Vinacomin: Gồng mình trong 6 tháng cuối năm

08:01 | 30/06/2013

730 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tình hình tiêu thụ than đang gặp khó khăn, giá bán tăng chậm, cộng với thuế xuất khẩu tăng 10-13% (từ ngày 7/7/2013) là những lý do khiến Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) lo ngại trước nguy cơ dừng xuất khẩu một số loại sản phẩm, dự kiến lượng than xuất khẩu giảm 4-5 triệu tấn trong năm nay.

Than tồn kho, tiêu thụ khó

Thông tin chính thức từ Vinacomin cho hay, nửa đầu năm nay lượng than tiêu thụ trong nước giảm mạnh dẫn đến tình trạng than tồn kho vượt trên 7 triệu tấn, trong đó than sạch chiếm hơn 5 triệu tấn. “Dễ hiểu, than tồn kho sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như ảnh hưởng đến môi trường, tăng chi phí quản lý và lo ngại nhất nếu thực trạng than tồn quá lâu, chất lượng than sẽ giảm. Đương nhiên, doanh thu sẽ giảm ở con số nghìn tỉ đồng…”, một chuyên gia Vinacomin bày tỏ mối lo ngại.

Lý do chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp là các loại thuế, phí thu từ ngành than đều ở mức cao của thế giới... dẫn tới sản lượng than của Vinacomin đang giảm mạnh, việc làm bị ảnh hưởng và thu hẹp. Theo Vinacomin, nguyên nhân của hiệu quả kinh doanh thấp như vậy là nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nên nhu cầu về năng lượng giảm, đồng thời có một số nguồn năng lượng mới bổ sung với khối lượng lớn như đá phiến (đá cháy...), trong khi những năm qua, các nước cũng đầu tư nhiều cho khai thác than cho nên nguồn cung lớn làm giá than thế giới từ năm 2012 giảm mạnh và đã hình thành mặt bằng giá mới ở mức thấp, giá bán một số chủng loại than hiện nay vẫn còn đang giảm. Vì thế mà than xuất khẩu hiện nay phải cạnh tranh khốc liệt, than của Việt Nam sau khi trừ thuế xuất khẩu 10% chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất, hầu hết các chủng loại than xuất khẩu không có lãi.

Ngành than đang gặp nhiều thách thức

Bên cạnh đó, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, các mỏ hầm lò ngày càng xuống sâu, có nơi độ sâu dưới -300m, áp lực mỏ lớn, nguy cơ về bục nước, cháy nổ, sập lò cao hơn; hệ số bóc đất các mỏ lộ thiên cao (phải nổ mìn bóc trên 11m3 mới lấy được 1 tấn than, cung độ vận chuyển đất đá trên 4km). Ngoài ra là các khoản chi phí phụ về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động... cũng tăng theo, trong khi tỷ trọng than lộ thiên giảm, chủ yếu phải khai thác hầm lò làm cho giá thành sản xuất than tiếp tục tăng.

Hơn nữa, từ tháng 7 này, ngành than dự kiến chỉ xuất khẩu được 400-500 nghìn tấn/tháng (nghĩa là bằng một nửa so với 6 tháng đầu năm) do thuế xuất khẩu than đã có thông tư điều chỉnh tăng thêm 3% (từ 10% đến 13%) từ 7-7-2013 thì khi đó nhiều chủng loại than phải dừng xuất khẩu, vì sau khi trừ thuế xuất khẩu sẽ không đủ bù đắp được giá thành, tổng sản lượng than tiêu thụ sẽ giảm mạnh. Điều này sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm, thu nhập và an sinh xã hội vùng mỏ; ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu than; Khi sản lượng giảm thì các loại thuế tài nguyên, phí môi trường, thuế GTGT, thuế xuất khẩu cũng sẽ giảm mạnh.

Chỉ đủ bù chi

Mặc dù việc tăng giá than bán cho ngành điện điều chỉnh từ ngày 20/4/2013 đã giúp cho ngành than giảm được phần nào gánh nặng bù giá than cho điện. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời báo giới mới đây, Phó tổng giám đốc Vinacomin Nguyễn Văn Biên cho rằng: So với cân đối kế hoạch năm 2013 thì việc điều chỉnh này cũng đã chậm gần 4 tháng, mà sản lượng than tiêu thụ cho điện những tháng đầu năm lại tăng cao.

Vì vậy, trong giai đoạn này, Vinacomin đã phải bù than cho điện trên 1.800 tỉ đồng. Sau khi được điều chỉnh, giá than cho điện hiện nay bằng khoảng 85% giá thành kế hoạch năm 2013; trong khi than xuất khẩu hiện nay đang cạnh tranh khốc liệt với than của các nước, giá bán xuất khẩu sau khi trừ thuế 10% thì cũng chỉ đủ bù đắp chi phí, không có lãi.

Điều này cũng dự báo, có thể Vinacomin sẽ điều chỉnh lại sản lượng cả năm vì dự kiến sản lượng năm nay cũng chỉ tối đa bằng năm 2012 do tăng than bán vào điện vì mức giá chỉ đủ bù chi.

Ngoài ra, gần 15 ngàn lao động sẽ thiếu việc làm cùng với gia đình họ không đảm bảo được thu nhập, ảnh hưởng, tác động xấu đến đời sống, an sinh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, có một số không nhỏ lực lượng lao động của các doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng với các doanh nghiệp ngành than trong việc bóc xúc đất đá, vận tải và cung ứng các dịch vụ cơ khí sửa chữa, thương mại... cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trong các ngành tiêu thụ lớn, chỉ có than cho điện tăng, đạt 8,4 triệu tấn, bằng 67% kế hoạch năm. Các ngành tiêu thụ than lớn khác nhu cầu không đạt kế hoạch của Vinacomin là xi măng, vật liệu xây dựng, thép.

Theo Vinacomin, để duy trì ổn định sản xuất, đồng thời tiếp tục đầu tư để đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế trong những năm tới (từ 2015 than cho điện tăng cao) thì thuế xuất khẩu than cần xác định ở mức hợp lý (mức thuế theo các mức giá bán than thị trường: Nếu giá bán than 11A HG dưới
75USD/tấn thì thuế suất 10%, nếu giá bán dưới 85USD/tấn - thuế 15%, khi giá trên 85USD/tấn - thuế 20%), giá bán than trong nước cho tất cả các hộ cần sớm xác định theo cơ chế thị trường, theo quan hệ cung cầu thị trường thế giới và khu vực.

Thắt lưng buộc bụng

Vinacomin cũng đã tính toán phương án sản xuất cho 6 tháng cuối năm để đối phó trước trước tình hình thuế xuất khẩu tăng. Theo đó, đề ra phương án tối thiểu là tình hình kinh tế vẫn tăng trưởng chậm như hiện nay và thuế xuất khẩu than 13%; phương án tối đa là nếu thị trường quý IV/2013 được cải thiện, giá cả tăng lên sẽ bù đắp được khoản tăng thuế để tiếp tục xuất khẩu như hiện nay.

Theo phương án tối thiểu, Vinacomin cố gắng tối đa cũng chỉ xuất khẩu được khoảng 300-500 ngàn tấn/tháng (so với hiện nay 1,2-1,3 triệu tấn/tháng) và 6 tháng cuối năm dự kiến xuất khẩu 2-3 triệu tấn. Tức là cả năm dự kiến chỉ xuất khẩu tối đa được khoảng 9,5 triệu tấn (giảm 5 triệu tấn so với năm 2012) và tổng sản lượng than tiêu thụ sẽ giảm so với năm 2012.

Tuy nhiên, để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới việc làm của người lao động, Tập đoàn đã có định hướng chỉ đạo: Ưu tiên đảm bảo ổn định việc làm cho thợ lò, cắt giảm sản lượng ở một số đơn vị, đặc biệt là các công ty lộ thiên, chỉ đảm bảo được việc làm ở mức tối thiểu, một số thiết bị cần thiết phải tạm thời niêm cất và dự kiến than tồn kho cuối năm một số chủng loại sẽ tăng so với hiện nay.

Nghịch lý lớn nhất mà ngành than đang gặp phải là nếu tiếp tục giảm lương sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu thợ hầm lò. Yêu cầu gia tăng sản lượng phục vụ nhu cầu năng lượng của đất nước trong thời gian tới gặp nhiều thách thức.

Dự tính đến hết tháng 6/2013, Vinacomin sẽ đạt tổng doanh thu là 47.620 tỉ đồng. Các sản phẩm chủ yếu như sản xuất than đạt 23,73 triệu tấn, đạt 51,1% kế hoạch cả năm; sản xuất khoáng sản ước đạt gần 300 tấn thiếc thỏi, 3.500 tấn kẽm thỏi, 23.000 tấn quặng đồng và 4.500 tấn đồng tấm.

Sản xuất điện ước đạt 5.354 triệu kWh bằng 63% kế hoạch năm 2013. Sản xuất và cung ứng vật tư ước đạt 60,3% kế hoạch cả năm.


Kiên Nguyễn