Mô hình hội đồng giám sát cộng đồng:

Phụ huynh được giám sát việc thu - chi tại nhà trường

07:00 | 28/09/2013

1,578 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã đề xuất và được ngành GD-ĐT Hà Nội chấp thuận cho thí điểm việc giám sát tình trạng thu, chi trong nhà trường với vai trò của Hội đồng giám sát cộng đồng.

Để hiểu thêm về mô hình giám sát cộng đồng này, PV PetroTimes đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đồng thời là người đưa ra đề án này.

PV: Xin ông cho biết rõ hơn về Mô hình giám sát cộng đồng mà Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội vừa đề xuất và được Sở GD-ĐT Hà Nội chấp thuận thí điểm?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Trong ngày Sáng tạo Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra Chính phủ mở ra vào tháng 6 với chủ đề Sáng kiến phòng chống tham nhũng, khi đó, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã đưa ra đề án Chống tham nhũng trong ngành giáo dục. Tại đó chúng tôi đưa ra sáng kiến thành lập Hội đồng giám sát cộng đồng tại mỗi trường học, để giám sát việc đảm bảo quyền dân chủ của học sinh, phụ huynh mà Quyết định 04 mà Bộ GD-ĐT đã quy định nhưng vẫn chưa phát huy được tác dụng. Điều quan trọng nhất là Hội đồng này giám sát tất cả từng đồng tiền mà người dân đóng cho nhà trường. Hiện nay, chúng ta chỉ dựa vào những lực lượng kiểm soát của chính quyền như thanh tra, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT chứ việc giám sát cộng đồng vẫn chủ yếu chỉ dựa vào dư luận và báo chí.

Về bản chất, Hội đồng này là tổ chức xã hội, tự nguyện của cộng đồng cha mẹ học sinh và đại diện dân cư trên địa bàn, do Mặt trận Tổ quốc địa phương công nhận, dựa trên cơ sở kết quả bầu cử ban đại diện cha mẹ học sinh, của các đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa phương. Cụ thể, hội đồng sẽ có đại diện cha mẹ học sinh do Hội Cha mẹ học sinh trường giới thiệu, có đại diện Hội cựu giáo chức, Hội Khuyến học, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... do hội khuyến học địa phương đề cử.

Mặt trận Tổ quốc cấp phường xã (đối với trường mầm non, tiểu học, THCS) và cấp quận, huyện (đối với cấp THPT) có trách nhiệm tập hợp các thành viên, công nhận việc thành lập hội đồng giám sát gồm các thành viên trên. Hội đồng này sẽ hoạt động theo chỉ đạo, hướng dẫn của hội khuyến học địa phương và chịu sự quản lý nhà nước của phòng GD-ĐT hoặc sở GD-ĐT.

Đề án xây dựng “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” sẽ thí điểm từ năm học 2013-2014 tại năm trường học và cơ sở giáo dục thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội; mỗi Hội đồng này gồm 7-9 người.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.

PV: Vai trò của hội đồng này trong việc chống lạm thu như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Hội đồng sẽ giám sát việc thực hiện quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường đối với học sinh và cha mẹ học sinh; tham gia xây dựng quy chế chi tiêu phần kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp và kinh phí huy động được từ các nguồn lực khác cho nhà trường nhằm phục vụ kế hoạch giáo dục của trường; căn cứ vào kế hoạch huy động và sử dụng đã được thống nhất với nhà trường, hội đồng có trách nhiệm giám sát việc sử dụng và quản lý khoản kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp và kinh phí huy động được từ các nguồn lực khác.

Hội đồng có trách nhiệm cùng nhà trường giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức liên quan về kế hoạch huy động, sử dụng nguồn quỹ huy động từ cha mẹ học sinh và xã hội. Đồng thời hội đồng cũng có nhiệm vụ vận động các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường tham gia đóng góp công sức, tiền của cho sự phát triển của nhà trường.

Tuy nhiên cần phải hiểu rõ, Hội đồng này không đối lập với nhà trường mà phải cùng chịu trách nhiệm với nhà trường trong việc giám sát thu – chi và huy động sức dân cho hợp lý.

PV: Thưa ông, trong trường hợp phát hiện những sai phạm về thực hiện dân chủ trong nhà trường và thu - chi sai, quyền hạn của hội đồng giám sát này đến đâu?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Khi phát hiện ra vấn đề bất cập trong thu – chi, Hội đồng giám sát có quyền yêu cầu nhà trường giải trình, làm rõ những vấn đề mà hội đồng thấy bất ổn, yêu cầu các cơ quan quản lý ngành GD-ĐT địa phương giải quyết các kiến nghị đối với các trường học, giải quyết ngay những vấn đề nảy sinh. Hội đồng giám sát cũng có quyền kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ các việc làm vi phạm về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nhà trường, vi phạm về quy định thu, chi trong nhà trường...

PV: Theo đề án, chữ ký của hội đồng giám sát có giá trị để hợp thức hóa kế hoạch thu, chi. Với quyền lực nhất định đó, nếu hội đồng giám sát đứng về phía nhà trường để quyết định những khoản thu không hợp lòng dân, khi đó áp lực sẽ mạnh hơn đối với phụ huynh và lạm thu không những không giảm mà còn tăng thêm. XIn ông cho biết ai sẽ kiểm soát “quyền lực” của hội đồng giám sát?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Thứ nhất, trong đề án cũng nêu rõ bản kế hoạch thu, chi phải được 100% phụ huynh đồng ý. Như vậy phụ huynh vẫn là những người có tiếng nói góp phần quyết định việc này. Trước đây, nhiều phụ huynh không đồng ý nhưng vì lo ngại vẫn phải đồng ý, vẫn phải nhận là “tự nguyện”. Nhưng nay có thêm một kênh giám sát cả quá trình triển khai xây dựng kế hoạch, thực hiện thu, chi, sử dụng nguồn kinh phí... thì tôi hi vọng những phụ huynh không đồng tình với cách làm của ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ có nơi để kiến nghị và hội đồng giám sát sẽ bảo vệ những kiến nghị chính đáng của cha mẹ học sinh.

Thứ hai, hội đồng giám sát lập ra không phải muốn làm gì thì làm mà cũng có kế hoạch, nhiệm vụ được trao đổi, thống nhất. Hội đồng này phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (cuối học kỳ và cuối năm học) gửi cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, HĐND, UBND xã phường hoặc quận, huyện, thành phố, gửi cơ quan quản lý giáo dục địa phương. Ngoài ra hội khuyến học địa phương cũng có trách nhiệm tập hợp báo cáo của hội đồng giám sát các trường trong địa bàn gửi hội khuyến học thành phố, các phòng GD-ĐT cũng có trách nhiệm tập hợp báo cáo, kiến nghị của hội đồng giám sát các trường gửi Sở GD-ĐT và có yêu cầu, chỉ đạo ngược lại với nhà trường nếu kiến nghị của hội đồng giám sát các trường có căn cứ và xác đáng.

Hội đồng giám sát không phải là yếu tố cản trở hoạt động của nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh, cũng không phải tổ chức làm “bình phong” cho tình trạng lạm thu, mà nếu thực hiện đúng ý tưởng của đề án, đây là một nhân tố góp phần làm cho việc thu chi trong nhà trường minh bạch, hợp lý, hiệu quả.

Mặc dù có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn xảy ra tình trạng lạm thu.

PV: Theo ông, điều khác biệt lớn nhất giữa Hội Phụ huynh học sinh và Hội đồng giám sát cộng đồng trong việc thu – chi là gì?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Hiện nay các Hội Phụ huynh chưa thực hiện tốt việc giám sát thu – chi và chống lạm thu trong nhà trường. Lý do thứ nhất là do không ai muốn đương đầu, không dám chống lại Hiệu trưởng vì chính con em họ sẽ bị ảnh hưởng. Và ngay cả chuyện lựa chọn thành viên của Hội Phụ huynh này cũng có vấn đề, đã có sự thương lượng, ăn rơ với nhau.

Nhưng với Hội đồng giám sát cộng đồng thì khác, Hội đồng này đã có chức năng, nhiệm vụ được quy định rõ ràng. Trước đây việc thu – chi trong nhà trường chỉ do Hiệu trưởng chịu trách nhiệm, phụ huynh không có quyền hạn cũng như chức năng giám sát; thế nhưng Hội đồng giám sát cộng đồng phải cùng Hiệu trưởng theo dõi việc thu – chi trong nhà trường và phải làm đúng quy trình. Hội đồng này không chống lại Hiệu trưởng mà cùng với Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trong việc kêu gọi và sử dụng nguồn lực trong dân, còn khoản ngân sách Nhà nước “rót” xuống thì không thuộc quyền hạn giám sát của Hội đồng này.

PV: Theo đề án, hội đồng không chỉ có vai trò giám sát mà còn tham gia, quyết định, có nghĩa đây không phải tổ chức đứng độc lập bên ngoài làm một kênh kiểm soát mà can thiệp vào việc thu, chi của cha mẹ học sinh và chịu trách nhiệm về việc thu, chi. Như vậy, hội đồng đang làm một phần việc của hội cha mẹ học sinh và một phần việc của lãnh đạo nhà trường. Liệu như thế hội đồng còn có thể khách quan không, hay cũng bị chi phối?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Khi hội đồng làm đúng chức năng, nhiệm vụ thì sẽ giảm được lạm thu đầu năm học. Bởi trước đây, phụ huynh chỉ trông chờ vào ban phụ huynh của trường làm rõ các vấn đề lạm thu. Nhưng ban này lại bị hiệu trưởng chi phối, đẩy lên làm “bù nhìn” liên quan các khoản thu đầu năm. Đại diện ban phụ huynh nói đóng bao nhiêu tiền thì các phụ huynh khác đều phải nghe theo. Do vậy, nhiều người vẫn cứ nộp tiền và vẫn cứ kêu mà không dám lên tiếng bởi con em học mình còn học ở trường.

Còn khi có “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học”, hiệu trưởng đề xuất khoản tiền thu chi, thành viên Hội đồng giám sát sẽ thẩm định xem nhà trường làm có đúng không. Thậm chí, khi thu các khoản thu chi ngoài ngân sách thì ngoài chữ ký của hiệu trưởng bên cạnh vẫn phải có chữ ký của thành viên hội đồng giám sát.

Theo dự thảo ban đầu, hội đồng giám sát cộng đồng có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện thu chi của trường. Kế hoạch thu chi của trường sẽ phải có chữ ký đồng ý của hội đồng giám sát mới được làm. Quan điểm của tôi là cần nâng cao hơn vai trò của hội đồng, không chỉ đứng ngoài giám sát mà cùng xây dựng và quyết định kế hoạch thu, chi. Nhưng tôi cũng có băn khoăn, suy nghĩ. Trao một “quyền lực” nhưng nếu hội đồng không có tâm, không nghiêm túc, không có chính kiến rõ ràng có thể sẽ dẫn tới biến tướng tương tự hội cha mẹ học sinh bây giờ.

Trong dự thảo mới nhất, một trong các nhiệm vụ của hội đồng vẫn có nội dung “tham gia xây dựng quy chế chi tiêu cùng hội cha mẹ học sinh”, nhưng có thể chúng tôi sẽ bàn bạc thêm về việc này để xem nên “tham gia” ở mức độ nào, hay chỉ thực hiện vai trò giám sát, tư vấn, kiến nghị, không can thiệp trực tiếp vào việc xây dựng kế hoạch thu, chi của nhà trường và của hội cha mẹ học sinh.

Xin cảm ơn ông!

Vương Tâm