GS Trần Lâm Biền: Cần một cái bắt tay

07:00 | 22/05/2013

1,244 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Câu chuyện tượng phật đội nón, mặc áo mưa trong chùa Diên Hựu làm nóng dư luận những ngày qua sau sự việc người dân làng cổ Đường Lâm xin trả lại di tích cho Nhà nước, sau cuộc tranh luận bảo vệ đàn Xã Tắc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa, ông chia sẻ về căn nguyên của những sự việc trên.

Theo Giáo sư Biền, chân lý đã chứng minh, bất kể ai muốn bước vào tương lai một cách vững chắc đều phải ngoái nhìn quá khứ để xác định rõ mình là ai. Và ông mong các nhà lãnh đạo đủ tài để đưa ra kết luận hài hòa cho những khủng hoảng phát triển hiện nay, nếu không những khủng hoảng sẽ biến thành bản chất.

Từ chuyện trùng tu chùa Một Cột

PV: Tượng phật trong quần thể di tích chùa Một Cột, Diên Hựu phải mặc áo mưa, đội nón đã làm nóng dư luận trong khi cứ bàn, cứ họp việc trùng tu chùa. Là một người nghiên cứu văn hóa rất nhiều năm, Giáo sư có tâm sự gì về về thực trạng này?

GS Trần Lâm Biền

GS Trần Lâm Biền: Hiện tại đã chốt vấn đề. Vấn đề thứ nhất, những nơi bị dột, chính xác là mấy hòn ngói xô lệch đẩy lại sẽ hết dột. Nhưng đấy là chùa Diên Hựu chứ không phải chùa Một Cột, vì chùa Một cột không có vấn đề gì hết. Trên thực tế, sau thời gian thì một mái chùa lợp ngói bị dột là chuyện bình thường.

Còn một vấn đề hết sức nhạy cảm, giải quyết vấn đề của chùa Một Cột và chùa Diên Hựu là sẽ được giải quyết đến tận gốc, đúng nguyên tắc của pháp luật. Tất nhiên, kế hoạch đưa ra sẽ được hoàn chỉnh vào tháng 6-2013, sau đó được trình lên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố rồi đưa lên Cục Di sản và Bộ VH-TT&DL. Sau khi Bộ thỏa thuận, họ sẽ tiến hành làm triệt để đối với kiến trúc này. Trong sự triệt để ấy có ba đơn nguyên kiên trúc đó là: chùa Một Cột, chùa Diên Hựu và nhà mẫu. Cả ba đơn nguyên này sẽ được tu bổ theo nguyên tắc hỏng đâu chữa đấy. Thứ hai: sẽ cương quyết bỏ ra ngoài chùa những cái gì đã đưa vào một cách vô lối. Ví dụ như hai con sư tử đá không phải nghệ thuật Việt mà là nghệ thuật ngoại lai, hay những bức tượng thừa, không đẹp… Bên cạnh đó sẽ chấn chỉnh lại ban thờ của chùa một cách bài bản có chuẩn mực. Ngoài ra sẽ xin thỏa thuận, nếu được duyệt sẽ làm nhà Tổ và nhà Tăng.

PV: Vấn đề người ta cho rằng sẽ giải quyết tận gốc ấy cụ thể là gì, thưa Giáo sư?

GS Trần Lâm Biền: Những việc này không phải là do UBND quận Ba Đình đưa ra mà cuộc họp có mặt từ Trung ương, các ban, ngành Hà Nội và các nhà khoa học. Vì thế không có chuyện họp xong rồi muốn làm hay không thì làm.

Còn tận gốc của vấn đề này là hỏng đâu sửa đấy và chấn chỉnh cho nó chuẩn mực. Các bước khi làm đến đâu sẽ có sự kiểm tra đôn đốc và có sự góp ý sâu của người nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc.

PV: Là một người nghiên cứu nhiều năm, tâm huyết đối với kiến trúc và các vấn đề văn hóa truyền thống, khi nghe thông tin về những bức tượng trong quần thể chùa Diên Hựu, chùa Một Cột, Giáo sư đã có cảm xúc thế nào?

GS Trần Lâm Biền: Khi tiếp cận thông tin này tôi đã nghĩ ngay đến việc ở đây có sự nói quá chứ sự việc đơn giản hơn nhiều. Tôi là một người thuộc đến từng pho tượng trong chùa và biết giá trị từng pho một. Tôi biết, thực ra những bức tượng ở đây giá trị không cao, nhưng không có nghĩa không cao thì không được bảo vệ. Nhưng ngay cả việc nếu phải mặc áo mưa, đội nón cho tượng thì người trụ trì hoàn toàn có thể mượn một người lên dọi mấy viên ngói để hết dột vào pho tượng chứ không đến mức đẩy vấn đề thành nghiêm trọng như vừa qua, tạo nên một hình ảnh gây bức xúc cho quần chúng.

Còn chuyện ngập lụt trong nhiều năm, hiện không thể giải quyết một sớm một chiều. Nhưng trong cuộc họp sáng 15-5 đã đưa ra thảo luận. Trước mắt cống rãnh sẽ phải tiến hành nạo vét làm thông thoáng hơn và có thể sử dụng phương án nâng cao nền để tránh ngập lụt vào nội điện, còn tránh ngập sân thì khó lắm. Nhưng đề án phải được đưa ra và được duyệt đã.

Chùa Một Cột

PV: Câu chuyện tượng Phật mặc áo mưa, đội nón chống dột đã trở thành vấn đề nóng trên mặt báo và được công chúng quan tâm bởi đây là hình ảnh tâm linh của dân tộc. Bởi thế, nhân dân cho rằng, khu vực này phải được bảo vệ hơn những địa danh khác cũng là dễ hiểu, thưa Giáo sư?

GS Trần Lâm Biền: Vấn đề văn hóa của quần thể di tích này đúng là rất lớn. Nhưng nếu nói tôn nghiêm, điều đáng nói nhất địa danh này phải do một hòa thượng trụ trì chứ không chỉ đơn thuần là một người tu hành chưa đạt chuẩn như ông… Kiên. Chúng tôi, những người làm văn hóa vẫn đánh giá chùa Một Cột là di sản văn hóa rất đáng quan tâm của toàn dân tộc, vì nó như một biểu tượng văn hóa ở thời kỳ đầu tự chủ nên chúng tôi chỉ biết di tích này nhất định phải bảo vệ. Còn những người tu hành không nằm trong sự kiềm tỏa của ngành văn hóa và đây là câu chuyện của Hội Phật giáo.

PV: Tình trạng dột nát trong thời gian qua ảnh hưởng thế nào đến việc bảo vệ quần thể kiến trúc này, thưa Giáo sư?

GS Trần Lâm Biền: Di tích này giá trị của nó nằm ở mặt tinh thần chứ không phải nghệ thuật. Vì xét về kiến trúc vật thể, chùa Một Cột và chùa Diên Hựu không còn dấu tích gì của thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ, thậm chí không có cả dấu tích thời Mạc. Kiến trúc chủ yếu thuộc về thời Nguyễn. Tuy vậy, quần thể di tích này vẫn mang giá trị tinh thần rất lớn nhưng giá trị nghệ thuật vừa phải. Theo bia thời Lý viết thì chùa Một Cột được dựng trên cột đá và đỉnh cột đá là bông sen nghìn cánh, trên bông sen nghìn cánh là tòa nhà đỏ thẫm, trong tòa nhà đỏ thẫm có tượng phật mình vàng. Nay chùa Một Cột không còn dấu tích nào gắn với bốn chuẩn mà nhà Lý đưa ra, nhưng hình ảnh của nó đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt hiện nay, chứng tỏ sự tồn tại là bất biến. Vì thế chúng ta phải bảo vệ nó trước hết vì tinh thần yêu quý di sản của tổ tiên, tuy không còn dấu tích nhưng tinh thần thời Lý vẫn theo đó mà tồn tại. Do đó nó vẫn mang giá trị biểu tượng, tôn trọng bản sắc dân tộc. Và chúng ta nên nhớ, bản sắc là quan trọng nhất.

Đừng nói quá lời như chùa trăm gian, nhiều người hô lên nó là quần thể kiến trúc từ thời Lý nhưng đâu phải thế. Khi tôi lên kiểm tra, dấu tích còn lại chỉ là một nhà hậu ở phía sau đã bị dột nát, mới được làm từ hồi đầu thế kỷ XX chứ không phải còn nguyên quần thể kiến trúc chùa từ thời Lý. Mà làm từ gỗ thì qua thời gian sẽ bị hỏng và hỏng thì phải sửa. Nhà chùa chỉ sai khi đây là một di tích lịch sử quốc gia nhưng khi sửa sang đã không xin phép mà tự động làm. Còn chùa Một Cột là tinh thần muôn đời, muôn thuở và tinh thần ấy giữ được chứ không phải hình thức hay kết cấu thời Lý để lại đến nay.

PV: Có chi tiết là câu chuyện hai con sư tử đá được đưa vào quần thể chùa Một Cột và Diên Hựu, nay nếu sửa sang sẽ buộc phải bỏ đi. Tại sao, thưa Giáo sư?

GS Trần Lâm Biền: Bởi tinh thần của nó như thế này, nhà Lý ý thức bài Hoa rất mạnh, thế mà nay lại đem hai con sư tử theo phong cách nghệ thuật Trung Hoa vào đấy, mà lại đặt ngay trước mặt tiền của chùa thì không thể được. Vì điều đó phản nghịch lại với ý thức dân tộc, khẳng định tư cách dân tộc của nhà Lý ở trong một kiến trúc có gốc nhà Lý, điều đó không chấp nhận được. Để ở những di tích khác vẫn cần phải xem xét, nhưng để ở khu vực chùa Một Cột thì không thể chấp nhận được. Mà hai con sử tử đá này tôi không nhớ chính xác là ngày tháng năm nào nhưng chỉ mới được đưa vào cách đây chừng dăm ba năm nay.

Bên cạnh hai con sư tử đá, trước đây quần thể kiến trúc này không có đặt tượng ở ngoài sân, chưa kể là tượng đó còn không đẹp, nay cũng xuất hiện. Vậy trong quá trình tu sửa được phê duyệt tới đây, những thứ không thuộc về quần thể này cũng sẽ được chuyển đi hết.

Làng cổ Đường Lâm

PV: Theo Giáo sư, những thứ không thuộc quần thể kiến trúc vẫn xuất hiện ở khu vực này là do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan văn hóa hay có nguyên nhân nào khác?

GS Trần Lâm Biền: Không phải thiếu sự kiểm soát, mà ngành văn hóa lấy người đâu xuể mà kiểm soát hết. Người dân phải tự kiểm soát. Người trụ trì hiện tại, cụ thể ông Kiên, trước khi là một nhà sư, ông ấy trước hết là một công dân Việt Nam. Vậy một người Việt phải nghĩ đến vấn đề văn hóa, nghệ thuật và các vấn đề khác của người Việt đã. Nếu bản thân từng người không kiểm soát được hành động dễ dẫn đến việc phá hủy và tạo mâu thuẫn trong quần chúng, đặc biệt đi đến chỗ phê phán chính quyền.

Ở một mảnh đất có đến mấy nghìn di tích là Hà Nội, việc quản lý sát sao từng ngày, từng việc nhỏ ở từng di tích thực sự rất khó khăn.

Tuy nhiên, quần thể chùa Diên Hựu và chùa Một Cột là một quần thể di tích rất quan trọng và vô cùng nhạy cảm nên ngay cả sự quan tâm cũng làm sao phải được hài hòa là rất khó. Ở những vị trí khác, việc hỏng rồi sửa đơn giản, chỉ cần thực hiện đúng đường đi nước bước, còn ở vị trí này thì mọi sự can thiệp đều phải tính tới nhiều yếu tố chứ không đơn giản chỉ coi là việc tu bổ di tích. Chưa kể, tu bổ phải hài hòa với xung quanh, làm sao không phá đi cảnh quan.

Do thiếu một cái bắt tay

PV: Câu chuyện tượng phật trong chùa Diên Hựu gắn với một số sự kiện: người dân ở làng cổ Đường Lâm xin trả danh hiệu di tích và câu chuyện bảo vệ đàn Xã Tắc để không làm cầu vượt. Giáo sư nghĩ thế nào về hàng loạt các sự việc trên?

GS Trần Lâm Biền: Thứ nhất, câu chuyện ở Đường Lâm tôi thừa nhận ngành văn hóa tham gia bảo vệ di tích rất tích cực. Vấn đề đặt ra ở đây là giữa chính quyền và văn hóa chưa phối hợp đồng bộ. Chính quyền lo đến sự phát triển và muốn tránh sự phá hoại thì phải có chỗ cho người ta phát triển. Chẳng hạn việc mở khu mới để cho dân làng cổ giãn dân, nhưng khi khu mới chưa có, dân số làng cổ ngày một đông lên tất dẫn đến sự bức xúc. Còn tôi tin rằng chẳng có người dân Đường Lâm nào không muốn làng được xếp hạng di tích cả, nhưng bức xúc cuộc sống dẫn đến việc một số người đòi trả lại di tích cho Nhà nước, ngay cả việc đó cũng chỉ như một yêu cầu đòi hỏi phải quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi. Bởi tôi tin, ai cũng quan tâm đến tổ tiên, truyền thống cả, bởi người không quan tâm đến những điều đó đều không thể vững bước vào tương lai. Chân lý đã chứng minh, bất kể kẻ nào muốn bước vào tương lai một cách vững chắc đều phải ngoái nhìn quá khứ để xác định rõ mình là ai chứ.

Ở đây chính quyền và ngành văn hóa phải bắt tay giải quyết vấn đề này. Lập khu tân và khu cựu. Khu tân để giãn dân, thậm chí xây khách sạn cho khách du lịch còn khu cựu là khu bảo tồn văn hóa. Còn câu chuyện về đàn Xã Tắc tôi cho rằng đến nay không còn gì phải bàn nữa. Bao nhiêu ý kiến của ngành kinh tế và văn hóa đưa ra bây giờ chỉ còn chờ lãnh đạo của Hà Nội quyết định thôi. Các lãnh đạo thành phố sẽ cân nhắc để điều hòa, chẳng lẽ không điều hòa được việc cỏn con đó sao?

PV: Quan điểm cá nhân của Giáo sư về đàn Xã Tắc là như thế nào?

GS Trần Lâm Biền: Tôi không ngả về bên văn hóa hay ngả hẳn về bên giao thông. Chúng tôi đang chờ đợi ý kiến quyết định của lãnh đạo thành phố. Hiện vấn đề này tôi nghĩ mình không nên “cầm đèn chạy trước ôtô” và chúng ta cũng không có quyền ấy. Tôi chỉ biết rằng, Trụ sở Công an phường Ô chợ Dừa hiện tại chính là một ngôi đình trước đây có một tấm bia được dựng vào đời Chính Hòa (cách nay hơn 300 năm), tấm bia đó hiện được chuyển về đình Hoàng Cầu. Tấm bia ghi rõ vị trí ngôi đình: bên trái đình là có chùa Thanh Nhàn và bên phải đàn Xã Tắc. Bia ghi rõ như thế thì đủ cơ sở khẳng định đàn Xã Tắc ở khu vực đó chứ còn gì nữa. Chúng tôi kết luận việc này không dựa trên ý chí chủ quan mà dựa vào tư liệu để lại. Và chúng tôi tin tưởng lãnh đạo thành phố đủ thông minh, tài giỏi để giải quyết.

Hiện các vấn đề dư luận đang quan tâm đều gặp phải mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn. Văn hóa đã đi con đường văn hóa, lập trường văn hóa mà nói còn anh phát triển có lập trường phát triển, nhưng anh lãnh đạo phải dung hòa hai cái đó để đưa ra quyết định. Không ai có quyền quyết định ngoài người lãnh đạo.

PV: Kết thúc câu chuyện hôm nay, Giáo sư có cho rằng, văn hóa và chính quyền không bắt tay nhau tạo ra những bức xúc xã hội. Nhìn thực trạng đang diễn ra, Giáo sư buồn, vui hay cho rằng, đó là sự tất yếu?

GS Trần Lâm Biền: Bất kể một quốc gia nào trên con đường phát triển nó cũng có sự khủng hoảng phát triển, mà trong sự khủng hoảng đó sẽ đầy mâu thuẫn và đầy sự tiêu cực. Những tiêu cực đó được người ta nghĩ rằng nó là nhất thời và tìm cách chấn chỉnh để nó nằm trên con đường hay tiến về phía trước, các thứ đó sẽ tiêu vong trên con đường phát triển. Nhưng người ta nhìn thấy nó là bản chất và nếu xử lý nó không đúng mực thì những thứ họ nhìn thấy là khủng hoảng phát triển sẽ trở thành tai họa khó lường về sau. Những quyết sách xử lý đó đều phụ thuộc vào người lãnh đạo. Còn hiện tại đa số anh em làm văn hóa chúng tôi nghĩ, phần lớn những tiêu cực xã hội hiện tại là khủng hoảng tất yếu trên con đường phát triển. Nhưng đừng để những khủng hoảng tất yếu đó trở thành bản chất, đó là tài năng của người lãnh đạo.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Chùa Diên Hựu được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông năm Kỷ Sửu 1049. Chùa Một Cột chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ có trồng hoa sen. Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa.

Năm 1954, quân Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa Một Cột. Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trùng tu lớn chùa Một Cột (chùa Diên Hựu), xây dựng lại chùa Một Cột theo kiến trúc cũ.

Chùa Một Cột ngày nay cùng chùa Diên Hựu hiện đại (tức là quần thể chùa Diên Hựu xưa) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962. Đến năm 2012, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á cho chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”.


Thanh Huyền - Hằng Nga (thực hiện)