Khi sâu bọ là “sơn hào hải vị”

06:00 | 22/07/2013

2,472 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không phải chỉ từ khi Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ra công bố khuyến khích người dân nên ăn nhiều loại côn trùng thì ở Việt Nam mới có trào lưu biến sâu bọ thành “sơn hào hải vị”. Ở nước ta, “ẩm thực” côn trùng đã có từ lâu, nhất là ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, dẫu có nhiều dinh dưỡng như các nhà khoa học khẳng định nhưng vẫn cần sự chọn lọc cả về loại côn trùng và cách chế biến.

Sâu bọ sẽ thay thế thịt

Nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan đã khẳng định, trong vài thập kỷ nữa con người sẽ phải thay đổi toàn bộ tập quán ăn uống và chuyển từ ăn thịt các loại gia súc sang ăn sâu bọ để bảo vệ môi trường. Theo các nhà khoa học, trong tương lai không xa, sâu bọ có thể thay thế thịt vì thịt lợn, bò, gà là nguồn cơn của rất nhiều khí methane, một khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Sâu bọ cũng chứa rất nhiều protein, nhưng có lợi thế là ít chất béo, lại thải rất ít khí CO2, chưa kể giá còn rẻ hơn nhiều so với thịt.

Đặc sản… côn trùng

Liên Hiệp Quốc đã từng tổ chức một cuộc hội thảo về giá trị dinh dưỡng của côn trùng và nói rõ, côn trùng không chỉ giàu protein mà còn chứa các chất vitamin, chất khoáng và chất béo. Ví dụ, châu chấu rất giàu calcium, kiến giàu protein và mối rất giàu chất sắt hoặc chỉ cần ăn 3 chú dế là đáp ứng đủ nhu cầu chất sắt cần thiết hằng ngày cho một người. Nhà động vật học Fritz Vollrath ở Đại học Oxford cũng đã chứng minh rằng, côn trùng thân thiện với môi trường hơn bò gấp 10 lần. Nhà nghiên cứu côn trùng Canada Robert Kok cho biết: Bản thân côn trùng không quá bẩn như người ta vẫn nghĩ. Chúng không chứa các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn Salmonella hay Escherichia coli thường thấy ở động vật có vú. Vậy nên côn trùng không phải là tác nhân gây bệnh nhiều hơn các loài động vật ăn thịt truyền thống như bò, lợn, gà, cá.

Côn trùng là loài sinh vật có số lượng lớn nhất trên hành tinh. Vì vậy, trong tương lai khi nguồn lương thực ngày càng cạn kiệt thì những con vật mà người ta cho là đáng sợ như gián, bọ cạp, bọ hung… sẽ là sự lựa chọn tất yếu cho bữa ăn của con người. Theo thống kê của FAO, có tới 1.400 loại côn trùng đang trở thành thức ăn hàng ngày, thậm chí có tên trong danh sách đặc sản của 113 quốc gia trên thế giới, trong đó phổ biến nhất là gián, kiến, ong, dế và sâu bướm.

Không phải là trào lưu nhất thời

Thực ra, từ xa xưa người Hy Lạp và La Mã đã ưa chuộng những món ăn chế biến từ côn trùng. Trứng kiến cũng được xếp vào một trong những nguyên liệu quan trọng để chế biến các món ăn cao lương mỹ vị cho các bậc vua chúa Trung Hoa xưa. Gần đây, giới sành ăn rủ nhau đi săn lùng và thưởng thức những món ăn lạ miệng được chế biến từ bọ cạp, ve sầu, châu chấu… Không phải chỉ ở Việt Nam mà ở Đài Loan món dế xào hay sâu áp chảo cũng là những món ăn rất hút khách, cũng giống như món chuồn chuồn nướng ở Bali hay món châu chấu nướng ở Trung Đông. Tại nhà hàng Hoàng Đế ở Singapore, thực khách phải trả đến 280USD để thưởng thức một bữa ăn toàn đặc sản côn trùng. Tại Thái Lan, người dân thường ăn khoảng 200 loại côn trùng và trên đường phố Bangkok người ta thường xuyên thấy những người bán đồ ăn rong làm từ côn trùng.

Ở nước ta, dân thị thành coi “ẩm thực” côn trùng là “độc và lạ” nhưng với những người ở nông thôn, chúng chẳng hề xa lạ. Nhiều gia đình thậm chí còn ăn một số loài côn trùng như châu chấu hoặc dế hằng ngày. Như ở Nam Bộ có món đặc sản là đuông dừa nướng lửa than (còn gọi là sâu dừa). Tương truyền món này đã từng được tiến cống cung đình triều Nguyễn, dưới thời Hoàng Thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Nam Phương. Đây là loại côn trùng có nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thường ăn phần lá mầm trên ngọn của cây dừa. Những con đuông dừa kẹp que tre và nướng trên than đến lúc chín giòn mang vị thơm béo ngậy dần trở thành đặc sản vùng miền nổi tiếng.

Ngoài ra còn có loài sâu chít. Số liệu khảo cứu cho thấy loài “đông trùng hạ thảo” trên thế giới có hàm lượng protein chiếm 25-32% trong cơ thể, trong đó có 6/20 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, còn sâu chít ở Việt Nam cũng có hàm lượng protein tương đương nhưng thành phần được xác định lên đến 17/20 loại axit amin. Sâu chít được cho là có tác dụng bổ dương sinh khí, chống suy nhược thần kinh, tráng dương khí, chữa đau lưng do thận hư, liệt dương, mỏi gối... Với những đặc tính trên sâu chít được sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu uống nhằm tăng cường sinh lực dành cho cánh đàn ông. Ngoài ra có thể nấu cháo sâu chít hoặc sấy khô. Với cách chế biến phù hợp, sâu chít còn giúp cải thiện da và sức khỏe phụ nữ, cho những người thể trạng yếu, trẻ em bị còi xương, chậm lớn.

Bọ rầy thành đặc sản ở An Giang

Người dân miền Tây thì lại tự hào về món bù rầy (có nơi gọi là bọ rầy). Có những phiên chợ được mở ra chỉ để buôn bán loại côn trùng mà nhà nông luôn muốn triệt này. Với người dân thì những món ăn chế biến từ con bù rầy đều được coi là món “quỷ khốc thần sầu” bởi bổ đủ thứ, nhất là tráng dương. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu thì cho rằng chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định ăn bù rầy là có lợi cho sức khỏe và ngược lại.

Chủ một quán nhậu có tiếng ở Hà Nội khẳng định các món côn trùng hiện nay được nhiều người ưa thích. Chủ quán từng đích thân lên những vùng miền núi chỉ để học bà con dân tộc cách chế biến món trứng kiến. Giá cả các món côn trùng có nơi khá bình dân: sâu dừa 8.000 đồng/con; xôi trứng kiến, trứng kiến phồng 120.000 đồng/đĩa; bọ xít, châu chấu chiên giòn 25.000 đồng/đĩa... Nhiều dân thành thị cứ nghĩ rất hiếm quán ăn chế biến món từ các loại côn trùng, nhưng hiện tại có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều món côn trùng ở những quán rượu dân tộc, với đủ loại bọ xít, dế trắng, ve sầu, châu chấu, nhộng bướm…

Và những khuyến cáo

Một số lương y khuyến cáo người dân về “trào lưu ăn sâu bọ”: Nếu không biết cách chế biến hoặc ngâm rượu uống thì sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ như loài bọ cạp có nọc độc, bọ xít, ong vò vẽ… Bởi nếu không biết cách loại bỏ độc tố thì dễ rước họa vào thân, không khéo còn thiệt mạng.

TS Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong một giới hạn nhất định, việc ăn côn trùng, nhất là những loài gây hại cho đồng ruộng như cào cào, châu chấu… sẽ không phá vỡ cân bằng sinh thái, thậm chí còn đẩy lùi được các loại dịch hại nguy hiểm. Nhưng điều đáng lưu ý là khi bắt côn trùng để chế biến thành thực phẩm thì không được dùng thuốc hoặc các loại hóa chất độc hại, đặc biệt đối với những loài thiên địch có lợi cho đồng ruộng, các loài côn trùng quý hiếm vừa dùng làm thực phẩm vừa dùng làm thuốc.

TS Ngô Vĩnh Viễn khẳng định: “Dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, nên cần phải dùng những loại côn trùng theo khuyến cáo của các chuyên gia. Nếu dùng côn trùng làm thực phẩm, thì nên khai thác trong tự nhiên là chính. Đối với côn trùng nuôi thì cần kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi, tránh để các loài có hại thoát ra ngoài môi trường, đặc biệt cần có sự kiểm tra về chất lượng các loài côn trùng này trước khi làm thực phẩm. Bởi trong cơ thể nhiều loại côn trùng, bị nhiễm loại nấm độc hay vi khuẩn ký sinh nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc, dị ứng nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến tình trạng thần kinh bị kích thích, nói năng lảm nhảm và nghiêm trọng hơn nữa còn phải chịu di chứng của tình trạng này.

Minh Hiền

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.