Nói cho sướng miệng thì hay ho gì

09:01 | 02/03/2016

|
Bạn đọc: Trên Facebook (FB) của Cá Vàng, Quang Nguyễn đã viết: “Cụ An Chi bảo rằng: Đến như cách phiên âm của Huình-Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị thì ngay trong câu đang xét: “Sông Tương một dải nông sờ” một chữ dễ hơn là chữ “dải” cũng đã bị tác giả phiên sai thành “dãy”. “Theo tôi, cụ An Chi chỉ nói cho sướng miệng mà thôi! Sao cụ lại không nghĩ đây là lỗi in ấn. Trong tự vị của cụ P.Của, mục từ  DẢI (trang 216 ) và mục từ DÃY (trang 217) được cụ P.Của phân biệt rất rõ ràng, có thấy lầm lẫn chỗ nào đâu? Đề cập đến cổ nhân mà không cẩn thận, dễ gây ra sự mạo phạm ngoài ý muốn! Xin hỏi ông An Chi có ý kiến gì về ý kiến của Quang Nguyễn. Xin cảm ơn ông. Huỳnh Trọng Tín (Bà Chiểu, TP HCM)

Học giả An Chi: Nói cho sướng miệng thì hay ho gì. Vì thế nên chúng tôi mới trả lời cho bạn Quang Nguyễn (2-2-2016, trên FB của bạn Cá Vàng) như sau:

“Bạn Quang Nguyễn, người nghiên cứu nghiêm túc trọng cứ liệu xác thực chứ không nói cho sướng miệng. Nếu đó đúng là lỗi in ấn thì Huình-Tịnh Paulus Của đã cải chính trong phần “Đính ngoa” ở đầu Tome II”.

Bạn Quang Nguyễn không chấp nhận cách trả lời của chúng tôi nên đã viết tiếp (vẫn trên FB của bạn Cá Vàng):

“1- Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với cụ An Chi là: “Người nghiên cứu nghiêm túc trọng cứ liệu xác thực chứ không nói cho sướng miệng”. Vậy thì xin cụ làm ơn công bố ra cái chữ Nôm mà cụ P.Của đọc là DÃY trong câu “Sông Tương một dãy nung sừ” trích từ cuốn tự vị do chính cụ P. Của biên tập.

“2- Một bộ tự vị, tome I, năm 1895, 608 trang + tome II, năm 1896, 596 trang (theo bản in lại của Khai Trí [Saigon] 1974), do một mình cụ P.Của thực hiện mà bảo là không có sai sót trong mục đính ngoa thì quả là chuyện lạ!”.

Chúng tôi thì có ý kiến ngược hẳn với bạn Quang Nguyễn. Ta tuyệt đối không thể biện bạch rằng, vì bộ từ điển của Huình-Tịnh Paulus Của dày đến 1.204 trang nên nếu không có sai sót trong mục đính ngoa thì mới là chuyện lạ. Chơi tài tử thì được chứ làm học thuật nghiêm túc thì không. Chúng tôi chỉ căn cứ vào giấy trắng mực đen để nhận xét theo lệ thường mà thôi. Quyển Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt Bồ La) của A. de Rhodes cũng có nhiều sai sót về chính tả (chữ Việt - so với cách viết của chính tác giả) nên chính A. de Rhodes cũng đã phải làm một bảng “Đính chính” (Errata Dictionarij linguæ Annamiticæ corrige) dài hơn hai trang rưỡi dày đặc mà vẫn chưa nhặt ra hết những chỗ sai. Những chỗ sai sót này, chính A. de Rhodes phải chịu trách nhiệm chứ không phải là ai khác. Nhưng có vẻ như để thách thức, bạn Quang Nguyễn còn đề nghị chúng tôi “công bố ra cái chữ Nôm mà cụ P.Của đọc là DÃY trong câu “Sông Tương một dãy nung sừ”  trích từ cuốn tự vị do chính cụ P.Của biên tập”. Đây cũng là một kiểu thách thức kỳ lạ. Người phải trưng cái chữ Nôm “dãy” đó phải là Paulus Của chứ sao lại là An Chi. Để khẳng định cái sai của Paulus Của, An Chi chỉ căn cứ vào:

- Một là chữ “dải” trong hầu hết các bản Kiều quen thuộc, kể cả bản đã được khẳng định một cách chắc chắn là đã ra đời tại Nam Kỳ, do người Nam Kỳ biên tập. Đó là bản Duy Minh Thị 1872; bản này cũng in chữ “dải” hình thanh gồm có “mịch” [糸] và chữ “đái” [帶].

- Hai là nghĩa của chữ thứ 4 trong câu Kiều thứ 365 (để xem “dãy” hay là “dải” mới thích hợp). Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng “dải” là “khoảng đất hay nước trong thiên nhiên dài, nhưng hẹp” còn “dãy” là “tập hợp gồm những vật cùng loại nối tiếp nhau, cái này cạnh cái kia”.

Cứ như trên thì chữ “dải” mới thích hợp để nói về con sông Tương chứ nhất định không thể là “dãy”. Đó là chúng tôi còn chưa nói đến hiện tượng sau đây. Nếu quan niệm rằng “nung sừ” là một từ tổ chính phụ (“sừ” thêm nghĩa cho “nung”) thì cái nghĩa đang xét phải được gắn với chữ “nung” nhưng ở đây nó lại được đưa vào mục “nung sừ”, một mục phụ của mục “sừ”. Còn nếu quan niệm rằng, đó là một từ tổ đẳng lập thì mục “nung sừ” phải được xếp theo chữ cái N tại mục “nung”. Nhưng ở đây thì lại không như thế. Việc làm không bình thường này của Paulus Của rất dễ gây cho nhà nghiên cứu cái ấn tượng rằng tác giả đã bê nguyên xi hai chữ “nông sờ” của câu Kiều thứ 365 mà ông đọc thành “nung sừ” để làm thành một mục từ cho quyển từ điển của mình.

Bạn Quang Nguyễn lại còn thách thức tiếp:

“Và có lẽ vì cũng nghĩ rằng sông Tương là một con sông lớn nên sau khi phiên hai tiếng đang xét thành “nung sừ” rồi thì nhà từ điển tất phải luận ra rằng đó là “mịt mù”, “mênh mông” cho thuận lý chăng?” (An Chi). Có thật cụ P. Của đã “LUẬN” về ý nghĩa của tiếng ghép NUNG SỪ hay không? Không thấy cụ An Chi đưa ra bằng chứng qua sách từ vị do cụ P.Của biên tập”.

Chúng tôi chỉ nói “có lẽ” chứ đâu có khẳng định nên cũng không cần phải “đưa ra bằng chứng qua sách từ vị do cụ P.Của biên tập”.

Cuối cùng, bạn Quang Nguyễn còn lập luận rằng theo Nguyễn Văn Y, “đặc điểm nổi bật của bộ Đại Nam quốc âm tự vị đối với người Việt ngày nay là nó chứa rất nhiều từ ngữ xưa, có thể rất thông dụng ở thế kỷ XIX, nhưng hiện nay chúng ta không còn nói, viết nữa.” Quang Nguyễn đã đưa thông tin như trên nhưng về nguyên tắc thì điều này tuyệt đối không cho phép bất cứ ai kết luận rằng “nung sừ” là một đơn vị từ vựng cổ của tiếng Việt cũng như Huình-Tịnh Paulus Của không bao giờ sai.

Năng lượng Mới 500