Nhà nhiếp ảnh Dầu khí

06:55 | 21/02/2018

1,122 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu là độc giả thường xuyên của những tờ báo, tạp chí chuyên ngành Dầu khí… hẳn bạn đã quen thuộc với tác giả Bùi Minh Trí. Hẹn hò mãi rồi cuối cùng mới gặp được anh và để có được cuộc hẹn ấy tôi cũng phải ủ mưu từ vài tháng trước, bởi cũng như phần lớn CBCNV đang công tác, cứ hễ nghe nói viết về mình là ngại và tìm cách chối từ. 

Cứ tưởng người đàn ông “ăn sóng, nói gió, ngó mây, liếc trăng”, có vẻ ngoài rất phong trần, “hầm hố” nhưng khi trò chuyện, tôi khá bất ngờ vì phong cách nói chuyện của anh vô cùng dí dỏm, gần gũi nhưng lại tinh tế, uyên thâm như một cụ đồ nho, mạch lạc, chuẩn mực, lịch lãm như một nhà giáo.

nha nhiep anh dau khi

Ngoài chuyện công việc chuyên môn, suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, câu chuyện của chúng tôi lại xoay quanh đến niềm đam mê tay trái của anh - nhiếp ảnh.

PV: Anh đến với với nhiếp ảnh từ lúc nào? Vì sao anh lại say mê và gắn bó với nó?

nha nhiep anh dau khi
Nhà nhiếp ảnh Dầu khí Bùi Minh Trí

Nhà nhiếp ảnh Bùi Minh Trí: Cơ duyên bắt đầu cách đây đã hơn chục năm, trong một lần đi chơi với bạn bè tôi đã trúng thưởng máy ảnh Canon 450D. Bỗng nhiên được quà, nó khiến tôi tò mò và bắt đầu say mê từ đó. Chưa có kiến thức cơ bản nên học đến đâu chụp đến đó. Tôi chụp tất cả những gì lọt vào tầm ngắm, từ trong nhà ra phố, từ phố về nhà… Bắt vợ, con làm mẫu riết nên cứ thấy tôi là né. Cũng may tôi có nuôi vài chú chó, chim nên chúng trở thành mẫu ảnh dễ thương nhất của tôi từ thuở sơ khai.

Mới đầu tôi tưởng chỉ là thú chơi giải trí, nhưng không ngờ càng chụp càng thấy đó là niềm đam mê không từ bỏ được, kiểu như trúng phải lưới ái tình. Tôi nghĩ mình có duyên với nhiếp ảnh, thế là dấn thân.

Ban đầu cũng gặp khó khăn vì không có kiến thức cơ bản nên phải đầu tư thời gian, công sức cho việc học. Tôi học từ sách vở, học từ bạn bè, từ các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên mà tôi yêu thích. Cũng may vì đam mê nên “khó khăn nào cũng vượt qua”.

PV: Từ khi vào nghề đến nay, chỉ tính riêng chụp ảnh về giàn khoan, về người lao động anh đã có hàng trăm bức và với chủ đề này, anh đã nhận được nhiều giải thưởng, được giới chuyên môn đánh giá cao, vậy với anh, kết quả này có đủ so với mong đợi của anh chưa?

nha nhiep anh dau khi

Nhà nhiếp ảnh Bùi Minh Trí: Với tôi, bây giờ hay sau này, nó chưa bao giờ là đủ. Tôi tham gia cuộc thi nhưng không đặt nặng chuyện giải thưởng, bởi tôi xem đó như là một cuộc dạo chơi để từ những nhận xét của khán giả, của giới chuyên môn, nhìn vào những bức ảnh của người khác tôi có thêm kinh nghiệm và kiến thức cho mình. Và một mục đích khác nữa là thông qua cuộc thi, tôi muốn giới thiệu về Vietsovpetro, về những công trình biển và những người làm dầu khí. Bởi đó là điều khiến tôi kiêu hãnh, tự hào.

32 năm đi biển, nghĩa là tôi có 16 năm ròng sống ở giàn khoan. Với “gia tài” là gần 300 lần đổi ca, nhưng lần nào cũng thế, vẫn cảm thấy bâng khuâng khi máy bay bay qua thành phố, vui khi nhìn thấy những giàn khoan hiện ra bên ô cửa máy bay, vẫn háo hức đón ánh bình mình, sẵn sàng đợi hàng giờ để ngắm cảnh hoàng hôn trên biển, vẫn hồi hộp khi đồng nghiệp thao tác những công việc khó khăn, nguy hiểm và vui sướng khi gặp lại nhau sau nửa tháng nghỉ ca… Với tôi, chủ đề giàn khoan vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận. Tất nhiên khi được giải tôi cũng rất vui vì sự đam mê của mình được đón nhận và ở một khía cạnh khác nó cũng có ích cho đời.

nha nhiep anh dau khi
Khảo sát chân đế - là quá trình đo đạc nhiều thông số của chân đế, độ ăn mòn kim loại, tìm những mối nguy hiểm nếu có trong quá trình sử dụng để đưa ra những cảnh báo và kế hoạch bảo dưỡng duy tu chân đế

PV: Bức ảnh “Phút giải lao” để lại nhiều cảm xúc trong lòng người xem. Nó cho mọi người thấy được khoảnh khắc khi mà chúng thực nhất và những bức ảnh như vậy đã cho thấy người chụp có một độ nhạy cảm hiếm có. Anh có thể kể cụ thể xung quanh câu chuyện này không?

Nhà nhiếp ảnh Bùi Minh Trí: Về bức ảnh “Phút giải lao” thì bối cảnh chụp là khi các công nhân đang thực hiện việc súc rửa bình tách nước D1 tại giàn công nghệ trung tâm số 2. Đây là công việc đặc biệt vất vả và nguy hiểm (vì trong bình có khí độc, nóng bức, ngột ngạt, tối, bẩn…). Ảnh chụp khi người công nhân mới từ trong bình chui ra. Để bắt được khoảnh khắc thật tự nhiên tôi phải đứng từ xa, dùng ống kính dài, chụp trong điều kiện thiếu sáng, không được dùng đèn và không gian chụp rất hạn chế nên rất khó thao tác. Kinh nghiệm cho biết, phải chụp đúng lúc người công nhân chui từ bình ra và bắt đầu trao đổi với người ở trên. Rất may hôm đó người đồng nghiệp mang theo bình nước và tiếp nước cho anh bạn mới lên. Giữa họ đã có những giây phút rất hào hứng khi vừa uống nước vừa trao đổi công việc. Người xem có thể cảm nhận được niềm vui qua ánh mắt, nụ cười và cử chỉ của họ…

nha nhiep anh dau khi
Bình minh trên mỏ Bạch Hổ

Ca đó có thể nói tôi gặp may, vì công việc này không diễn ra thường xuyên, mà 3 năm mới thực hiện 1 lần. Vậy nên khi nắm được thông tin tôi đã chủ động bố trí góc máy và chờ sẵn, vì mỗi ca chui vào bình khoảng 10 phút. Và quan trọng khi chụp những ảnh như vậy là phải chụp xa đối tượng để không làm mất tính tự nhiên nên đòi hỏi phải có những điều kiện kỹ thuật nhất định. Tuy bức ảnh này không có gì đặc biệt về ánh sáng, bố cục, nghệ thuật... nhưng cũng là một trong số bức ảnh tôi hài lòng vì nó bắt được khoảnh khắc đẹp của người lao động trong phút giải lao dưới hầm máy. Nó cũng là một trong số ảnh đoạt giải, được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển lãm ở nhiều tỉnh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập.

nha nhiep anh dau khi
Những người thợ dầu khí biển

PV: Tôi rất thích những tác phẩm: “Chú Cào Cào bên ô cửa máy bay”, “Khi đàn chim bay qua”, “Nước Nga không ở đâu xa”, “Bạch Hổ về đêm”, “Tim biển”… Những bức ảnh ấy gây rất nhiều cảm xúc, lãng mạn như một bài thơ bằng ảnh vậy. Rồi có những bức ảnh anh chú thích bằng thơ cũng rất hay… Vậy ngoài công nghệ thông tin, nhiếp ảnh anh còn đam mê lĩnh vực nào nữa không?

Nhà nhiếp ảnh Bùi Minh Trí: Ồ, như tôi đã nói, tôi là kẻ thích đủ thứ. Tôi thích “hầm bà lằng” từ nghiên cứu kinh dịch, văn hóa dân tộc, ngôn ngữ, hát đối, dân ca, hát xẩm, phượt Caravan, chơi thủy sinh, dạy chó, nuôi chim và cả viết truyện cười, làm thơ nữa.

nha nhiep anh dau khi

PV: Thơ anh thường viết về đề tài gì?

Nhà nhiếp ảnh Bùi Minh Trí: Tùy từng giai đoạn. Trẻ thì thích viết thơ tình. Lúc có vợ con rồi thì triết lý. Ra giàn thì viết về tâm tình người đi biển hoặc là một sự kiện, khoảnh khắc nào đó khiến tôi xúc động. Tuy nhiên, tôi viết xong rồi để đó như những kỷ niệm cảm xúc một thời, tôi không gửi cho ai cả.

nha nhiep anh dau khi

PV: Tự nhận mình có nhiều đam mê, chẳng hạn theo nghề nhiếp ảnh, anh thấy mất hay được nhiều hơn? Anh có điều gì tâm đắc nhất về niềm đam mê của mình?

Nhà nhiếp ảnh Bùi Minh Trí: Nhiếp ảnh đã mang lại rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống của tôi. Nghề này giúp tôi chỉ nhìn thấy cái hay, cái đẹp và tuyệt nhiên không bị ảnh hưởng bởi những cái xấu, cái tiêu cực xung quanh. Tôi lang thang qua các giàn đã 32 năm nhưng chưa hề bị áp lực. Với tôi Bạch Hổ là quê hương thứ 2, còn Giàn Công nghệ Trung tâm số 2 - nơi tôi đã gắn bó 20 năm là ngôi nhà thứ 2 của mình. Ngoài ra, nhiếp ảnh cho tôi có thêm nhiều bạn bè trong mỗi chuyến đi, đã mang đến cho cuộc sống của tôi những trải nghiệm thú vị đằng sau những bức ảnh. Với nhiếp ảnh tôi không mất gì cả, thời gian dành cho nhiếp ảnh là những khoảng thời gian đáng giá.

PV: Sở hữu khá nhiều giải thưởng, đặc biệt gần đây nhất là chùm ảnh “Bạch Hổ - Nghị lực và ý chí” đã đạt giải Nhất về ảnh bộ do Zing.vn tổ chức, vượt qua hàng nghìn bức ảnh khác để dẫn đầu cuộc bình chọn và được giới chuyên môn đánh giá cao, vậy anh đã hài lòng chưa? Dự định sắp tới của anh là gì?

Nhà nhiếp ảnh Bùi Minh Trí: Như tôi đã nói, tôi vốn thích tự do nên không buộc mình vào bất cứ mục tiêu nào cả. Tuy nhiên, đã đam mê thì sẽ làm thật tốt thứ mình thích và không bao giờ tự hài lòng với bản thân. Tôi vẫn nghĩ rằng, “con người hôm nay là lịch sử của ngày mai”, nên tôi chụp những gì diễn ra trước mắt mình, chụp những thứ bình dị và gần gũi nhất.

nha nhiep anh dau khi

Có những tấm ảnh chụp cách đây đã lâu, lúc đó tôi thấy nó bình thường nhưng bây giờ lần giở ra xem lại thấy nó vô cùng quý giá. Từ đó tôi muốn qua tấm ảnh, người già sẽ nhớ về một thời tuổi trẻ, hay nói văn hoa là chạm vào miền ký ức. Còn người trẻ lại hiểu thêm, kết nối với quá khứ bởi có rất nhiều những hình ảnh hiện lên trong ống kính hôm nay rồi một ngày nào đó có thể sẽ không còn. Vài trăm năm nữa biết đâu, những thứ bây giờ như những giàn khoan hùng vĩ ngoài kia lại sẽ không còn tồn tại, mỏ Bạch Hổ - “Thành phố nổi” lại trở về thuở vốn rất hoang sơ.

PV: Cảm ơn anh đã có buổi trò chuyện và chia sẻ rất thú vị. Cảm ơn nhiếp ảnh đã dạy cho chúng ta: Chỉ nhìn vào cái đẹp. Chúc anh có thêm nhiều bộ ảnh đẹp!

(Ảnh do tác giả Bùi Minh Trí cung cấp)

Hoàng Anh Phương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.