Giải mã sự nhập nhèm giữa cá tầm "nội" và "ngoại"

07:00 | 24/07/2013

838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong gần một tháng (từ 25/4 đến 21/5/2013), cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã triệt phá gần chục đường dây nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc về Việt Nam. Điều tra cho thấy, bình quân một tháng, mỗi đường dây buôn lậu thực hiện khoảng 15-20 chuyến hàng từ biên giới về thủ đô và mỗi chuyến xe trót lọt, các chủ hàng lại đút túi hàng chục triệu đồng. Mặc dù có sự kiểm tra ráo riết nhưng bằng nhiều thủ đoạn, mánh khóe, các đối tượng buôn lậu cá tầm vẫn ngoan cố tìm cách qua mặt lực lượng chức năng.

Một tháng phá 8 đường dây cá tầm lậu

Trung tá Phạm Giang Sơn - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm (Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội) cho biết, do lợi nhuận cao nên rất nhiều đối tượng đã bất chấp mọi thủ đoạn để vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng chục đường dây nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc về Việt Nam và đã bị cơ quan chức năng triệt phá. Đặc biệt, chỉ trong vòng gần 1 tháng (từ 25/4 đến 21/5/2013), Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, triệt phá thành công 8 đường dây nhập lậu, vận chuyển và buôn bán cá tầm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, có 2 vụ tịch thu và bắt giữ được số lượng lớn: ngày 29/4/2013, bắt được hai xe vận chuyển cá lậu 860kg và 475kg cá tầm vào Hà Nội; ngày 21/5/2013, tịch thu và tiêu hủy 1.500 kg cá tầm vận chuyển từ Quảng Ninh. Cơ quan Công an khai thác được thông tin cho biết, bình quân mỗi đường dây cứ hai ngày lại chuyển hàng về Hà Nội một lần và mỗi chuyến xe trót lọt các chủ hàng lại đút túi hàng chục triệu.

Lý giải về nguyên nhân bùng phát nạn buôn lậu cá tầm không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam, Trung tá Phạm Giang Sơn cho biết: “Qua đấu tranh, các đối tượng buôn lậu cá tầm khai nhận, chúng lấy vào có giá từ 50.000-70.000 đồng/kg, khi về tới Việt Nam, chúng bán cho các đại lý bán lẻ ở các chợ với giá là 120.000-150.000 đồng/kg, còn vào các nhà hàng 150.000-170.000 đồng/kg. Mỗi chuyến hàng về Hà Nội dao động 1-1,5 tấn. Như vậy, nếu mỗi chuyến hàng trót lọt, chúng kiếm được 30-40 triệu đồng. Thế nhưng, khi bị bắt, chúng chỉ bị tịch thu hàng hóa và phạt hành chính 2,5 triệu đồng. Lợi nhuận cao, hình thức xử lý còn thấp, đây chính là động lực để dân buôn lậu hoạt động.

Mánh khóe buôn lậu cá tầm

Vì thu được lợi nhuận cao sau mỗi chuyến hàng nên các con buôn bất chấp mọi thủ đoạn để đưa hàng về Hà Nội tiêu thụ. Theo Trung tá Phạm Giang Sơn, hiện nay các đường dây nhập lậu cá tầm chủ yếu ở biên giới các tỉnh phía bắc, giáp với Trung Quốc. Chúng thường sử dụng hai tuyến đường chính để vận chuyển cá về thị trường Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là tuyến Cao Bằng - Hà Nội và Móng Cái (Quảng Ninh) - Hà Nội.

Cá tầm là loại cá có đặc thù sống ở môi trường nước lạnh nên để có được một con cá tầm lậu về với thị trường Việt Nam, những kẻ buôn lậu phải mất rất nhiều công sức và phải có đường dây khép kín từ mua hàng, vận chuyển đến việc bảo quản và xuất ra thị trường. Nói về tuyến vận chuyển cá tầm lậu từ Móng Cái về Hà Nội, Trung tá Phạm Giang Sơn cho biết: “Đây là tuyến vận chuyển cá tầm lậu chính để về Hà Nội và cũng là tuyến tương đối phức tạp”. Theo đó, những đối tượng buôn lậu cá tầm ở tuyến này phải có hệ thống và được chia làm 5 công đoạn. Cụ thể, chúng sẽ cử người vượt biên sang Trung Quốc thu mua cá, sau đó sẽ có người vận chuyển bằng đò qua sông Ka Long về Việt Nam. Tại đây cá sẽ được tập kết vào những bể chứa lớn do chúng xây dựng, có máy sục ôxy và làm lạnh. Sau khi cá đã vượt biên thành công, chúng sử dụng xe ôtô để đưa hàng về Hà Nội. Tại đây, chúng lại tập kết vào những bể chứa có máy làm lạnh và chở đi các đại lý bán lẻ”.

Gần chục đường dây buôn lậu cá tầm bị bắt chỉ trong vòng 1 tháng

Nói về thủ đoạn vận chuyển ở tuyến này, Trung tá Phạm Giang Sơn kể, sau một vài chuyến hàng bị lực lượng chức năng bắt giữ, các đối tượng buôn lậu trở nên cảnh giác, luôn tìm cách đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Thủ đoạn mà chúng thường làm là liên tục thay đổi biển kiểm soát xe khi qua các tỉnh, hoặc đổi xe, ví dụ như: xe đi từ Móng Cái về tới Bắc Ninh, Hải Dương là chúng chuyển hàng sang xe khác trước khi vào Hà Nội. Khi thủ đoạn này bị phát giác, chúng quay sang thủ đoạn tinh vi hơn, đó là xé lẻ hàng trước khi về Hà Nội. Cụ thể: Trước kia chúng chỉ thay biển kiểm soát hoặc đổi xe, nhưng bây giờ xe chở hàng từ biên giới không chạy thẳng về Hà Nội mà tập kết hàng ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Tại đó, chúng chia nhỏ hàng và sử dụng xe máy vận chuyển. Với hình thức này, nếu có bị bắt thì đầu nậu không mất hết hàng.

Còn phương thức nhập lậu theo tuyến Cao Bằng, chúng vượt biên ở cửa khẩu Hùng Quốc (ở Tà Lùng, Cao Bằng). Các đối tượng đi đường tiểu ngạch - loại đường dân sinh tự phát. Xe chở cá dừng đỗ gần khu vực biên giới, sau đó có các xe tay kéo và vận chuyển từ xe mang biển số Trung Quốc sang xe mang biển số Việt Nam. Thủ đoạn vận chuyển ở tuyến này cũng tương tự như tuyến Móng Cái - Hà Nội, chỉ khác biệt ở chỗ, các chuyến hàng này thường xuất phát vào buổi chiều và về tới Hà Nội vào ban đêm - thời điểm mà cơ quan chức năng ít kiểm soát. Chính những thủ đoạn tinh vi này đã khiến các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong cuộc chiến với cá tầm lậu.

Nói về việc dân buôn lậu bảo quản làm sao để cá vẫn sống và vẫn khỏe khi về tới đích cuối. Trung tá Sơn cho biết, có hai hình thức để giữ cá sống về tới Hà Nội. Một là trên thùng xe có thiết kế một bể cá to, có hệ thống sục ôxy, phải có cả cây đá ở trong bể đảm bảo độ lạnh cho cá sống; hai là khi chuyển cá đến biên giới, tạo nhiệt độ cực lạnh khiến cho cá ngất, cho vào túi nilon có bơm ôxy sau đó buộc lại cho vào thùng xốp, có đá bao bên ngoài. Cách bảo quản này sẽ chỉ được trong 10 tiếng, nếu không kịp chuyển về các bể cá lạnh, cá sẽ chết.

Trước những băn khoăn của chúng tôi về thông tin mà một số chuyên gia cá nước lạnh cho rằng, trong quá trình vận chuyển cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc, con buôn còn tẩm thuốc “mê” để cá “chết lâm sàng” một thời gian rồi tỉnh lại, khỏe mạnh bình thường. Về vấn đề này, Trung tá Phạm Giang Sơn khẳng định: “Thông tin này chưa được kiểm chứng, bởi chưa có được kết quả phân tích hóa chất thì chưa thể có kết quả chính xác”.

Cá tầm “xịn” phải có mã code

Hiện nay cá tầm vẫn chưa được cơ quan chức năng nào kiểm dịch ở bất kỳ một khâu nào, tất cả các loại cá không được kiểm dịch đều tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cao do dư thừa lượng chất kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng... Theo thông báo mới đây của Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), một số mẫu cá tầm tại các chợ ở Hà Nội có chứa chất tồn dư kháng sinh bị cấm. Trong 30 mẫu cá gồm 10 mẫu cá tầm, 10 mẫu cá quả, 10 mẫu cá trê được lấy tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội để kiểm nghiệm hồi tháng 5-2013 đã có kết quả. 4 mẫu, trong đó có 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm chất kháng sinh cấm Malachite Green và 2 mẫu cá quả nhiễm kháng sinh NitroFurans. Malachite Green là hóa chất được sử dụng để diệt vi khuẩn, nấm mốc ngoài da. NitroFurans là một loại kháng sinh trị bệnh hiện sử dụng cả cho người. Hai chất này nếu dùng nhiều có thể bị tồn dư trong gan, thận, gây các bệnh nan y và tăng nguy cơ gây nhờn thuốc Tây. Trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng và từ năm 2007 Việt Nam cũng không cho phép dùng chất độc hại này.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam Lê Anh Đức, giống cá tầm được nuôi tại Việt Nam hầu hết được nhập từ Nga hoặc châu Âu, với 3 giống chính là Siberi, Sterbel và Osetra. Từ tháng 4/2012, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã chính thức sản xuất thành công giống cá tầm Osetra từ đàn cá bố mẹ nuôi ở Việt Nam, đến nay tại Tây Nguyên, nhiều trang trại và doanh nghiệp đang dùng giống cá này để nuôi.

Cá tầm Nga có màu vàng óng đặc trưng ở phía bụng dưới, mũi dài nhưng hình tròn tù, không nhọn. Mình cá nhiều vây dạng gai, trải dài cả xương sống và 2 bên hông cá. Cá tầm Trung Quốc và cá tầm lai mình dài, thon, gai lưng không nhọn và nổi bật như cá tầm Nga. Mũi cá dài, nhọn với phần bụng màu đen, xám nhạt hoặc trắng. Thịt cá tầm nuôi ở Việt Nam sau chế biến vẫn giữ được độ mềm, ăn không ngấy. Khi chế biến thành món ăn, thịt cá nhập lậu thường bã, bở và không có độ đậm như cá tầm Việt Nam.

Các chuyên gia Hiệp hội Cá nước lạnh cho rằng, cá nhập lậu do phải vận chuyển xa nên thường bị xây xước, phần da bụng mỏng hơn so với cá nuôi trong nước. Hiện nay, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã cho áp dụng hệ thống mã code truy xuất nguồn gốc áp dụng cho tất cả các sản phẩm cá tầm nguyên con. Nếu cá tầm có code thì đó là cá tầm “xịn”.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49):

“Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, việc xử lý hàng thủy sản nhập lậu mỗi địa phương áp dụng khác nhau, có địa phương sau khi bắt giữ sẽ cho phát mại, có địa phương lại tiêu hủy... Thủy sản là mặt hàng khi vận chuyển, lưu thông trong nước nếu không đi ra từ vùng có công bố dịch thì không phải kiểm dịch của cơ quan thú y; về hóa đơn chứng từ cũng không bắt buộc chặt chẽ; mặt khác, thủy sản trong nước không có đặc điểm riêng để phân biệt với thủy hải sản nhập lậu nên rất khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý. Thủy sản là mặt hàng tươi sống, do đó nếu tiến hành kiểm tra tạm giữ để xác minh thì gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường hiện chưa có thẩm quyền xử lý hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Thẩm quyền về tạm giữ người, phương tiện, hàng hóa vi phạm, mặc dù Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định nhưng vẫn chưa được triển khai áp dụng nên quá trình bắt giữ, xử lý bắt buộc phải phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan chức năng khác, như vậy lại không đảm bảo các yêu cầu về nghiệp vụ”.

 

T.Minh - T.Huyền