Cấu trúc SGK sau 2015:

Lấy học sinh làm trung tâm để thay đổi

08:36 | 31/10/2013

1,634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 30/10, Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức hội thảo Quốc tế “Đổi mới và hiện đại hoá chương trình, sách giáo khoa theo định hướng phát triển bền vững”.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã giới thiệu các thành tựu nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề: Định hướng trong đổi mới và hiện đại hoá SGK phổ thông; Xây dựng, phát triển, sử dụng SGK và học liệu điện tử; Xây dựng và phát triển mô hình SGK mới và hiện đại; đánh giá sử dụng SGK trong nhà trường phổ thông hiện đại.

Một chương trình quốc gia nên có nhiều bộ SGK

Trên cơ sở định hướng đổi mới sau năm 2015, GS.TS Đinh Quang Báo, (Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo đề án “Đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015”) cho rằng: SGK luôn luôn là công cụ của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học. Trong đó đối với giáo viên, SGK định hướng phân tích, lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện tổ chức dạy học.

Đối với học sinh, SGK là nguồn kiến thức chính để tra cứu, gia công trí tuệ dưới sự tổ chức của giáo viên, qua đó chiếm lĩnh tri thức khoa học. Vì vậy, SGK phải được biên soạn đổi mới theo hướng thực hiện hai chức năng chính có quan hệ nhân-quả là chức năng thông tin và chức năng tổ chức quá trình sư phạm để góp phần vào việc triển khai hướng tiếp cận từ truyền đạt nội dung sang hình thành năng lực của học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Từ kinh nghiệm nghiên cứu chương trình, SGK của một số nước, GS.TS Nguyễn Lộc (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng trong đổi mới với một chương trình quốc gia nên có nhiều bộ SGK. Bộ GD-ĐT là cơ quan trực tiếp thẩm định SGK và cho phép sử dụng nếu bảo đảm chất lượng.

Để có thể tiến hành tổ chức thực hiện chương trình, SGK mới hiệu quả, cần coi trọng việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên, bởi khi đã có chương trình, SGK mới, hiện đại thì người thầy là “máy cái” phải tiếp cận nhanh chóng để tạo ra các sản phẩm. Phương thức giáo dục mới thì người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà nhiệm vụ chính của người thầy sẽ là tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác kiến thức, vận dụng kiến thức để hình thành năng lực, phẩm chất, kỹ năng và khả năng thích ứng với môi trường.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, GS.TS Mike Horsley, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục (IARTEM) cho rằng: Cần xem xét việc đổi mới chương trình, SGK trong thời đại số và toàn cầu hoá với sáu yếu tốt cần cân nhắc là: Nghiên cứu về việc sử dụng SGK và tài liệu giáo dục của giáo viên; Tính bảo thủ của giáo viên và việc tiếp tục sử dụng tài liệu dạy học và SGK; Tương lại của nguồn tài liệu giáo dục số hoá; Vai trò quan trọng của việc đào tạo giáo viên; thay đoỉo về hệ thống xuất bản để thúc đẩy phát triển SGK và tài liệu giáo dục mới; Coi việc sử dụng SGK và tài liệu của giáo viên là trọng tâm của quy trình phát triển tài liệu mới. Cũng theo GS.TS Mike Horsley cần tính đến việc một yếu tố chương trình được thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những yếu tố còn lại.Các thiết kế chương trình phải làm sao để giáo viên đặt học sinh vào trung tâm mới là yêu cầu quan trọng.

Cân đối “dạy người”, “dạy chữ” và “dạy nghề”

GS.TS Vũ Văn Hùng – Phó Tổng giám đốc, kiêm Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam - cho biết: Theo Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015, các định hướng xây dựng chương trình, SGK mới là tiếp cận theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo hướng phát triển năng lực cho học sinh; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục theo yêu cầu phát triển năng lực, điều chỉnh hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người” và từng bước “dạy nghề”. Nội dung giáo dục mang tính cơ bản, hiện đại, thực tiễn giúp hình thành và phát triển các năng lực học tập và phẩm chất học sinh. 

Đi sâu về vấn đề này, một số tham luận tại hội thảo đã đề cập đến những xu hướng chính của việc đổi mới và hiện đại hóa chương trình, SGK trong thời đại số và toàn cầu hóa; thiết kế và biên soạn SKG theo định hướng phát triển bền vững; quan niệm về đổi mới và hiện đại hóa SGK ở Việt Nam sau năm 2015… 

SGK mới sẽ lấy người học làm trung tâm để phát triển và thay đổi.

Cũng theo GS.TS Vũ Văn Hùng, ở các nước phát triển, để có một bộ SKG tốt, việc nghiên cứu mô hình SKG phù hợp với các yêu cầu của chương trình, điều kiện thực tế của đất nước là rất quan trọng. Điều đó giúp tác giả có một tầm nhìn, định hướng chung, góp phần làm nên bộ SKG nhất quán và đáp ứng đúng yêu cầu của chương trình

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Việt Nam đang ở bước khởi đầu của quá trình đổi mới CT giáo dục nói chung, trong đó có chương trình giáo dục phổ thông nói riêng theo yêu cầu chuyển từ chương trình chương trình tiếp cận nội dung sang chương trình tiếp cận năng lực người học, từ mục đích truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho học sinh sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học…

Vì vậy, SGK phải có cấu trúc, nội dung, cách tiếp cận và hình thức trình bày đáp ứng tốt nhất sự sáng tạo, chủ động của giáo viên, học sinh trong quá trình dạy học, phù hợp với các đặc điểm về điều kiện giáo dục của cả nước cũng như các vùng miền khác nhau, đáp ứng tốt nhất mục đích và chuẩn của chương trình giáo dục.

 SGK phải vừa là nơi cung cấp nội dung dạy học, vừa là nơi khởi đầu, kích thích sự tìm tòi kiến thức từ các nguồn khác nhau, gắn với cuộc sống, sự kiện từ quê hương, đất nước. SGK phải tạo cơ hội cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực theo phương châm lấy quá trình học tập của học sinh làm trung tâm và khơi gợi hứng thú, khát vọng học tập suốt đời, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và trong học tập của các em.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Cùng với việc xác định các đặc điểm phải có, các yêu cầu đối với SGK, chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá SKG để làm căn cứ xuất phát cho các tác giả SGK; đồng thời, phải làm công cụ cho việc đánh giá, thẩm định SGK, giúp Bộ GD-ĐT trong việc phê duyệt, cho phép sử dụng SGK trong dạy học.

Sách giáo khoa sau 2015 sẽ được xây dựng thành 4 phần chính: 

Phần mở đầu

Đây là phần rất quan trọng có nội dung nhập môn. Phần này bao gồm giới thiệu giá trị khoa học của môn học, đặc biệt là giá trị của nó đối với hành trang tri thức của mỗi người; hướng dẫn học sinh phương pháp nghiên cứu môn học, các kỹ năng chuyên biệt và năng lực chung mà môn học góp phần phát triển ở học sinh.

Ngoài ra, phần mở đầu còn có vai trò liên hệ nội dung môn học với các môn học khác; nêu các đề tài nghiên cứu có ý nghĩa, khả thi, những tư tưởng có giá trị phương pháp luận; đặc biệt hướng dẫn chi tiết các cách học (lập bảng hệ thống, so sánh, đối chiếu, lập bản đồ khái niệm, bản đồ tư duy, các mẫu trắc nghiệm, tổ chức làm việc nhóm, cách ghi chú vở học sinh…).

Phần nội dung

Môn học không nên trình bày đơn vị bài học theo tiết mà nên theo chủ đề, nội dung ứng với các tình huống tích hợp. Như vậy, sách giáo khoa cần được trình bày sao cho các chủ đề sắp xếp logic, khoa học.

Việc thiết kế cần chú ý để mỗi chủ đề có tính trọn vẹn nhất định và đặt tiêu đề ứng với các cấu trúc: phần - chương - chủ đề - các hoạt động. Ứng với mỗi cấp độ chủ đề cần có một hệ thống các hoạt động và ứng với mỗi hoạt động là các "gói dữ liệu” chứa đựng các thông tin khoa học, các sự kiện, hiện tượng, các khái niệm làm cơ sở cho hoạt động tìm tòi giải quyết vấn đề.

Để giúp học sinh huy động tri thức có liên quan đến chủ đề mới cần có phần gợi ý tái hiện lại kiến thức đã học bằng các câu hỏi. Như vậy, để tổ chức học một chủ đề trong sách giáo khoa cần đảm bảo các nội dung cần biết gì, nghiên cứu đề tài khoa học nào, câu hỏi thảo luận và các hoạt động nhóm là gì, câu hỏi trắc nghiệm và đề cương báo cáo kết quả nghiên cứu. Với cấu trúc trên, sách giáo khoa sẽ thực sự là một cẩm nang tổ chức dạy học.

Phần liệt kê các từ vựng

Đây là những từ cốt lõi có giá trị như một khái niệm, thuật ngữ khoa học. Thường các từ này được in đậm trong bài khóa và cuối một chủ đề, một chương, tất cả các từ đó được hệ thống lại thành một danh sách có giá trị như một từ điển.

Index

Đây là phần chỉ dẫn ở cuối sách, trong đó liệt kê tất cả các thuật ngữ, khái niệm đặc biệt cần thiết khi biên soạn sách giáo khoa tích hợp.

Index giúp học sinh tra cứu thuận tiện lúc cần huy động kiến thức từ các môn khoa học khác nhau trong sách giáo khoa (tự nhiên, xã hội) để giải quyết các vấn đề tích hợp.

Nhã Anh