Nghề… hút thuốc!?

07:00 | 07/10/2014

6,646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Họ là những người hiểu rõ sự độc hại của thuốc lá, nhưng hằng ngày vẫn phải làm việc với thuốc lá và hút để kiểm định chất lượng của sản phẩm thuốc lá bán ra thị trường. Mặc kệ thị phi, chấp nhận độc hại, họ vẫn yêu và gắn bó với công việc mà họ coi là “nghệ thuật cảm quan”.

Năng lượng Mới số 360

“Buộc” mình với “nghề hút”

Có lẽ không ai ở Hà Nội không biết tới khu công nghiệp Cao - Xà - Lá (quận Thanh Xuân, Hà Nội) một thời nổi tiếng với ba nhà máy sản xuất cao su, xà phòng và thuốc lá, trong đó Công ty Thuốc lá Thăng Long vẫn hoạt động và sản xuất các sản phẩm thuốc lá điếu đến ngày hôm nay.

Nằm trên con đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) sôi động và sầm uất, trụ sở Công ty Thuốc lá Thăng Long vẫn giữ được nét cũ kỹ của những cổng sắt, ống khói và tường gạch của thế kỷ trước. Mặc kệ những ồn ào của “đại công trường” với những bê tông cốt thép đang vươn cao để đỡ con đường sắt trên cao độc đáo và duy nhất của Việt Nam hiện nay, Công ty Thuốc lá như một ông già khó tính, nằm lim dim trong khói thuốc quan sát những thay đổi và chuyển mình của thủ đô.

Trong một buổi sáng sau bão, chúng tôi đến Công ty Thuốc lá Thăng Long, gần đến nơi đã thấy mùi lá thuốc hăng nồng, hương vị ngọt ngọt và mùi giấy cuốn thơm lừng xộc thẳng vào mũi khiến chúng tôi nôn nao.

Nghề… hút thuốc!?

Bà Lưu Thúy Hiền, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Công ty Thuốc lá Thăng Long

Bước chân vào khuôn viên công ty, chúng tôi bắt gặp những bộ đồng phục trắng, ủng cao su và chiếc mũ vải đội kín đầu, khẩu trang bưng kín miệng. Điểm đến của chúng tôi là Phòng Quản lý chất lượng (từng là Phòng KCS) - nơi kiểm định chất lượng của từng điếu thuốc lá trước khi xuất xưởng và cũng là nơi tụ họp của những con người làm “nghề hút”. Bà Lưu Thúy Hiền (Trưởng phòng Quản lý chất lượng) - người đã gắn bó hơn 30 năm với công việc quản lý và kiểm định chất lượng thuốc lá, đáp lại ánh mắt ngỡ ngàng của chúng tôi, bà cười lớn: “Có phải các bạn nghĩ, cứ làm việc với thuốc lá là phải âu sầu hay buồn bã không? Nhầm to rồi nhé!”.

Theo bà Hiền, công việc chủ yếu của những người làm “nghề hút” ở đây là kiểm định chất lượng nguyên liệu đầu vào và thẩm định chất lượng đầu ra của sản phẩm thuốc lá điếu của công ty. Từng lá thuốc, cuộn giấy, đầu lọc, giấy bạc, giấy nhôm… cho tới thùng đựng, tem nhãn, bao đựng đều phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm túc và cẩn trọng tại phòng Quản lý chất lượng mới có thể đến tay người tiêu dùng. Cô nói đùa: “Nhiều người nói phòng chúng tôi là “mama tổng quản”, sản phẩm không qua phòng này thì đừng hòng ra khỏi cổng công ty”.

Gắn bó với nghề kiểm định chất lượng thuốc lá điếu được tròn 30 năm, bà Hiền nhớ như in từng điếu thuốc, từng nhãn hàng đã “qua tay” mình. Tốt nghiệp chuyên ngành Hóa thực phẩm của Đại học Bách khoa, năm 1984, bà về công tác tại Công ty Thuốc lá Thăng Long và trực tiếp quản lý dây chuyền sản xuất thuốc lá điếu. Bà nhớ, thời còn đi học, trong khi mọi người thích được vào những ngành “hot” như đồ hộp, lên men (rượu, bia), đường (bánh kẹo) thì lại lựa chọn chuyên ngành cây nhiệt đới (thuốc lá, chè, cà phê). Nói đến đây, bà bật cười, khoe hàm răng đều nhưng ám vàng do khói thuốc: “Những năm chúng tôi học đại học, ngay cả đám con trai cũng tránh ngành cây nhiệt đới, bởi nó quá vất vả, lại độc hại, thế nhưng tôi vẫn theo học và làm việc với nó suốt 30 năm. Không hiểu có phải là “duyên” mình với cây thuốc lá hay không nữa?”.

Công việc quản lý dây chuyền sản xuất buộc họ phải gắn bó trực tiếp với người công nhân đứng máy, làm 3 ca liên tục để kiểm soát chất lượng từng điếu thuốc lá thành phẩm. Bà kể lại, có những hôm mùa đông phải đi làm ca đêm, 7-8 giờ tối ra khỏi nhà, ngoài đường không một bóng người, gió rét, mưa phùn, nhà nhà đều đóng cửa quây quần bên nhau mà thấy tủi thân, nhiều hôm vừa đi vừa khóc, không hiểu sao lại lựa chọn công việc vừa vất vả, cực khổ lại độc hại thế này. Nhưng chỉ cần bước qua cửa nhà máy, gặp không khí sản xuất sôi nổi, gặp đồng nghiệp quan tâm, là lại lao vào công việc và hăng say cống hiến.

Khi được hỏi về môi trường làm việc được coi là ngành công nghiệp độc hại, bà Hiền cho biết: “Đúng là làm việc với thuốc lá không phải lúc nào cũng có môi trường sạch sẽ, dễ thở. Lá thuốc nguyên liệu đầu vào và trong quá trình chế biến có mùi hắc, mùi ngái rất khó ngửi, ai không quen có thể hắt hơi xổ mũi ngay. Chỉ khi ra thành phẩm thuốc lá điếu mới có mùi thơm do hóa phẩm phụ trợ”. 

Bà Hiền bảo, làm ở phòng Quản lý chất lượng mà không hút thuốc thì “vứt”, bởi nghề chính của phòng chính là… hút. Bà còn nhớ như in điếu thuốc đầu tiên bà hút là năm 1994 trong dịp công ty đưa ra mác thuốc mới, các cán bộ của Phòng Quản lý chất lượng đều hút thử để đánh giá chất lượng. Khi hút kiểm định thuốc, kiểm định viên chỉ bập một vài hơi và đẩy một nửa khói thuốc ra ngoài để nhận biết mùi, vị của thuốc. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, bà đã nuốt khói thuốc và ngay lập tức thấy choáng váng, khó thở và thế là cả ngày hôm đó bà không ăn nổi cái gì cả. Từ đó, mới chuyên tâm nghiên cứu việc hút kiểm định thuốc để hoàn thành được trách nhiệm công việc của mình.

Công ty thuốc lá Thăng Long hiện có hơn 100 mác sản phẩm, mỗi mác thuốc lại sử dụng lá thuốc khác nhau phụ thuộc vào phân khúc sản phẩm và nhu cầu của người sử dụng. Những lá thuốc này được có xuất xứ chủ yếu tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, bởi ở những vùng này, nhiệt độ chênh lệch nhiều, lá thuốc sẽ hấp thu chất khô nhiều hơn. Phần còn lại, công ty đặt mua lá thuốc của các nước như Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ… Vì thế, là người kiểm định chất lượng nguyên liệu thuốc lá, những người làm nghề hút cũng phải tinh tế trong cảm nhận và đánh giá từng loại lá thuốc để đưa ra nhận xét khách quan về từng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

“Nghệ thuật cảm quan”

Trong phòng Quản lý chất lượng của Công ty Thuốc lá Thăng Long, hầu như mọi người đều biết hút thuốc nhưng không phải ai cũng được lựa chọn để trở thành người hút thẩm định thuốc. Có người hút cho vui, có người hút để tập trung và quên đi mệt mỏi, nhưng những người coi hút thuốc là một nghề, một công việc nghiêm túc thì lại coi đây là “nghệ thuật của cảm quan”.

Nghề… hút thuốc!?

Công ty Thuốc lá Thăng Long

Với nguyên liệu đầu vào, những người kiểm định chất lượng chỉ đánh giá chất lượng lá thuốc theo màu sắc (lá thuốc thường có màu vàng cam, vàng sáng), vị bộ (tùy thuộc vị trí của lá, những lá thuốc ở giữa cây bao giờ cũng có chất lượng tốt nhất), độ dày cánh lá và kích cỡ mảnh lá. Tuy nhiên, khâu kiểm định thành phẩm thuốc lá điếu mới thực sự là một thử thách đối với những người gắn mình với nghề hút này.

Cán bộ kiểm định cho biết, khi thuốc lá thành phẩm đến tay người kiểm định, trước hết phải kiểm tra hương thuốc lá quyện với mùi giấy cuốn, đầu lọc, giấy bạc… xem có bị đổi khác đến đâu, kích cỡ điếu thuốc dài hay ngắn, cảm giác cầm trên tay mềm, rắn ra sao để kịp thời điều chỉnh trước khi đến tay khách hàng. Sau đó là khâu hút kiểm định để kiểm tra vị thuốc xem có đậm đà không, hậu vị lưu lai trong miệng ra sao và độ nuốt khói của thuốc. Cuối cùng là kiểm tra độ nặng  tức là nồng độ nicotin cũng như độ cháy đều của điếu thuốc.

Mỗi tháng, Phòng Quản lý chất lượng tổ chức một buổi bình hút 6 mác thuốc nội địa và 6 mác thuốc xuất khẩu; và hằng ngày vào đầu và cuối dây chuyền sản xuất của từng mác thuốc, người kiểm định cũng bình hút thử nghiệm để đánh giá chất lượng toàn dây chuyền ngày hôm đó. Chứng kiến buổi bình hút thuốc lá thành phẩm cuối dây chuyền sản xuất, chúng tôi khá bất ngờ vì nó quá yên tĩnh chứ không có tiếng cười nói, đùa vui như tưởng tượng về điếu thuốc, chén trà. Các buổi bình hút đầu và cuối dây chuyền bao giờ cũng được tổ chức ngay trong Phòng Quản lý chất lượng.

Người kiểm định chất lượng hôm nay là anh Vương Trí Hiếu (Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng - Công ty Thuốc lá Thăng Long). Nhận túi thuốc thành phẩm nóng hổi trên dây chuyền, anh kiểm tra rất kỹ phần bao thuốc, tem nhãn cũng như hình dáng, màu sắc điếu thuốc của các mác thuốc được sản xuất hôm đó. Mỗi điếu thuốc thành phẩm, anh chỉ hút 2 điếu, mỗi điếu chỉ rít 2-3 hơi, sau đó anh để thuốc cháy tiếp để kiểm tra độ bén, độ cháy của điếu thuốc. Nhìn qua, công việc kiểm định chất lượng thuốc không có gì đặc biệt, mang tính chất lặp đi lặp lại nhưng nó lại lấy đi khá nhiều sức lực của người kiểm định.

Sau khi hoàn thành việc hút kiểm định 3 mác thuốc ngày hôm ấy, anh Hiếu cùng các lãnh đạo phòng, cũng như nhân viên phụ trách dây chuyền sản xuất ngồi lại để phân tích chất lượng thành phẩm. Họ nói với nhau về màu sắc sợi thuốc, độ dày của điếu, chất lượng đầu lọc, sau đó phân tích mùi thơm, trung vị khi hút và hậu vị lưu lại trong miệng. Cuối cùng, anh Hiếu sẽ làm bản phân tích, đánh giá chất lượng thành phẩm, phát hiện lỗi của từng mác thuốc được sản xuất trong ngày hôm đó; đồng thời đưa ra kiến nghị điều chỉnh đối với Phòng Phối chế cũng như Phòng Công nghệ - hai đơn vị trực tiếp sản xuất sản phẩm thuốc lá điếu.

Rèn bản thân

Kết thúc buổi hút kiểm định cuối dây chuyền, anh Hiếu tiếp chuyện chúng tôi với một vẻ khá mệt mỏi và căng thẳng. Gắn bó với ngành thuốc lá 19 năm và cũng từng ấy năm anh tập hút thuốc, trở thành người kiểm định thuốc lá thành phẩm chính của Phòng Quản lý chất lượng, người đàn ông 38 tuổi này có vẻ ngoài già dặn hơn những người cùng lứa tuổi, cách nói chuyện cũng chậm rãi và thong thả hơn. Bởi theo anh, hút kiểm tra thuốc lá thành phẩm không phải là công việc dễ dàng hay dành cho những người không có kiên nhẫn như người ngoài đánh giá.

Nghề… hút thuốc!?

Cầm trên tay cốc trà loãng để điều hòa hậu vị cùng điếu thuốc thường trực trên tay, anh nói: “Có thể so sánh hơi gượng gạo, nhưng người hút thẩm định cũng như chuyên gia ẩm thực vậy. Chúng tôi có nguyên liệu là những lá thuốc, phối trộn theo tỷ lệ nào cho hợp lý, gia giảm các hương liệu phụ trợ sao cho không mất đi mùi thuốc đặc trưng mà vẫn đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Mỗi lần hút kiểm định, tôi phải “diễn nhiều vai”, vừa là người đánh giá chất lượng, phát hiện lỗi, lại vừa là một khách hàng thông thường để nhận xét cho khách quan”.

Mỗi lần hút thẩm định, anh không hút quá 6 mẫu thuốc (tương đương 12 điếu) và hút song song từng mẫu để đưa ra nhận xét chuẩn xác nhất. Đặc biệt với những sản phẩm mới, sau khi hút kiểm định trên dây chuyền, 5 ngày sau các anh sẽ tổ chức hút lại chính sản phẩm đó để đánh giá mức độ ảnh hưởng của thời tiết, độ ẩm không khí… lên thành phẩm cụ thể. Anh nói mỗi lần như vậy, người hút thẩm định phải tập trung toàn bộ tinh thần và vận dụng mọi giác quan để kiểm tra chất lượng. Bởi từ khi cầm bao thuốc, điếu thuốc trên tay, người hút thẩm định đã phải có những đánh giá bước đầu về hình dáng, sự thoải mái, vừa tay của thành phẩm, sau đó mới hút để đánh giá chất lượng cụ thể. Sau mỗi buổi hút kiểm định, người làm công việc này thường rất nhanh mệt và ngay lập tức phải điều hòa lại cơ thể để tránh căng thẳng.

Kể về 19 năm gắn bó với điếu thuốc, anh Hiếu nhận định, để làm được công việc hút kiểm định thuốc lá điếu thì cần có cảm quan về thuốc lá rất mạnh mẽ và hầu hết do năng khiếu chứ không chỉ rèn luyện hay cần cù mà có được. Khi mới làm việc tại công ty, anh không biết hút thuốc, cũng chưa đụng tay đến điếu thuốc nào; nhưng khi gắn mình với công việc này, đồng nghiệp mới phát hiện ra anh có khả năng cảm nhận mùi thuốc và vị thuốc rất tốt. Anh kể lại, khi mới bước chân vào công việc hút kiểm định, một lần Phòng Quản lý chất lượng tổ chức bình hút sản phẩm cuối dây chuyền và thống nhất rằng sản phẩm đạt chất lượng tốt, đồng đều. Thế nhưng cá nhân anh lại phát hiện sự kỳ lạ trong hậu vị cũng như khác biệt của các hơi thuốc và ngay lập tức báo cáo với lãnh đạo. Sau đó, phòng anh và Phòng Công nghệ tổ chức hút lại để phân tích chất lượng, mới phát hiện ra có nhiều lỗi trong quá trình chế biến, phối trộn, gây ảnh hưởng đến chất lượng lá thuốc, gây nên sự khác biệt của thành phẩm đầu và cuối dây chuyền.

Theo anh, hút kiểm định thuốc lá là công việc có tính chất lặp đi lặp lại, nhàm chán, đôi khi hơi “bê tha” nên những người làm nghề này phải rất tâm huyết và có lòng yêu nghề. Khi đã xác định gắn bó với công việc này, người hút kiểm định phải tự tiết chế bản thân và điều chỉnh nhiều thói quen, sở thích để bảo đảm cho cảm quan của mình được ổn định. Anh hóm hỉnh: “Ai cũng vậy, có những hôm gặp chuyện vui, tinh thần phấn khởi thì hút sản phẩm nào cũng thấy ngon; còn những lúc gặp chuyện chán chường thì hút loại nào cũng thấy khó chịu. Nhưng cái nghề này không cho phép cảm xúc chi phối được, không được hưng phấn, không được buồn bã, bỏ cả nhiều thói quen ăn uống, sinh hoạt thông thường như ăn ngọt, ăn mặn… để đảm bảo cảm quan có được độ tinh nhạy và chính xác cao nhất”.

Anh kể lại, thời gian đầu làm công việc này có nhiều lần uống rượu hay ăn đồ tanh, theo thói quen, anh uống trà đặc để át vị, cũng như điều chỉnh lại vị giác. Nhưng khi hút thử nghiệm thì không còn cảm giác gì, mác thuốc nào cũng để lại hậu vị như nhau khiến anh rất lo lắng. Sau đó anh phải nghỉ 1 ngày để lấy lại cảm quan và hút đi hút lại để có được đánh giá sản phẩm tốt nhất. Từ sau lần ấy, anh Hiếu rất hiếm khi uống trà, cà phê và các loại chất kích thích; cũng như tự điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình, không sử dụng các loại hóa mỹ phẩm… để giữ được cảm quan trọn vẹn nhất. Với mỗi mác sản phẩm được đưa ra bình hút, anh và các đồng nghiệp đều phải hút lại nhiều lần để kiểm tra chất lượng từng lô sản phẩm, phân tích nguyên nhân khác biệt mùi vị do điều kiện bảo quản, do bản chất nội thể lá thuốc hay phụ thuộc vào quá trình chế biến sản phẩm trên dây chuyền.

Tuy là nghề đặc thù nhưng sản xuất thuốc lá từ lâu vẫn chịu cái nhìn định kiến của xã hội về “cái chết từ từ”, “cái chết thầm lặng”… bởi nhiều tác hại mà nó gây ra; chính điều này cũng khiến những người làm công việc hút kiểm định như các chuyên gia Hiền, Hiếu chịu khá nhiều áp lực trong cuộc sống, gắn bó với công việc này đã lâu, có nhiều kỷ niệm với nó nhưng cũng gặp không ít những khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những người làm công việc hút kiểm định thuốc ai cũng già trước tuổi với hàm răng màu vàng đặc trưng của những người thường xuyên hút thuốc. Cô Hiền bảo, nhiều thanh niên mới vào làm việc chỉ ngửi hơi thuốc là say, là ho nhưng làm lâu lại thành quen, nhiều người cũng vì nghề hút kiểm định mà thành ra nghiện thuốc, lượng thuốc mỗi ngày phải tính theo bao, theo tút.

Làm việc vất vả trong môi trường khá độc hại như vậy, nhưng chưa bao giờ những người làm công việc hút thẩm định bỏ nghề hoặc chuyển sang công việc khác nhàn nhã hơn. Anh Hiếu tâm sự, mỗi công việc đến với mình đều do duyên số cả, chúng tôi không coi đây là nghề hút thuốc mà coi nó là nơi chứng tỏ khả năng thẩm định và cảm quan về lá thuốc đến đâu, cũng có thể coi công việc của chúng tôi là “nghệ thuật về cảm quan”. Bởi theo anh, bên cạnh những tác hại mà ai ai cũng biết, thuốc lá cũng là một vị thuốc; và điều quan trọng là người tiêu dùng có tiết chế được mức độ thuốc mà họ đang sử dụng hay không. Anh bật cười: “Nhiều khi bị kỳ thị, bị dèm pha chúng tôi cũng thấy chạnh lòng, nhưng mỗi ngành nghề một công việc, một trách nhiệm, chúng tôi sẽ đưa tới cho người sử dụng sản phẩm tốt nhất và ít có hại tới sức khỏe nhất. Chúng tôi gắn bó với nghề hút kiểm định chất lượng sản phẩm thuốc lá điếu này quá lâu rồi, không thể nói bỏ là bỏ được. Công việc nào cũng vậy, mình phải có tình yêu nghề thì mới gắn bó lâu dài như vậy được”.

Chia tay chúng tôi, Trưởng phòng Hiền nói: “Muốn hiểu về thuốc lá thì phải là những người hút được thuốc và tiết chế được bản thân mình. Hút được, cảm nhận được vị đắng, vị cay và mùi thơm của lá thuốc rồi mới hiểu được công việc của chúng tôi vất vả và nguy hiểm thế nào. Nhiều người vẫn coi chúng tôi là người “sản xuất cái chết”, không phải ai cũng hiểu và thông cảm được công việc độc hại này đâu”.

Khánh An