Quốc hội thông qua Nghị quyết 5 triệu ha rừng

20:07 | 25/11/2011

406 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với tỉ lệ 91,6% đại biểu tán thành, chiều nay 25/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, được triển khai từ năm 19972010. Đồng thời Quốc hội cũng lên kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 20112020…

Theo đó, Quốc hội ghi nhận Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 08/1997/NQ-QH10 thông qua ngày 5/12/1997 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được điều chỉnh theo Nghị quyết số 73/2006/QH11.

Cụ thể, trong giai đoạn 1998-2005, Dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được 763.582ha/1.000.000 ha, đạt 76% kế hoạch. Trong tổng số diện tích trên, đã có 360.000 ha thành rừng. Trong giai đoạn 2006-2010, có tổng cộng 540.000ha thành rừng trên tổng số 922.768ha, rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 253.000 ha và rừng sản xuất đạt 887.365 ha.

Về cơ bản, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã hoàn tất. (Ảnh: Bảo Sơn).

Về trữ lượng rừng, đến năm 2010, trữ lượng gỗ cả nước là 935 triệu m3, tre nứa khoảng 8,5 tỉ cây. Độ che phủ rừng của nước ta tăng từ 32% năm 1998 lên 37,1% năm 2005 và 39,5% năm 2010. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết trong quá trình thực hiện Dự án, giá trị sản xuất lâm nghiệp (chưa tính giá trị của công nghiệp chế biến gỗ) cũng đã tăng từ 2.610 tỉ đồng (năm 2005) lên 7.365 tỉ đồng (năm 2010); kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng từ 236,1 triệu USD (năm 1998) lên 3,55 tỉ USD (năm 2010), tăng cường việc làm, tăng thu nhập cho hàng triêụ lao động tham gia Dự án (người dân có thu nhập từ 6- 10 triệu đồng/ha/năm),…

Đồng ý kết thúc Dự án 5 triệu ha rừng, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 10 năm tới theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia và hàng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện. Có thể nói, trong xu hướng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, Việt Nam được dự báo là nước chịu sự ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng. Phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho đất nước phát triển bền vững lâu dài.

Đồng thời, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như bảo vệ diện tích rừng hiện có, tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng; bảo đảm kinh phí cho việc bảo vệ, phát triển rừng; ổn định quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; đổi mới mô hình quản lý rừng theo chức năng từng loại rừng.

Bên cạnh đó là các biện pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong tạo giống, quản lý, khai thác và chế biến lâm sản để gia tăng giá trị rừng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật cũng như tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc bảo vệ và phát triển rừng, xác định giá trị rừng, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, đáng ứng cơ bản như cầu gỗ, củi và các lâm đặc sản khác cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hữu Tùng