Tiếp tục xử phạt lỗi "không chính chủ" từ năm 2014

19:00 | 16/11/2013

2,706 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông Đường bộ - Đường sắt mới được ban hành, từ ngày 1/1/2014, phương tiện giao thông là xe máy và ô tô không chính chủ sẽ bị xử phạt.

Theo đó, chủ phương tiện là xe mô tô, xe máy không làm thủ tục đăng ký, sang tên xe để chuyển đổi tên chủ xe trong giấy đăng ký sang tên mình khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng. Với tổ chức là chủ xe, hành vi này bị phạt từ 200.000-400.000 đồng.

Từ 1/1/2014 sẽ xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô và từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Cũng liên quan đến quy định xử phạt hành chính về lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện giao thông. Trước đó, vào ngày 1/3/2013, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 11/2013/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo đó, đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng đối với mô tô, xe gắn máy. Phạt từ 6 triệu - 10 triệu đồng đối với ô tô. Tuy nhiên, quy định xử phạt lỗi chính chủ này đã gặp phải sự phản ứng của dư luận và có rất nhiều ý kiến dư luận trái chiều về vấn đề này.

Và đến khi soạn thảo Dự thảo Nghị định 71/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt Vi phạm Hành chính trong lĩnh vực giao thông Đường bộ - Đường sắt do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì. Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định 71 với đầy đủ thành phần đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Tư Pháp. Ban soạn thảo cho biết, trong quá trình soạn thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương và nhân dân. Trong đó, quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Đến khi Ban soạn thảo lấy ý kiến người dân, đa số không đồng thuận việc xử phạt phương tiện chưa sang tên đổi chủ.

Còn Bộ Công an trước sau như một luôn giữ quan điểm là phải xử phạt lỗi không chính chủ. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt cho biết, việc xử phạt xe không chính chủ rất quan trọng và cần thiết đối với các trường hợp như trộm cắp, buôn bán ma túy, tai nạn giao thông chết người…Thế nhưng Bộ Giao thông Vận tải lại bày tỏ quan điểm muốn rút quy định này sau khi tiếp nhận đại đa số ý kiến của người dân không đồng tình với quy định xử phạt. Với quan điểm của mình, tại Dự thảo lần 6 về Nghị định 71, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định rút bỏ quy định xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ và cho rằng nội dung này chưa đủ căn cứ về mặt pháp lý.

Quan điểm giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an hoàn toàn trái chiều nhau trong suốt quá trình lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định 71. Thế nhưng, tại buổi làm việc chiều ngày 30/8 với Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc quy định xử phạt đối với chủ phương tiện thực hiện hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định, không có chuyện Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an bất đồng quan điểm trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị tổ soạn thảo cân nhắc đưa hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định vào Dự thảo để trong trường hợp khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra xem xe có “sang tên, đổi chủ” hay không và xử phạt. Mức phạt đối với hành vi này giữ nguyên theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể xe máy từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng và ô tô từ 6 - 10 triệu đồng.

Điều 30 Nghị định 171 quy định về việc xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

 

T.Minh