Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2028?

06:49 | 22/01/2014

1,372 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Quốc (TQ) sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2028. Đây là dự báo đưa ra trong báo cáo thường niên công bố ngày 26/12/2013 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Thương mại (CEBR) có trụ sở tại London (Anh).

Năng lượng Mới số 288

Đáng chú ý là thời điểm dự báo, nền kinh tế TQ có mức tăng trưởng cao trên thế giới (7,7%) nhưng đã sụt giảm so với dự báo trước đó (8,2%) và năm 2014 sẽ chỉ còn 7,2%, đồng thời nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu khởi sắc, quý III/2013 có mức tăng ấn tượng 4,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Mỹ tiếp tục bỏ xa Trung Quốc về mức độ giàu có

Các quan điểm về sự suy yếu của Mỹ và trỗi dậy của TQ chủ yếu được xây dựng dựa trên các thống kê về GDP, khi mà chỉ số này của TQ liên tục tăng ở mức trung bình trên 9% trong 2 thập kỷ qua và được dự báo sẽ vượt qua Mỹ trước năm 2050, thậm chí là vào năm 2028. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy mô nền kinh tế không phải đại diện cho quyền lực của siêu cường. Sự thống trị không đến từ quy mô nền kinh tế mà đến từ sự vượt trội về mức độ phát triển của nền kinh tế, từ thu nhập bình quân đầu người. Thu nhập bình quân đầu người của TQ năm 2010 đạt 7.000USD, năm 2011 đạt 5.449,71USD, trong khi con số này của Mỹ vào năm 1991 là 24.000USD, năm 2010 là 43.563USD và hầu như luôn duy trì xu thế tăng trong mấy thập kỷ trước khủng hoảng.

Dù quy mô của nền kinh tế là quan trọng bởi nó phần nào quyết định được mức độ đầu tư cho quân sự của một quốc gia. Tuy nhiên, điều khác biệt là ở các quốc gia như TQ, dù GDP lớn song dân số lại quá đông và đa phần lượng tài nguyên và sản phẩm có được đều hầu như bị tiêu thụ hết bởi dân số. Do đó, “của cải thặng dư” - tức là nguồn lực được tạo ra để phục vụ mục đích và lợi ích quốc gia mới là nhân tố quan trọng.

Trung Quốc vượt Mỹ về kinh tế vào năm 2028?

Liên quan đến vấn đề nợ công, Cơ quan Ngân khố Quốc hội Mỹ nhận định, nợ công Mỹ sẽ tiếp tục ở trên mức 60% GDP (hiện đang là 90%) cho tới năm 2020, sẽ là gánh nặng thực sự cho khả năng tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong trường hợp đồng USD có thể bị mất đi vị trí thống trị trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, TQ dường như có tình hình tài chính sáng sủa hơn, tăng trưởng GDP 8% trong giai đoạn suy thoái vừa qua và công bố mức nợ công là 9%. Tuy nhiên, con số nợ công của TQ theo như báo cáo là không đúng thực chất, bởi trên thực tế các khoản chi tiêu công của TQ chủ yếu được triển khai thông qua các công ty đầu tư có liên hệ với các chính quyền địa phương. Do đó, nhiều cơ quan đánh giá phương Tây dự tính con số nợ công thực của TQ là vào khoảng 75-120% GDP. Do đó, dù Chính phủ TQ đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 7% GDP mỗi năm cho đến năm 2030 song giới phân tích tài chính quốc tế cho rằng con số này chỉ 2-5% trong thập kỷ tới, chủ yếu là do tác động tiêu cực từ sự sụp đổ của “bong bóng” bất động sản và  nợ công” của TQ.

Ngay cả khi nhận định này được cho là quá tiêu cực đối với TQ, thì cũng cần thừa nhận rằng nhiều nhân tố từng là động lực cho sự phát triển của TQ đều đang suy yếu và dần mất đi, chẳng hạn như lao động giá rẻ, chi phí vốn thấp, khả năng mở rộng thị trường quốc tế, tài nguyên nước và đặc biệt là sự suy giảm lực lượng lao động do tác động của chính sách 1 con trong suốt 4 thập kỷ qua (vừa mới điều chính có thể hơn 1 con) - nguyên nhân sẽ dẫn tới sự suy yếu của năng lực kinh tế và tạo ra gánh nặng xã hội to lớn khi dân số đang già hóa. Trong khi đó, trong 4 thập kỷ qua, số người trong độ tuổi lao động của Mỹ đã tăng lên 17%, chỉ thua Ấn Độ.

Một quan điểm khác cho rằng, tăng trưởng GDP là yếu tố dẫn tới sự trỗi dậy của TQ và tạo điều kiện để TQ thu hút được đầu tư nước ngoài vào thị trường nội địa. Thực tế, về tương quan so với Mỹ, tuy TQ tăng trưởng mạnh về GDP song đây là chỉ là thước đo cho năng lực sản xuất, trong khi khả năng hấp thụ của thị trường nội địa lại được đo bằng năng lực tiêu thụ - là chỉ số mà TQ ngày càng tụt hậu so với Mỹ, khi mà trong 2 thập kỷ qua, chênh lệch về lượng nhập khẩu của TQ với Mỹ đã ngày càng tăng.

Quan trọng hơn, năng lực mặc cả của TQ đối với các công ty nước ngoài đang yếu đi. Các công ty 100% vốn nước ngoài đang chiếm 70% tổng lượng FDI vào TQ, trong khi các công ty liên doanh nước ngoài và TQ đang ngày càng ít đi. Điều này làm cho khả năng và trách nhiệm chuyển giao công nghệ từ nước ngoài cho TQ ngày càng suy giảm. Đây là vấn đề đáng quan tâm vì thực tế đã chỉ ra, giai đoạn Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp thu công nghệ nhanh nhất chính là khi lượng FDI và số lượng công ty 100% vốn nước ngoài hầu như là bằng không.

Năng lực quân sự với vũ khí thông thường

Trên lĩnh vực chi tiêu quốc phòng: Dù TQ đã liên tục tăng mạnh chi phí quốc phòng song thực tế là trong 10 năm qua, tăng trưởng chi phí quốc phòng của TQ đã giảm tương đối khi so với con số này của Mỹ, ngay cả khi không tính đến chi phí của Mỹ cho các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Dù trong các năm vừa qua Mỹ có điều chỉnh cắt giảm chi phí quân sự để đối phó với nợ công và thích nghi với các toán tính chiến lược mới thì sự cắt giảm này cũng sẽ không giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách về chi tiêu quốc phòng giữa Mỹ và TQ (ngân sách quốc phòng năm 2013: Mỹ 633,0 tỉ USD; TQ 115,7 tỉ USD)

Về năng lực công nghiệp quốc phòng: Công nghiệp quốc phòng TQ cũng đang yếu đi tương đối so với Mỹ, khi lượng xuất khẩu vũ khí của Mỹ trên thị trường thế giới năm 2008 chiếm đến 68%, (năm 2013 chiếm 35,70%). TQ chỉ chiếm dưới 1,5% (2008-2012 là 5%). Một nghiên cứu độc lập của hơn 50 chuyên gia gần đây cho rằng “không có bằng chứng nào cho thấy TQ sẽ trở thành đối thủ tương xứng của Mỹ, cán cân quân sự trong tương lai gần sẽ tiếp tục nghiêng mạnh về Mỹ và đồng minh”.

Về khả năng tác chiến: Một số đánh giá cho rằng quân đội Mỹ ngày càng trở nên dễ tổn thương hơn khi chạm trán quân đội TQ vì tốc độ phát triển năng lực chống và từ chối xâm nhập của TQ đang nhanh hơn tốc độ phát triển của Mỹ trong việc đối phó với năng lực này của TQ hoặc vì TQ có thể sẵn sàng gây hấn ngay cả khi chưa đuổi kịp Mỹ do quân đội Mỹ thường dễ tổn thương khi chạm trán các đối thủ trên đất đối phương (chẳng hạn như chiến tranh Việt Nam hay chiến tranh Triều Tiên). Tuy nhiên, Mỹ lại vượt trội về khả năng tấn công hiệu quả từ bên ngoài tầm bắn của tên lửa và vũ khí thông thường của TQ. Do đó, việc “dễ tổn thương hơn” không có nghĩa là khoảng cách về năng lực quân sự đang bị thu hẹp. Mới đây nhất Mỹ đã cho công bố hệ thống “tấn công toàn cầu tức thì”. Với dự án này Mỹ có thể đưa các vũ khí tầm xa tới bất kỳ nơi nào trên thế giới mà vẫn có thể tránh bay qua các quốc gia thù địch.

Như vậy, xét trên 2 nguồn lực quan trọng nhất quyết định năng lực quốc gia cho thấy, tuy về lượng TQ đang có nhiều bứt phá quan trọng thậm chí vượt trội, nhưng về tiềm năng và chất lượng thì vẫn thể hiện xu hướng vượt trội của Mỹ cả trong trung hạn và dài hạn. Vì thế, các nhà phân tích cho rằng TQ khó mà vượt Mỹ vào năm 2028 và câu trả lời khi nào TQ vượt Mỹ vẫn còn là ẩn số, thậm chí đến cuối thế kỷ XXI vẫn có thể chưa có đáp số.

Nguyễn Nhâm