TS Vũ Thế Khanh lý giải bản chất của phong thủy

19:27 | 12/01/2014

15,592 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ trước đến nay, nhiều người hiểu về phong thủy theo những khái niệm rất mù mờ, mang nặng màu sắc tâm linh, thậm chí là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, phong thủy thực chất là một bộ môn khoa học vô cùng thú vị. Yếu tố địa lý và môi trường tự nhiên tạo ra hiệu ứng phong thủy làm ảnh hưởng đến công trình môi trường sống và con người. Hiểu và điều khiển được quy luật tương tác đó sẽ tạo ra được nhiều hiệu ứng tích cực cho con người.

 

Phong thủy là âm Hán Việt, dịch ra là gió và nước. Thuật phong thủy tức là nghệ thuật điều khiển và sử dụng tính năng của gió và nước. Đây cũng là một môn khoa học nghiên cứu hiệu ứng của thủy khí động học.

Tại sao công trình lại sinh ra hiệu ứng phong thủy?

Bạn hãy tưởng tượng thế này: Nếu không có nhà cửa chặn hướng lưu thông thì gió cứ thổi, nước cứ trôi theo quy luật tự nhiên, không có gì đột biến bất ngờ, nên không gây ra hiệu ứng. Nhưng khi ta xây dựng công trình (dù to hay nhỏ) thì nó cũng sẽ là vật cản, tạo ra hiệu ứng dòng xoáy và như vậy sẽ tạo ra thế năng phong thủy.

Trước hết, chúng ta đề cập đến hình thế của đất. Đất nền chỗ cao chỗ thấp tạo thế năng cho nước. Nước chảy từ trên cao xuống thấp thành dòng năng lượng do chênh lệch thế năng. Gió sẽ thổi từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp, khi gặp các vật cản lớn bé, rộng hẹp khác nhau thì cũng tạo ra các xung lực khác nhau.

Bố trí xây dựng nhà cửa khoa học sẽ giúp chủ nhân có sức khỏe tốt

Đối với công trình thủy điện, khi ta xây đập để chắn dòng chảy, nước sẽ tự nhiên dâng lên và tạo thành thế năng rất cao. Vật kiến trúc cũng thế, cũng sẽ tạo sự chênh lêch hiệu ứng dòng khí giữa “thượng lưu và hạ lưu” của công trình. Khi một dòng chảy bị một vật ngăn cản sẽ tạo ra một “bước nhảy” về thế năng, bước nhảy càng lớn thì hiệu ứng càng lớn. Và chính thế năng đó sẽ chuyển thành động năng của dòng đối lưu.

Chính vì thế, địa hình địa vật xung quanh liên quan mật thiết đến thuật phong thủy. Các cụ ta thường xây dựng nhà cửa theo thế đối “tọa sơn, đạp thủy”, đó là một trong những thế chuẩn, thế thuận (lưng tựa vào núi, chân nhìn về phía dòng sông).

Núi tượng trưng cho sự vững chãi, kín đáo để che chắn, lại không bị dòng xoáy đối lưu ở phía sau làm ảnh hưởng. Thủy (là sông nước) ở phía trước thì vừa mát mẻ, tầm nhìn được phong quang, tượng trưng cho sự lưu thông, khoáng đạt. Nếu quay lưng xuống nước thì hở lưng, đầu lại cắm vào vách núi thì bị chặn, rất bất lợi.

Con người có 3 thể: thể hồn, thể vía và thể phách. Nếu khi ta ngồi mà phía sau bị trống trải, cho dù ta không nhìn ra phía sau thì cơ thể ta vẫn tự động phòng bị phía sau. Như vậy ta không thể tập trung toàn bộ nguồn năng lượng tâm thức cho phía trước, dẫn đến hiệu ứng thể vía sẽ bị phân tán mất năng lượng. Nhà cửa cũng vậy, nếu ở phía sau trống hoặc bị hở lưng thì những người ở trong ngôi nhà ấy cũng cảm thấy bất an. Vì thế, khi thiết kế công trình cũng cần chú ý đến sự che chắn, vững chãi ở phía sau, còn phía trước phải thoáng đãng, không bị chướng ngại vật cản trở tầm nhìn.

Về nội thất, tưởng tượng rằng, có người vừa trong phòng mở cửa ra, tiếp xúc đột ngột với luồng gió lạ thì rất dễ bị cảm (dân gian gọi là “trúng gió”). Cơ chế hô hấp của con người là khi hít không khí từ môi trường bên ngoài vào phổi, không khí sẽ được lọc và sẽ dần dần được làm ấm lên bởi khoang mũi để tránh cho phổi tiếp xúc trực tiếp với khí lạnh đột ngột từ môi trường bên ngoài.

Như vậy, những “đường dẫn khí” vào công trình hợp lý sẽ tạo sự hài hòa và an bình trong căn nhà, ngược lại nếu không hợp lý thì tạo ra các dòng áp suất biến thiên bất thường, không lợi cho sức khỏe.

Hệ thống cửa được ví như “mũi” của con người. Bố trí hợp lý hệ thống cửa sẽ tạo ra “đường sức” của dòng khí. Cửa ra vào, cửa sổ là “trạm đón khách”, nhưng nếu “đường ra” không hợp lý thì công trình trở thành “hũ nút”, dòng khí không thể lưu thoát, gây ra “loạn giao thông”.

Tục ngữ có câu “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” cũng xuất phát từ thuật phong thủy. “Lấy vợ hiền hòa” thì gia đình đương nhiên yên ấm, hạnh phúc còn “làm nhà hướng Nam” thì do vị trí địa lý nước ta khiến hướng Nam là hướng thuận lợi nhất để xây dựng nhà cửa. Nhà xoay hướng Nam buổi sáng tránh được nắng chiếu từ phía đông, buổi chiều không bị mặt trời nung và nắng xiên gay gắt từ phía tây; lại có thể đón gió mát về mùa hè và tránh gió lạnh mùa đông.

Dễ nhận thấy rằng, vị trí công trình dân dụng không thể đặt cuối hướng gió từ vùng công nghiệp và không được đặt ở cuối nguồn nước thải hoặc do các nguồn hóa chất độc hại khuếch tán, xâm thực. Nhiều làng mạc bị hai yếu tố phong thủy ô nhiễm này mà dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh ung thư rất cao. Đây hoàn toàn do yếu tố địa lý môi trường, không phải do yếu tố tâm linh siêu hình. Vì thế rất cần có kiến thức về thuật phong thủy để lựa chọn hướng và vị trí cho công trình sao cho khoa học nhất, tránh được những hiệu ứng bất lợi gây ra cho người sử dụng.

Công trình cũng như con tàu, hình dáng bên ngoài nếu nương theo hiệu ứng của thủy khí động lực học một cách hợp lý thì sẽ tạo sự trơn tru, hiền hòa khi vận hành. Ngược lại, nếu hình dáng bên ngoài không hợp lý thì sẽ bị va đập mạnh hơn, khiến cho sự vận hành gặp trắc trở.

Thuật phong thủy có thể áp dụng cho một công trình độc lập, cá thể, nhưng cũng có thể áp dụng cho cả một vùng rộng lớn, thậm chí quy hoạch cho chiến lược của cả một vùng lãnh thổ của quốc gia.

Đối với kiến trúc sư cũng vậy, phải có tầm nhìn quy hoạch quốc gia, sau đó mới đến tầm quy hoạch từng vùng miền, từng thành phố, rồi từng quận, huyện và rồi mới đến từng công trình, từng căn phòng cá biệt, rồi trong từng căn phòng lại có những đặc điểm bút pháp khác nhau. Tùy theo từng vị trí của công trình, mà bố trí thuật phong thủy theo quy mô cho phù hợp.

Như vậy, thuật phong thủy phải được giải mã từ cao đến thấp, rồi từ rộng, trung bình đến hẹp. Nghiên cứu về phong thủy cần có kiến thức tổng hợp thì mới không bị sa đà vào tiểu cục “tham bát bỏ mâm” và tránh bị rơi vào kiến giải mang màu sắc mê tín dị đoan, bởi sự biến hóa của phong thủy là “thiên hình vạn trạng”.

Theo quan điểm biện chứng thì phong thủy là thực thể hữu hình. Nó là vật chất có thể nhận biết rõ ràng và sự ảnh hưởng của nó có thể nhìn thấy và đo đếm được. Sự ảnh hưởng đó hoàn toàn thuộc về  yếu tố địa lý môi trường.

Nếu chỉ nói hai từ “phong thủy” thì chưa thể nói lên điều gì về học thuật, mà phải nói đến “thuật phong thủy” thì mới là môn khoa học nghiên cứu về các yếu tố đặc trưng liên quan tới dòng đối lưu của gió và nước, tạo thành những hiệu ứng và dòng xoáy năng lượng. Các hiệu ứng này tương tác tới công trình, sự kiện (là vật trung gian) và ảnh hưởng tới chủ thể (là con người sử dụng công trình đó)

Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển hóa các dòng đối lưu của gió và nước để tạo ra một trường năng lượng tương tác điều hòa, phù hợp và thuận lợi cho nhịp sinh học của con người thì đó là mục tiêu của thuật phong thủy.

Hiện nay, có nhiều người gán cho môn phong thủy những chức năng mang nhiều tính duy tâm chủ quan mà chưa hề có kiểm chứng thực tế, gây nên sự hỗn loạn và phá vỡ hình thái kiến trúc. Thiết nghĩ, giới kiến trúc cũng nên vào cuộc, tránh để cho nhiều “dị nhân hoang tưởng” tự phong là “thầy phong thủy”, hành nghề mê tín dị đoan, chắp vá rất nhiều loại vật liệu cùng những hình thái nhảm nhí, làm ô nhiễm môi trường phong thủy.

TS Vũ Thế Khanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc