Thái Bình:

Hiểm họa từ người tâm thần

07:05 | 12/04/2014

1,583 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thống kê của Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình, hiện toàn tỉnh có 7.188 bệnh nhân tâm thần đang điều trị ngoại trú (trong đó có 4.368 bị tâm thần phân liệt; 2.820 bị động kinh). Những người này hiện đang sống cùng với những người bình thường tại cộng đồng. Đây là mối nguy hiểm lớn, chực chờ đối với an toàn, tính mạng của người dân. Thực tế, tại Thái Bình đã xảy ra nhiều vụ giết người, gây thương tích do người điên gây ra.

Vụ mới nhất xảy ra trong tỉnh Thái Bình do người điên gây ra là vụ Hoàng Trung Thông (38 tuổi; trú tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) dùng gốc tre đánh trọng thương một người hàng xóm vào ngày 17/3 vừa qua. Thông là người bị tâm thần phân liệt đã 14 năm nay.

Hình ảnh người tâm thần tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công (xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Bà Nguyễn Thị Nghiền - mẹ của Thông - kể lại: Hôm đó, nhà bà ăn cơm tối rất sớm (khoảng lúc 16 giờ 30 phút). Sau khi ăn cơm xong, Thông nằm xem tivi. “Lúc ấy, anh Hoàng Văn Hoan (hàng xóm) băm cá ở cầu ao rất lâu. Thằng Thông rất khó chịu, miệng nó không ngừng chửi rủa “băm gì mà băm lâu thế”.  Sau đó, nó đã trèo qua tường (nhà anh Hoan cách nhà ông Khâm một bức tường rất cao), rồi dùng gốc tre nhặt ở trong vườn đập vào đầu anh Hoan. Do đang quay mặt để đi vào bếp, nên anh Hoan không biết để tránh, lĩnh trọn chiếc gốc tre vào sau gáy. Anh Hoan bị chấn thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Thái Bình, rồi chuyển lên bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội)” - bà Nghiên bàng hoàng kể lại.

Đây không phải là lần đầu tiên Thông gây tội ác với người khác. Bắt đầu bị điên từ năm 2000, Thông đã nhiều lần được đưa đi chữa trị ở nhiều nơi, như bệnh viện tâm thần Thái Bình, bệnh viện tâm thần Trung Ương, nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Thông luôn cho rằng mình không bị bệnh, nên không chịu uống thuốc. Ngoài ra, Thông luôn cho rằng mình nhiều đất đai, nên không cho người khác xâm phạm “lãnh thổ” của mình. Để bảo vệ “lãnh thổ” của mình, Thông thường xuyên rào ngõ, tấn công những người đi qua ngõ mình. Chính vì vậy, người dân làng đã phải tránh đi qua ngõ này, tuy nhiên, vẫn có những nạn nhân xấu số của Thông.

Cách đây 2 năm, để bảo vệ “lãnh thổ” của mình, Thông đã gây nên tội ác kinh hoàng là giết chết một cháu gái 10 tuổi. Vào chiều tối ngày 19/12/2010, sau khi ăn tối xong, Thông thủ một con dao nhọn ở trong người và ngồi tại ngõ để đợi xe máy chạy qua. Khi thấy anh Nguyễn Văn Xúy (người cùng thôn) đi ăn giỗ về, chở con gái là cháu Nguyễn Thị Huyền ngồi ở sau, Thông đã đuổi theo và đâm vào lưng cháu Huyền. Cháu Huyền bị ngã xuống đường, lưng đầm đìa máu, sau đó tử vong trên đường đi cấp cứu do vết thương quá nặng.

Sau khi gây tội ác, Thông đã bị cơ quan công an bắt. Tuy nhiên, do giám định pháp y tâm thần cho thấy, Thông bị tâm thần phân liệt, nên Thông đã không phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi giết cháu Huyền. Sau đó, Thông phải đi điều trị bắt buộc, rồi lại trở về quê, rồi sau đó gây tội ác với anh Hoan như đã kể trên. Được biết, trước khi dùng gốc tre đập trọng thương anh Hoan, Thông còn làm nhiều người khác bị thương.

Cho đến bây giờ, người dân Thái Bình vẫn chưa quên vụ án mạng kinh hoàng xảy ra tại xã Phú Lương, huyện Đông Hưng do một người điên gây ra. Cụ thể, vào khoảng 7 giờ sáng ngày 7/3/2012, chị Mai Thị Thao đang ngồi rửa bát thì bất ngờ bị Nguyễn Bá Yêm (SN 1993) cầm dao chạy tới chém liên tiếp 8 nhát vào đầu, người, rồi cứa gần đứt lìa cổ chị dâu.

Hoàng Trung Thông - bị bệnh tâm thần, đang sống cùng bố mẹ. Sau khi gây trọng thương cho anh Hoan, Thông đã bị gia đình nhốt, xích vào phòng.

Sau khi gây án, Yêm đã bị gia đình và hàng xóm giữ lại và điện cho cơ quan công an đến giải quyết. Sau đó, cơ quan công an đã tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Yêm. Kết quả cho thấy, Yêm cũng bị tâm thần. Cụ thể, Yêm bị kích thích bởi màu đỏ. Hôm đó, chị Thao mặc áo màu đỏ, nên đã trở thành nạn nhân của Yêm. Yêm sau đó được đi điều trị bắt buốc, nhưng sau đó lại trở về sống tại cộng đồng. Đây là mối nguy hiểm tiềm tàng cho người dân, bởi không thể khẳng định chắc chắn Yêm không bùng phát cơn điên một lần nữa.

Hoàng Trung Thông, Nguyễn Bá Yêm chỉ là 2 trường hợp trong rất nhiều trường hợp người điên sống tại cộng đồng gây án xảy ra tại tỉnh Thái Bình từ trước đến nay. Chỉ trong năm 2013, Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh Thái Bình đã nhận 11 yêu cầu trưng cầu giám định, trong đó công an yêu cầu 10 trường hợp, tòa án yêu cầu 1 trường hợp. 11 trường hợp này đều là những người liên quan đến những vụ án hình sự.

Được biết, con số 7.188 người tâm thần vẫn chưa phản ánh hết đầy đủ số lượng người tâm thần sống tại cộng đồng. Đây chỉ là con số quản lý trên danh sách, nếu tính cả những trường hợp mà người thân giấu diếm, không khai báo thì số lượng sẽ nhiều hơn.

Ai cũng biết người tâm thần sống cùng cộng đồng rất nguy hiểm cho an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân. Tuy nhiên, cái khó ở đây là, bệnh viện tâm thần chỉ là nơi điều trị có thời hạn, không thể tiến hành điều trị tại bệnh viện cả đời cho người bị tâm thần. Thường thì bệnh viện chỉ điều trị một vài tháng, rồi sau đó lại trả người điên về địa phương để điều trị nội trú.

Còn đối với các trung tâm tâm thần kinh của Sở LĐTBXH thì chủ yếu nuôi dưỡng, điều trị các đối tượng người có công, gia đình chính sách, còn đối với những đối tượng ngoài xã hội thì số lượng cũng rất hạn chế.

Như vậy, ở nhiều nơi, an ninh trật tự địa phương sẽ bị xáo trộn rất lớn do người tâm thần sống cùng người bình thường, gây ra tâm lý bất an cho người dân, không biết tai họa sẽ xảy ra lúc nào.

Thục Quyên