“Phải” chứ không cần “được”!

07:00 | 19/03/2013

1,304 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đối với lực lượng vũ trang, khi tấn công trấn áp tội phạm, khi buộc phải có những hành động cứng rắn, kiên quyết để bảo vệ mình và bảo vệ người khác với những đối tượng gây nguy hiểm thì không nên nói chữ “được bắn”, mà là “phải bắn”.

1. Có một hình ảnh mà người dân thấy rất quen thuộc, đó là cảnh sát giao thông, cảnh vệ và một số đơn vị trong quân đội có nhiệm vụ tuần tra, cảnh sát, giữ gìn trật tự trị an khi đi ra đường đều thấy có bao súng ngắn. Nhưng không mấy ai biết rằng hầu hết những bao súng ấy chỉ có vỏ mà không có ruột. Và một số bao có súng, nhưng súng lại không có đạn. Còn ở nhiều đơn vị cảnh sát như công an các phường… thì súng ngắn của cán bộ chiến sĩ được cất vào tủ bảo quản.

Mỗi năm đôi lần, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) được đi tập bắn súng ngắn và mỗi người cũng chỉ được phát vài viên đạn để bắn thử. Không ít CBCS công an khi được phát súng thì vội vàng cất thật kỹ, bởi nếu chẳng may mất súng thì thật là đại họa. Cũng không ít người phải cất súng đi vì sợ khi cầm súng theo, nhỡ gặp chuyện “bất bình chẳng tha”, nóng mắt lên và nổ súng vào đối tượng thì cũng là gặp đại họa. Bởi sẽ phải giải trình, báo cáo và sẽ bị các cơ quan luật pháp sờ đến, chất vấn với đủ loại câu hỏi. Trong công an, lực lượng sử dụng súng bài bản nhất, thiện chiến nhất có lẽ chỉ có cảnh sát hình sự và cảnh sát đặc nhiệm. Còn hầu hết có súng cũng chỉ là giải quyết “khâu oai”.

Sở dĩ có tình trạng súng đạn trang bị cho CBCS phải thu giữ, cất vào kho cũng là do tâm lý quá sợ hãi khi dùng súng. Không có súng, đối tượng có chạy thoát, thậm chí có gây án thì người công an bị thiệt thân, không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng tất cả những điều đó không nguy hiểm bằng chuyện nếu dùng súng bắn trấn áp đối tượng, chẳng may đối tượng chết hay bị thương thì rắc rối to. Đã có nhiều vụ việc đau lòng đối với người cảnh sát khi đi bắt đối tượng vì không có súng mà bị chúng tấn công. Không ít cán bộ chiến sĩ công an hy sinh trong trường hợp tay không phải đối phó với đối tượng hung hãn và cũng không hiếm vụ chiến sĩ công an bị mắc vòng lao lý vì dùng súng bắn đối tượng.

Ở Công an Hà Nội cũng đã có trường hợp một cán bộ hình sự khi đi bắt đối tượng bị nó rút súng ngắn gí vào đầu, bóp cò. Rất may là viên đạn không nổ. Và cũng đã có nhiều bài học trong chuyện cảnh sát sử dụng súng bất cẩn, hoặc sử dụng không đúng, gây thương tích cho đối tượng. Chính vì vậy mà hầu hết các đơn vị công an không cho anh em mang vũ khí khi đi làm nhiệm vụ và mọi người đều nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để giữ an toàn cho mình. Mới đây nhất, có một vụ 3 cán bộ công an bị đối tượng hành hung, gây thương tích nặng phải đi viện. Vậy nếu trong trường hợp này, những người công an đó mang vũ khí và dùng để trấn áp đối tượng, vô hiệu hóa hành động côn đồ, hung hãn của chúng, vừa để bảo vệ mình và vừa đủ sức trừng phạt đối tượng thì thật tốt biết bao.

Những cảnh sát khi không có vũ khí trong tay, bị đối tượng dùng vũ khí nóng tấn công, nếu có bị thương tích hoặc hy sinh thì bản thân người đó thiệt đã đành, nhưng gia đình, vợ con còn gánh chịu nỗi đau lâu dài hơn thế. Rủi người cảnh sát đó có nằm xuống thì lại cũng chỉ được mấy câu đãi bôi ở trong điếu văn rằng gia đình mất đi một người con, người cha, rằng đồng đội mất đi một người đồng chí dũng cảm… rằng thế nọ, rằng thế kia. Nhưng lúc ấy không ai nghĩ rằng nếu như người cảnh sát đó được trang bị vũ khí thì sẽ không có những chữ “nếu”, chữ “rằng” ấy.

2. Những ngày này, dư luận lại ồn ào lên về việc Bộ Công an chuẩn bị dự thảo nghị định và xin cho phép được bắn những đối tượng có hành động côn đồ, hung hãn, dùng vũ khí nóng tấn công lại cảnh sát, tấn công người dân hoặc có hành vi đặc biệt nguy hiểm khác… Nghĩ thật buồn cười và thấy xã hội chúng ta đang dân chủ - “dân chủ quá trớn”. Việc người cán bộ cảnh sát, an ninh, quân đội phải dùng vũ khí để vô hiệu hóa hành động gây nguy hại cho tính mạng của bản thân mình và người khác trong khi thi hành công vụ phải được coi là điều đương nhiên.

Ai cũng biết đã có những quy định cụ thể về việc dùng vũ khí trong lực lượng công an: trước khi muốn nổ súng tiêu diệt đối tượng thì phải hô, rồi phải rút súng bắn chỉ thiên, rồi khi thấy hiệu lệnh không được đối tượng chấp hành, nổ súng chỉ thiên đối tượng vẫn không dừng lại thì phải nổ súng để ngăn chặn hành động nguy hiểm của chúng. Còn trong lúc tình huống xảy ra rất nhanh, viên đạn có thể đi không đúng như ý đồ của người nổ súng, gây thiệt mạng cho đối tượng thì cũng nên coi đó là điều bình thường.

Trật tự an toàn của xã hội chúng ta hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu. Số vụ chống người thi hành công vụ ngày một cao. Những đối tượng buôn bán ma túy, đâm thuê chém mướn, cướp giật tài sản sẵn sàng dùng vũ khí nóng để chống trả lại lực lượng bảo vệ pháp luật. Với chúng thì “chém trước cướp sau”, “bắn trước hỏi sau” là điều chúng thường làm. Vậy mà bây giờ lại còn phải xin ý kiến rằng có “được” bắn hay không? Quả thật đây là một điều vô lý.

Chúng ta cứ nói rằng phải tăng cường đấu tranh chống tội phạm hình sự, rồi hô hào phải ra quân trấn áp, nhưng đến nổ súng để ngăn chặn hành động nguy hiểm của đối tượng còn phải xin có được hay không thì trấn áp kiểu gì?. Một điều ai cũng thấy rõ là, đang có rất nhiều những qui định “trói chân, trói tay” người thi hành công vụ, trong đó đặc biệt là cảnh sát. Điều đó lý giải cho một phần nạn chống người thi hành công vụ gia tăng như hiện nay.

3. Ở các nước phát triển, việc chấp hành luật pháp của người dân chắc chắn là nghiêm hơn ở ta. Nhưng thử hỏi điều gì sẽ xảy ra đối với cảnh sát các nước như Mỹ mỗi khi bắt đối tượng lại phải hỏi, phải nổ súng chỉ thiên? Với họ, chỉ cần đối tượng có bất cứ hành động nào mà người cảnh sát cảm thấy không an toàn cho họ và cho người khác là họ đã có thể nổ súng tiêu diệt ngay, còn chuyện nổ súng đúng hay sai là việc bàn tính sau. Hầu như người cảnh sát không bao giờ bị truy cứu trách nhiệm khi nổ súng vào đối tượng.

Thậm chí cảnh sát giao thông khi chặn xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ hoặc những vi phạm giao thông khác thì câu đầu tiên của họ là: “Bước ra khỏi xe và để tay lên chỗ nào cho tôi thấy…” Tất nhiên, ở Mỹ người dân được cấp phép sử dụng súng quá tràn lan, cho nên bọn tội phạm cũng dùng súng để chống lại người thi hành công vụ, việc làm đó của người cảnh sát là cần thiết để trước hết là bảo vệ an toàn cho mình.

Còn chúng ta, muốn hỏi giấy tờ tùy thân của một người đi đường xem ra cũng khó (mặc dù đã có quy định công dân phải mang theo giấy tờ tùy thân khi đi ra đường). Người dân sẵn sàng sửng cồ lên, cãi lý với người thi hành công vụ rằng tại sao thế nọ, tại sao thế kia? Và một khi thấy có đám đông đến là họ sẵn sàng chống trả lại người thi hành công vụ. Ý thức chấp hành pháp luật của người Việt Nam không biết nên xếp vào hàng thứ bao nhiêu của thế giới này, nhưng rõ ràng là rất kém, cực kỳ kém.

Cách đây hơn 20 năm, trong một lần đi công tác tại một tỉnh phía bắc, tôi nhớ mãi một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi dự hội nghị triển khai công tác năm của công an tỉnh đó, ông đã nói thẳng thừng: “Xin các anh đừng nói mỹ từ “tin yêu” công an. Người dân chỉ “tin yêu” công an khi người công an đó xả thân bảo vệ tài sản và tính mạng cho họ. Còn bảo người dân phải yêu công an thì yêu làm sao được khi họ có trách nhiệm duy trì và buộc mọi người phải chấp hành luật pháp. Đó là những hình phạt, những biện pháp cứng rắn… Thử hỏi có người bị phạt nào lại tin, lại yêu công an được không? Cho nên lực lượng công an phải làm thế nào để người dân chấp hành các quy định của luật pháp, mà trong đó có việc chấp hành các yêu cầu của người được giao trách nhiệm bảo vệ luật pháp”. Cho đến bây giờ, càng ngẫm tôi càng thấy ông đúng.

4. Lực lượng công an bây giờ được trang bị nhiều loại công cụ hỗ trợ như dùi cui, roi điện, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn cao su, súng bắn sơn… Thiết nghĩ những thứ đó nên trang bị rộng rãi cho CBCS công an khi đi làm nhiệm vụ và có nguy cơ đối mặt với những hiểm nguy. Những quy định về sử dụng công cụ hỗ trợ đã có, người nào làm sai thì người ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn đừng vì sợ sai mà hạn chế quyền lực của người thi hành công vụ. Đối với lực lượng vũ trang, khi tấn công trấn áp tội phạm, khi buộc phải có những hành động cứng rắn, kiên quyết để bảo vệ mình và bảo vệ người khác với những đối tượng gây nguy hiểm thì không nên nói chữ “được bắn”, mà là “phải bắn”.

Như Thổ

(Báo Năng lượng Mới số 205, ra ngày 19/3/2013)