Kinh tế Việt Nam thoát đáy hay chưa?

16:19 | 27/06/2014

1,317 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Như lời đại diện của Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm thì nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy. Nhưng điều đó có quá lạc quan?

Kinh tế Việt Nam: thoát đáy hay chưa ?

Kết luận rằng kinh tế Việt Nam đã thoát đáy được dựa trên kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Doanh nghiệp năm 2014. Đối tượng điều tra là gần 8.000 doanh nghiệp ở 3 lĩnh vực chính: nông - lâm - thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ; 3 loại hình sở hữu là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Sau đây là một vài con số trong kết quả điều tra:

Từ tháng 1/2013 đến tháng 1/2014 chỉ có 5,6% số doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất - trong khi tỉ lệ này từ 2012 lên trên 8%.

Quá nửa số doanh nghiệp được điều tra cho biết sẽ giữ nguyên quy mô lao động, chỉ có 10% dự kiến giảm quy mô.

Về quy mô doanh thu, lợi nhuận thì có trên 70% doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt kết quả cao hơn năm 2014.

Các chỉ tiêu này chứng tỏ môi trường kinh doanh đang cải thiện, khó khăn đã giảm, thuận lợi đã tăng, doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng vào quá trình phục hồi kinh tế.

Nhưng kết quả điều tra cũng đưa ra những con số đáng lo ngại:

Trước hết, hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi (50,5%) không thực hiện việc vay vốn để sản xuất kinh doanh. Lý do chủ yếu giải thích cho việc không vay vốn được các doanh nghiệp đưa ra đó là “không có nhu cầu vay”, số còn lại thì cho rằng “thủ tục vay phức tạp, lãi suất cao, không có tài sản thế chấp… Cũng tương đương số doanh nghiệp được hỏi đã trả lời không biết - hoặc không đánh giá được nhu cầu của thị trường thế giới. Câu hỏi đặt ra là: họ không thật sự không cần đến vốn của ngân hàng để phát triển, duy trì sản xuất kinh doanh - hay đó là bước “thoi thóp” chờ chết của doanh nghiệp?

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 37 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới, mặt khác có hơn 33 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể.

Sự lạc quan về nền kinh tế chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - nhóm đang "ăn nên làm ra" với "sự nghiệp" lắp ráp chế tạo rồi xuất khẩu: chỉ chiếm có 2% số doanh nghiệp nhưng đóng góp tới 20% GDP. Dẫu biết họ - một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đang có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, nhưng thử hỏi: các doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu?

Bản điều tra cho thấy còn rất nhiều vấn đề nội tại nền kinh tế Việt Nam. Khi mà doanh nghiệp vẫn còn loay hoay với niềm tin vào sự phục hồi, loay hoay với thông tin thị trường thì chưa thể nói rằng Việt Nam đã thoát khỏi đáy suy thoái và trên đà phục hồi. 

Bảo Sơn