Tết ở một nơi cũng được gọi là “Thủ đô”?

09:05 | 30/01/2014

2,038 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khác xa với cảnh mua bán nhộn nhịp, phố phường tràn ngập hàng Tết ở trung tâm Hà Nội, chúng tôi về thôn Gò Đình Muôn, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì - nơi cũng có “dân Thủ đô” để cảm nhận không khí Tết đến, xuân về ở một vùng quê nghèo.

Ở thời buổi hiện nay, người ta sắm Tết không thể thiếu một số nhu yếu phẩm cần thiết như bánh chưng, giò lụa, chả nướng, dưa hành, bánh mứt, thịt lợn… Thế nhưng, tôi đã phải giật mình khi biết rằng ở Gò Đình Muôn, có nhà chỉ gói vài cái bánh chưng và cầu mong Tết qua thật nhanh.

Đi sâu vào thôn, nếu không có những lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên nhiều mái nhà thì không ai nhận ra không khí Tết đang về. Chỉ lác đác vài ba người đi chợ mua thịt, hoa tươi, bánh mứt. Hình như cái Tết chưa xuất hiện nhiều nơi đây cho dù chỉ hơn một ngày nữa là sang năm mới.

Tôi vào nhà anh Nguyễn Văn Tính, trưởng thôn Gò Đình Muôn để tìm hiểu tình hình chuẩn bị Tết của các gia đình nghèo, hộ chính sách ở đây thì được anh lắc đầu: “Thôn Gò Đình Muôn là 1 trong 7 thôn của xã Khánh Thượng thuộc diện 135 của Chính phủ. Cuộc sống của bà con nơi đây còn vất vả trăm đường, công ăn việc làm còn không có, nói đến Tết, ai cũng sợ”.

Anh trưởng thôn kể rằng, thôn có 24 hộ nghèo đều có hoàn cảnh là vợ, chồng hoặc cả vợ chồng đều không có công ăn việc làm, đông con; bản thân cũng bị bệnh tật nên Tết đến chỉ chuẩn bị vài ba cái bánh chưng cho gọi là có.

Nồi bánh chưng là cái mang đến hơi ấm ngày Tết duy nhất cho gia đình ông Chí

Khốn khó nhất là gia đình anh Nguyễn Văn Lương và chị Hà Thị Liễu. Gia đình chị Liễu đã nằm trong sổ hộ nghèo được 7 năm nay và thường xuyên phải cứu đói bằng gạo Nhà nước. Chị Liễu có làm gần một sào ruộng nhưng đất cằn nên không đủ ăn.

Trông chị Liễu khắc khổ dù mới bước qua tuổi 28, giọng của chị cũng khàn đi sau những trận ốm. Nhìn xung quanh căn nhà vách nứa, chị cho biết, căn nhà được xây từ năm 2006 nhưng do mưa bão tàn phá nên nhiều chỗ vách đã thủng to bằng cái thúng, thủng to bằng bàn tay nhiều vô kể. Đêm đông gió lùa khiến hai đứa con chị khóc thét lên không ngủ được. Trong nhà chị cũng chỉ có cái xe đạp và ti vi cũ là đo đếm được bằng tiền.

Chị Liễu gần như không sắm Tết. Chị chỉ mua nổi 2kg gạo nếp rồi gửi bố mẹ đẻ gói hộ. Chồng chị cũng giành dụm được một ít tiền từ đi vác gạch thuê để chuẩn bị mua thịt lợn ăn ba ngày Tết thì nay đã mua hết thuốc cho vợ uống. Hai đứa con chị luôn gửi dưới ông bà ngoại để được ăn kẹo cho đỡ tủi thân. Tết này, nhà chị chưa biết kiếm đâu ra tiền để mua lấy cân thịt, làm mâm cơm cúng?

Anh trưởng thôn nói với giọng buồn buồn: “Ở đây người ta sắm Tết chỉ có chục cái bánh gai và một nồi bánh chưng thôi. Dân ở đây thường tập hợp bánh của 3-4 nhà chung nhau một nồi cho tiết kiệm củi. Bình quân mỗi nhà gói 2kg gạo, được 4 cái bánh ống”.

Chúng tôi đến nhà ông Phùng Văn Chí. Ông Chí vừa trở về sau trận ốm dài. Ông đi làm ăn ở Lâm Đồng đã lâu, nhưng ở trong đấy, cũng chẳng khấm khá gì. Ông Chí kể rằng, dự định cuối năm vợ chồng sẽ về quê ăn Tết, sửa nhà và chuẩn bị cưới vợ cho con trai nhưng lại bị ốm và phải thuốc thang hết tiền. Bệnh đỡ, vợ chồng ông khăn gói về quê với hai bàn tay trắng.

Căn nhà của vợ chồng ông Chí bao năm không ai chăm nom đã hỏng hóc, không thể ở. May thay có ông em cậu đi làm ăn xa nên để lại căn nhà gỗ đã xuống cấp để ông Chí và vợ con ở tạm. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá, chỉ có 2 cái giường ngủ đã cũ, cái tủ quần áo đã xiêu vẹo. Không bàn ghế uống nước, khách đến chơi thì chỉ còn cách đứng ngoài sân trò chuyện. Trên bàn thờ cũng chỉ thấy có nải chuối xanh, một gói mứt Tết, cặp bánh gai tự gói để cúng gia tiên.

Theo ghi nhận riêng, gia đình ông Chí trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo của xã nhưng do đi làm ăn xa lâu năm nên bị cắt, giờ vẫn chưa cấp lại, Tết này gia đình ông Chí cũng không được trợ cấp gì.

Một góc căn nhà vách nứa của chị Liễu

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, gia đình bà Thiều Thị Hà cũng hết sức éo le. Bà Hà có chồng là liệt sĩ nhưng do không có giấy tờ chứng minh nên bà không được hưởng bất kì một khoản trợ cấp nào. Hiện nay, bà đã gần 70 tuổi và đang sống cùng vợ chồng người con trai duy nhất trong một ngôi nhà vách nứa trát bùn đất xây dựng từ 30 năm trước. Con dâu bà mới sinh cháu nhưng sức khỏe hai mẹ con không tốt phải nằm lại điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Cả tháng nay bà đi chăm con dâu và cháu nên cũng chưa sắm Tết và gói bánh chưng. Bà Hà mong hai mẹ con khỏe thì coi như năm nay nhà bà có… “Tết to” (?).

Còn rất nhiều gia đình do từng hoàn cảnh khác nhau mà không thể sắm một cái Tết vẹn toàn.

Trao đổi với chúng tôi, trưởng thôn Nguyễn Văn Tính đang dự định họp những hộ nghèo trong thôn thành lập một khu sản xuất nấm rơm. Và mọi người cũng hy vọng sẽ thoát nghèo được. Anh Tính sẽ đứng ra làm đầu mối lấy giống, kỹ thuật chăm sóc và thuê nhân công là con em thuộc 24 hộ nghèo trong thôn để làm. Nếu việc này có kết quả, Tết sang năm, người nghèo nơi đây sẽ có một cái Tết ấm cúng hơn, đầy đủ hơn.

Khánh Thượng là xã miền núi nằm ở sườn tây núi Ba Vì, cách trung tâm huyện Ba Vì trên 35 km, cách trung tâm thành phố Hà Nội 82km. Xã có địa bàn giáp gianh với 2 tỉnh (phía Đông Nam giáp tỉnh Hoà Bình, phía Tây cách con sông Đà là tỉnh Phú Thọ) có trục đường giao thông Sơn Tây - Chẹ - Hợp Thịnh - Kỳ Sơn - Hoà Bình đi qua.

Dân số có 1.852 hộ với trên 8.000 nhân khẩu được phân bổ trên 13 thôn, gồm 3 dân tộc cùng chung sống là Kinh, Mường, Dao; trong đó dân tộc Mường chiếm 62% toàn xã.

Đức Chính