Ngành điện góp phần xây dựng nông thôn mới

12:06 | 21/11/2014

494 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phó Tổng giám đốc TCT Điện lực TP Hồ Chí Minh bày tỏ, với việc hoàn thành 128 căn nhà ở Thạnh An, xã nghèo này sẽ hoàn tất tiêu chí nông thôn mới về xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm nay.

Bà Võ Thị Sàng ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An mừng rỡ đón chúng tôi trong căn nhà tình thương được xây mới nhận từ tháng 9 vừa qua. Bà kể: “Nhà thuộc diện hộ nghèo, trước chỉ có căn nhà mái lá. Mỗi khi trời mưa bão là bị tốc mái hoặc nước ngập vào nhà, khổ sở hết chỗ nói. Được các anh ngành điện hỗ trợ 50 triệu đồng tiền xây mới, chúng tôi còn phải vay thêm hơn chục triệu đồng nữa mới xong căn nhà. Nhờ Nhà nước, gia đình mới có cái nhà này chứ đến bao giờ mới xây được. Chúng tôi nghèo lắm”, bà Sàng rưng rưng.

Nhà bà Sàng chỉ là một trong số 72 hộ ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM đã được nhận nhà xây mới hoặc sửa chữa từ chủ trương Hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới của Thành ủy TP HCM mà Tổng Công ty (TCT) Điện lực TP HCM là một trong những đơn vị triển khai.

Xã Thạnh An có diện tích hơn 13.141 ha, dân số gần 1.159 hộ với 4.689 nhân khẩu, có 3 ấp là Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng. Ngành nghề chủ yếu là đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản (nuôi hào), làm muối với sản lượng đánh bắt và nuôi trồng gần 10.000 tấn/năm. Dựa theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trước khi phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới, thì xã cơ bản đạt 5/19 tiêu chí về thủy lợi, bưu điện, hình thức sản xuất, văn hóa và an ninh trật tự.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Huỳnh Anh Tuấn, Bí thư, Chủ tịch xã, xuất phát điểm Thạnh An là xã nghèo, còn khó khăn nhiều thứ, cả về hạ tầng kinh tế-xã hội; trong đó, giao thông chủ yếu bằng đường thủy. Riêng đường bộ thì tổng chiều dài toàn xã chỉ dài 8,2km và được cứng hóa nhưng nhỏ hẹp, một số đoạn ngập nước. Phương tiện đi lại là xe đạp và xe máy. Thu nhập bình quân đầu người 14 triệu đồng/người/năm, thấp nhất huyện Cần Giờ. Đến năm 2014, xã còn 403 hộ nghèo và 147 hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, chiếm gần 50% tổng số hộ trong xã.

Trong năm 2014, nhu cầu về nhà ở của xã là 171 căn; trong đó, TCT Điện lực Thành phố hỗ trợ 128 căn (gồm xây mới 70 căn và sửa chữa 58 căn) với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng/căn xây mới và từ 20-30 triệu đồng/căn sửa chữa, còn lại là các đơn vị khác.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc TCT cho biết, thực hiện chủ trương hỗ trợ xã xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến đầu tháng 11, tỷ lệ xây dựng nhà ở trên địa bàn xã đã đạt trên 70%. Trước đó, Tổ công tác của TCT đã cùng với lãnh đạo xã tiến hành khảo sát các hộ gia đình tại 3 ấp. Hai bên cùng thống nhất các hộ sẽ đưa vào diện xây dựng mới hoặc sửa chữa. Như vậy đến cuối tháng 11 này, TCT sẽ hoàn thành 109 căn  nhà, còn 28 căn nhà bổ sung sẽ hoàn thành trước Tết Âm lịch 2015 để bà con kịp đón Tết trong căn nhà mới.

Với tổng kinh phí hỗ trợ của TCT là trên 5 tỉ đồng, ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết, trong quá trình triển khai, hàng tháng, TCT Điện lực Thành phố thường xuyên cử cán bộ đến xã để kiểm tra, giám sát tiến độ xây dựng theo từng đợt, từ đó thống nhất chuyển kinh phí cho kịp thời. Hiện TCT đã chuyển kinh phí đầy đủ để xã thi công. Đối với Điện lực Cần Giờ cũng cử công nhân hỗ trợ di chuyển công tơ, mạng điện trong nhà dân để đảm bảo an toàn khi xây dựng.

Ngành điện góp phần xây dựng nông thôn mới

Lưới điện nông thôn ở xã đảo Thạnh An.

Đánh giá về những thuận lợi trong quá trình thực hiện, ông Tuấn cho rằng: “Sự quan tâm của thành phố, của huyện chính là điểm tựa vững chắc để xã Thạnh An nói riêng và các xã xây dựng nông thôn mới của huyện Cần Giờ nói chung có được niềm tin, sự nhận thức đúng và thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng nông thôn mới”.

Tuy nhiên, do 4 mặt của xã giáp sông và cửa biển, điểm gần kết nối đất liền là 8km, giao thông chủ yếu là đường thủy nên theo nhận xét của Chủ tịch xã Thạnh An, việc vận chuyển vật tư đến nhà xây dựng rất khó khăn. Tất cả đều thủ công bằng xe đẩy tự chế vì đường Thạnh An nhỏ hẹp, không có xe tải. Toàn xã chỉ có một chủ cung cấp vật tư nhưng không có bãi chứa vật tư xây dựng. Vì vậy phải theo nhu cầu đặt hàng của hộ dân thì chủ vật tư mới cho ghe chở về cung cấp. Trong khi đó, thợ xây dựng thiếu, hộ dân phải thuê công thợ từ các địa phương khác từ đất liền vào nên chi phí cao.

Để khắc phục khó khăn cũng như tạo được sự thống nhất chung trong quá trình thực hiện tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, Đảng ủy xã đã thành lập 4 tổ phụ trách do các Bí thư Chi bộ ấp, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể xã làm tổ trưởng khảo sát, theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ hộ dân trong quá trình xây dựng. Định kỳ hàng tháng, các tổ báo cáo tiến độ xây dựng cũng như các vấn đề phát sinh để xin ý kiến chỉ đạo.

Phó Tổng giám đốc TCT Điện lực TP Hồ Chí Minh bày tỏ, với việc hoàn thành 128 căn nhà ở Thạnh An, xã nghèo này sẽ hoàn tất tiêu chí nông thôn mới về xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm nay.

Chủ tịch xã Huỳnh Anh Tuấn cũng khẳng định: Hiện xã Thạnh An đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2014 sẽ đạt 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí trường học, hộ nghèo và thu nhập, xã sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm 2015.

Mai Phương