Cận cảnh thị trường chứng khoán
Trên phương diện mổ xẻ những gì đang tác động lên tâm lý thị trường, có vẻ như thị trường chứng khoán đang phải chịu những “nắm đấm thép” liên hoàn trong một khoảng thời gian quá ngắn…
Trước tiên, nhắc lại nguyên nhân “nổi” tạo nên sóng sụt giảm, hầu hết nhà đầu tư cho rằng, vụ việc “bầu Kiên” bị tạm giữ và cuộc đấu tranh của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng đã tác động mạnh tới tâm lý thị trường. NHNN đã vào cuộc và “ứng cứu” ACB. Chỉ 4 ngày sau Thống đốc NHNN đã thông báo Ngân hàng ACB và hệ thống NHTM vẫn hoạt động bình thường.
Thị trường chứng khoán bất ngờ giảm mạnh cũng chính là cơ hội lớn cho nhiều nhà đầu tư (ảnh: Mạnh Thắng)
Chắc hẳn nhà đầu tư chưa thể quên được làn sóng vỡ nợ vào nửa cuối năm 2011. Tâm lý lo âu bao trùm lên thị trường, đó là sự lo lắng về tình trạng nền kinh tế, về phản ứng dây chuyền khi các cá nhân, doanh nghiệp lớn vỡ nợ, lo âu khi các ngân hàng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề v.v… Đi cùng với lạm phát, sức ép tâm lý từ làn sóng vỡ nợ đã đưa VN-Index giảm ít nhất 80 đến 100 điểm, xuống vùng quanh 350 điểm vào cuối năm 2011.
Một dẫn chứng nhìn lại để thấy rằng, chúng ta không nên chủ quan với dư luận trên thị trường chứng khoán, bởi lẽ thị trường chứng khoán bản chất vẫn là thị trường của niềm tin và sự kỳ vọng. Một khi niềm tin không đủ, sự kỳ vọng thay bằng nỗi sợ hãi thì việc giá cổ phiếu xuống dốc không phanh là điều dễ dàng xảy ra.
Trong suốt 7 tháng đầu năm, sự cải thiện của kinh tế vĩ mô chưa đủ để mang lại một sự kỳ vọng đáng kể cho các nhà đầu tư. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính 7 tháng đầu năm 2012, mức tăng chỉ số này bằng phân nửa 7 tháng đầu năm 2011. Bội chi ngân sách trong 7 tháng đầu năm đạt khoảng 91,4 tỉ đồng, gần gấp đôi mức bội chi của 5 tháng đầu năm 2012.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 0,1% so với tháng trước. Tốc độ tăng của chỉ tiêu này có chiều hướng thụt lùi dần kể từ tháng 3/2012 đến nay. Tăng trưởng tín dụng hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ” với mức tăng dưới 1%. Rõ ràng, chúng ta đã có một tháng 7 không mấy thuận lợi và nền kinh tế không có chuyển biến nào đáng kể.
Điểm đáng chú ý ở chỗ: Kinh tế Việt Nam đang được đánh giá là ổn định với mức lạm phát tạm thời được kiềm chế. Thế nhưng lạm phát có chiều hướng quay trở lại…
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8 tại Hà Nội tăng 0,57% so với tháng trước, CPI tháng 8 tại TP HCM tăng tới 0,66% so với tháng trước. Số liệu trực quan cho thấy CPI tháng 8 cả nước hoàn toàn có thể tăng ở mức quanh 0,5% và nếu như vậy thì sẽ là mức tăng khá đột biến so với mức CPI âm 2 tháng trước đó. Thời điểm hiện tại đang có khá nhiều yếu tố là nguy cơ đẩy lạm phát lên cao.
Giá năng lượng thế giới leo thang, giá xăng trong nước đang không ngừng tăng giá theo. Ngày 13/8 giá xăng mới tăng 1.100 đồng/lít, chưa đầy 10 ngày sau, các doanh nghiệp đầu mối lại rục rịch đề xuất tăng giá… Tháng 8, tháng 9 theo chu kỳ hàng năm, CPI cũng thường bị đẩy cao do vào mùa khai trường. Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng là giá thực phẩm đang có chiều hướng leo thang trở lại trong tháng 8 và có thể sẽ còn tiếp tục tăng khi có một số yếu tố tác động làm giảm nguồn cung bổ sung thực phẩm qua đường nhập khẩu.
Những phiên vừa qua, sức cầu bắt đáy trên thị trường đã tỏ ra bất lực trước áp lực bán tháo mạnh mẽ. Khối ngoại tăng cường mua ròng và giải ngân mạnh mẽ chưa phải là tín hiệu đáng mừng, tín hiệu đợt sóng giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) chưa thực sự rõ nét. Theo người viết, việc tham gia của các quỹ đầu tư tập thể (ETFs) sẽ khiến thị trường xuất hiện các giao dịch thường xuyên của tổ chức môi giới nhằm mục tiêu thu được chênh lệch giữa giá mua danh mục đổi lấy giá trị một chứng chỉ quỹ.
Nếu để ý, nhà đầu tư sẽ thấy rằng, phiên NĐTNN mua mạnh nhất là phiên 21-5, phiên đó cả hai sàn sụt giảm mạnh từ đầu phiên, tạo ra một chênh lệch tuyệt đối tới hơn 4% cho các nhà môi giới chứng chỉ quỹ. Ngay sau đó, khi giá ETFs giảm từ 18,3 về 17,5 thì giao dịch của các NĐTNN bắt đầu chững lại… Đó là dấu hiệu của các giao dịch đầu cơ, không phải là tín hiệu của việc đầu tư dài hạn bằng cách giải ngân giá rẻ vào thị trường.
Với tình hình hiện tại, thị trường không đơn giản chỉ là một ảnh hưởng nho nhỏ của tin xấu rồi lại phục hồi trở lại. Mức giảm của thị trường đã đủ mạnh để tạo ra hiệu ứng “quả tuyết lăn”, hàm ý nói tới làn sóng giải chấp margin, cắt lỗ của các tổ chức và các công ty chứng khoán.
Với những quy định về công bố tỷ lệ vốn khả dụng mới đây, các công ty chứng khoán sẽ càng phải thận trọng hơn với “tiền” và ngày càng ít cửa “dung túng” cho nhà đầu tư đến hạn giải chấp. Các nhà đầu tư tham gia thị trường cần lưu tâm tới yếu tố này. Hiệu ứng lan tỏa có thể tạo sức ép đẩy thị trường xuống sâu hơn mức dự tính và việc thua lỗ trong ngắn hạn rõ ràng không làm các nhà đầu tư cảm thấy hài lòng, ngay cả khi đặt mục tiêu đầu tư trung - dài hạn. Tuy nhiên, việc thị trường bất ngờ giảm mạnh cũng chính là một cơ hội lớn cho những nhà đầu tư đang găm giữ tiền mặt, và thời điểm này chính là lúc cần phải tìm hiểu doanh nghiệp, lên danh mục cho tương lai…
Giao dịch ký quỹ (Margin Trading) là việc nhà đầu tư mua cổ phiếu có sử dụng hạn mức tín dụng do công ty chứng khoán môi giới cấp. Nó được đảm bảo bằng khoản ứng trước bằng tiền hoặc thế chấp bằng chính cổ phiếu được mua. Vì vậy, thông thường những nhà đầu tư nào dự đoán giá tăng sẽ thực hiện giao dịch ký quỹ. |
Hồng Dương
(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Thị trường vàng tăng "nóng", Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1