NSND Lương Đức:

Làm phim phải có sự say mê

07:00 | 13/03/2013

827 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chỉ còn vài ngày nữa là điện ảnh Việt kỷ niệm tròn 60 tuổi (15/3/1953- 15/3/2013). Chặng đường ấy đã ghi lại rất nhiều những mốc son trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Làm sao để duy trì và tiếp nối những thành tựu vẻ vang mà thế hệ “vàng” của nền điện ảnh này đã xây dựng? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với NSND Lương Đức.

Chúng tôi làm phim với tinh thần của người lính

PV: 60 năm ghi dấu một chặng đường phát triển của điện ảnh nước nhà với nhiều lắm những thăng trầm bên cạnh những mốc son lịch sử. Nhắc lại thời “vàng son” đó, xin ông cho biết những thước phim đầu tiên được quay từ khi nào?

NSND Lương Đức: Những thước phim của điện ảnh Việt Nam xuất phát từ phim thời sự, phim tài liệu từ những năm 1947, 1948. Thời kỳ đó có một nhóm những người như ông Mai Lộc, Lý Cương, Cao Thành Nhân… vốn là thợ nhiếp ảnh trong nội thành Sài Gòn sau đó đi theo kháng chiến. Họ vào sống ở Bưng Biền và thành lập ra các tổ làm phim. Phim đầu tiên quay vào năm 1948 là trận bộc phá trong Sài Gòn. Tiếp sau đó là những trận đánh khác và cách làm phim cũng rất đơn giản. Họ vào thành phố Hồ Chí Minh, mua phim, mua máy và mua hóa chất về đưa lên thuyền rồi tự tráng phim theo sách vở hướng dẫn. Điện ảnh Việt bắt đầu như thế. Ở ngoài Bắc thì mãi đến đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, anh chị em mới bắt đầu mày mò làm phim.

Nói về tinh thần làm phim lúc bấy giờ thì phần lớn anh em đều tự học, tự làm và tìm hiểu cuộc sống. Đến thập niên 60 một số người mới có điều kiện đi Liên Xô để bồi dưỡng và có lớp điện ảnh đầu tiên do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn.

NSND Lương Đức

PV: Những ngày tháng còn muôn vàn khó khăn bởi đất nước bị chia cắt, kinh tế còn lạc hậu… nhưng điện ảnh Việt vẫn làm nên những bộ phim không chỉ có giá trị lịch sử mà còn thấm đẫm tình người, tính nhân văn… Theo ông, điều gì đã làm nên những chân giá trị ấy?

NSND Lương Đức: Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh Điện ảnh Việt Nam thì tinh thần làm phim thời kỳ đó chủ yếu là làm phim thời sự và tài liệu. Sau này có điều kiện hơn, điện ảnh nước nhà mới bắt đầu làm phim truyện. Và trước năm 1961 thì dù thuộc thể loại phim gì vẫn có tên chung là điện ảnh. Sau đó do nhu cầu phát triển, mới bắt đầu nghĩ đến việc tách ra thành phim tài liệu, phim truyện, sau này có thêm bộ phận là phim khoa học… Năm 1959, bộ phim khoa học đầu tiên ra đời.

Phim truyện đầu tiên làm là “Chung một dòng sông”, sau đó đến một loạt các phim khác đều là do các đạo diễn đã được đi học nước ngoài về làm.

Phải nói rằng, vào thời điểm đó mọi người đều sống theo chế độ bao cấp, nghĩa là công chức sống theo lương, không có chế độ nhuận bút, cũng không có chế độ thù lao, diễn viên hay đạo diễn đều vậy. Và tinh thần làm phim của anh em lúc bấy giờ rất hăng say. Vì thế những bộ phim đầu tiên của phim truyện đều tạo nên dấu ấn, ví dụ như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Chị Tư hậu”, “Hai người lính”… Vất vả là thế, nhưng ai cũng tràn trề nhiệt huyết, khí thế lúc nào cũng bừng bừng. Chỉ cần có lệnh là sẵn sàng vác máy lên đường đi làm nhiệm vụ.

Mà ngày đó, quay phim cũng như ra trận, không biết sống chết thế nào. Như đoàn làm phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” cũng hy sinh mất 2 người. Chính tôi cũng đã suýt chết hai lần. Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi nhụt chí. Thời điểm đó tất cả chúng tôi đều tâm niệm làm hết mình, hết sức vì đồng bào, vì Tổ quốc thân yêu.

Chính vì biết quên bản thân mình, hy sinh cái tôi để hòa quyện với cái chung, cái lớn của dân tộc nên ngày đó cứ bất cứ bộ phim nào được sản xuất cũng là máu, là mồ hôi, là công sức, trí tuệ của cả một tập thể luôn gắn kết, đầy trách nhiệm với công việc.

PV: Vậy những thước phim sau giải phóng thì sao, thưa ông?

NSND Lương Đức: Đến khi giải phóng miền Nam, phim truyện Việt Nam vẫn làm việc với điều kiện cực kỳ khó khăn. Anh em có khi phải ăn cháo đi làm phim. Nhưng tinh thần làm việc lúc bấy giờ rất vô tư và trong sáng, ai cũng cố gắng hết mình mà không có một đòi hỏi hay nhu cầu gì. Khi được giao và nhận làm phim nào thì anh em đều làm với tính chất nghiêm túc. Thời kỳ đó, thể loại phim truyện nổi lên nhiều đạo diễn có tài năng như: Hồng Sến, Đặng Nhật Minh, Phạm Kỳ Nam... thể loại phim tài liệu cũng vậy. Đây cũng là giai đoạn được đánh giá có nhiều thành công của nền điện ảnh nước nhà.

Cho đến thập niên 80, vẫn có những bộ phim kể về chiến tranh hoặc kể chuyện đời rất thành công. Nhưng tiếc rằng, những đạo diễn duy trì được tay nghề của mình không còn nhiều. Và thế hệ sau thì lại bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cái gọi là cơ chế thị trường. Khi khái niệm này xâm lấn vào lĩnh vực điện ảnh thì phim không còn là của ba bộ phận nòng cốt là biên kịch - đạo diễn - diễn viên nữa, mà đã có sự tham gia của rất nhiều bộ phận khác. Vô hình trung đem đến sự rời rạc và phân bổ nhiều nhân lực, bên cạnh đó việc tác động của cơ chế cũng làm thuyên giảm sức sáng tạo và sức nóng với nghề của anh chị em nghệ sĩ.

Kịch bản - đạo diễn - diễn viên... chưa đủ cho một bộ phim hay

PV: Những năm gần đây ông có xem phim truyện Việt Nam không?

NSND Lương Đức: Tôi ít xem, bởi một điều đáng buồn là phim của mình vẫn có tiết tấu lê thê, đa phần sa vào kể lể, không có sức cuốn hút, đôi khi là nhảm. Đặc biệt là những bộ phim truyện còn lẫn lộn với phim truyền hình thì thiếu logic, dễ dãi và tùy tiện, thành ra khiến người xem vô cùng khó chịu. Tôi nghĩ rằng, khán giả thời nào cũng vậy, họ tinh lắm, họ sẽ không dễ dàng tiếp nhận những sản phẩm nhàn nhạt đâu. Nếu đặt trường hợp nhu cầu hiện nay các đạo diễn đặt nặng vấn đề thị hiếu khán giả cần phim về mặt giải trí thì lại phải làm phim trên tiêu chí giải trí.

Nhưng giải trí thì cũng đừng nhàng nhàng chọc cười một cách thô tục, vô bổ, nó sẽ là một sản phẩm vừa mang tính trí tuệ, vừa mang đến tiếng cười thì sẽ tốt hơn. Nên với tôi, cứ đặt vào vị trí một khán giả thì phim truyện phải những phim nào thật thú vị tôi mới xem còn mấy phim lằng nhằng, nói thật là tôi giành thời gian làm việc khác còn có ích hơn. Cứ thử nghĩ, một bộ phim 45 phút mà chưa xem đã biết kết thúc thế nào, hay lượng thông tin của 10 phút lẽ ra chỉ làm trong 1 phút thì có đáng xem không?... Đấy, cái đáng buồn của thực trạng phim Việt nằm ở chỗ đó. Vì thế mà tôi cũng mang trong mình một mối hoài nghi, không biết lý do tại sao, họ thiếu tiền hoặc quá dễ dãi chăng?

Bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"

NSND Lương Đức, sinh năm 1939. Là đạo diễn, quay phim tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học TƯ, đã nhận Giải thưởng Nhà nước 2012. Ông đã đoạt rất nhiều giải thưởng trong nước ở hai cương vị: Đạo diễn - quay phim với 2 Bông sen Vàng, 8 Bông sen Bạc, Cánh diều Bạc... nhiều giải cá nhân và giải quốc tế tại LHP Moskva, Warszawa… nhận nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 14 năm danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Bộ Văn hóa...

PV: Thế còn phim truyền hình phát sóng giờ vàng thì sao? Xem phim vào giờ này theo cách ví von của nhiều người đó cũng là một cách cổ vũ “người Việt yêu hàng Việt”, cổ vũ nền điện ảnh nước nhà?

NSND Lương Đức: Tôi nghĩ rằng, chúng ta cũng cần có những tiêu chí riêng để đưa phim lên phát ở khung giờ vàng. Nhiều khi cứ cho rằng phim được phát ở khung giờ đó là phim hay... Nhưng thực tế không phải như vậy. Nhiều bộ phim vẫn giẫm vào vết xe đổ, mà thực tế đã chứng minh có nhiều phim buộc phải ngừng chiếu giữa chừng. Với những tác phẩm điện ảnh mà lĩnh án như vậy thì quả là thất bại.

Mà tôi thấy rằng, phim phát khung giờ vàng đa phần là phim giải trí. Nhưng thực tế đáng buồn là bệnh làm phim của mình nhiều khi giải trí cũng không phải mà nghệ thuật cũng chưa tới nên người xem không thích. Đặc biệt là phim truyền hình, tôi nghĩ, nó đang lâm vào tình trạng rập khuôn. Phim nào cũng na ná như nhau. Cũng mô típ đấy, cũng những diễn viên đấy, quanh đi quẩn lại phát nhàm, phát chán. May mà có các vùng sâu, vùng xa, người ta còn nghèo, chưa có điều kiện lắp truyền hình cáp nên còn xem chứ giờ thành phố có mấy người xem đâu. Bản thân tôi cũng không thích xem lắm vì nó không thuyết phục được mình.

Thực trạng là như vậy nên nếu cứ dậm chân mãi trong tình trạng này thì tôi e rằng, chẳng bao lâu nữa nền điện ảnh của chúng ta sẽ bị phim Tàu, phim Hàn... xâm lấn hết, mà điều đương nhiên là khi phim truyện đã xâm lấn thì văn hóa cũng dễ bị xâm lấn theo. Đó mới là mối nguy mà chúng ta nên lưu ý.

PV: Vậy theo ông thì nhân tố nào đảm bảo cho một bộ phim hay?

NSND Lương Đức: Một bộ phim thành công phải có các yếu tố là cốt truyện phải đa chiều, đạo diễn phải xào xáo nên câu chuyện và diễn viên thể hiện được cái hồn phim. Nhưng bây giờ kịch bản hay thì hiếm, đạo diễn thì kém tài còn diễn viên không có hồn, không có xúc cảm hay kinh nghiệm sống trong đời thường để minh họa.

Phải thừa nhận rằng, lâu lắm rồi chúng ta không “nhìn thấy” được một diễn viên có tài. Tôi không quá khắt khe nhưng phải nói là buồn khi lớp diễn viên trẻ hiện nay đã không có tài nhưng lại còn không hết mình. Đặc biệt từ ngày cơ chế thị trường lấn át đến điện ảnh vài năm trở lại đây thì rõ ràng chất lượng càng yếu hẳn đi. Càng xem phim càng thấy sự phi lý lên đến tột cùng. Từ những khâu nhỏ nhất cho đến lớn, làm phim ẩu vô cùng. Thử hỏi rằng, tự thân những người làm nghệ thuật mà không chỉn chu thì làm sao có thể tạo ra được những tác phẩm hay chứ đừng nói làm được tác phẩm để đời, lưu lại trong lòng công chúng. Tôi cũng nghe nhiều về việc những lớp diễn viên “gạo cuội” than trách diễn viên trẻ bây giờ hời hợt. Thực trạng đúng và tôi nghĩ rằng, họ nên nhìn nhận lại cách làm nghề của mình.

Nói như thế cũng không có nghĩa là phim hiện nay toàn là đồ bỏ đi, cũng có rất nhiều bộ phim xem được. Chỉ tiếc là với tốc độ làm phim hiện nay thì số xem được đó lại như muối bỏ bể. Tôi chỉ sợ cứ đà này, phim Việt không biết đến bao giờ mới có thể giành lại một góc thị phần trên sân nhà của mình. Có lẽ trong vài năm tới chúng ta vẫn buộc phải nhìn điện ảnh các nước khác làm mưa làm gió trên cả nước.

NSND Trà Giang trong phim "Chị Tư Hậu"

PV: Phải chăng là vì thiếu tiền? Bởi thời buổi làm phim như bây giờ, tiền ít cũng đồng nghĩa với việc thất bại nhìn thấy trước, ông có nghĩ như vậy không?

NSND Lương Đức: Theo tôi, tiền cũng rất cần nhưng nó không phải là vấn đề quyết định hoàn toàn. Thực tế chứng minh có những bộ phim làm ít tiền vẫn hay nhưng có không ít những phim được đầu tư với kinh phí “khủng” lại không hay, thậm chí là gây thất vọng. Có tiền dĩ nhiên có quyền được lựa chọn từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên… những yếu tố mà nếu kết hợp hoàn hảo sẽ cho ra bộ phim hay. Nhưng cả ba yếu tố đấy chỉ là yếu tố đủ, cái điều kiện cần còn là do sự say mê trong công việc. Tôi cho rằng thời nay niềm đam mê, khao khát được làm phim, được thể hiện khả năng không còn được như trước nữa. Đâu đó có những cá nhân những con người làm việc chỉ để sống, chỉ để vui, chứ không để vì nghề.

PV: Một thực trạng nhận rõ ở nền điện ảnh đương đại rằng, thế hệ “măng” chưa đủ độ cứng nhưng lớp “tre” thì đã nhường sân và nghỉ ngơi. Ông có thấy điều đó cũng là một tổn thất cho nền điện ảnh không?

NSND Lương Đức: Đến giờ thì chúng tôi cũng có tuổi hết rồi, nhường lại sân cho lớp trẻ cũng là điều tất yếu. Điều đó không đồng nghĩa với việc chúng tôi bỏ mặc các bạn vận động, mà chúng tôi vẫn dõi theo các bạn từng bước. Trong giới có đạo diễn Đặng Nhật Minh thỉnh thoảng vẫn làm ví dụ, cách đây không lâu có phim “Đừng đốt” đó thôi. Lớp “già” đâu phải không có, tuy nhiên với giới trẻ, tôi nghĩ rằng, họ đang có một gia tài vô cùng quý giá đó là tuổi trẻ, nên khi có cơ hội thì hãy nắm lấy và phất mạnh nó lên, phất lên bằng nhiệt tình từ tâm ấy, sẽ có ngày các bạn thành công.

Mặt khác, mỗi hoàn cảnh thì con người lại phải tạo cho mình một hướng đi khác nhau nhằm thích nghi với thực tại, không thể lấy hoàn cảnh hiện tại để đặt vào quá khứ. Cũng không thể nào làm phép so sánh giữa thời điểm này với thời điểm kia, nhưng tôi tin công thức để thành công ở bất cứ thời điểm nào vẫn là sự tận tụy, trách nhiệm, làm việc với tình yêu, sự hăng say thì tác phẩm của mình sẽ tròn trịa chứ không méo mó được. Nên tôi tin, đến một thời điểm nào đó sẽ lại có nhiều bộ phim hay, lại có dàn diễn viên máu lửa, lại có những đạo diễn hăng say và tận tụy với nghề.

Nhiều hoạt động có ý nghĩa sẽ diễn ra trong đợt kỷ niệm 60 năm thành lập ngành điện ảnh Việt Nam được Cục Điện ảnh và các đơn vị điện ảnh tổ chức song song như: Trong tuần phim kỷ niệm, Cục Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Viện phim Việt Nam trình chiếu lại nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam nổi tiếng qua các thời kỳ: “Đêm hội Long Trì” (cố đạo diễn - NSND Hải Ninh), “Bao giờ cho đến tháng 10” (đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh - Giải Bông sen Vàng năm 1985, Giải đặc biệt của Ban Giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Hawaii năm 1985), “Về nơi gió cát” (đạo diễn NSND Huy Thành - Bông sen Vàng năm 1983); Phim Tài liệu “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (đạo diễn Quang Huy - Bông sen Vàng năm 1973), “Nước về Bắc Hưng Hải” (Đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc - Bông sen Vàng năm 1970, Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Mátxcơva 1959), “Điện Biên Phủ” (đạo diễn NSƯT Nguyễn Tiến Lợi - Bông sen Vàng năm 1973).

Cũng trong tuần phim, Viện phim Việt Nam tổ chức chiếu giới thiệu miễn phí các bộ phim tiêu biểu của điện ảnh cách mạng đến hết ngày 14/3/2013 như: “Mùi cỏ cháy”; “Chốn quê” (phim TL), “Chung một dòng sông” (phim truyện); “Đảo Lý Sơn” (phim TL), “Hot Boy nổi loạn” (phim truyện); “Người thắp lửa” (phim TL), “Cánh đồng bất tận” (phim truyện); “Đất lạnh” (phim TL), “Tây Sơn Hào Kiệt” (phim truyện); “Đáng đời thằng Cáo” (phim hoạt hình), “Đời cát” (phim truyện); “Xe đạp” (phim hoạt hình), “Cánh đồng hoang” (phim truyện), tại rạp Ngọc Khánh, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

Nhân dịp này sẽ có nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức: Trưng bày ảnh “Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành” tại sảnh Nhà hát Lớn trong ngày 14/3/2013, tổ chức các đoàn nghệ sĩ điện ảnh Bưng Biền (Long An) và Đồi Cọ (Thái Nguyên) về thăm lại cái nôi của điện ảnh cách mạng Việt Nam…


Thanh Huyền - Hằng Nga (thực hiện)