất ngặt nghèo, nhưng bù lại tình yêu trong họ luôn tràn ngập trái tim để cùng nhau tiếp thêm động lực chiến đấu và chiến thắng ở các mặt trận ác liệt nhất.

Chỉ nhìn từng động tác nâng niu, bảo quản các mô hình máy bay chiến đấu một thời cùng ông tung hoành khắp các chiến trường Nam – Bắc, Việt Nam và Liên Xô cũng đủ để thấy, ngoài tình yêu với gia đình thì tình yêu và khát vọng chinh phục bầu trời cũng là động lực để ông chiến đấu quả cảm giành những thắng lợi vẻ vang như vậy.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Phạm Tuân được gọi nhập ngũ năm 1965 và được tuyển vào Binh chủng không quân. Và khi có đợt tuyển thợ máy bên phía bạn Liên Xô, ông đã đăng ký đi theo cùng với lớp gồm 300 thợ khi ấy sang thành phố Krasnoda học lớp thợ sửa máy và ông được phân công vào tổ sửa chữa rada. Là một người thợ máy dưới mặt đất, nhiều khi nhìn thấy cảnh tượng máy bay của không quân Nga bay lên mà lòng ông trào dâng lên khao khát được tự mình lái chiếc phi cơ lên khám phá bầu trời.

Và rồi may mắn lại mỉm cười với ông, khi đó phía bạn Liên Xô có đợt thi tuyển phi công từ nguồn thợ máy. Có điều, sức khỏe của anh lính Phạm Tuân không “phi phàm” như nhiều người tưởng. Cả ba lần, ông đi tuyển phi công đều trượt…

Một số bạn bè ông gợi ý, có khi ông viết hồi ký thì sẽ bán chạy đấy. Ông bảo ông mà viết thì chắc chẳng ai đọc đâu. Bởi cái ông làm chẳng giống ai làm cả. Cuộc đời Phạm Tuân, những bước đi của Phạm Tuân, có lẽ chỉ diễn tả bằng một từ: Ngược dòng. Là bởi bình thường người ta đi tuyển phi công, không bay được thì phải xuống làm thợ máy, không thì làm cái này cái khác. Còn ông làm thợ máy không được thì mới đi bay, không bay được thì bay vũ trụ.

(Còn tiếp)

Đình Tuệ - Thảo Phượng