An toàn lao động

Sự sống còn của ngành than

09:31 | 05/10/2017

1,949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
An toàn lao động là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Những nguy cơ gây mất an toàn lao động đòi hỏi ngành than phải thực thi nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục.

Khai thác, chế biến than là lĩnh vực đòi hỏi khắt khe về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Bởi chỉ cần “sai một ly” có thể phải trả giá bằng tính mạng, sức khỏe của người lao động, hơn nữa là sự tồn vong của chính doanh nghiệp. Bởi vậy, trong những năm qua, các đơn vị trực thuộc TKV luôn thực hiện rất nhiều giải pháp cho công tác bảo đảm ATVSLĐ.

Những cuộc kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết các đơn vị TKV đã chủ động thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động trong các đơn vị theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các chuyên gia nhận thấy, nhiều đơn vị huấn luyện chưa đáp ứng yêu cầu, mang tính chiếu lệ. Trong đó, công tác huấn luyện còn tồn tại nhiều điểm yếu, chẳng hạn như khâu chỉnh sửa, bổ sung giáo trình huấn luyện chưa phù hợp với thực tế; một số giáo trình huấn luyện ATVSLĐ cấp công ty và cấp phân xưởng chưa được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp theo điều kiện sản xuất thực tế của đơn vị; nội dung huấn luyện còn nặng về lý thuyết; nhiều quy trình sử dụng vận hành thiết bị chưa được bổ sung các nguy cơ gây mất an toàn và biện pháp phòng tránh… Do vậy, TKV yêu cầu các đơn vị khắc phục tình trạng này, tổ chức soạn thảo giáo trình huấn luyện ATVSLĐ cụ thể theo từng vị trí, địa điểm, đặc thù của từng công việc giao cho người lao động.

su song con cua nganh than
Kiểm tra công tác an toàn lao động tại TKV

Từ thực tế về ATVSLĐ, TKV nhận định: Trong hoạt động khai thác mỏ thời gian tới sẽ vẫn tồn tại những thách thức và nguy cơ gây mất an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp cần sớm có những giải pháp đồng bộ để khắc phục.

Với ngành than, đó là điều kiện khai thác các mỏ hầm lò ngày càng khó khăn do phải xuống sâu, điều kiện địa chất ngày càng phức tạp, nguy cơ bục nước, khí mỏ tăng; chuyển nhanh từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò; yêu cầu về sản lượng khai thác ngày càng tăng nhanh để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Các mỏ khai thác lộ thiên cũng phải xuống sâu trong điều kiện diện tích mỏ không thể mở rộng, bờ mỏ bị hạn chế không gian mở rộng, dẫn đến góc nghiêng bờ mỏ lớn làm cho các thông số của hệ thống khai thác bị hạn chế ở những giới hạn an toàn tối thiểu…

Môi trường lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Ngoài ra còn tác động không nhỏ đến một bộ phận rất lớn người dân sinh sống trong khu vực.

Chính vì những lý do đó, công tác bảo đảm ATVSLĐ, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ đang rất cần sự quan tâm đầu tư và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan. Tăng cường kiểm tra là giải pháp cần thiết để hạn chế thấp nhất những sự cố mất an toàn trong sản xuất.

Trong thời gian qua, Ban An toàn TKV phối hợp cùng các đơn vị tích cực kiểm tra tại nhiều vị trí trọng điểm để tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục những nguy cơ mất an toàn.

Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị kiểm tra chéo để học tập, rút kinh nghiệm lẫn nhau nhằm làm tốt hơn công tác ATVSLĐ, đặc biệt là khắc phục những tồn tại hiện nay như: Chưa thực hiện kiểm soát được đầy đủ quá trình thực hiện nhiệm vụ ở phân xưởng sản xuất và các phòng ban chức năng; việc cập nhật các quy định mới ban hành về công tác kiểm tra tay nghề trong công nhân mới còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót; công tác cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trong sản xuất chưa được thực hiện triệt để…

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tai nạn lao động chết người trong khai thác khoáng sản trong 4 năm gần đây (2013-2016) chiếm 13,2% tổng số người chết vì tai nạn lao động, bên cạnh đó có hàng nghìn người mắc bệnh nghề nghiệp.

Nguyễn Kiên