Tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO

07:45 | 08/06/2016

502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất trong doanh nghiệp (DN) nhưng hiệu quả tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện của doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất hạn chế. Vậy nên, mô hình dịch vụ năng lượng ESCO - mô hình kinh doanh dịch vụ năng lượng - của Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO) đang được chờ đợi sẽ tạo những đột phá mới trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của DN.  

Kỳ I: Lời giải cho doanh nghiệp

Một đánh giá gần đây của Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, cường độ sử dụng năng lượng của Việt Nam hiện đang ở mức cao so với các nước phát triển và cả các nước đang phát triển. Nguyên nhân của thực trạng này được chỉ ra là do thiết bị, công nghệ về tiết kiệm năng lượng hiện đang được sử dụng ở Việt Nam là rất lạc hậu. Và nếu khắc phục được tình trạng này thì mỗi năm Nhà nước và DN sẽ tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn, lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

tiet kiem nang luong theo mo hinh esco
Mái che tận dụng ánh sáng mặt trời của Công ty CP Ống đồng Toàn Phát (KCN Phố Nối, Hưng Yên)

Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (giai đoạn 2011-2015) việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng ở DN vẫn chưa đạt kết quả mong muốn. Cả nước mới có khoảng gần 100 nhà máy xây dựng mô hình quản lý năng lượng và hoàn thành dự án cải thiện vận hành. Và cũng chỉ có 15 DN đã thực hiện hệ thống quản lý năng lượng và được nhận chứng chỉ về HTQLNL-ISO 50001. Nguồn kinh phí hạn hẹp khi 5 năm chỉ có 349 tỉ đồng được cấp từ ngân sách được xem là nguyên nhân chủ yết dẫn đến kết quả nghèo nàn này. Nhu cầu về các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường của DN vì thế vẫn rất lớn. Cùng với đó là việc khó khăn trong tiếp cận vốn để triển khai các dự án tiết kiệm năng lương...

Đó là thực tế, là những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp tiết kiệm năng lượng và đó cũng là lực cản đối với những DN có ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông Phùng Đình Thông - Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi, DN chuyên đúc thép hợp kim ở Khu công nghiệp An Xá (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) khi trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề tiết kiệm năng lượng ở DN đã thẳng thắn nêu vấn đề: Là DN thép, sản lượng điện tiêu thụ hằng tháng của công ty rất lớn, lên tới cả tỉ đồng. Vậy nên, tiết kiệm điện luôn được công ty xác định là 1 trong những giải pháp quan trọng để giảm chi phí sản xuất, qua đó giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, vì không có chuyên môn nên việc tiết kiệm điện mới chỉ thực hiện thông qua những giải pháp hết sức đơn giản như dòng bóng đèn tiết kiệm điện, thay đổi công nghệ đốt lò... thì hầu như DN không biết làm gì.

Cũng bởi thực tế trên, từ đầu năm 2012, Bộ Công Thương đã khởi động, hỗ trợ triển khai thực hiện thí điểm Mô hình dịch vụ năng lượng của Công ty ESCO. Đây là mô hình không mới, đã được áp dụng tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới và đã mang lại hiệu quả khả quan.

Mô hình này được hiểu một cách đơn giản là ESCO hay bất kỳ một cá nhân, tổ chứ hay quỹ đầu tư nào sẽ đầu tư toàn bộ các thiết bị, giải pháp công nghệ... tiết kiệm năng lượng tại cơ sở của khách hàng. Và căn cứ vào khoản tiết kiệm chi phí năng lượng thường được cơ sở sử dụng, nhà đầu tư và khách hàng sẽ thỏa thuận thời gian thu hồi vốn sẽ là 5 năm, 10 năm hay 25 năm. Sau khi hoàn vốn xong, toàn bộ thiết bị, giải pháp công nghệ... này sẽ được nhà đầu tư bàn giao lại cho khách hàng quản lý. Ở đây, ESCO sắm vai trò là người kinh doanh trên hiệu quả tiết kiệm được của DN.

Hoặc cũng có thể chính khách hàng bỏ tiền đầu tư và ESCO sẽ sắm vai trò là nhà tư vấn thiết kế, triển khai các giải pháp, thiết bị hạ tầng... và thực hiện việc kiểm toán cho dự án tiết kiệm năng lượng. Trên cơ sở thiết kế, tư vấn triển khai đó, khách hàng sẽ được cam kết về hiệu quả đầu tư và có thể được hỗ trợ giải pháp tài chính khi triển khai dự án. Và tất nhiên, hiệu quả thu lại được sẽ phải đảm bảo đủ để DN chi trả các chi phí cũng như vốn đầu tư. Và như vậy, ESCO sẽ giữ vai trò là người bảo lãnh hiệu quả tiết kiệm năng lượng cho khách hàng.

Như vậy có thể thấy rằng, mô hình ESCO nếu được triển khai áp dụng thì sẽ rất có lợi cho DN. Điều này cũng được ông Huỳnh Văn Phát - Giám đốc khách sạn Đệ Nhất (TP Hồ Chí Minh) khẳng định là sau 3 năm lắp đặt hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời - một trong những giải pháp điển hình của ESCO - đã mang lại lợi ích rất nhiều cho khách sạn. Trước khi áp dụng mô hình này, lượng điện tiêu thụ khoảng 146.000kWh/năm, nay lượng điện tiêu thụ chỉ còn 22.000kWh/năm. Tính ra, khách sạn tiết kiệm được hơn 270 triệu đồng tiền điện/năm.

“Đặc biệt, với hệ thống này, công ty tiết kiệm thời gian và nhân công quản lý so với trước đây (vài tháng phải chia công nhân súc các bình điện đun nước nóng). Hệ thống này được kết nối với buồng điều khiển, khách sạn chỉ cần 1 nhân viên điều khiển toàn bộ hệ thống, từ thu thập đến xử lý và lưu trữ dữ liệu. Qua hệ thống này, mọi biến đổi trong máy móc vận hành đều được lưu lại, để công nhân bảo trì kịp thời, tăng cao tuổi thọ của máy nước nóng” - ông Phát nhấn mạnh.

(Còn tiếp)

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 529