Tăng giá điện theo giá thị trường là cần thiết

19:30 | 07/12/2017

514 lượt xem
|
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh giá điện theo thị trường cạnh tranh dựa trên các yếu tố đầu vào tăng vừa để tăng thu hút đầu tư vào ngành điện, vừa giúp chính doanh nghiệp tự cân đối, tiết kiệm sản xuất.
tang gia dien theo gia thi truong la can thiet
Ảnh minh họa.

Do tính chất đặc thù là loại nguyên liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống nhân dân nên điện luôn là một trong những lĩnh vực “nhạy cảm” nhất của nền kinh tế. Ngành điện đang phải chịu “khổ”, chịu thua thiệt rất nhiều về cái sự “nhạy cảm” đó, thậm chí có nhiều thời điểm phải chấp nhận “hy sinh” vì mục tiêu phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng điều này không phải ai cũng thấy, ai cũng hiểu và chia sẻ, đồng cảm với ngành điện.

Thực tế, nếu đặt hoạt động kinh doanh trong một bài toán kinh doanh, có tính toán đầy đủ các yếu tố đầu vào, đầu ra thì hẳn mọi người sẽ hiểu cái khó mà ngành điện phải đối diện bao năm nay. Ngành điện không những phải chịu áp lực về chỉ tiêu lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn phải hoàn thành các mục tiêu phát triển hệ thống lưới điện, đáp ứng đủ nhu cầu gia tăng sản lượng điện của nền kinh tế.

Vậy nên, trước những lo ngại về việc điều chỉnh giá điện bình quân tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, làm tăng lạm phát, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là cách nhìn, cách đánh giá rất thiếu công bằng với ngành điện. Việc điều chỉnh giá điện theo thị trường cạnh tranh, dựa trên các yếu tố đầu vào tăng vừa để tăng thu hút đầu tư vào ngành điện, vừa giúp chính doanh nghiệp tự cân đối, tiết kiệm sản xuất.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Bán điện thấp hơn giá thành thì không có nhà đầu tư tư nhân nào đầu tư được. Và điều cần hết sức chú ý là thực tế, giá bán điện cho thép và xi măng thấp hơn là giá bán điện cho người dân. Điều này đặt vấn đề là chính khu vực sử dụng nhiều điện lại có giá điện rẻ nên chúng ta muốn khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm thì phải đưa giá về mức cạnh tranh, buộc họ phải tái cơ cấu, có động lực giảm giá. Không thể bao cấp về giá, điều đó đồng nghĩa không có động lực cải cách.

“Trong 3 năm qua, ngành điện đã cố gắng giữ giá điện để không tăng giá trong nền kinh tế, nếu giữ mãi như thế thì không ai có thể tiếp tục đầu tư vào điện, dẫn đến mất cân đối cung cầu. Nâng giá điện để thu hút nhà đầu tư là điều hợp lý. Nếu lộ trình tăng giá điện không được thực hiện sẽ khiến chúng ta không thu hút được đầu tư mới vào ngành điện, doanh nghiệp sử dụng điện rẻ không cải cách hệ thống dây chuyền công nghệ để tái cơ cấu chi phí, nâng cao hiệu quả... ” - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Lần gần nhất tăng giá điện là tháng 3/2015, tức là cũng đã gần 3 năm. Trong 3 năm đó, năm 2015 lạm phát là 0,6%, năm 2016 là 4,74%, năm 2017 dự kiến là 4%. Như vậy, tính toán nhanh cho thấy giá điện tăng thấp hơn tốc độ tăng giá trung bình của các mặt hàng khác trong nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp sử dụng điện là đầu vào, trong 3 năm qua, giá bán hàng hóa tăng mức trung bình, tức là bằng lạm phát, như vậy, rõ ràng là tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá bán đang giảm”.

TS Nguyễn Minh Phong: "Tăng giá điện thời điểm này là phù hợp bởi gần 3 năm qua, giá điện không tăng, trong khi đó giá đầu vào như than, dầu, tỷ giá hối đoái được điều chỉnh... Việc tăng giá điện nhằm bù đắp việc tăng giá đầu vào là hợp lý, mức này chỉ tương đương với lạm phát".

Hà Lê

  • el-2024