Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh

06:30 | 30/09/2013

1,361 lượt xem
|
Dù đôi chân bị bại liệt, chị Văn Thị Hoài Thương vẫn là chỗ dựa cho 20 mảnh đời cơ nhỡ ở mái ấm Đồng Cảm (huyện Hóc Môn - TP HCM). Đúng là cảnh “Lá lành đùm lá rách. Lá rách đùm lá rách hơn”. Nhưng giờ đây, chị đang chiến đấu với bệnh tật dày vò thân thể tật nguyền của mình.

Ngôi nhà của chị Văn Thị Hoài Thương (46 tuổi) tại ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn được mọi người gọi là mái ấm Đồng Cảm. Đó là một ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong những con hẻm lầy lội mùa mưa, là nơi những nỗi đau hóa thành niềm hạnh phúc.

Ngôi nhà ấy ban ngày vắng lặng nhưng chiều về lại rộn rã tiếng xe lăn, tiếng bước chân tập tễnh, tiếng xe ba bánh giòn giã của những chị em đi bán dạo trở về. Họ lại quây quần bên nhau nấu bữa cơm chiều đạm bạc, tíu tít hỏi nhau: “Hôm nay bán được nhiều không? Còn thừa nhiều vé không?”, hay buồn tủi kể chuyện đi bán vé số bị giật, bị lừa…

Ngày còn khỏe, Hoài Thương (áo đỏ) từng tham gia hội thao dành cho người khuyết tật

Nhưng hôm nay, chiều về không còn tiếng nói cười rôm rả nữa, vì người “chị cả” - người “mẹ” của họ đang lâm trọng bệnh. Bao nhiêu năm tháng cơ cực đã mang đến cho chị Hoài Thương nhiều căn bệnh: viêm đa xoang, loét dạ dày, viêm đường tiết niệu… phải uống thuốc giảm đau nhiều năm.

Gần đây nhất, chị phát hiện thêm bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng, nó khiến chị đau đớn vật vã, phải nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10). Điều trị chưa xong, chị xin về vì không kham nổi tiền thuốc thang, dù bệnh viện đã có ưu đãi cho người khuyết tật. Trở về nhà, chị chỉ điều trị bằng châm cứu và các loại thuốc nam cho rẻ.

Giờ đây, tuy bệnh tật dày vò nhưng Hoài Thương vẫn tỏ ra lạc quan để mọi người trong nhà đỡ lo lắng. Chị vẫn cười, vẫn gọi đùa các chị em là người mẫu, bác sĩ, họa sĩ… Đằng sau nụ cười trên đôi môi nhợt nhạt ấy là một nghị lực kiên cường mà chị có được từ tấm bé.

Đôi chân cô bé Hoài Thương không đi được nữa sau một cơn sốt bại liệt từ năm 6 tuổi. Từ Quảng Trị, chị Thương lưu lạc vào Đồng Nai giúp việc nhà, nhưng chân đi không được thì làm sao giữ trẻ. Rồi Thương được đón về Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật Thị Nghè (quận Bình Thạnh - TP HCM).

Lớn lên, Hoài Thương nên duyên chồng vợ với một người khuyết tật. Hai người cất một cái chòi trong nghĩa trang Thủ Thiêm (quận 2) làm chỗ che mưa nắng. Rồi chị gặp nhiều mảnh đời lang thang ở xó chợ, gầm cầu, bèn rủ về ở chung. Có lẽ do cái tên Hoài Thương nên chị thương hoài những cảnh ngộ không may mắn như mình.

Được vài năm, nghĩa trang giải tỏa, tất cả bồng bế nhau tiếp tục lang thang. May sao, có tờ báo viết bài giúp đỡ nên họ được quyên góp một số vốn, mua được mảnh đất xa tít tận xã Tân Xuân, Hóc Môn, cỏ dại ngập đầu để làm căn nhà nhỏ che mưa che nắng.

Ban ngày bán dạo, tối đến họ tranh thủ làm hàng gia công.

Những người đồng cảnh khuyết tật cùng nhau gom góp dựng nhà. Ngày càng đông những mẹ con, chị em, bà cháu quây quần, đến nay đã hơn 20 người. Bên cạnh đi bán vé số hằng ngày, chị Thương phải đi xin gạo ở chùa hay nhà thờ đem về nấu ăn chung, xin thuốc men từ thiện đem về chăm sóc các cụ già, cháu nhỏ cơ nhỡ, em gái lỡ lầm…

Trong mái ấm ấy, đã có đám cưới và cả đám tang. Đám tang đầu tiên năm 2006 là chồng chị Hoài Thương. Tiếp đến, 3 người rời bỏ cuộc đời cơ cực. Giữa năm nay, họ lại đau đớn tiễn biệt cụ Láng, một người mà cả nhà thân thương gọi là bà ngoại. Vừa lo ma chay xong là chị Thương nhập viện.

Chị Nguyễn Thị Mận, một thành viên của mái ấm Đồng Cảm lo lắng: “Khi tôi lưu lạc từ quê vào đây, không một xu dính túi. May mà có chị Thương đùm bọc, cho tôi miếng ăn, chỗ ở. Giờ tôi đã có gia đình và ra riêng.

Thấy chị Thương bệnh nặng như vầy, tôi thương lắm. Chỉ cầu mong chị được chia sẻ, bù đắp để bình phục, sống dậy để tiếp tục lo cho gia đình, tiếp tục làm chỗ dựa cho những người chị đang cưu mang, che chở”.

Đúng là cuộc đời chị Hoài Thương quá nhiều bi kịch. Và dù có những lúc chị chới với, hụt hẫng trước bao biến cố của cuộc đời nhưng chị không đầu hàng số phận mà đã xây dựng một mái ấm cho nhiều mảnh đời thiếu may mắn khác.

Những năm tháng cơ cực mang đến cho chị nhiều bệnh hiểm nghèo

Trong nỗi buồn, sự thiếu trước hụt sau, bệnh tật dày vò thì chị Hoài Thương và mọi người ở mái ấm Đồng Cảm tháng rồi nhận tin vui khôn tả. Đó là em Đặng Thị Thu Thảo, đứa con mái ấm cưu mang ngày nào giờ đã thi đậu ĐH. Sau 12 năm liền Thảo đạt học sinh khá, giỏi.

Ngày Thảo báo tin thi đậu ĐH Công nghiệp TP HCM và CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm, cả mái ấm vui hơn trúng số. Dù cho trúng số giải đặc biệt cũng không sánh được chiếc “vé” vào đại học của Thảo.

Thanh Nhung

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc