Đằng sau cuộc khủng hoảng Ukraine

07:00 | 31/03/2014

4,439 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn đề ở Ukraine không chỉ là chính trị mà còn là kinh tế và những gì xảy ra ở Iraq, Syria rồi Ukraine đều không phải ngẫu nhiên mà nằm trong một trình tự dây chuyền domino và cùng có một động lực dẫn dắt - Đó là năng lượng.

Năng lượng Mới số 307

Kịch bản dây chuyền domino

Trong cuộc phỏng vấn của Đài Tiếng nói nước Nga mới đây, nhà sử học Robert Freeman, một cây bút nổi tiếng chuyên viết về các vấn đề kinh tế, chính trị, giáo dục, tác giả cuốn sách “The Best One-Hour History” đã thẳng thắn bóc trần âm mưu của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo ông Freeman, vấn đề ở Ukraine không chỉ là chính trị mà còn là kinh tế và những gì xảy ra ở Iraq, Syria rồi Ukraine đều không phải ngẫu nhiên mà nằm trong một trình tự dây chuyền và cùng có một động lực dẫn dắt - Đó là dầu mỏ.

Trung Đông nắm giữ 60% trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Trong 4 thập niên qua, chính sách đối ngoại của Mỹ chủ yếu bị chi phối bởi sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ Trung Đông. Chiến lược của Mỹ là kiểm soát nguồn dầu mỏ phong phú đó để phục vụ cho phát triển kinh tế trong nước và để kiểm soát các đối thủ cạnh tranh công nghiệp của Washington, trong đó có châu Âu và Trung Quốc. Với cuộc can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003 và lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein, Mỹ đã nhổ được một cái gai trong mắt, nhưng Iran vẫn là vật cản mà Washington dù rất khó chịu, dù rất cố gắng và áp dụng mọi biện pháp cấm đoán, tấn công phá hoại đủ trò, đủ kiểu nhưng vẫn chưa dẹp đi được.

Tuy nhiên, Mỹ không mù mờ gì để không nhìn thấy và lợi dụng xung đột giữa hai dòng Sunni và Shiite của Hồi giáo - mặc dù họ đều nhất trí cơ bản về kinh Coran và tôn kính nhà tiên tri sáng lập đạo Mohammad. Không giống như mâu thuẫn giữa các tín đồ Tin lành và Thiên chúa giáo, hai dòng này của Hồi giáo đã chiến tranh liên miên với nhau từ những năm 500-600 trước Công nguyên. Sự bất đồng này vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay ở Vịnh Ba Tư - giữa một bên là người Hồi giáo dòng Sunni ở Arập Xêút, được Mỹ chống lưng và một bên là người Hồi giáo dòng Shiite ở Iran. Khi Mỹ sắp đặt cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Iran Mohammad Mosaddegh năm 1953 sau khi ông quốc hữu hóa Công ty Dầu mỏ AIOC (Anglo-Iranian Oil Company), tiền thân của BP ngày nay, đưa Hoàng đế Mohammad Reza Pahlavi trở lại, Iran trở thành đồng minh thân cận của Mỹ. Tuy nhiên, khi Cách mạng Hồi giáo Iran thành công năm 1979, lãnh đạo mới đã coi thái độ thù địch với Mỹ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Tehran. Và nhìn chung, có thể gọi Iran và Arập Xêút là “đối thủ truyền kiếp” trong vùng.

Trong khi đó, đồng minh chính của Iran ở Trung Đông là Syria - vốn cũng là một quốc gia Hồi giáo dòng Shiite. Mỹ đã cố gắng lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong suốt 3 năm qua và cùng với Arập Xêút hỗ trợ cho lực lượng phiến quân Syria, chống lại lực lượng chính phủ. Nhưng Mỹ và các đồng minh lại gặp phải một tiếng nói phản đối mạnh mẽ  từ Nga - nhà bảo trợ quân sự chính của Syria. Vì vậy, theo trình tự của “dây chuyền domino” là đẩy Ukraine ra xa Nga để làm suy yếu Nga, như Mỹ đã từng đưa Latvia, Estonia, Lithuania, Ba Lan, Hungary, Nam Tư, Cộng hòa Séc, Romania ra khỏi quỹ đạo của Moskva và lắp đặt các tên lửa tấn công trên biên giới với Nga ở các nước này. Làm suy yếu Nga là làm suy yếu Syria. Làm suy yếu Syria là làm suy yếu Iran và điều này mang lại cho Mỹ cơ hội lớn hơn để giành quyền kiểm soát dầu mỏ ở vùng Vịnh Ba Tư.

Khi năng lượng vận hành thế giới

Thật sai lầm khi nghĩ rằng, tuyên bố thực thi chính sách “xoay trục” chiến lược sang Châu Á - Thái Bình Dương là Mỹ đã bỏ rơi Trung Đông, nhất là khi nhờ cách mạng khí đá phiến, thế đứng của Mỹ trong bàn cờ năng lượng toàn cầu đã khác. Washington thậm chí có thể trở thành nước khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2015, trong khi Trung Đông không còn gây được sự chú ý như đã từng trong quá khứ. Thực tế, với một Trung Đông ngày càng không ổn định và khó dự đoán, Mỹ cũng phải tính đến các lựa chọn khác hấp dẫn hơn, nhưng không có nghĩa là Washington sẽ bỏ rơi khu vực này. Và thực tế, sự độc lập năng lượng mà Mỹ đang hướng tới không phải không có mặt trái. Bởi, cũng như khai thác dầu cát ở Canada, khai thác dầu, khí từ đá phiến của Mỹ cũng cần giá dầu mỏ truyền thống đứng ở mức cao để giữ sản lượng tăng nếu không muốn bị thua lỗ.

Mặt khác, việc Mỹ giảm nhập khẩu dầu từ Trung Đông có thể tàn phá chính trị của các khu vực này. Nếu các nước khai thác dầu mỏ ở Trung Đông kết luận rằng, sản lượng dầu trong nước của Mỹ tăng lên sẽ khiến Mỹ ít quan tâm hơn tới Trung Đông, họ sẽ tiến hành các bước nhằm xây dựng liên minh với các cường quốc thế giới đang khát dầu khác như Trung Quốc chẳng hạn. Để khu vực Trung Đông rơi vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh chắc chắn không phải điều mà người Mỹ mong muốn.

Còn tại sao Mỹ chọn Ukraine làm mắt xích quan trọng trong chiến lược làm suy yếu Nga? Đó là bởi vì Ukraine có một vị trí địa chính trị tối quan trọng với cả Nga và phương Tây. Ukraine là đường dẫn vào Nga mà những kẻ xâm lược từ Thành Cát Tư Hãn đến Hitler đều cần phải chinh phục để tiến vào trung tâm nước Nga. Ukraine cũng là cửa ngõ ra phía tây nam của Nga, có 1 cảng hải quân chiến lược lớn nhất của Nga - Sevastopol, được thiết lập từ thời Liên Xô, là cái chốt cuối cùng trong vòng vây bao quanh Nga của Mỹ về phía tây, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Ba Lan trong kế hoạch lá chắn của Mỹ. Ukraine cũng là vựa lúa mỳ của Nga và là hạt nhân trong kế hoạch xây dựng không gian kinh tế hậu Xôviết để tái sinh một nước Nga hùng cường như tham vọng của Tổng thống Putin.

Không chỉ vậy, điều quan trọng hơn là đất nước này còn sở hữu một trong những trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là điểm trung chuyển khí đốt quan trọng từ Nga sang châu Âu. Mặc dù sản lượng dầu thô của Ukraine đã giảm mạnh trong những năm gần đây và tình hình khai thác khí đốt tự nhiên cũng phần nào trì trệ, nhưng cựu thành viên Liên Xô (cũ) vẫn “ngồi” trên một trữ lượng khí đốt 128 nghìn tỉ ft3, chỉ đứng thứ hai sau Nga nếu xét trong các nước châu Âu. Và không chỉ mỗi Nga mới có lợi ích lớn trong giá trị kinh tế và năng lượng của Ukraine mà Mỹ cũng có.

Chẳng nói đâu xa, trước khi bị phế truất, chính quyền của Tổng thống Ukraine Yanukovick đã ký thỏa thuận trị giá 10 tỉ USD, khai thác khí đá phiến ở Olesky, miền Tây Ukraine với Tập đoàn năng lượng Chevron của Mỹ với “hy vọng quốc gia thuộc Liên Xô cũ này đến năm 2020 có thể kết thúc sự phụ thuộc năng lượng vào Nga”. Các thỏa thuận tương tự cũng được Kiev ký với ExxonMobil (Mỹ) và Shell (Anh - Hà Lan). Nếu Yanukovick không “ngả nghiêng” vì khí đốt và khoản tài trợ 15 tỉ USD của Moskva mà quyết tâm đưa Kiev gia nhập EU thì có lẽ giờ này cũng không phải lưu lạc hay mang danh “Tổng thống bị lật đổ” của Ukraine.

Mặt khác, theo một báo cáo được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Mỹ mà tờ Guardian (Anh) dẫn lại: “Ukraine nằm giữa nhà cung cấp năng lượng chính (Nga và các nước ven biển Caspian) và các nhà tiêu dùng ở khu vực Á - Âu, có mạng lưới vận chuyển cũng như các kho ngầm lưu trữ khí đốt lớn”, vị trí chiến lược này khiến Ukraine trở thành một mắt xích quan trọng trong việc vận chuyển năng lượng ở châu Âu. Đây là một vị trí ngày càng quan trọng khi mà nhu cầu dầu mỏ và khí đốt Nga và vùng Caspian của châu Âu gia tăng. Tuy nhiên, việc Ukraine lệ thuộc áp đảo vào nhập khẩu năng lượng của Nga đã có tác động tiêu cực đối với chiến lược của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là chiến lược “hỗ trợ nhiều tuyến đường ống trên trục Đông - Tây như một cách giúp thúc đẩy một hệ thống đa nguyên hơn trong khu vực như một giải pháp thay thế, suy yếu quyền bá chủ của Nga”.

Bên cạnh đó, giữ một quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng liên quan đến kiểm soát các tuyến đường ống năng lượng thiết yếu như Ukraine nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình, cho phép Mỹ và các đồng minh châu Âu có nhiều lợi thế trong đàm phán mua bán dầu mỏ khí đốt với Nga (quốc gia cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn nhất trong khu vực).

Vì vậy, câu chuyện đằng sau cuộc khủng hoảng Ukraine là một phần rất quan trọng của thế giới, với các cường quốc phụ thuộc rõ ràng vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Đây là điều không có gì mới bởi trong một nền văn minh công nghiệp, người kiểm soát năng lượng chẳng khác nào người kiểm soát oxy. Hay nói cách khác, năng lượng chính là oxy của nền văn minh công nghiệp. Rõ ràng, năng lượng và các nguồn tài nguyên đã và đang là kết nối cơ bản dẫn đến hầu hết các cuộc đấu tranh địa chính trị trên thế giới và cuộc chiến giữa phương Tây và Nga xung quanh vấn đề Crimea chỉ là minh họa đơn thuần cho một cuộc xung đột liên quan đến năng lượng mới nhất. Ukraine đã không may bị kẹt ở giữa trong một cuộc cạnh tranh tăng tốc nhằm chiếm lĩnh hành lang năng lượng Âu - Á trong những thập niên cuối cùng của thời đại nhiên liệu hóa thạch.

Linh Linh