Trạm biến áp 500kV Ô Môn: Những ngày đỏ lửa

07:40 | 24/05/2015

1,280 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Miền Tây Nam Bộ đang trong mùa nắng nóng gay gắt khiến bầu không khí trên công trường Trạm biến áp 500kV Ô Môn ngột ngạt, khô khốc. Trong cái nóng bỏng rát ấy, người lao động truyền tải điện vẫn miệt mài làm việc, dồn hết tâm trí, sức lực để sớm hoàn thành việc lắp đặt máy biến áp nâng công suất từ 450MVA lên 900MVA Trạm biến áp 500kV, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong mùa khô 2015.

Năng lượng Mới số 424

Chạy đua với thời gian

Có mặt tại công trường nâng công suất Trạm biến áp 500kV Ô Môn vào đúng dịp dự án đang trong những ngày quyết liệt, chạy đua với thời gian để hướng tới mục tiêu hoàn thành vượt tiến độ 1 tháng, chúng tôi mới cảm nhận được sự vất vả, cực nhọc mà những người lính truyền tải miền Tây và các nhà thầu thi công phải trải qua. Thời tiết ở Ô Môn hôm nay trời nắng to. Nắng nóng cộng với những bê tông, trụ sắt, rồi cả những cơn gió hanh khô từ xa thổi lại khiến nhiệt độ trên công trường thường xuyên lên tới 45oC. Mọi thứ trở nên ngột ngạt vô cùng.

Là người đã lăn lộn, gắn bó với công trường nâng công suất Trạm biến áp 500kV Ô Môn ngay từ những ngày đầu, anh Trần Văn Vũ - cán bộ kỹ thuật của Truyền tải điện miền Tây 1 bảo: Dự án gồm có 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chuyển đấu nối tạm để tạo khoảng không cho quá trình thi công vị trí móng thay thế chính thức. Sau đó, thực hiện đưa máy 900MVA vào thay thế máy 450MVA. Tiếp theo, thực hiện đấu nối đưa thanh cái của đường 220kV, hoàn thành việc nâng công suất. Trong quá trình nâng công suất thì vấn đề áp lực lớn nhất mà các anh gặp phải là vấn đề đảm bảo cung ứng điện cho khu vực miền Tây. Ở khu vực này, Trạm biến áp 500kV Ô Môn là trạm nút để truyền tải công suất từ 500kV cho các trạm của miền Tây. Hiện tại, 2 máy biến áp của Trạm biến áp 500kV đang phải vận hành ở chế độ truyền tải cao và xu hướng là xuất hiện vận hành quá tải nhiều lần. Vì vậy, theo yêu cầu của Công ty Truyền tải điện 4, tất cả các đơn vị thi công trên công trường phải đẩy nhanh tiến độ.

Những ngày đỏ lửa

Thi công lắp ray trượt chuyển máy biến áp vào khoang chứa máy

Trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới, ông Võ Thanh Cường, Trưởng phòng Đầu tư xây dựng PTC4 cho hay: Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án nâng công suất Trạm biến áp 500kV Ô Môn vào cuối tháng 5, PTC4 và các nhà thầu thi công đã huy động tối đa nhân lực, vật lực, làm việc liên tục 3 ca, kể cả ngày lễ 30-4, mùng 1-5 và các ngày nghỉ trong tuần. Ngày nắng thì phải cố gắng, phải quyết liệt làm bù cho những ngày mưa vì ở đây, trời mưa là cả công trường phải ngừng thi công. Nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình thi công cũng được anh em kỹ sư, công nhân bàn và giải quyết tại chỗ. Và chính nhờ điều này, với những kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình vận hành máy biến áp, cùng với những cải tiến về quy trình lắp đặt nên việc lắp đặt 3 máy biến áp, cả thí nghiệm và hiệu chỉnh đã được thực hiện trong vòng 1 tháng. Đặc biệt, sau khi lắp đặt xong máy biến áp, họ đồng thời tiến hành luôn quá trình lọc dầu, hoàn thiện hạng mục của họ.

Trời vẫn đổ lửa. Những khối trụ sắt, mặt máy biến áp sau mấy tiếng đồng hồ bị phơi nắng trở nên bỏng rát. Dưới đất, những lớp bê tông, đá hấp nhiệt phả hơi nóng hầm hập. Đứng trong bầu không khí đó chỉ độ mươi phút, đầu óc tôi choáng váng, mồ hôi túa ra như mưa, chiếc áo sơmi dài tay bốc mùi chua loét. Và trong cái khắc nghiệt, tưởng chừng không có sự sống ấy, từng tốp công nhân của Công ty Truyền tải điện miền Tây 1 (thuộc Công ty Truyền tải điện 4-PTC4) vẫn đang miệt mài làm việc. Chỗ này là đội quân của Công ty Vận tải Sài Gòn đang hì hục lắp ray, kích bơm thủy lực để đưa chiếc máy biến áp nặng tới 240 tấn vào khoang đặt máy. Chỗ kia là đội ngũ cán bộ, kỹ thuật của Xưởng Thí nghiệm PTC4 đang tiến hành lọc dầu, kiểm tra và sẵn sàng cho việc hiệu chỉnh, chạy thử máy biến áp… Một không khí làm việc khẩn trương, đầy trách nhiệm bao phủ khắp công trường.

Tính đến thời điểm này, các hạng mục thi công của dự án đã cơ bản hoàn thành. Theo dự kiến, trong khoảng thời gian từ 23 đến 25-5 sẽ tiến hành đấu nối và đi vào vận hành trước 30-5, vượt tiến độ 1 tháng so với kế hoạch đề ra.

Để miền Nam không thiếu điện

Trạm biến áp 500kV Ô Môn đóng trên địa bàn phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Trạm có nhiệm vụ truyền tải điện năng từ cấp điện áp 500kV xuống cấp điện áp 220kV khu vực miền Tây và ngược lại truyền tải điện năng từ cấp điện áp 220kV của khu vực miền Tây vào hệ thống điện quốc gia. Với nhiệm vụ như vậy, Trạm biến áp 500kV Ô Môn được ví là “trái tim” của ngành điện ở miền Tây. Khu vực này hiện đang được cấp điện từ 2 nguồn cơ bản là Nhà máy Điện Cà Mau với công suất 1.500MWA và điện từ miền Bắc, miền Trung truyền tải vào qua Trạm Ô Môn.

Theo thiết kế, toàn bộ phần công suất truyền tải từ 500kV xuống 220kV đều được tập trung ở Trạm biến áp 500kV Ô Môn trước khi được phân bổ về các truyền tải, điện lực địa phương. Và cũng chính bởi thiết kế như vậy, nên mỗi khi Nhà máy Điện Cà Mau giảm công suất để bảo dưỡng đường ống dẫn khí hoặc nhu cầu dung điện của khu vực miền Tây tăng, áp lực cấp điện đặt trên vai trạm Ô Môn là rất lớn, các máy biến áp của Trạm không đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, việc nâng công suất cho Trạm biến áp 500kV Ô Môn từ 1.050MVA lên 1.500MVA là cấp bách, đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ.

Nói về tầm quan trọng của công trình nâng công suất Trạm biến áp 500kV Ô Môn, ông Võ Đình Thủy, Giám đốc PTC 4 nói: Công trình được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực Tây Sông Hậu. Đồng thời, công trình cũng nhằm mục đích khai thác được các nguồn điện có giá thành rẻ, tăng hiệu quả vận hành trong trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau giảm phát (do bảo trì hoặc nguồn cấp khí có sự cố) và các nguồn điện mới trong khu vực chưa vào vận hành kịp, trong khi Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1 sử dụng nguồn nhiên liệu bằng dầu nên có chi phí sản xuất cao, chủ yếu chỉ được điều động khi nguồn trên lưới bị thiếu hụt.

Được biết, theo một tính toán của PTC4, để bù đắp sản lượng điện thiết hụt do việc bảo dưỡng các đường ống khí phục vụ Nhà máy Điện Cà Mau, ngành điện sẽ phải huy động 131,2 triệu kWh điện từ nhà máy nhiệt điện chạy dầu. Trong khi đó, nếu Trạm 500kV Ô Môn được nâng công suất lên 1.500MVA, lượng điện huy động từ chạy dầu chỉ còn 69,8 triệu kWh. Và với mức chênh lệch hiện nay giữa điện phát từ dầu và khí vào khoảng 2.400 đồng/kWh thì số tiền tiết kiệm được sẽ lên tới hàng trăm tỉ đồng. Và cũng bởi tính cấp bách và hiệu quả kinh tế lớn như vậy, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã chọn dự án này làm công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia lần thứ II, nhiệm kỳ
2015-2020 và đăng ký gắn biển thi đua cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Thủy, việc rút ngắn thời gian thi công, đưa vào vận hành sớm công trình nâng công suất Trạm 500 kV Ô Môn trước 1 tháng tiết kiệm khoảng 40 tỉ đồng. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa khi toàn ngành Điện đang thực hiện chủ trương tối ưu hóa chi phí. Nhưng ý nghĩa hơn cả là miền Tây Nam Bộ sẽ được cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa khô này.

Thanh Ngọc