Trần lãi suất 20%: Khó khả thi?

07:00 | 02/12/2015

880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với 278/366 phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong đó có quy định: mức lãi suất cố định tiền vay tối đa là 20%/năm. Việc quy định trần lãi suất đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Căn cứ để xử lý

Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào khẳng định, việc quy định trần lãi vay là rất cần thiết nhằm giải quyết các vụ việc có liên quan đến cho vay: “Dù pháp luật quy định có sự thỏa thuận trên cơ sở tự do ý chí nhưng cũng phải quy định mức trần để biết rằng khi “anh” vượt qua mức đó thì có nghĩa là “anh” cho vay nặng lãi”.

kho kha thi

Và để đảm bảo tính lâu dài của luật, ông Hào cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị rất cân nhắc con số cụ thể trước khi luật được thông qua. Bởi lẽ mức lãi suất nào là phù hợp - cho dù có “lãi trần” thì còn phải phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế - xã hội cũng như chính sách tiền tệ qua từng thời kỳ của một quốc gia.

Cũng phải nói thêm rằng, Điều 476 ở Bộ luật Dân sự cũ có quy định khoản vay không xác định được lãi suất thì không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định. Tuy nhiên, bấy lâu nay lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước dùng làm tham chiếu lại không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường tiền tệ. Theo thông lệ, lãi suất cơ bản chỉ là lãi suất chung, không mang tính thị trường, cũng không chia thành từng mức khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau.

Căn cứ vào nhiều kiến nghị, Quốc hội đã thông qua con số 20% lãi suất cho mọi khoản vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Điều này cũng là dễ hiểu, như theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến từng phát biểu: quy định lãi suất cứng là 20%/năm/nợ gốc sẽ tiện lợi hơn rất nhiều cho người dân và cơ quan chức năng khi thực hiện giao dịch hay giải quyết các vụ việc liên quan đến lãi suất. Người dân, doanh nghiệp cứ thế mà tham chiếu vào con số 20% đó, không cần quan tâm giai đoạn, thời kỳ nào, thị trường lãi suất lên xuống ra sao để thống nhất lãi vay.

Cản trở tín dụng

Theo nhận định của các chuyên gia, việc giới hạn trần lãi suất cho vay, đặc biệt cố định ở mức 20% sẽ là một cản trở cho hoạt động tín dụng một cách lành mạnh.

Cụ thể, hình thức cho vay tiêu dùng ở nước ta dù mới manh nha phát triển nhưng cũng đã đạt được nhiều kết quả: năm 2014, thị trường đã đạt mức trên 10 tỉ USD và giữ đà tăng trưởng khoảng gần 16%/năm cho đến thời điểm này. Do bản chất của mô hình kinh doanh khác với ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải áp mức lãi suất khá cao, từ 30-60%/năm. Với mức lãi suất này, chắc chắn các tổ chức tín dụng có dịch vụ vay tiêu dùng sẽ bị gán tội “cho vay nặng lãi”. Tuy nhiên, với thủ tục cho vay đơn giản, không cần tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh, hình thức cho vay này vẫn thu hút được một lượng lớn khách hàng cần vốn “nóng”.

Chính việc quy định trần lãi suất cho vay như trong Bộ luật Dân sự sửa đổi 2015, việc tiếp cận tín dụng của một tầng lớp khách hàng sẽ gặp khó khăn hơn. Điều này buộc những người có nhu cầu vay, nhưng không có tài sản đảm bảo sẽ phải tìm đến tín dụng đen với mức lãi suất có thể lên đến 300% - và chắc chắn, hệ thống tín dụng này không bao giờ “giấy trắng mực đen” ghi lên con số thực tế mà khách hàng phải chịu.

Nhiều luật sư cũng cho rằng, việc quy định trần lãi suất là không hợp lý với một thỏa thuận dân sự. Hãy nhìn nhận đơn giản đây là số tiền đi đầu tư của người cho vay, không có tài sản đảm bảo thì lãi suất phải cao để bù đắp cho rủi ro lớn. Tương tự, người đi vay phải chịu lãi suất cao vì họ không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngân hàng. Đây là quan hệ thuận mua - vừa bán.

 

Bảo Sơn

Năng lượng Mới 479