Xét xử "kỳ án vườn mít": Lê Bá Mai lại bị đề nghị án tử hình

09:27 | 03/01/2013

1,345 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sáng 3/1, vụ “kỳ án vườn mít” tiếp tục được đưa ra xét xử. Ngay từ sáng sớm, thân nhân bị hại, bị cáo đã có mặt tại tòa.

Khoảng 8h30, bị cáo Lê Bá Mai được dẫn giải từ xe bít bùng ra trước vành móng ngựa.

Đến 8h40, thư ký tòa điểm danh thành phần tham dự. Phiên xét xử dự kiến diễn ra trong hai ngày 3 và 4/1. Đến 8h45, chủ tọa phiên tòa đọc các thủ tục để bắt đầu phiên xét xử.

Dự đoán, phiên xét xử này sẽ có nhiều tình tiết bất ngờ xung quanh vụ án. 

Thân nhân bị hại trước phiên xét xử ngày 3/1.

Bị cáo Lê Bá Mai được dẫn giải ra tòa.  

Các luật bị cáo đến động viên tinh thần bị cáo Mai. 

9h, Viện kiểm sát bắt đầu với phần đọc cáo trạng.

Theo cáo trạng của VKSND, sáng 12/11/2004, Mai thấy Thị Út và Thị Hằng đang mót củ sắn gần nơi Mai làm khoảng 50m nên nảy sinh ý định giao cấu. Mai lấy xe máy chạy đến rủ Út đến khu vườn mít ở gần đó rồi dùng tay đánh vào gáy Út bất tỉnh để hiếp dâm.

Thực hiện xong hành vi đồi bại, Mai thấy Út còn sống và sợ bị tố cáo nên lấy quần của nạn nhân xiết cổ đến chết. Biết Út đã chết, Mai vùi xác vào một cây mít và trở về chòi tắm rửa, ăn cơm như không có chuyện gì xảy ra. Đến ngày 16/11/2004, người thân của Út phát hiện thi thể Út trong vườn mít (thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân) trong tình trạng không mặc quần, xác đã phân hủy.

Nhân chứng quan trọng nhất trong phiên tòa là Thị Hằng khai nhận, sáng 12/11/2004, Hằng và Út đi mót củ sắn. Cả 2 mang theo cái xà bấc (con dao đi rừng của người S’tiêng – PV). Thị Hằng thấy Mai đi xe máy đến rủ Út đi đâu đó. Trước khi đi với Mai, Út bảo Hằng chạy xe đạp theo sau. Do Mai chạy xe quá nhanh nên Hằng đạp xe không kịp và bỏ về nhà rồi kể lại sự việc cho mọi người nghe.

Hằng còn khai nhận với công an viên Trần Quang Sinh rằng, có nhìn thấy một thanh niên mặc áo xanh, đội nón lá, đi xe máy màu xanh đen có chở theo bình xịt thuốc rầy màu xanh, bình đá màu đỏ. Trong biên bản ghi lời khai ban đầu đã không thể hiện tên nghi can Lê Bá Mai vào bởi ông Sinh ông ghi vào. Thế nhưng, tại 5 bản khai sau (do điều tra viên ghi) Hằng lại biết rõ họ tên người thanh niên chở Út là Lê Bá Mai.

Đến 9h50, hội đồng xét xử tiếp hành phần xét hỏi. Tại tòa, bị cáo Mai cho rằng bị ép cung và phủ nhận lời khai ở cơ quan công an các cấp. Mai cho rằng, bị đánh đập, mớn cung nên mới khai như vậy.

10h10, chủ tọa phiên tòa công bố lại những lời khai của bị cáo.

10h35, chủ tọa tiếp tục phần thẩm vấn bị cáo Lê Bá Mai. Bị cáo Mai vẫn khẳng định không nhớ những gì đã khai ban đầu. Trong đó, hội đồng xét xử đề cập xung quanh vấn đề vì sao đồng ý chấp nhận bồi thường cho bị hại.

Đến 10h37, tòa gọi ông Tuân lên để hỏi về lời khai của bị cáo Mai.

10h39, tòa tiếp tục thẩm vấn bị cáo Mai về chuyện lấy xe gắn máy của ông Tuân đi đâu và việc khai lại, thay đổi nội dung của vụ án.

10h58, hội đồng xét xử đề cập đến nội dung bị cáo Mai khai nhận hành vi phạm tội khi có luật sư bên cạnh. Chủ tọa đưa ra những lời khai nhận tội của bị cáo Mai.

11h01, tại tòa vẫn chỉ có 3 nhân chứng: Ông Điểu Ki, ông Trần Văn Sinh và nhân chứng Hằng.

11h02, hội đồng xét xử yêu cầu nhân chứng Hằng lên thẩm vấn. Lúc này, luật sư Trịnh Thanh yêu cầu chủ tọa phiên tòa cho 2 nhân chứng còn lại là ông Điểu Ki và ông Trần Văn Sinh ra bên ngoài để tránh nghe những phần thẩm vấn của nhân chứng Hằng.

11h10, chủ tọa phiên tòa cho tạm dừng để nghỉ trưa sau khi thẩm vấn nhân chứng Hằng.

13h30, tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi với các nhân chứng còn lại.

Lê Bá Mai bị dẫn giải ra để đưa về trại giam và sẽ tiếp tục xét xử vào buổi chiều.

14h, phiên tòa bắt đầu với phần thẩm vấn ông Điểu Cẩn, cha nạn nhân Thị Út. Sau dó 15 phút, chủ tọa phiên tòa thẩm vấn nhân chứng Điểu Ky. Lúc này, luật sư Trịnh Thanh, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo yêu cầu hội đồng xét xử cho tạm “cách ly” 2 nhân chứng còn lại: Thị Hằng và Trần Văn Sinh. Chủ tọa đặt những câu hỏi liên quan đến lời khai báo khi nạn nhân Thị Út mất tích vào ngày 12/11/2004. Thời điểm này, ngày 13/11/2004, ông Điểu Ky khai báo chỉ thấy một thanh niên không rõ mặt và chưa có gia đình. Đến ngày 16/11/2004, thi thể nạn nhân tìm thấy được. Ngay sau đó, ông Điểu Ky bỗng dưng đột ngột thay đổi lời khai, thanh niên chở nạn nhân Thị Út đi về hướng vườn mít chính là Lê Bá Mai.

14h30, hội đồng xét xử cho gọi nhân chứng Trần Văn Sinh vào. Ông Sinh cho biết, Hằng trình bày nội dung có thanh niên chở Thị Út đi vào hướng vườn mít. Ông Sinh khẳng định, không có ghi rõ tên Lê Bá Mai vào biên bản lời khai. Tại tòa, ông Sinh nhắc lại chuyện mâu thuẫn xưa kia. Khi đó, Lê Bá Mai đi xịt cỏ và bị ông Sinh lập biên bảng rồi ông Tuân lấy biên bản đi phát tán dẫn đến chuyện ông Sinh bị cấp trên kỷ luật.

14h38, ông Sinh thừa nhận bị cáo Mai trước đó có bị đánh và được ông Sinh vào nhà rồi khuyên Mai đi tắm rửa để đưa lên xã. Ông Sinh nói, ở lại xã sợ bà con đánh chết.

14h40, chủ tọa đọc lại quá trình điều tra vụ việc và các lời khai của nhân chứng. Sau phiên sơ thẩm lần 1, tại phiên tòa phúc thẩm, nhân chứng Nguyễn Văn Trọng có khai tại tòa là không nhớ những gì đã khai trước đó.

14h58, bị cáo Mai tiếp tục bị hội đồng xét xử đặt câu hỏi để làm rõ những lời khai của các nhân chứng và vật chứng có trong vụ án. Bị cáo Mai nói các vật chứng trong buổi nhận dạng được đưa ra. Bị cáo Mai khẳng định các điều tra viên chỉ cho bị cáo các đồ vật làm vật chứng trong vụ án.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm và Trịnh Thanh, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Lê Bá Mai.

15h04, Thẩm phán đặt câu hỏi liên quan đến “củ sắn” có tại hiện trường. Một chi tiết, cây mì gãy đổ nằm dài trên đất. Bị cáo Mai cho rằng, lời khai trên dựa vào sự “hướng dẫn” của các điều tra viên. Bị cáo không biết, khai như thế sẽ gây bất lợi. Sau khi án sơ thẩm lần 1 xử, bị cáo kêu oan. Bị cáo Mai nói, trong trại bị cáo thấy một số nội dung làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo phải nhận, không nhận không xét xử được. Khi đưa ra tòa, tòa sẽ xét xử rõ ràng. Liên quan đến vấn đề bồi thường, bị cáo không biết vụ việc trên như thế nào, nên cứ nói như vậy. Mai cho biết, trình độ của bị cáo chỉ 5/12 nên nhận thức pháp luật hạn chế.

3h11, chủ tọa gọi ông Dương Bá Tuân lên để thẩm vấn về quá trình Lê Bá Mai làm việc tại trang trại. Những câu hỏi liên quan đến xe gắn máy làm phương tiện để Mai chở nạn nhân đi gây án. Ông Tuân có nói đến quá trình, nguồn gốc chiếc xe gắn máy. Ông Tuân cung cấp tình tiết, các công an điều tra mượn ca-vet xe gắn máy để mang đi điều tra vụ án. Ông Tuân khẳng định, đã bị cơ quan điều tra lấy ca-vet đi.

15h20, chủ tọa phiên tòa đọc lại lời khai của ông Tuân trong quá trình điều tra vụ án. Song, ông Tuân khẳng định bản hỏi cung trên không phải là lời khai tại cơ quan điều tra. Ông Tuân phản bác nhiều điểm bất hợp lý trong biên bảng lời khai của công an. Chủ tọa đưa ra lời khai của Dương Bá Phong, cháu ruột ông Tuân để chỉ rõ những điểm bất nhất trong lời khai tại phiên xét xử. Ở đây, tòa đang làm rõ chi tiết lời khai của ông Tuân xung quanh những vật chứng: Bình inox xịt thuốc cỏ, can nhựa.

15h27, tòa đặt câu hỏi, ông Tuân có nhu cầu nhận lại những vật chứng trong vụ án hay không? Ông Tuân cho biết, nếu còn sử dụng được thì cho xin lại. Ngoài ra, chiếc xe bị cáo Mai làm phương tiện để chở nạn nhân đi gây án cũng được ông Tuân yêu cầu lấy lại.

15h30, Viện kiểm sát cho biết, bị cáo khai một số chi tiết phát sinh liên quan đến vụ án nên xin thẩm vấn bị cáo Lê Bá Mai. Viện kiểm sát đặt câu hỏi xung quanh những văn bảng nhận dạng các vật chứng trong vụ án. Kiểm sát viên đưa ra chứng cứ để khẳng định buộc tội bị cáo Mai. Bị cáo Mai liên tục khẳng định với các Kiểm sát viên, cơ quan cảnh sát điều tra đã ép bị cáo nhận tộ để đưa vụ việc ra tòa và tội hay không thì tòa sẽ xét xử. Bị cáo Mai luôn khẳng định bị oan.

15h45, hội đồng xét xử hỏi ông Điểu Cẩn, cha của bị hại yêu cầu người bảo vệ quyền lợi bồi thường.

15h47, luật sư của phía bị hại đã đưa ra chi phí mai táng và bồi thường về tính mạng của nạn nhân Út. Tổng số tiền hơn 106 triệu đồng. Trong đó gồm, chi phí mai táng 22 triệu đồng, bồi thường tiền nhân mạng đến thời điểm hiện nay hơn 84 triệu đồng. Phía luật sư của bị hại không chứng minh được số tiền đòi bồi thường 20 triệu đồng là hợp lý.

15h50, nhân chứng Hằng được luật sư gọi vào tham dự tòa sau thời gian cách ly. Luật sư Trịnh Thanh được đặt những câu hỏi cho bị cáo Lê Bá Mai để bào chữa, đảm bảo quyền lợi cho bị cáo. Trả lời với luật sư của mình, bị cáo Mai vẫn lập luận, các kiểm sát viên có nói bị cáo phải nhận tội để đưa vụ việc ra tòa xét xử. Đề cập đến quần của nạn nhân, bị cáo Mai cho biết, các điều tra viên chỉ cho bị cáo biết đó là quần của Thị Út.

15h58, luật sư Bùi Quang Nghiêm đặt những câu hỏi với bị cáo Mai để bào chữa thân chủ. Bị cáo Mai cho rằng, những lời khai của bị cáo luôn để trong phòng, trong hầm và không đưa cho ai đọc, luôn giữ bên mình. Mai cho biết, không thường xuyên đọc bản cáo trạng của Viện kiểm sát. Luật sư Nghiêm xoay quanh vấn đề, nhận dạng đồ vật. Bị cáo Mai khai tại tòa, điều tra viên và kiểm sát viên yêu cầu bị cáo nhận tội để được ra tòa xét xử.

16h, luật sư Bùi Quang Nghiêm đặt câu hỏi với nhân chứng Trần Văn Sinh về mâu thuẫn của ông Tuân và ông Sinh. Ông Sinh cho biết, giữa năm 2001, Mai bị ông Sinh lập biên bản vi phạm việc xịt thuốc trừ cỏ. Sau đó, ông Tuân có xin 1 văn bản để về chỉ bảo cho những người làm công ở nhà tránh những vi phạm trên. Ngay sau đó, thông tin trên được đăng tải trên báo Tuổi trẻ.

Luật sư có hỏi nhân chứng Sinh về việc, có nhắc đến Lê Bá Mai trong lời khai ban đầu hay không. Nhân chứng Sinh nói, không muốn đề cập đến bất kỳ điều gì liên quan đến ông Tuân. Luật sư đặt câu hỏi, yêu cầu ông Sinh giải thích vấn đề không ghi vào biên bản lời khai.

16h10, Luật sư Trịnh Thanh tiếp tục thẩm vấn nhân chứng Trần Văn Sinh và đưa ra lời khai trước, lời khai sau mâu thuẫn nhau. Lời khai ban đầu, Hằng cho biết có một thanh niên giống Lê Bá Mai đi vào vườn mít, Hằng không khẳng định là bị cáo Mai nhưng chỉ nghi ngờ là Mai. Biên bản ghi lời khai thứ 2, ông Sinh khẳng định đó chính là bị cáo Mai. Tuy nhiên, đến biên bản ghi lời khai thứ 3, ông Sinh lại là biên bảng ghi, thấy một người giống Lê Bá Mai.

Luật sư tiếp tục thẩm vấn về lời khai của ông Điểu Cẩn. Thời điểm đó, ông Cẩn chỉ khai báo con gái mất tích. Ông Sinh thừa nhận, ông Điểu Cẩn không khai thấy Lê Bá Mai dẫn con gái vào khu vườn mít.

16h17, luật sư Trịnh Thanh tiếp tục thẩm vấn nhân chứng Điểu Ky. Luật sư xoay quanh vấn đề “nghi ngờ” hay “nghi thấy”. Bởi, theo cách phát âm của người dân địa phương tại sóc.

16h20, luật sư thẩm vấn phiên dịch Điểu Bách về từ “nghi”. Theo quan điểm, sự vật, nhân chứng, nếu dùng từ “nghi ngờ” là “có”. Anh Điểu Bách khẳng định, nếu bé Hằng trả lời “nghi” là có.

16h24, luật sư Trịnh thẩm vấn nhân chứng bé Hằng xung quanh lời khai trước cơ quan điều tra.

16h25, luật sư Trịnh Thanh thẩm vấn nhân chứng Sinh về lời khai mâu thuẫn trước cơ quan điều tra.

16h30, Hội đồng xét xử đặt câu hỏi bị cáo Mai về số tiền bồi thường, chi phí mai táng của gia đình bị hai đề nghị. Bị cáo Mai khẳng định không đồng ý vì bị cáo không có tội. 

Viện kiểm sát tiến hành phần tranh tụng tại tòa.

16h32, phiên tòa bước vào phần tranh tụng.

Kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang phần tranh tụng tại tòa, Viện kiểm sát cho rằng, tội ác của bị cáo Lê Bá Mai phải bị trừng phạt và cách ly ra khỏi cuộc sống xã hội. Tại phiên tòa, bị cáo liên tục quanh co chối tội nhưng các bằng chứng đều chứng minh bị cáo Mai phạm tội. Trong 6 bản khai được đưa ra, bị cáo Mai thừa nhận tội hết 5 bản. Bị cáo Mai khai tại tòa bị đánh đập, ép cung là không có cơ sở. Viện kiểm sát cũng thừa nhận, vụ án có một số thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất phạm tội của bị cáo Lê Bá Mai.

17h02, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, từ lập luận và các bằng chứng tại phiên tòa nên đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Mai mức án tổng hợp là “tử hình” với hai tội danh “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”.

Phiên tòa tạm nghỉ, sẽ tiếp tục diễn ra vào 8h sáng ngày mai (4/1).

Hưng Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc