PGS Văn Như Cương bức xúc vì màn "tô" chữ Hán khai bút

07:00 | 27/02/2015

11,077 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin một số vị lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ GD-ĐT xếp hàng “tô chữ” trong Lễ hội khai bút đầu Xuân Ất Mùi đã khiến PGS Văn Như Cương vô cùng bức xúc. Ông cho rằng: Việc tô lại chữ trong lễ hội khai bút vừa qua của các vị lãnh đạo này là rất dở.

Sự kiện diễn ra vào ngày 23/2 vừa qua, Hà Nội tổ chức lễ khai bút đầu xuân tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An ở xã Thanh Liệt (Thanh Trì - Hà Nội). Sẽ không có gì đáng bàn nếu các lãnh đạo chỉ "múa bút" tượng trưng vài nét trên nền giấy trắng.

Tuy nhiên, 5 chữ được biểu diễn trong lễ khai bút trượng trưng năm là “Đức-Trí-Học-Thành-Nhân” lại được các lãnh đạo “tô lại” theo nét chữ đã được vạch sẵn đã khiến nhiều người thảng thốt bởi "sự biểu diễn hình thức" như thế không hề phù hợp với một lễ khai bút đầu xuân.

PGS. Văn Như Cương

Về việc này, trao đổi với PetroTimes, PGS Văn Như Cương cho rằng: Tục khai bút đầu xuân có từ rất lâu rồi, đó là một phong tục đẹp của dân tộc. Càng có ý nghĩa đối với những người có học, nó giống như người nông dân thì có lễ “tịch điền”, họ sẽ cày nhát cày đầu tiên trên thửa ruộng của mình để cầu mong mùa màng được bội thu, người buôn bán thì khai bút ký hợp đồng đầu tiên lấy may mắn, anh kỹ sư xây dựng thì có thể chọn thời điểm đẹp để tự tay hàn mối hàn đầu tiên…

Vì vậy nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng như sự mong muốn công việc được hanh thông, thuận lợi trong năm mới. Khai bút là chữ viết ra trong lúc ngẫu hứng, thể hiện được nét chữ là nết người. Như vậy nếu “nết người” được định hình trên một nền chữ có sẵn thì còn gì là “khai bút”, còn gì là trí tuệ của người viết?

Các vị lãnh đạo "tô lại" chữ Hán trong Lễ khai chữ đầu xuân Ất Mùi.

"Ngay từ khi tôi còn bé cũng đã được cụ thân sinh của mình chỉ dạy cho cách khai bút đầu xuân. Lúc ấy, cụ nói rằng tôi hãy tự chọn một chữ mà tôi thích và có ý nghĩa để viết và tự tay viết chứ không phải viết theo… Vẫn biết bây giờ vào thời kỳ phát triển, tuy nhiên đã là phong tục thì không nên thay đổi và việc “tô lại” này khiến người ta nghĩ đến việc nặng nề về hình thức.

Nếu anh không biết cầm bút lông thì anh có thể dùng bút mực, anh không biết chữ Hán thì anh có thể viết chữ quốc ngữ, viết những chữ như “gần dân”, “yêu dân”… hay động viên khích lệ tinh thần học tập, chứ đâu nhất thiết cứ phải: Tâm, Tài, Đức" - GS Văn Như Cương nói thêm.

Bên cạnh đó, giải thích về việc phải viết chữ Hán ở đình thờ nhà giáo Chu Văn An để thể hiện sự tôn nghiêm thì PGS. Văn Như Cương cho rằng: "Nhận định này rất kỳ quặc, tôi thấy vô cùng bức xúc. Nói như vậy thì chữ quốc ngữ của chúng ta không tôn nghiêm? Điều này khiến tôi cảm thấy bệnh hình thức ngày càng lớn lên. Xin hãy giữ nguyên những phong tục đẹp, ý nghĩa nguyên bản của các tục lệ cũ chứ đừng làm những chuyện không ra làm sao như vậy."

 

Huyền Anh (tổng hợp)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.