Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên đán

07:00 | 18/02/2015

6,968 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo quan niệm của người Việt từ xưa, ngày đầu năm vui vẻ, tốt đẹp thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn. Dựa trên nhiều kinh nghiệm, điển tích, điển cố, cũng như quan niệm tâm linh, cha ông vẫn thường căn dặn con cháu đặc biệt tránh các việc sau vào ngày đầu năm…

Tránh làm đổ vỡ

Ngày đầu năm để may mắn, vui vẻ mỗi người cũng nên cẩn thận tránh để đổ vỡ đồ đạc trong nhà. “Đầu xuôi, đuôi lọt” những ngày đầu năm thuận lợi thì cả năm cũng hanh thông.

Tuy nhiên, vào những ngày đầu năm đôi khi việc đổ vỡ vẫn xảy ra. Lúc này có thể trấn an người thân trong gia đình rằng tiếng vỡ khá giống tiếng phát. Bát đĩa, đồ đạc rơi cũng là cả năm gia đình làm ăn phát đạt.

Quét nhà

Theo quan niệm của người xưa, quét nhà vào những ngày đầu xuân là quét đi những tài lộc, thì xem như năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất. Vì vậy, mọi người thường chỉ quét nhà nhưng lại không quét ra ngoài cửa. Thay vào đó, vào ngày cuối cùng của năm, mọi người trong gia đình sẽ tổng vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ để đón năm mới.

Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên đán

Kiêng kị trong bài trí nhà

Ngày Tết, nhà cửa thường được quét dọn, lau chùi cho sạch sẽ, nhiều nhà thậm chí bài trí lại phòng khách cho tiện tiếp khách. Nhà cửa được trang trí bằng những chậu hoa, cây cảnh, treo tranh ảnh… cho có không khí Tết. Tuy nhiên, khi bài trí phòng khách cần lưu ý hướng ngồi sao cho hướng ra ngoài để khách cảm nhận được sự hiếu khách của chủ nhà, và chủ nhà cũng không bị bị động khi có khách tới chơi. Bộ bàn ghế tiếp khách nên chọn những bộ có màu sắc tươi sáng, tạo cảm giác sinh khí dồi dào cho năm mới.

Trong ngày Tết, tối kỵ việc treo tranh ảnh có hình thú dữ hay bày binh khí trong phòng khách vì nó mang lại cảm giác sát khí, lạnh lẽo.

Kiêng kỵ trong món ăn ngày Tết

Tùy từng vùng miền mà người dân lại kiêng kỵ những món ăn khác nhau. Tuy nhiên, trong năm mới, người dân 3 cả miền trên cả nước đều kiêng ăn mực, ăn thịt chó vì cho rằng như thế sẽ đen đủi cả năm. Người miền Trung kiêng ăn trứng vịt lộn, cá mè vì sợ đen đủi. Kiêng ăn đu đủ vì nghe như “thù đủ”. Người miền Nam kiêng ăn tôm, ăn cua vì sợ công việc không suôn sẻ, con cái khó dạy bảo. Ngoài ra, người miền Nam kiêng ăn chuối dịp đầu năm do âm chuối đọc chệch thành chúi (chúc xuống chứ không tiến lên), kiêng lê vì sợ lê lết, kiêng cam vì sợ bị oan sai.

Kỵ người xông đất không hợp tuổi gia chủ

Theo phong tục người Việt Nam, người đến xông đất đầu năm cực kỳ quan trọng. Quan niệm truyền thống thì cho rằng người xông đất là người sẽ đem lại may mắn cho gia chủ trong năm mới. Điều đầu tiên, người đó phải hợp tuổi, hợp can chi, hợp ngũ hành với gia chủ, tuyệt đối kỵ người xung tuổi. Bên cạnh đó, kiêng chọn người xông nhà là người có tính cách lầm lì, bủn xỉn, khó tính, “nặng vía”… vì sợ cả năm sẽ nặng nề, không may mắn.

Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên đán

Kỵ mai táng

Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc.

Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng không đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng Chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng Một đầu năm. Trường hợp chết đúng ngày mùng Một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng Hai làm lễ phát tang.

Quà kiêng tặng ngày Tết

Người Việt thường có thói quen tặng quà dịp Tết, tuy vậy không phải món quà nào cũng có thể đem đi biếu dịp này. Chẳng hạn không nên tặng mực, tặng mèo vì theo quan niệm như vậy là mang lại xui xẻo, nghèo túng cho gia chủ.

Kiêng tặng đồng hồ, đặc biệt là với người già vì khiến họ nghĩ rằng thời gian sống còn lại của mình ngắn ngủi. Kiêng tặng hạt tiêu vì sợ mọi thứ tiêu tan, kiêng tặng nước vì như vậy đồng nghĩa với việc đem vận may của mình cho người khác. Kiêng tặng dao, nĩa, kéo vì sợ đem lại sự xung khắc cho gia đình gia chủ.

Không cho lửa, cho nước ngày đầu năm

Lửa đỏ vốn tượng trưng cho sự may mắn, phát tài nên vào ngày đầu năm thì người ta kiêng kỵ chuyện cho lửa bởi chẳng khác nào đem may mắn của mình cho người khác. Vì vậy, ngày đầu năm khi đi chùa thì mỗi người cũng nên chuẩn bị que diêm, bật lửa.

Cùng với lửa thì nước cũng là một phần của ngũ hành. Ông cha ta có câu “tiền vào như nước” nên đầu năm cho nước cũng chẳng khác nào mất tài, mất lộc.

Tránh cãi vã ngày đầu năm

Đầu năm dù là những người đã có cãi vã, xích mích từ trước thì cũng tránh va chạm gây bất hòa. Trong gia đình mọi người cũng vui vẻ, giữ hòa khí để cả năm vui vẻ, đoàn kết. Những ngày này dù trẻ nhỏ có nghịch ngợm, phạm lỗi thì người lớn cũng chỉ cười xòa bỏ qua, tránh mắng mỏ, lớn tiếng.

Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên đán

Không vay mượn

Ngày đầu năm người Việt kiêng kỵ cả chuyện đi vay hay đi đi đòi nợ, trả nợ. Mọi khoản nợ đều được thanh toán vào năm cũ nếu không kịp thì cũng phải để qua dịp đầu năm. Cho vay ngày đầu năm chẳng khác nào đem tiền tài đi cho người khác. Đòi nợ ngày đầu năm cũng khiến người đòi mệt mỏi và người bị đòi thì ảnh hưởng đến tài lộc may mắn.

Kiêng xõa tóc

Ở vùng quê Việt Nam và một số gia đình gốc Hoa, người ta kỵ việc xõa tóc của các thiếu nữ. Họ cho rằng tóc xõa rũ rượi gợi lên liên tưởng đến những hình ảnh ma quái, cõi âm. Vì vậy, tốt nhất, vào những ngày này, phụ nữ nên chọn các kiểu tóc buộc, tết, kẹp gọn gàng khi ra đường.

Kiêng mặc quần áo màu đen (hoặc trắng)

Theo quan niệm của người xưa, màu đen và trắng là màu của tang lễ, chết chóc. Thay vào đó nên mặc đồ màu hồng, đỏ, vàng, xanh… tạo nên sự phấn khởi và vui vẻ để đón chào năm mới.

Cúc Anh (tổng hợp)