Ngành điện “đi trước một bước”

14:23 | 08/02/2017

2,443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện trong năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải đối diện với một loạt khó khăn, thách thức do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế tăng mạnh, áp lực nâng cao chất lượng hệ thống điện, đầu tư mở rộng nguồn và lưới điện tăng cao… Tuy nhiên, khép lại năm 2016, theo đánh giá chung, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo mục tiêu “đi trước một bước” theo đúng định hướng mà Đảng, Chính phủ đã đặt ra.

Cung ứng đủ điện

Năm 2016, EVN bước vào thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện trong bối cảnh các hồ thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên thiếu hụt nghiêm trọng, nhiều hồ thủy điện mực nước dưới trung bình. Tình hình này tiếp tục duy trì trong suốt 6 tháng đầu năm 2016 do tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino, thậm chí là trầm trọng hơn khi theo báo cáo 3 tháng đầu năm 2016 của EVN thì “do tác động của hiện tượng El Nino nên việc tích nước của các hồ thủy điện trên toàn quốc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các hồ thủy điện từ địa bàn Thanh Hóa trở vào. Lượng nước thiếu hụt so với trung bình nhiều năm lên tới 40-60%”. Và theo tính toán của EVN, sự thiếu hụt này sẽ khiến sản lượng điện của Tập đoàn thiếu hụt khoảng 5 tỉ kWh. Trong khi đó, các hồ thủy điện vẫn phải thực hiện và đảm bảo đầy đủ nguồn nước phục vụ nông nghiệp và dân sinh vùng hạ du.

nganh dien di truoc mot buoc

Khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện của ngành điện càng lớn hơn khi trong năm 2016, diễn biến thời tiết có chiều hướng phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống điện quốc gia. Hiện tượng băng giá ở miền Bắc trong những ngày đầu năm 2016, lũ lụt ở miền Trung và một số tỉnh Đông bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng… khiến hệ thống điện thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, giá điện năm 2016 tiếp tục được duy trì, không được điều chỉnh tăng; nhiều dự án nguồn và lưới điện gặp khó do vướng mắc giải phóng mặt bằng, nguy cơ không đảm bảo tiến độ đề ra; thị trường tài chính có nhiều biến động; thuế tài nguyên nước, môi trường rừng… tăng khiến áp lực đầu tư, mở rộng hệ thống điện của ngành điện càng nhân lên gấp bội.

Mặc dù phải đối diện với vô vàn khó khăn, nhưng khép lại năm 2016, ngành điện đã cung cấp đủ điện, ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của đất nước và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, hệ thống điện vận hành liên tục, tối ưu, có dự phòng. Có được kết quả này, ngay từ cuối năm 2015, xác định những khó khăn, thách thức sẽ phải đối diện trong năm 2016, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung mọi nguồn lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; Hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng để đưa vào vận hành các dự án nguồn và lưới điện theo đúng tiến độ; Tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và xây dựng thị trường điện bán buôn; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động để sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, cân bằng tài chính.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu gia tăng phụ tải điện tiêu thụ của nền kinh tế cũng như nâng cao chất lượng cung ứng điện, EVN đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến độ cho từng dự án để làm cơ sở giám sát theo dõi thực hiện. Ưu tiên bố trí đủ vốn cho các công trình trọng điểm, các công trình phải hoàn thành trong năm. Các ban quản lý dự án làm việc với các nhà thầu, xây dựng kế hoạch chặt chẽ về tiến độ thi công, biện pháp đảm bảo nhân lực, thiết bị thi công… đôn đốc và giám sát chặt chẽ đối với các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị. Tổ chức giao ban thường xuyên hằng tuần, hằng tháng của các dự án để điều hành và quản lý tiến độ công việc và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại hiện trường...

“Chia lửa” với ngành điện

Điện phải “đi trước một bước” là định hướng và cũng là nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đặt ra cho ngành điện. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng điện bình quân 10,5-11%/năm thì nhiệm vụ “đi trước một bước” này của ngành điện đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Đặc biệt, theo Quyết định 428/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII), đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000MW, nghĩa là trong thời gian tới cần đưa thêm 21.650MW vào lưới điện quốc gia. Và theo ước tính của Viện Năng lượng, để hoàn thành mục tiêu này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các nhà máy điện sẽ vào khoảng 30 tỉ USD. Còn nếu tính cả việc đầu tư lưới điện truyền tải thì tổng nhu cầu vốn sẽ lên tới 40 tỉ USD.

Việc đảm bảo cung ứng điện của EVN sẽ tiếp tục đối diện với một loạt các vấn đề khó khăn như nhu cầu điện tăng trưởng nóng; các yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất kinh doanh điện biến động khó dự báo trước; nhu cầu vốn rất lớn cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cho hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật so với khả năng tự cân đối của Tập đoàn; Các hiện tượng biến đổi môi trường và khí hậu cực đoan có thể tác động xấu, thường xuyên hơn tới sản xuất, kinh doanh điện…

Theo Chủ tịch EVN Dương Quang Thành, trong giai đoạn 2018-2019 có khả năng thiếu điện ở miền Nam do nhu cầu phát triển điện ở miền Nam vẫn tăng cao, trong khi một số dự án điện như là điện than thì chậm tiến độ. Cho nên có nguy cơ thiếu điện trong các năm này. Trước tình hình như vậy, Thủ tướng đã có cuộc họp với các bộ, ngành, EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thảo luận các giải pháp cung ứng điện. Trong đó có các giải pháp cấp bách và giải pháp lâu dài. Giải pháp cấp bách là xem xét đầu tư đường dây tải điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam để tập trung nguồn điện vào miền Nam. Thứ hai là tập trung đầu tư các nguồn năng lượng mới tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ các dự án này, để đảm bảo cung cấp điện cho giai đoạn 2018-2019. Đồng thời với 2 phương án trên, thì việc đầu tư, đảm bảo các nguồn điện tại chỗ tại khu vực miền Nam phải đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành.

Với các dự án đang xây dựng, EVN đã thu xếp đủ vốn, trong đó có các nguồn vốn trong nước, nước ngoài đã ký hợp đồng vay, giải ngân theo đúng tiến độ đầu tư xây dựng. Còn các dự án mới thì Tập đoàn cũng đang xây dựng các phương án huy động vốn, chẳng hạn như Dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, rồi Trung tâm Điện lực Tân Phước và một số dự án khác thì ngoài vốn Tập đoàn cân đối, EVN cũng đang xây dựng phương án huy động vốn nước ngoài. Và hiện các ngân hàng thương mại trong nước cũng đồng ý cho EVN vay vốn đầu tư các dự án này.

Nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới hết sức nặng nề. Và để đảm bảo mục tiêu “đi trước một bước”, bên cạnh sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm tự thân, ngành điện rất cần sự cộng tác của xã hội và nền kinh tế trong việc triển khai phát triển, mở rộng hệ thống điện.

Thanh Ngọc

Số Xuân 2017