Kỹ thuật điều trị ung thư của Việt Nam hiện đại bậc nhất?

14:14 | 17/04/2015

4,146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi trên Năng lượng mới số 411 và 412 đăng bài “Người Việt đổ tiền ra nước ngoài chữa bệnh”, chúng tôi nhận được một số ý kiến cho rằng, hiện chất lượng điều trị của bệnh viện trong nước không hề thua kém nước ngoài. Đặc biệt đối với một số chuyên khoa như ung thư, bệnh được coi là có nhiều bệnh nhân ra nước ngoài chữa nhất và tỷ lệ người mắc cũng đang ngày càng nhiều nhất.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Hà, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu có thể hiểu là một bệnh viện chuyên chữa trị ung thư thu nhỏ?

TS Trần Đình Hà: Thuộc bệnh viện Bạch Mai nhưng trung tâm của chúng tôi, chức năng nhiệm vụ đã thể hiện rõ ở tên gọi. Vì vậy có thể coi đây là một bệnh viện thu nhỏ chuyên chữa trị các bệnh về ung bướu cũng không sai. Và ung bướu “rộng” hơn ung thư chứ không chỉ là ung thư.

Những điều chưa biết về kỹ thuật điều trị ung thư của Việt Nam

PGS.TS Trần Đình Hà đang khám bệnh cho bệnh nhân ung thư

PV: Trong số hàng nghìn ca đến đây điều trị ung thư mỗi năm, ông có thể cho biết có bệnh nhân đã từng chữa trị ở nước ngoài rồi quay trở về chữa trị trong nước trong số đó không?

TS Trần Đình Hà: Có chứ, rất nhiều nữa là khác. Mặc dù chưa thống kê cụ thể nhưng chúng tôi biết trong số đó có người đã đi chữa trị tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… Và có cả những người đã đến đây chữa trị trước khi đi nước ngoài sau đó lại trở về đây.

PV: Theo ông, vì sao họ lại đi chữa trị ở nước ngoài mà không chữa trị ở trong nước, như trung tâm của ông chẳng hạn?

TS. Trần Đình Hà: Việc ra nước ngoài chữa trị, theo tôi vì ba lý do sau đây: Thứ nhất là để giải quyết tinh thần, nghĩa là cùng với những đợt chữa trị trong nước, họ ra cả nước ngoài chữa trị, kiểm tra và kèm theo cả nghỉ dưỡng nữa. Thứ hai là chưa hiểu hết chất lượng điều trị ở trong nước. Vì có những bệnh nhân sau đi chữa bệnh ở nước ngoài về Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu chữa trị, đã thốt lên rằng, không biết ở Việt Nam cũng có những kỹ thuật, phương pháp… điều trị ung thư như vậy, nghĩ rằng chỉ ở nước ngoài mới có. Thứ ba và cũng là nguyên nhân cuối cùng là ‘sính ngoại” một cách đúng nghĩa, tức là không cần phải tìm hiểu môi trường chữa trị trong nước, bệnh nhân cứ đi nước ngoài đã. 

PV: Thế nhưng ông có cho rằng bản chất của những lý do trên vẫn là bệnh nhân chưa có niềm tin ở việc điều trị cả về chất lượng và công tác chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện trong nước?

TS Trần Đình Hà: Theo tôi niềm tin này là do họ chưa tìm hiểu kỹ, đặc biệt là về chất lượng điều trị. Tôi nói như ở Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu chẳng hạn, các kỹ thuật, phương pháp, thiết bị y tế điều trị ung thư đang có có thể nói hiện đại bậc nhất hiện nay mà ngay cả nhiều nước trong khu vực được đánh giá là tiên tiến trong y học hiện cũng chưa có.

Cụ thể như Trung tâm có công nghệ sinh học xác định đột biến gien, phân tử để từ đó chẩn đoán bệnh sớm, xác định rõ giai đoạn bệnh nhằm đưa ra phác đồ điều trị theo cá thể (mỗi bệnh nhân có phác đồ điều trị riêng cho phù hợp). Có thiết bị kiểm tra tới tế bào phân tử, kỹ thuật xét nghiệm mô bệnh học và tế bào học. Có thuốc điều trị nhắm đích thuộc kháng thể đơn dòng - tác dụng vào cơ chế chuyển hóa hoặc dẫn truyền tín hiệu của tế bào, đánh vào điểm “đích” như “công tắc” của một hệ thống (điều trị tới điểm mà có thể tác dụng tới toàn bộ hệ thống).

Cùng với đó là các phương pháp xạ trị điều biến liền - dùng máy xạ trị phóng xạ vào tận tế bào tổ chức khối u và phát huy tác dụng hoặc cấy hạt phóng xạ bằng cách đưa các hạt vi cầu gắn phóng xạ điều  trị khối u…

Nói chung từ khâu chẩn đoán đến khâu điều trị nhắm đích, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu đều có những phương pháp, thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất. Nói thêm để các bạn rõ, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới có thể điều trị u não hoặc u di căn đến não.

PV: Tuy nhiên, bên cạnh chất lượng điều trị thì chăm sóc bệnh nhân cũng là một khâu rất quan trọng bởi tác dụng không nhỏ đến hiệu quả điều trị. Song ở công tác này thì các bệnh viện nói chung chưa thuyết phục được người bệnh điều trị trong nước, đặc biệt là tình trạng nằm chung giường, thái độ của y bác sĩ..?

TS Trần Đình Hà: Trên bước đường phát triển bao giờ cũng có những giai đoạn khó khăn nhất định và từ những khó khăn ấy người ta ra mới tìm ra giải pháp để khắc phục đồng thời nâng cao hơn, phát triển hơn.

Với chất lượng chăm sóc bệnh nhân tôi không khẳng định là nó rất tốt, thậm chí “sánh vai” với các quốc gia phát triển. Nhưng rõ ràng nó đang được xây dựng để ngày càng tốt hơn.

Ví như tình trạng quá tải, đúng là trước đây chỉ thời gian ngắn thôi, tình trạng một giường nằm chung 3-4 người không hiếm ở các bệnh viện, nhất là ở tuyến trên. Nhưng bây giờ, thực trạng này giảm hẳn và sẽ tiến tới không còn. Bởi 23/38 bệnh viện tuyến Trung ương đã cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, 18/31 bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh cũng cam kết điều này.

Về cơ sở vật chất, nhiều bệnh viện từ Trung ương tới địa phương cũng đang đầu tư xây dựng để tốt hơn từ phòng bệnh đến trang thiết bị, kỹ thuật… Thái độ, ứng xử của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên cũng vậy, những người có thái độ không phải với bệnh nhân sẽ được giáo dục, điều chỉnh để thay đổi tốt hơn. Với những người không thay đổi được sẽ bị loại trừ khỏi môi trường. Đó là hệ quả tất yếu nếu anh không hòa nhập với môi trường chung.

PV: Xem ra điều này để được như vậy chắc cũng phải chờ đợi lâu đúng không thưa ông?

TS Trần Đình Hà: Khi đã phát triển đồng bộ thì tất cả các khâu đều phải thực hiện cùng lúc. Hơn nữa, bây giờ có rất nhiều kênh thông tin để đến lãnh đạo bệnh viện, Bộ Y tế một cách nhanh nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc các vụ việc cũng được xác định và xử lý nhanh nhất để từ đó các nhân viên y tế có thể trông vào như một bài học cho mình. Bạn thấy đấy có những nhân viên y tế bị xử lý nghiêm khắc khi thông tin phản ánh từ các kênh đại chúng được xác định chính xác đó thôi.

PV: Nói vậy là môi trường điều trị ở trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh với các bệnh viện ở nước ngoài?

TS Trần Đình Hà: Đúng vậy, trước hết là đối với các nước trong cùng khu vực. Chưa kể đến một lợi thế mà không thể một bệnh viện nào ở nước ngoài có thể “cạnh tranh” được là chỉ có “người mình chữa cho mình là tốt nhất”. Bởi cùng tạng người, chủng người, cùng môi trường sống, các bác sĩ hiểu chân tơ kẽ tóc cấu tạo của cơ thể, những phản ứng của cơ thể trước từng loại bệnh, diễn biến của bệnh đối với một cơ thể ở môi trường sống như Việt Nam… ra sao, lại còn phẫu thuật “quen” cho người Việt Nam nên trong trường hợp phải phẫu thuật thì điều này cũng tốt hơn cho bệnh nhân.

Trong khi ở nước ngoài, nhất là các quốc gia ở châu Âu, Mỹ… không có được các lợi thế ấy. Đó là chưa nói đến, điều trị trong nước chi phí thấp hơn do không phải tốn thêm các phí cho người phục vụ đi cùng nếu ra nước ngoài, ngôn ngữ không bất đồng…

PV: Như vậy theo ông là bệnh nhân nên điều trị trong nước hơn là ra nước ngoài?

TS Trần Đình Hà: Tôi nghĩ đây là cách lựa chọn hợp lý bởi từ thực tế có rất nhiều bệnh nhân sau khi chữa trị ở nước ngoài về trung tâm của chúng tôi trong tình cảnh sạch bách nhà cửa, không còn tài sản gì. Trong khi kết quả điều trị cuối cùng như nhau hoặc có trường hợp không vớt vát được gì nữa, tử vong.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tú Anh (thực hiện)