Các anh đã khắc mốc biên cương

09:41 | 15/03/2013

1,468 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - 25 năm trước, ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc đưa tàu đến gây sự ở 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, những người lính Hải quân Việt Nam đã xả thân giữ đảo, để máu mình tô thắm mảnh đất biên cương ngoài trùng khơi. Thời gian đã lùi xa nhưng hình ảnh những cột cờ sống và “vòng tròn bất tử” vẫn khắc sâu trong tâm trí bao người...

Xả thân giữ đảo

Những ngày đầu tháng 3/1988, tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và Trungg đoàn Công binh E83 được lệnh hành quân khẩn cấp về cụm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trước sự lăm le chiếm đóng bất hợp pháp của Hải quân Trung Quốc.

Trong hải trình từ đảo Đá Lớn đến Gạc Ma, tàu HQ-604 gặp phải sự khiêu khích và ngăn chặn của các tàu Trung Quốc. Nhưng với bản lĩnh kiên cường, Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã chỉ huy, điều khiển HQ-604 giữ nguyên hướng và tốc độ tiến thẳng đến vị trí đã định, thả neo và chốt giữ đảo Gạc Ma.

 

Sáng ngày 14/3/1988, Anh hùng Nguyễn Văn Lanh cùng với Thiếu úy Trần Văn Phương và các chiến sĩ hải quân được cử từ tàu vận tải HQ-604 lên đảo Gạc Ma bảo vệ cờ Tổ quốc, nhớ lại: “Hải quân Trung Quốc hạ xuồng từ tàu lớn mang theo nhiều lính trang bị vũ khí đổ bộ lên Gạc Ma. Chúng cho rằng lực lượng công binh của ta đang xây dựng ở đảo mỏng, trang bị thô sơ, thậm chí có người còn không có vũ khí trong tay, sẽ dễ dàng bị khuất phục. Nhưng chúng đã nhầm!”.

Khi lính Trung Quốc đổ bộ lên Gạc Ma, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ-604, giao nhiệm vụ cho Thiếu úy Trần Văn Phương lên đảo cắm chốt, bảo vệ cờ Tổ quốc để xác định chủ quyền. Thấy lính Trung Quốc tiến vào đảo với số lượng lớn và sẵn sàng bắn vào ta, Đại úy Trừ ra lệnh: “Ai bơi giỏi, lập tức vào hỗ trợ Thiếu úy Phương”.

“Tôi cùng 10 chiến sĩ nhảy xuống biển bơi vào đảo hỗ trợ anh Phương giữ cờ. Lúc ấy, trên đảo có khoảng 40 chiến sĩ công binh của ta đang bị lính Trung Quốc chĩa súng nã đạn không thương tiếc” - ông Nguyễn Văn Lanh hồi tưởng.

Ông Lanh không thể nào quên hình ảnh Thiếu úy Phương hôm đó. Khi bị bắn trọng thương, anh vẫn cố ngoi lên mặt nước, tay luôn giữ chặt lá cờ, tự biến mình thành cột cờ sống. “Khi bơi đến nơi, tôi đề nghị Thiếu úy Phương về tàu cứu chữa nhưng anh ấy nói như ra lệnh: “Thà hy sinh chứ không thể để mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Sau khi dặn tôi và đồng đội tiếp tục giữ cờ Tổ quốc bằng mọi giá, anh Phương hy sinh” - ông Lanh nghẹn ngào.

Chị Nguyễn Thị Quý bên ban thờ chồng

Thấy người trước ngã xuống, người sau vẫn tiếp tục lao tới tự biến mình thành cột cờ sống trên biển, lính Trung Quốc lao đến giằng lấy. “Chúng dùng lưỡi lê và báng súng đâm và uy hiếp chúng tôi. Trong tay không vũ khí nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu không chút run sợ. Hai tên lính Trung Quốc lao vào, một tên đâm xuyên lưỡi lê qua vai tôi. Lúc đó, nhiều đồng đội bơi tới yểm trợ tôi tiếp tục giữ cờ” - ông Lanh xúc động.

Ông Nguyễn Văn Lanh cho biết, những người lính Hải quân Việt Nam trong gần 1 giờ quần thảo với lính Trung Quốc đã đứng kề vai nhau thành một “vòng tròn bất tử” để bảo vệ cờ, ngăn chặn chúng tiến sâu vào đảo. Chứng kiến ý chí chiến đấu quyết tử giữ đảo của hải quân ta, lính Trung Quốc đành rút về tàu. Chúng nã pháo điên cuồng vào tàu HQ-604 neo đậu bên ngoài và những người lính trên đảo Gạc Ma.

Cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân Lữ đoàn 125, Trung đoàn 83 công binh với tàu Trung Quốc ngày 14/3/1988 là cuộc chiến đấu cam go và tổn thất. Trong cuộc chiến đấu ấy, 3 tàu của ta bị chìm và cháy, 3 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương, 73 cán bộ, chiến sĩ mất tích. Sau này Trung Quốc trao trả cho Việt Nam 9 người, 64 người còn lại hiện vẫn mất tích và được coi như đã anh dũng hy sinh. Đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bất hợp pháp từ đấy.

Hành trình tri ân

Trong số 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh trong trận chiến bi hùng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa năm đó có 8 chiến sĩ là những người con của quê lúa Thái Bình. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua với bao sự đổi thay, nhiều mẹ liệt sĩ đã không còn có mặt trên cõi đời này nữa. Nhiều người thân của các anh đã phiêu bạt khắp mọi miền. Có những trường hợp hỏi dò ra địa chỉ người thân các anh nhưng đến nơi thì gia đình đã chuyển vào miền Nam...

Thế nhưng, dù khó khăn đến đâu chúng tôi vẫn tự nhủ phải tìm cho bằng được người thân các anh. Dẫu rằng có gặp được cũng chỉ để nói với các mẹ và người thân các anh một lời rằng, thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ nhưng sự hy sinh của các anh thì mãi mãi sẽ được Tổ quốc và nhân dân ghi tạc.

Bức thư viết trước giờ xuống tàu ra đảo của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương

Địa chỉ đầu tiên mà tôi tìm đến là gia đình liệt sĩ Trần Văn Chức với dòng thông tin ngắn ngủi có được là: xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình. Sau hơn 3 giờ đồng hồ đi xe máy từ Hà Nội tôi đã đến được xã Canh Tân… Linh tính mách bảo tôi rẽ vào một ngõ nhỏ và hỏi thăm một chị ngoài 40 tuổi.

Sau một hồi suy nghĩ chị chợt “à” lên một tiếng rồi nói: “Thôi đúng là anh Trần Văn Chức ở cùng thôn với nhà tôi rồi… Anh này hy sinh khi trẻ lắm (mới 21 tuổi), chưa có vợ con”. Chị Hạnh (tên người phụ nữ chỉ đường) nói tiếp: “Nhưng giờ nhà chẳng còn ai đâu, bố mẹ anh ấy mất cả rồi, anh em thì người Hà Nội, người Hải Phòng…, có bà chị cả ở nhà hương khói thì cũng mới ra chỗ người em ở Hải Phòng chữa bệnh mấy hôm rồi”.

“Chị cố nghĩ xem anh ấy còn người thân nào hiện ở nhà không ạ?”, tôi gặng hỏi. Chị Hạnh lại ngẫm nghĩ, rồi bảo: “Còn một cô em gái lấy chồng trong làng, nhưng hình như cũng đi làm xa. Có cậu em rể trông nhà giúp”. Nói đoạn chị Hạnh bấm điện thoại gọi cho người em rể của liệt sĩ Trần Văn Chức. Người đó là anh Trần Văn Tung. Anh Tung dẫn tôi vào một ngôi nhà đã nhuốm màu thời gian và sự thiếu vắng hơi người.

Cánh cửa mở, ngay gian giữa, một bàn thờ trang nghiêm, trên đó là di ảnh của liệt sĩ Trần Văn Chức. Dù đã bị ố mờ bởi thời gian, nhưng vẫn còn đó ánh mắt và nét mặt của người trai trẻ. Anh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, máu của anh đã hòa vào biển cả. Xương của anh đã khắc ghi thêm cho Tổ quốc một dấu mốc biên cương giữa trùng khơi.

Rời nhà liệt sĩ Trần Văn Chức, tôi tìm đến địa chỉ gia đình liệt sĩ Trần Đức Thông, quê ở Minh Hòa, Hưng Hà… Ghé vào xưởng mộc ven đường, tôi hỏi: “Anh có biết nhà liệt sĩ Trần Đức Thông không, chỉ giúp em với”. Người chủ xưởng mộc xởi lởi: “Làng tôi ai cũng biết, ông ấy là anh hùng, trường học của xã tôi cũng mang tên ông ấy mà. Hiện nay vợ ông ấy mất rồi, hai con đều công tác ở bên Hà Nam. Muốn gặp người nhà, anh hỏi vào nhà ông Nhiễu, thôn Cộng Hòa (anh họ của ông Thông).

Ông Trần Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội CCB Tập đoàn trao quà cho thân nhân các gia đình liệt sĩ

Người dân trong làng cho biết, hiện nay vợ Anh hùng, liệt sĩ Trần Đức Thông đã mất, hai người con đều đã lập gia đình và công tác tại tỉnh Hà Nam. Người làng giới thiệu tôi tìm gặp ông Trần Văn Nhiễu, người anh họ của liệt sĩ Trần Đức Thông.

Từ ngày 11 đến ngày 16/3, đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã thực hiện hành trình tri ân mang tên “Nghĩa tình đồng đội”.

Chương trình đã tổ chức gặp mặt, tri ân và tặng quà 35 gia đình liệt sĩ trên đảo Gạc Ma ở các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra. Mỗi phần quà là 10 triệu đồng tiền mặt do Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ủng hộ và 3 triệu đồng (quà tặng) do Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn đóng góp.

Ông Nhiễu kể: Liệt sĩ Trần Đức Thông là Trung tá, Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, người chỉ huy cao nhất tại chiến trường của đơn vị đã bảo vệ Gạc Ma năm 1988. Trung tá Trần Đức Thông còn là Phó chủ tịch huyện đảo Trường Sa và đã có 10 năm công tác trên đảo.

“Chú Thông là người sống nghĩa tình và luôn chu đáo với mọi người. Ngày còn sống, lần nào về phép chú ấy cũng đi thăm các gia đình trong làng. Ngày nhận tin chú hy sinh, cả làng ai cũng đến thăm hỏi. Tội nhất là thím Seo (bà Nguyễn Thị Seo, vợ liệt sĩ Thông - PV). Lấy nhau năm 1971, chồng đi chiến trường biền biệt.

Sau ngày đất nước thống nhất, anh trở về rồi lại đi đảo suốt. Cả cuộc đời làm vợ chồng, họ chỉ sống bên nhau chưa được một năm. Trung tá Thông hy sinh ở tuổi 44. Khi đó thím ấy mới 40, ở vậy nuôi dạy hai con khôn lớn. Năm 2005, thím ấy đã ra đi sau một cơn tai biến”, ông Nhiễu nhớ lại.

“Ngày đó, mỗi lần đi đảo, bố để dành thịt hộp, lương khô mang về cho chị em tôi. Lần nào về cũng mang những con ốc rất to, những cây san hô, những con tôm, con cá màu xanh, màu đỏ được tết từ dây cáp điện thông tin... làm quà cho các con. Bây giờ tôi vẫn còn giữ những kỷ vật ấy. Lần nào về bố cũng mua quần, áo cho chúng tôi. Bộ quần áo cuối cùng của tôi là tiêu chuẩn của đơn vị cho bố đi may, bố mang về cho con gái may quần đi học. Mỗi lần nhìn những kỷ vật của bố, tôi lại chảy nước mắt vì nhớ và thương bố” - chị Trần Thị Thu Hà, con gái liệt sĩ Trần Đức Thông, hiện là cán bộ Công an tỉnh Hà Nam nhớ lại.

Năm 2009, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã cho xây dựng nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông trên chính mảnh đất mà Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông đã cất tiếng khóc chào đời. Trước đó năm 2001, người dân trong thôn Cộng Hòa đã góp tiền xây dựng đài tưởng niệm và khắc tên người Anh hùng liệt sĩ Trường Sa như một cách để bày tỏ lòng tri ân và tình cảm sâu sắc với người anh hùng của quê hương mình.

Đại diện Hội CCB Tập đoàn và Hội CCB Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn trao quà cho thân nhân 8 gia đình liệt sĩ ở Thái Bình

Từ năm 2009, tên của Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông được đặt tên cho ba cấp học ở xã Minh Hòa: trường mần non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Tại Trường THCS Minh Hòa, ngày trước Trung tá Trần Đức Thông từng học, cách đây 10 năm, Liên đội Trần Đức Thông đã được thành lập.

Trong số những người con Thái Bình đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma năm đó, liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm, xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà đã trở về chính mảnh đất anh sinh ra. Năm 2009, sau 20 năm kể từ ngày hy sinh, thi hài anh đã cùng với 7 đồng đội khác đã được xác định và đưa về quê nhà. Trong ngôi nhà ấm cúng nghĩa tình đồng đội, vợ anh - chị Nguyễn Thị Quý không giấu nổi niềm xúc động. Ngày anh hy sinh, đứa lớn mới 6 tuổi, đứa nhỏ mới lên 3, chị Quý ở vậy, tần tảo nuôi con khôn lớn trưởng thành. Giờ đây đứa lớn đã trở thành giáo viên, đứa nhỏ cũng vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.

Đã 25 năm kể từ ngày gia đình nhận được giấy báo tử, vậy mà cụ Nguyễn Văn Mạo, người cha của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương kể về con trai mình như cậu bé vừa mới vắng nhà: “Năm 1968 bà nhà tôi sinh cháu, nó kháu lắm anh à, trắng trẻo, mặt mũi khôi ngô. Ngày đó nhà tôi nghèo lắm, cơm không đủ ăn, vậy mà cháu vẫn ngoan ngoãn, học giỏi… Học hết phổ thông, cháu trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 1, có giấy báo nhập học nhưng cháu không đi mà lại tình nguyện vào bộ đội hải quân”.

Kể đến đây cụ Mạo mở tủ lấy cho ra một túi nilon đựng những kỷ vật của liệt sĩ Phương. Vẫn còn đó bộ quân phục Hải quân, học bạ, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, giấy báo điểm và giấy triệu tập học Trường Lục quân 1 và những lá thư gửi về gia đình. “Năm 1986, cháu nó đi lính hải quân, nó bảo chỉ đi vài năm rồi sẽ về, ai ngờ…”, cụ Nguyễn Thị Gái, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương nghẹn ngào nhớ lại.

Trong số những kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương có một lá thư đề: Cam Ranh, ngày 6/3/1988 (nghĩa là trước ngày anh hy sinh một tuần) có đoạn : “…gia đình cứ yên tâm đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về, bao giờ về là về thôi chứ bây giờ cũng chẳng được về thăm gia đình nữa đâu. Thôi con xin dừng bút tại đây, cuối thư con kính chúc gia đình mạnh khỏe, sản xuất tốt”. Ngay sau chữ ký là những dòng tái bút: “Từ nay con sẽ không viết thư về nữa đâu vì công việc bận, bưu điện lại quá xa. Mong gia đình thông cảm cho con và gia đình đừng viết thư cho con, nếu viết con cũng không nhận được đâu”.

Làm sao có thể quên được hình ảnh người mẹ già tuổi 76 - Nguyễn Thị Gái, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Phương ở Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình. Suốt 25 năm qua, chiều nào cũng ngồi ngay bậu cửa, luôn chờ một dòng tin về số phận đứa con mình; rồi chị Trần Thị Quý, vợ liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm suốt đời lam lũ, cả một thời xuân sắc đi qua, chị vẫn ở vậy, thay chồng nuôi con khôn lớn.

Một năm sau trận hải chiến ngày 14/3/1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho:

- Anh hùng Vũ Huy Lễ (sinh năm 1946, quê ở xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trú quán xã Đằng Hải, huyện An Hải, TP Hải Phòng. Khi được tuyên dương Anh hùng, anh là Thiếu tá, Thuyền trưởng tàu HQ-505, Lữ đoàn 125 Hải quân).

- Anh hùng Nguyễn Văn Lanh (sinh năm 1966, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình. Khi được tuyên dương Anh hùng, anh là Trung sĩ, Tiểu đội trưởng Công binh thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân).

- Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương (sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi hy sinh anh là Thiếu úy, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân).

- Anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ (sinh năm 1957, quê ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh anh là Đại úy, Thuyền trưởng tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân).

- Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông (sinh năm 1944, quê ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Khi hy sinh, anh là Trung tá, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4, Quân chủng Hải quân, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).


Ghi chép của Văn Dũng