Xã đảo cuối cùng của TP HCM có điện quốc gia

15:54 | 15/04/2015

860 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 14/4, Tổng Công ty Điện lực TP HCM công bố tuyến cáp ngầm vượt biển, đưa điện quốc gia ra đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM đã hoàn tất và đóng điện.

Như vậy, xã đảo Thạnh An đã có điện quốc gia để sử dụng, góp phần ổn định chất lượng nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020.

Thi công nối cáp ngầm ra đảo

Dự án xây mới tuyến cáp ngầm 22kV vượt biển đưa điện quốc gia ra xã đảo Thạnh An có tổng mức đầu tư hơn 170 tỷ đồng.

Dự án bao gồm: xây dựng 2 trạm ngắt 22kV, 1 trạm ở bờ thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, 1 trạm phía bờ xã Thạnh An; và xây dựng mạch cáp ngầm 22 kV dưới biển dài 6,4km nối hai trạm ngắt.

Phần trên cạn cũng có một mạch cáp ngầm chuyên dụng 22kV, tuyến cáp quang 110kV dẫn điện từ Cần Giờ đến trạm ngắt Cần Thạnh, để truyền điện xuyên biển qua xã đảo Thạnh An và thiết bị giám sát nhiệt độ cho tuyến cáp biển…

Xã đảo Thạnh An cách trung tâm huyện Cần Giờ khoảng 8km, và cách trung tâm TP HCM khoảng hơn 50km. Toàn xã có diện tích hơn 131km2, gồm 3 ấp là Thạnh Hòa, Thanh Bình, Thiềng Liềng.

Đa số hộ dân ở đây có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, lao động chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản, làm muối, chăm sóc rừng…

Trạm phát điện diesel trên đảo Thạnh An

Hiện người dân trên xã đảo Thạnh An đang sử dụng điện từ máy phát điện diesel 250kVA, được đưa vào sử dụng từ 2004, suất hao dầu bình quân là 267,8g/kWh (tăng 1,6%/năm). Đội quản lý gồm 8 người làm việc chế độ 3 ca 4 kíp đã phát điện 18/24 giờ mỗi ngày (thời gian có điện trong ngày từ 6-24 giờ), ngoại trừ phát điện 24 giờ đối với các ngày lễ lớn, tết cổ truyền, ngày lễ truyền thống của địa phương, trực phòng chống lụt bão.

Giá thành phát điện ở mức khá cao, tính đến năm 2011 là 6.999 đ/kWh, gấp năm lần giá thành phân phối điện chung của Tổng Công ty Điện lực TP HCM. Trong đó nguyên nhân giá thành cao chủ yếu từ 4 chi phí lớn: nhiên liệu chiếm 82,2%, lương và bảo hiểm xã hội là 7,4%, khấu hao tài sản 5,8%, vật liệu 3,5%; các chi phí còn lại 1,1%.

Nguyễn Hiển

(theo Năng Lượng Mới)