Thí điểm xã hội hóa một số khâu phục vụ sản xuất

11:10 | 17/03/2017

3,972 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và giảm bớt một số khâu trong dây chuyền sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang có chủ trương thí điểm xã hội hóa một số dịch vụ phụ trợ của các đơn vị sản xuất.

Xác định đây là một chủ trương lớn, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thận trọng trong việc triển khai mục tiêu này. Theo đó, trước mắt, Tập đoàn chỉ đạo một, hai đơn vị triển khai áp dụng thí điểm một số dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống tại các khu vực ngoài mặt bằng như: các dịch vụ tại một số khu chung cư tập thể, nhà văn hóa thể thao, khâu nấu ăn ca phục vụ công nhân v.v… Các dịch vụ thuộc từng lĩnh vực có thể được giao cho các đơn vị chuyên nghiệp trong Tập đoàn triển khai theo hướng tập trung hoặc cổ phần hóa, giống như quá trình dịch chuyển từ tự phục vụ đến cổ phần hóa dịch vụ vận tải và đưa đón thợ mỏ do Tập đoàn đã triển khai khá hiệu quả.

Trước đây, các đơn vị đều tự chủ việc đưa đón công nhân, cán bộ của đơn vị mình. Nhiều khi, do không tự chủ được về thiết bị xe máy, hỏng hóc, công nhân nhỡ xe là chuyện thường xuyên xảy ra. Sau khi Công ty Cổ phần Vận tải và đưa đón thợ mỏ được giao là đơn vị chuyên phục vụ vận chuyển công nhân các đơn vị đi làm, đã nâng tính chuyên nghiệp và khắc phục được hoàn toàn những nhược điểm trước đây.

thi diem xa hoi hoa mot so khau phuc vu san xuat

Theo định hướng chung của Tập đoàn về xã hội hóa đầu tư để phát triển ngành than. Đối với khai thác lộ thiên: Thuê bốc xúc, vận tải đất đá bằng ôtô; đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến băng tải chở đất đá, chở than (từ mỏ đến cảng và đến các nhà máy nhiệt điện than trong vùng); thuê khoan, nổ mìn đất đá; thuê làm đường và duy tu đường mỏ. Khai thác hầm lò: Hợp tác đầu tư áp dụng cơ giới hóa khai thác than trong lò chợ; nhận thầu đầu tư khai thác mỏ than; đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến băng tải chở than (từ mỏ đến cảng và đến các nhà máy nhiệt điện than trong vùng); hợp tác đầu tư khai thác, chế biến than ở bể than Đồng bằng sông Hồng.

Sàng tuyển, chế biến than: Đầu tư và vận hành các cụm sàng mỏ có công suất thấp (300-500 nghìn tấn/năm); đầu tư các cụm sàng mini để sàng tuyển tận thu than từ bã xít, thu hồi và chế biến than cám mịn từ bùn của các nhà máy tuyển.

Bảo vệ môi trường, tận thu tài nguyên và tái chế chất thải: Hợp tác đầu tư xử lý tái sử dụng nước thải mỏ cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt; hợp tác đầu tư chế biến vật liệu xây dựng từ xỉ thải của nhà máy tuyển than, khai thác các khoáng sản có ích đi kèm trong các mỏ than; đầu tư xây dựng và vận hành các tuyến đường chuyên dụng chuyên chở than bằng ôtô, v.v...

Đối với các lĩnh vực kinh doanh khác: Hợp tác đầu tư chế tạo các sản phẩm cơ khí phục vụ cho chương trình cơ giới hóa khai thác than, khoáng sản nói chung, nhất là khai thác than hầm lò và an toàn lao động. Thuê gia công các sản phẩm khối lượng nhỏ hoặc đơn chiếc; cung cấp các dịch vụ mang tính thời vụ cho các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Trong quá trình triển khai, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tiến hành sơ tổng kết, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm rồi mới tiếp tục nhân rộng tại các đơn vị khác. Mục tiêu làm sao đạt được là nâng cao tính chuyên nghiệp cho các dịch vụ phụ trợ, để các đơn vị sản xuất tập trung hoàn toàn năng lực vào nhiệm vụ chính của mình trong sản xuất theo đúng các ngành nghề như than, khoáng sản, điện, cơ khí, hóa chất v.v…

Nguyễn Kiên