Suy ngẫm từ hai câu chuyện nóng

00:04 | 21/12/2012

1,063 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bao nhiêu năm nay, hầu như ngành Thuế cứ xử lý theo kiểu mềm nắn, rắn buông và quen bắt nạt những doanh nghiệp nộp thuế tử tế. Còn với những loại như Coca-Cola, hoặc những doanh nghiệp tương tự thì họ đành buông xuôi. Nhưng có lẽ, họ đã đồng hành cùng với những doanh nghiệp kiểu này?

1. Chỉ có kẻ bất tài mới mất 100 triệu

Dư luận đang sôi sục vì có chuyện muốn chạy vào công chức ở một cơ quan X nào đấy ở Hà Nội thì phải mất 100 triệu. Thật ra, chuyện chi tiền để được vào làm một cơ quan Nhà nước là chuyện có từ rất lâu rồi. Chỉ có điều chẳng ai bắt được tận tay, day tận trán, cho nên mọi thứ cũng chỉ là theo dư luận. Tất nhiên, trước những dư luận ấy, các nhà quản lý - những người có trách nhiệm tuyển dụng đều phủi tay và đều sẵn sàng thề độc và khẳng định họ không bao giờ ăn bẩn như thế. Nhưng khi việc này được đưa ra diễn đàn công khai và được một người có trách nhiệm phát ngôn thì đó không còn là chuyện “ma” nữa, mà là chuyện thật. Vì vậy, các cơ quan chức năng đang phải vào cuộc, tìm cho ra kẻ nào đã “ăn” 100 triệu và những ai đã bỏ ra 100 triệu để có chỗ trong cơ quan Nhà nước.

Suy ngẫm lại thì thấy, người đã phải bỏ ra đến 100 triệu để kiếm được một chân làm việc ở cơ quan công quyền và được hưởng lương vài ba triệu mỗi tháng phần lớn là kẻ bất tài và chắc chắn không có năng lực. Bởi lẽ, người có năng lực thực sự, có ý chí thì cần gì phải vào cơ quan Nhà nước làm việc, hoặc nếu họ có vào làm thì họ thi vào đường đường, chính chính chứ việc gì phải lo lót, biếu xén như vậy.

Ông Trần Trọng Dực, Đại biểu HĐND TP Hà Nội, nói về chuyện thi công chức tốn 100 triệu

Ai cũng biết rằng, ở các cơ quan công quyền đang tồn tại rất nhiều cán bộ, nhân viên, không có năng lực. Họ cố chạy vào chiếc ghế công chức để thứ nhất là có cái oai của người Nhà nước, thứ hai là khi đã chui được vào cơ quan công quyền thì dốt đến mấy, ngu đến mấy cũng vẫn tồn tại. Họ biết thừa rằng đồng lương của họ ở chỗ đấy không đủ cho họ sống, nhưng họ sẽ xoay sở, kiếm thêm bằng cách khác. Và cách dễ dàng nhất là gây nhũng để được thỏa lòng tham. Những người có tài thực sự thì rõ ràng chẳng cần cứ vào cơ quan Nhà nước mới có điều kiện phát triển.

Bộ máy công quyền của chúng ta hiện nay đang phình ra quá lớn, mà không ai rà soát được trong số ấy có bao nhiêu người không biết làm việc, có bao nhiêu người phẩm chất kém và cái ghế họ đang ngồi ấy là có xứng đáng hay không. Cho nên, câu chuyện phải mất 100 triệu để kiếm được ghế công chức Nhà nước cho thấy đã đến lúc cần xem lại việc thi tuyển công chức có thực chất hay chưa? Và chắc gì những người biết trả lời những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đặt ra lại là người làm được việc.

Thực tế chứng minh rằng, có rất nhiều người có tài năng, giỏi nghề, thạo việc nhưng khi phải làm những thứ thi tuyển như vậy thì lại là “đứt”. Có một câu chuyện mang tính giai thoại từ ngày xửa, ngày xưa rằng: Có một cháu học sinh phải làm đề văn bình một bài thơ của nhà thơ Xuân Diệu. Vì bố cháu là người quen biết với nhà thơ nên đã đến nhờ ông “gà” bài hộ. Nhà thơ Xuân Diệu đã viết một bài tự bình thơ của mình. Cháu bé chép lại, mang đến nộp cho cô giáo. Hậu quả là cháu bị điểm 2 và kèm theo là lời phê của cô: “Không hiểu đề bài”.

Lại có câu chuyện nữa, đó là ở Báo An ninh thế giới, tại văn phòng phía Nam, có một anh làm thư ký tòa soạn rất giỏi và được Tổng biên tập Hữu Ước trọng dụng. Ông muốn đưa anh ta vào biên chế của lực lượng Công an để đào tạo làm cán bộ về sau. Nhưng vận động thế nào anh ta cũng không vào, mà chỉ xin làm hợp đồng. Lý do anh ta không thích vào biên chế là vì, thấy ở cơ quan có những người trong biên chế nhưng làm việc kém và anh ta cũng nhìn thấy sự trì trệ ở những người được gọi là công chức Nhà nước. Tự tin về trình độ, tay nghề của mình, anh tuyên bố không bao giờ vào biên chế Nhà nước…

Cho nên việc thi tuyển công chức, cũng như việc chọn người làm việc ở các cơ quan công quyền, trừ những loại công việc có tính chất đơn giản, còn những công việc đòi hỏi phải có sự sáng tạo thì phải biết chọn người thực tài. Để chọn được người thực tài, đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, biết “dụng nhân như dụng mộc”, biết trọng dụng người tài và họ phải hiểu hơn ai hết rằng cái ghế họ đang ngồi có vững hay không là nhờ những người cấp dưới của họ.

2. Họ đã lừa cả ngành Thuế Việt Nam

Chuyện rằng, Công ty Coca-Cola bao nhiêu năm nay không đóng một đồng xu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho Việt Nam, mặc dù tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, doanh thu năm sau vượt năm trước và luôn khai rằng, họ bị lỗ do tỉ giá ngoại tệ, do giá nguyên liệu đầu vào cao… Thật là một cách giải thích của những kẻ lừa đảo. Và đáng ngạc nhiên là ngành Thuế, cụ thể là Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh bao nhiêu năm nay chấp nhận giọng điệu của “côtylưa” này. Làm gì có chuyện một doanh nghiệp “lỗ” triền miên, năm này qua năm khác mà lại có thể tồn tại lâu đến như vậy và đến bây giờ vẫn nghênh ngang tuyên bố Việt Nam là “thị trường tiềm năng” và xin đầu tư thêm hàng trăm triệu đôla.

Chẳng cần phải tra sổ sách tận gốc ở bên công ty mẹ của họ, chẳng cần phải đối chiếu chứng từ gì cho lắm thì cũng đủ biết đây là một thủ đoạn trốn thuế khá cao tay của một số doanh nghiệp FDI. Nhưng tại sao họ lại làm được việc này trong một thời gian dài như vậy mà không có cơ quan chức năng nào lên tiếng? Không có ai dám đặt câu hỏi rằng vậy để doanh nghiệp này ở Việt Nam làm gì? Họ chiếm mặt bằng đất đai của Việt Nam để sản xuất, họ bán hàng cho người tiêu dùng với giá cắt cổ, túi họ đầy tiền nhưng Việt Nam không được đồng nào. Đó là một sự vô lý, vô lý đến mức khó tin. Nhưng chỉ có các quan chức ngành Thuế không nhìn thấy sự vô lý này suốt bao nhiêu năm qua.

Tất nhiên, quan chức ngành Thuế có thể lý giải rằng việc xác định thuế phải dựa trên khai báo của doanh nghiệp, họ không có điều kiện để đối chiếu giấy tờ, xác định giá cả; rằng họ quá ít người để theo dõi, rằng trình độ của nhân viên thuế còn hạn chế… Thật ra, đó là những lý do họ nêu ra để bào chữa, mà nếu nói rằng họ đã “đi đêm” với những doanh nghiệp FDI là không oan. Thử hỏi xem có bao nhiêu doanh nghiệp trong nước qua mặt được cơ quan thuế? Nếu chậm nộp thuế, có khi chỉ vài ba ngày, hoặc nhiều lắm là vài ba tháng là họ đã réo ầm ĩ và coi những doanh nghiệp trốn thuế là như bọn tội phạm. Nhưng với những doanh nghiệp như Coca-Cola, hàng chục năm nay vẫn ung dung làm ăn ở Việt Nam mà chẳng phải nộp đồng xu, cắc bạc nào cho chính quyền sở tại… thì ngành Thuế nghĩ sao đây?

Đã đến lúc phải dùng đến những biện pháp giản dị nhất để trừng phạt những công ty đang dùng những thủ đoạn lắt léo để trốn thuế, để lừa đảo, mà một trong những cách đơn giản ấy là: nếu làm ăn ngần ấy năm không có lãi thì buộc phải đóng cửa. Nếu không thì mở cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân tẩy chay, không sử dụng, tiêu thụ hàng hóa của những doanh nghiệp trốn thuế. Còn với những quan chức ngành Thuế có trách nhiệm thì cũng nên sa thải. Bởi lẽ, để họ làm gì khi mà trong chức trách của mình, họ không làm được việc.

Bao nhiêu năm nay, hầu như ngành Thuế cứ xử lý theo kiểu mềm nắn, rắn buông và quen bắt nạt những doanh nghiệp nộp thuế tử tế. Còn với những loại như Coca-Cola, hoặc những doanh nghiệp tương tự thì họ đành buông xuôi. Nhưng có lẽ, họ đã đồng hành cùng với những doanh nghiệp kiểu này?

Như thổ

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc