Hà Nội giải thích việc thu phí trên Đại lộ Thăng Long

07:00 | 19/02/2014

1,092 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hà Nội đang xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc có hay không thu phí tuyến Đại lộ Thăng Long. Nếu có cũng không phải để duy tu, bảo dưỡng đường, mà để thu hồi vốn đầu tư cho hệ thống giao thông thông minh.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy tổ chức vào chiều 17/2.

Trước việc xin phép Thủ tướng cho thu phí đường bộ trên Đại lộ Thăng Long của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, dư luận cho rằng, đây là hành động trái luật. Đại lộ Thăng Long được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, chủ phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ để duy tu và hoàn vốn tuyến đường, nên nếu lập trạm thu phí là trái luật, phí chồng phí. Khi chưa có quỹ bảo trì đường bộ, Chính phủ mới cho phép thu phí trên đại lộ để hoàn vốn. 

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải nỗ lực xóa bỏ hàng chục trạm thu phí trên các tuyến đường quốc lộ được đầu tư bằng ngân sách sau khi quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động. Hà Nội cũng đang muốn xóa trạm thu phí trên đường cao tốc Bắc Thăng Long mà giờ lại muốn lập thêm trạm ở Đại lộ Thăng Long là đi ngược với chủ trương.

Người dân có thể sẽ phải nộp phí khi đi trên Đại lộ Thăng Long nếu Thủ tướng đồng ý.

Lý giải về việc này, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết: “Khi chưa có quỹ bảo trì đường bộ theo Nghị định số 18, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện chủ trương thu phí tuyến Đại lộ Thăng Long. Hiện nay, quỹ bảo trì đường bộ đã hoạt động thì Hà Nội phải báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng về việc, có tiếp tục thu phí đại lộ Thăng Long hay không. Nếu Thủ tướng cho phép thu phí thì cũng không phải để duy tu, bảo dưỡng đường, mà để thu hồi vốn để đầu tư cho hệ thống giao thông thông minh. Việc thu phí hay không còn phụ thuộc vào chủ trương đầu tư và quyết định của Chính phủ”.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ hệ thống giao thông thông minh trên các tuyến đường cao tốc, trong đó có Đại lộ Thăng Long. Việc áp dụng hệ thống giao thông thông minh là cần thiết, bởi với tốc độ cao trên các tuyến cao tốc nếu không có thiết bị quản lý hiện đại, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Đường càng hiện đại sẽ càng nguy hiểm nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Khi áp dụng hệ thống giao thông thông minh, toàn bộ người điều khiển và các phương tiện sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt về tốc độ ngay từ khi nhập làn. Ngoài ra, lái xe còn được cảnh báo thời tiết, tầm nhìn, ánh sáng... Việc mua vé trên các tuyến đường cũng không phải dừng phương tiện. Tất cả đều được ghi chép bằng hình ảnh và được đưa về trung tâm xử lý và thực hiện phương pháp phạt nguội nếu xe vi phạm. Trường hợp có nguy hiểm tức thời, sẽ thông báo cho lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý.

Theo tính toán, kinh phí đầu tư cho hệ thống giao thông thông minh cho Đại lộ Thăng Long khoảng 210 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quyết định đầu tư bằng vốn ngân sách hay xã hội hóa. Nếu đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ không thu phí, còn bằng hình thức xã hội hóa sẽ phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, nếu được Thủ tướng đồng ý, thành phố sẽ bỏ tiền ngân sách xây hệ thống thu phí, nhằm tiến tới thu phí khép kín hoặc theo từng loại xe và quãng đường cụ thể với phương tiện đi trên phần cao tốc của đại lộ Thăng Long. Việc thu phí nhằm vào những đối tượng tham gia giao thông muốn có dịch vụ chất lượng cao như tăng tốc độ chạy xe, được cung cấp các thông tin về tình trạng giao thông trên đường… Trường hợp người tham gia giao thông không muốn đóng phí, có thể lựa chọn hệ thống đường gom hai bên.

Ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, hiện nay quỹ bảo trì đường bộ của Hà Nội đang chậm hơn so với các tỉnh. Hà Nội vẫn chưa có tài khoản, chưa triển khai thu quỹ này. Theo dự tính, năm 2014 thành phố cần tới 70.000 tỉ đồng phục vụ cho việc bảo trì giao thông.

Thiên Minh