Quyền rơm vạ đá?

11:33 | 01/09/2012

2,576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ai đó vẫn nói rằng, cán bộ xã chỉ là “quyền rơm vạ đá”. Thực hư khó tường vì hiện không thể biết đang có bao nhiêu cán bộ xã, nhưng quan xã hiện đông vô kể.

Sau khi báo chí phản ánh về xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) có 500 cán bộ, Bộ Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng, có văn bản đề nghị UBND tỉnh báo cáo, làm rõ một số nội dung báo nêu... Y lệnh, xã Quảng Vinh đã có báo cáo số 19/BC-UBND ngày 5/7/2012 nêu rõ, số cán bộ xã Quảng Vinh chỉ có 40 người gồm: 22 cán bộ, công chức xã và 18 người hoạt động không chuyên trách; cán bộ thôn có 214 người tổng cộng là 254 người.

Tuy nhiên, trong Công văn số 4715/UBND-THKH ngày 9/7/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng Chính phủ lại khẳng định: Xã Quảng Vinh chỉ có 205 cán bộ, tức chưa đủ một nửa so với thực trạng mà phóng viên đã phản ánh và ít hơn 49 người so với báo cáo của xã Quảng Vinh. Ngày 22/6/2012, khi tiếp xúc với báo chí, ông Dư Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Vinh cho biết: Số cán bộ làm việc thường xuyên ở xã là 45 người. Trong đó có 23 cán bộ chuyên trách và 22 cán bộ bán chuyên trách. Khối hội, đoàn thể gồm có các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Ban Liên lạc thanh niên xung phong, Hội Khuyến học... tính tất tần tật, những người được hưởng lương Nhà nước và người hoạt động nhờ tiền đóng phí của người dân là xấp xỉ 500 người.

Một vụ cưỡng chế thu hồi đất ở địa phương

Tình trạng số liệu khập khiễng này không chỉ có ở riêng Thanh Hóa. Tỉnh và huyện đều không nắm được ở dưới xã có bao nhiêu cán bộ, kể cả số ăn lương từ ngân sách và số ăn phụ cấp từ đóng góp của dân. Từ một xã Quảng Vinh, thử tìm hiểu tình hình cả nước sẽ thấy được ngân sách hiện đang quá sức chịu đựng. Nói như GS Nguyễn Lân Dũng, cựu đại biểu Quốc hội nhiều khóa là “không ngân sách nào kham nổi”. Hiện nay cả nước có 63 tỉnh và thành phố, 47 quận, 43 thị xã, 553 huyện, 1.403 phường, 604 thị trấn, 9.084 xã, 10.000 điểm dân cư nông thôn… Theo quy định hiện nay, cấp xã được biên chế 21 đến 25 cán bộ. Nếu lấy 9.084 xã cộng với 1.403 phường và 604 thị trấn thì có 11.091 xã, phường, thị trấn, nhân với trung bình 23 chức danh thì đã có 48.093 cán bộ cấp xã, phường, thị trấn ăn lương ngân sách. Còn số cán bộ cấp huyện và tương đương là 643 nhân với trung bình 90 biên chế thành 57.870 cán bộ... Tổng cộng số người ăn lương từ ngân sách Nhà nước hiện nay tính ra có tới khoảng 7,5 triệu người. GS Dũng khẳng định, ngoài các chức danh vừa nêu, thì Nhà nước không cho phép cấp xã, thôn thêm cán bộ ăn lương, dù lương đó không phải của Nhà nước. Số cán bộ mà tự xã ban cho và thu thóc của dân để nuôi cán bộ đó là hoàn toàn sai. Không có luật nào quy định như thế cả.

GS Nguyên Lân Dũng kể rằng, khi hỏi một ông thủ trưởng là có buộc thôi việc được nhân viên của ông do không chịu làm việc hay không, ông nói không đuổi được. Lý do, nếu đuổi 1 nhân viên thì sau đó sẽ có hàng chục đoàn đến thanh tra, kiểm tra, mệt mỏi lắm. GS Dũng lại hỏi, vậy thì cho ở nhà mà ăn lương được không? Ông này trả lời là cũng không được, vì các nhân viên khác chịu sao được! Vấn đề là con ông cháu cha ở trong chuyện đó đấy. Lương không đủ sống thì mỗi cơ quan đều luôn có “vấn đề này, vấn đề kia” nên không thể đuổi những người không làm được việc.

Qua khảo sát tại một số địa phương, hầu hết cán bộ xã, phường, nhất là cấp phó của mặt trận và các đoàn thể có tiền lương và phụ cấp không đủ tiền xăng xe đi lại họp hành. Trong khi khối lượng công việc hằng ngày họ phải chịu trách nhiệm thực hiện là không nhỏ. Lại có trường hợp, do đảm nhận cùng lúc nhiều việc cho nên người cán bộ xã, phường, thị trấn chỉ có thể làm được một vài công việc cấp bách, còn những việc khác đành để lại “khi nào có thời gian thì làm” hoặc triển khai theo kiểu “đối phó”.

Các chuyên gia tổ chức cán bộ cho rằng, những bất cập trong chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn ở những vùng khó khăn đã khiến không ít cán bộ không chuyên tâm làm việc, thậm chí sao nhãng việc cơ quan, tập trung làm những việc bên ngoài để lo cho cuộc sống bản thân và gia đình. Ðiều này dẫn đến việc chất lượng công tác chưa bảo đảm, cán bộ không yên tâm gắn bó và không thật sự tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Thực trạng này phần nào ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở các địa phương, ảnh hưởng trực tiếp kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, việc không chuyên tâm vào công việc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, uy tín đội ngũ cán bộ cơ sở, gây mất lòng tin của nhân dân...

Điều khó hiểu là lương bổng thấp, công việc nhiều mà sao bộ máy cán bộ lại đông thế? Theo GS Nguyễn Lân Dũng thì không thể thẳng tay cắt giảm biên chế đội ngũ này được. Chỉ có cách khoán việc, khoán chi phí may ra mới nâng được chất lượng dịch vụ công để ngân sách có thể kham nổi và dân khỏi phải còng lưng gánh phí đóng góp nuôi quan xã.

Thọ Vinh

(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)