Ngành than quyết tâm vượt qua khó khăn

17:07 | 02/08/2015

2,077 lượt xem
|
Ngày 2/8, mưa lũ lớn tiếp tục kéo dài trên diện rộng tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tập trung chủ yếu tại Hạ Long và Cẩm Phả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)

Thiệt hại nặng nề

Đợt mưa lớn kỷ lục trong vòng 40 năm qua từ ngày 26 đến 31/7/2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (đặc biệt hai ngày 26 và 27/7 lượng mưa lên trên 800 mm tại nhiều nơi ở Hạ Long, Cẩm Phả) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của TKV. Tình hình mưa lũ đến nay vẫn diễn biến phức tạp, chiều tối, đêm 1/8/2015 và rạng sáng 2/8/2015, vẫn có mưa lớn ở nhiều nơi. Lượng mưa đo được tại Hạ Long và Cẩm phả trên 100 mm.

Ngành than quyết tâm vượt qua khó khăn
Máy xúc khai thông dòng chảy tại Công ty CP Than Mông Dương

Theo thống kê thiệt hại trong ngày hôm nay tại các mỏ hầm lò của TKV, lượng nước trong lò tăng đột biến đã làm ngập mỏ từ mức -175 đến -150 mét mỏ than Ngã Hai, toàn bộ diện sản xuất từ mức -250 đến trên mức -97 mét mỏ than Mông Dương ngập nước và mặt bằng mỏ bị mưa lũ cuốn hư hỏng nặng.

Các mỏ hầm lò khác, lượng nước trong lò đều gia tăng với lưu lượng lớn (khu vực Bắc Bàng Danh Công ty than Hòn Gai bị ngập nước, một số công trường của Công ty than Dương Huy, Hạ Long cũng bị ảnh hưởng nặng,...). Bùn đất đã tràn lấp mặt bằng các mỏ Giáp Khẩu (Công ty than Hòn Gai) và một số khu vực khác,... Hiện tại, Mỏ Mông Dương là đơn vị chịu hậu quả nặng nề nhất của mưa lũ. Công tác cứu mỏ đang được tích cực triển khai, tập trung bơm ngăn nước dâng (dự kiến sẽ phải mất 3 - 5 tháng để có thể đưa mỏ Mông Dương quay trở lại sản xuất).

Tại các mỏ lộ thiên, mưa lớn gây sạt lở nhiều hệ thống tầng, bờ moong mỏ, vỡ mương thoát nước, ở các Công ty Hà Tu, Núi Béo, Đèo Nai vùi lấp 03 máy xúc, 02 máy khoan xoay cầu; hệ thống đường giao thông nội bộ mỏ bị chia cắt, bùn đất chảy vào moong khai thác khoảng 1,0 triệu m3; bùn đất vùi lấp khu vực máng ga Lộ Phong và kho than 9 của Công ty than Hà Tu. Bùn đất chân bãi thải Đông Cao Sơn trôi lấp đầy đập khu vực suối H10 và suối 9.8 làm bồi lấp mặt bằng +48 Công ty 790 - Tổng công ty Đông Bắc, mặt bằng +7.5 Công ty than Mông Dương, khu dân cư số 4 phường Mông Dương,...

Tại các đơn vị sàng tuyển, kho vận, một số kho than của các đơn vị do mưa lớn làm tràn tường chắn, vỡ đê bao chân, ngập úng; lượng than bị cuốn trôi mất chưa xác định được cụ thể, nhưng theo ước tính ban đầu đến hàng ngàn tấn.

Tại một số đơn vị khác, nước và bùn đất đã vùi lấp 04 máy khoan địa chất, 05 xe ô tô, 03 trạm xử lý nước thải và một số công trình nhỏ khác. Lượng than bị trôi, lấp trong nội bộ, có thể thu hồi được nhưng ẩm và lẫn nhiều tạp chất, giảm phẩm cấp. Mưa cũng gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống vận chuyển than làm chia cắt, ngừng trệ, ách tắc hàng chục km tuyến đường vận chuyển than chuyên dụng với khối lượng đất đá phải xử lý khoảng 200.000 m3. Đáng kể như tuyến đường sắt vận chuyển than vùng Hạ Long, Cẩm Phả bị hư hỏng nặng.

Bên cạnh đó, hệ thống suối thoát nước của hầu hết các đơn vị bị bồi lấp, kè chắn bị hư hỏng; một số đập chắn rọ đá bị hư hỏng nặng. Toàn Tập đoàn đến thời điểm hiện nay không có thiệt hại về người. Tuy nhiên thiệt hại về tài sản, vật chất và chi phí do ngừng sản xuất, để khôi phục sản xuất là rất lớn.

Theo thống kê ban đầu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, tổng thiệt hại dự kiến tại thời điểm 31/7/2015 lên đến 1.000 tỷ đồng và có thể tăng cao hơn nếu thời tiết còn diễn biến phức tạp. Đồng thời các ngày cuối tháng 7 phải ngừng sản xuất làm giảm sản lượng than sản xuất, tiêu thụ trên 0,5 triệu tấn.

Tất cả vì Quảng Ninh

Ngành than quyết tâm vượt qua khó khăn
Các lực lượng binh chủng, hải quân đắp bao cát bảo vệ Trạm biến áp Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương

Để ứng cứu với mưa lũ lớn đặc biệt nghiêm trọng này, TKV đã dừng mọi hoạt động sản xuất than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để tập trung vào phòng chống mưa lũ, xử lý sự cố, khắc phục hậu quả mưa lũ. Tập đoàn sẽ nỗ lực cao nhất để đảm bảo an toàn và khôi phục sản xuất ngay sau khi điều kiện cho phép để tiếp tục bốc xếp, sản xuất than cho điện (Dự kiến sau khi hết mưa khoảng 4-5 ngày sẽ bắt đầu khôi phục khoảng 30-50% năng lực và sẽ ưu tiên số 1 cung cấp than cho NĐ Duyên Hải 1, tiếp theo là Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng...).

Các bên đã trao đổi, thống nhất lập phương án, triển khai sử dụng than Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê và than pha trộn cho sản xuất điện của các nhà máy điện phía Nam. Chiều 31/7, TKV đã triển khai phương án pha trộn để cấp than cho NĐ Vĩnh Tân 2 và chuyển tải than cấp cho NĐ Duyên Hải 1.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tại Quảng Ninh tiếp tục có mưa to, mưa rất to trong vài ngày tới.

Để ứng phó với các đợt mưa lũ trong những ngày tới, hiện các đơn vị TKV đang tiếp tục bố trí thiết bị, nhân lực khắc phục hậu quả với tinh thần cao nhất; 24/24 ứng trực tại các vị trí xung yếu đề phòng mưa to tiếp theo; phối hợp với địa phương sẵn sàng di dời dân cư tại các vị trí có nguy cơ cao.

Đồng thời, tranh thủ thời tiết sửa chữa các tuyến đường vận chuyển than và hệ thống tiêu thụ để sớm cấp than trở lại cho các hộ tiêu thụ; tăng cường bơm nước, củng cố khai trường, sửa chữa thiết bị để khôi phục sản xuất trong thời gian ngắn nhất.

Trước đó, ngày 31/7, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh kiên quyết không được để người dân thiếu đói và phải phòng ngừa tốt bệnh tật sau lũ lụt; xem xét cụ thể quy hoạch dân cư một số vùng nguy cơ về sạt lở cao trên địa bàn tỉnh như tại một số thôn, bản vùng sâu hay tại các bãi đổ thải than. Đồng thời tỉnh cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết để sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra.

phó thủ tướng, chỉ đạo, quảng ninh
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra bãi thải tại Công ty CP Than Hà Tu (ảnh Báo Quảng Ninh)


Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý với các đề nghị của tỉnh Quảng Ninh và yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương tích cực vào cuộc cùng với Quảng Ninh nhanh chóng giải quyết những hậu quả do mưa lũ gây ra. Đồng chí giao Bộ GTVT vào cuộc hỗ trợ tỉnh các vấn đề liên quan đến giao thông; Bộ Công Thương chỉ đạo ngành Điện đảm bảo nguồn điện cho tỉnh và chỉ đạo TKV tăng cường công tác về an toàn hầm lò, xem xét các khu vực nguy hiểm có khả năng xảy ra sự cố để sớm giải quyết, ngành Than cần nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Ngành Y tế đảm bảo thuốc hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, Bộ Tài chính cần sớm tập hợp tất cả các yêu cầu của Quảng Ninh để trình Chính phủ giải quyết kịp thời, đặc biệt, tập trung giải quyết vấn đề về hạ tầng mà tỉnh đã đề nghị.

Thủ tướng chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ Thủ tướng chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ
Mưa lớn kéo dài, nhiều tỉnh phía Bắc ngập trong biển nước Mưa lớn kéo dài, nhiều tỉnh phía Bắc ngập trong biển nước
Quảng Ninh: Còn 281 khách hàng chưa được cấp điện trở lại sau mưa lũ Quảng Ninh: Còn 281 khách hàng chưa được cấp điện trở lại sau mưa lũ
TKV thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng do mưa lũ TKV thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng do mưa lũ
Các đơn vị TKV nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ Các đơn vị TKV nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ
TKV chủ động ứng cứu, phòng chống mưa lũ TKV chủ động ứng cứu, phòng chống mưa lũ

Nguyễn Kiên

Năng lượng Mới

  • el-2024