Cơ chế phát động chiến tranh ở Mỹ?

07:00 | 06/09/2013

1,268 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mặc dù lãnh đạo hành pháp Mỹ không cần xin phép lập pháp để mở cuộc tấn công vào Syria nhưng tại sao ông Obama phải xin ý kiến quốc hội. Cơ chế phát động chiến tranh của Mỹ được hoạt động như thế nào?

Tổng Thống Obama và ban tham mưu an ninh quốc gia họp với giới lãnh đạo Quốc hội tại tòa Nhà Trắng sáng 3/9 về vấn đề Syria

Hiến pháp Mỹ phân công trách nhiệm về chiến tranh như sau: chỉ quốc hội mới có thẩm quyền khai chiến và quyết định về điều kiện tài trợ chiến phí, nhưng là tổng tư lệnh tối cao của quân lực Mỹ, tổng thống lại có trách nhiệm điều động quân đội để bảo vệ quốc gia khi quyền lợi của tổ quốc bị đe dọa. Lối phân công khá mơ hồ này đã được nhiều lần điều chỉnh cho tinh tế hơn. Nhưng việc suy diễn về thẩm quyền vẫn là một quyết định chính trị.

Khi người dân và quốc hội Mỹ đã quá thất vọng về cuộc chiến Việt Nam, đạo luật về quyền tiến hành chiến tranh (War Powers Resolution) được ban hành tháng 11/1973 với đa số hơn hai phần ba - và vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống Richard Nixon - có ghi rằng tổng thống chỉ cần thông báo quốc hội 48 tiếng sau khi có một hành động quân sự. Nếu không được lập pháp cho phép, người lãnh đạo hành pháp vẫn còn khoảng thời gian 60 ngày để xúc tiến việc can thiệp quân sự, cộng thêm 30 ngày để triệt thoái.

Sau ngày 21/8/2013, Tổng thống Obama đã có thể căn cứ vào đạo luật trên để can thiệp bằng quân sự vào Syria, nhưng rồi ông lại đổi ý và quyết định xin phép quốc hội. Vì vậy, việc can thiệp sẽ được đẩy lui mấy tuần, có khi cả tháng.

Mục tiêu là gì thì còn có nhiều cấp cao thấp khác nhau mà ông có thể giải trình với quốc dân và định chế đại diện quốc dân là lưỡng viện quốc hội. Hai vị tiền nhiệm của ông, Tổng thống George H. Bush và George W. Bush đã tiến hành chiến tranh theo thủ tục khác. Ðó là xin phép quốc hội và được phép tấn công Iraq năm 1991 và 2003 bằng một đạo luật của quốc hội, với lá phiếu lưỡng đảng. Những trục trặc sau đó của ông Bush con, vì không tìm ra vũ khí tàn sát hàng loạt của chế độ Saddam Hussein, khiến chính trường Mỹ đã có tranh luận lớn. Có thể là Tổng thống Obama không muốn gặp lại hoàn cảnh này của người tiền nhiệm nên mới chính thức xin phép lập pháp trước khi ra quân.

Một lý do khác ít được truyền thông nhắc tới là lập trường về Syria của nhiều người đang có thẩm quyền trong Nội các và Ban tham mưu về an ninh của ông Obama.

Khi còn là nghị sĩ tại Thượng viện, ông Obama cùng mấy người đồng viện đả kích chính quyền Bush 43 là không có chính sách cởi mở hơn với chế độ Bashar al Assad tại Syria. Ðó các nghị sĩ Joe Biden nay là phó tổng thống, Chuck Hagel (Cộng hòa, nay là Bộ trưởng Quốc phòng), Hillary Clinton (cựu ngoại trưởng). Bà Clinton còn cho biết là sau chuyến thăm viếng Syria với nhiều đồng nghiệp, bà đánh giá ông Al-Assad là người có chủ trương đổi mới. Trong một cuộc điều trần của Ngoại trưởng Condoleezza Rice trước Ủy ban Ngoại giao Thượng viện vào năm 2007, hai nghị sĩ Biden và Hagel châm biếm bà Rice là không cố gắng đàm phán với Tổng thống Al-Assad. Năm 2009, nghị sĩ John Kerry còn nhận định rằng Syria là “một đối tác quan trọng để đem lại hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Những lầm lẫn hoặc xoay trở lập trường như vậy có thể là chuyện bình thường của các chính trị gia, nhưng sẽ thành vấn đề sau khi tổng thống quyết định can thiệp, và tham chiến. Ông Obama không muốn gặp rủi ro đó nên sau nhiều đắn đo mới trao lại trách nhiệm về chiến tranh cho quốc hội, để có thêm an toàn về chính trị sau này.

Nhưng vì sao một tổng thống và nội các có chủ trương hòa giải với Syria lại rơi vào hoàn cảnh phải lấy một quyết định có thể dẫn tới chiến tranh? Lý do thứ ba thuộc về “thế giới”.

Mỹ không có quyền lợi chiến lược nhiều tại Syria, đang muốn triệt thoái khỏi hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan và cố tránh khu vực Trung Ðông quá phức tạp. Một số chính trị gia thuộc cả hai đảng đều ý thức được sự rủi ro tại Syria. Dù có thiện cảm với đa số dân Sunni đang bị chính quyền Al-Assad thuộc hệ phái Alawite điều hành, Mỹ cũng chẳng tin rằng sự sụp đổ của ông Al-Assad sẽ dẫn tới điều gì tốt đẹp, mà lại mở ra cơ hội cho các khuynh hướng Hồi giáo cực đoan, từ Huynh Ðệ Hồi Giáo đến khủng bố Al-Qaeda.

Vì muốn tránh và chỉ lên tiếng về đạo lý, ông Obama đòi TT Al-Assad phải ra đi và hăm dọa là khi nào Al-Assad sử dụng vũ khí hóa học để tàn sát đối lập và thường dân thì Mỹ sẽ có thái độ. Ông tưởng TT Al-Assad không dám vượt giới hạn của tối hậu thư, mà không ngờ điều đó lại xảy ra khiến ông Obama hết đất lùi và phải có phản ứng để chứng minh sự khả tín của Mỹ và thế giới.

Bán cái cho quốc hội rồi, khi thăm viếng Thụy Ðiển hôm 4/9, ông Obama lại phủ nhận rằng “thế giới” chứ không phải là ông đã vẽ ra lằn ranh. Và thế giới cùng quốc hội Mỹ phải có phản ứng để chứng tỏ trọng lượng của lời nói.

Thật ra, Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên kêu gọi can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria, hay tại Libya. Tại Syria, các đồng minh của Mỹ là Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã đòi hỏi điều ấy, y như Pháp và Ý tại Libya. Theo chủ thuyết Obama, Mỹ chỉ “lãnh đạo từ phía sau” mà thôi. Nhưng khi dàn “tiền đạo” là các đồng minh đó bị tê liệt, Mỹ bỗng lại đứng trên tuyến đầu, khiến ông Obama phải tựa lưng vào quốc hội. Người ta có thể coi đó là “một sự khôn ngoan”!

H.Phan

Tổng hợp