PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Rượu bia là lưỡi dao oan nghiệt!

06:00 | 31/03/2014

6,906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỗi năm người Việt tiêu thụ khoảng 3 tỉ lít bia và 200 triệu lít rượu. Có thể nói việc uống bia rượu như vậy chứng tỏ chúng ta đang tiêu hoang phí quá nhiều tiền của, thời gian của mình, của xã hội.

Năng lượng Mới số 308

Hàng ngàn án xét xử mỗi năm, những vụ giết người vô lối, những bi kịch của gia đình, xã hội xuất hiện hằng ngày trên báo chí tỷ lệ thuận với số lượng rượu bia tiêu thụ! Tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia gia tăng chóng mặt trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội…

Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn,  Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam xung quanh “vấn nạn” rượu bia của người Việt.

Nhất uống rượu bia, cái “nhất” không ai muốn!

PV: Thưa PGS ý nghĩa của việc nghiên cứu, khảo sát về thực trạng hành vi nghiện rượu bia của sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi của PGS là gì?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Nói một cách rất khoa học, đề tài này nhằm nghiên cứu thực trạng hành vi nghiện rượu bia của nam sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số biện pháp can thiệp phù hợp.

Nói một cách giản đơn, chúng ta có thể kết luận thế nào về hành vi rượu bia của người trẻ Việt khi chưa có những số liệu nghiên cứu? Điều này thôi thúc tôi phải làm một nghiên cứu để nhìn nhận về hành vi tâm lý, thay vì chỉ là số liệu uống hay tiêu thụ. Chính kiểu nghiên cứu này sẽ đưa ra cái nhìn định tính lẫn định lượng. Lý giải về một hành vi của con người thiết nghĩ cần nhìn vào chiều sâu tâm lý là như thế.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

PV: PGS có bất ngờ với kết quả nghiên cứu, khảo sát mà mình thu nhận được không, thưa PGS?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Kết quả nghiên cứu không làm chúng tôi quá bất ngờ nhưng có làm chúng tôi trăn trở. Vì những ước chừng, áng chừng đã được giải mã. Và chính hành vi bên trong ở bình diện tâm lý sâu xa xoay quanh việc sử dụng rượu bia là những cứ liệu khá thú vị thôi thúc chúng tôi tiếp tục lý giải và đào sâu.

PV: Quan sát kết quả nghiên cứu,  khảo sát của PGS tôi thấy có số liệu trên 50% nói dối để uống rượu bia, khoảng 30% người mượn tiền uống rượu; uống ngay cả khi sức khỏe không tốt hoặc bị cấm… Điều đó cho thấy rất nhiều người thuộc vào hàng nghiện rượu bia rồi, đúng không PGS?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Đây mới chỉ là dấu hiện ban đầu của hành vi lệch chuẩn phân tích theo diễn tiến và nguyên nhân của nó. Mượn tiền để uống cho vui, mượn tiền để đãi bạn, nói dối mượn tiền để làm việc này, việc khác nhưng để uống rượu, mượn tiền quên trả… dần dần sẽ trở thành hành vi lệch chuẩn. Tuy vậy, đây sẽ là “nền” để có số liệu vài phần trăm sinh viên và bạn trẻ có dấu hiện ban đầu của nghiện và chuyển sang nghiện nhẹ trên bình diện chuẩn hành vi được xác lập.

PV: Đã có những thống kê về tình hình tiêu thụ rượu bia gần đây cho thấy người Việt tiêu thụ khoảng 3 tỉ lít bia mỗi năm, “được” xếp vào hàng cường quốc về tiêu thụ bia trên thế giới. Thưa PGS, cái “nhất” này của chúng ta hẳn không có gì đáng tự hào, trái lại nó còn để lại rất nhiều suy ngẫm?!

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Chính cái “nhất” này có thể dẫn đến những điều rất đáng trăn trở. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, trong đó không thể bỏ qua yếu tố nghiện rượu, say rượu; quá nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu... Vì rượu mà không ít phụ nữ Việt Nam ở một số vùng miền bị đánh đập tàn nhẫn, có gia đình lâm vào cảnh nghèo túng, con cái nheo nhóc... Còn các ông thì đánh mất quá nhiều thứ: Nhân cách, danh vọng, địa vị, gia đình…

Ở một góc độ khác, rượu là thức uống tiêu tốn khá nhiều tiền mà gây nghiện khá nhanh. Không ít người đàn ông vét sạch túi của vợ kèm theo cả những lời hăm dọa, cái tát tay hay cả thêm vào vài cái đá lạnh lùng… để có tiền uống rượu. Hay ngay cả việc đá chó, mắng mèo, hoặc đánh con, chửi mẹ, mắng cha đã làm hàng loạt đại gia đình tan nát… Rõ ràng, rượu không chỉ là bóng ma mà trở thành lưỡi dao oan nghiệt hay chiếc vòng oan uổng để đưa hạnh phúc gia đình dẫn đến nhiều cái chết tức tưởi. Vì thế, nhất về uống rượu bia là cái nhất mà không ai muốn khi cái giá phải trả cho nó quá lớn!

PV: Câu hỏi đặt ra là vì sao dân ta uống khủng khiếp như vậy thì hầu như câu trả lời vẫn chưa rõ ràng. Với vai trò là người tổ chức khảo sát nghiên cứu về tình trạng uống rượu bia trong giới trẻ, PGS có câu trả lời thế nào?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Việc sử dụng rượu bia trong nhiều mục đích khác nhau, thông thường là trong giao tiếp đã trở thành một vấn đề khá phổ biến ở một số tỉnh, thành của Việt Nam, đặc biệt đối với nam giới. Đó còn là do nguyên nhân để giải sầu, để vui do không biết giải trí bằng cái gì, đó còn là cách để tạo sự tự tin ảo, để vừa lòng bạn bè… Và thậm chí có một vài nơi phải uống để lấy lòng sếp, phải luyện để minh chứng mình hết lòng… Cái đau là có vài sếp hay một vài văn hóa “làng” cho rằng chỉ bổ nhiệm những người biết uống rượu bia!

Uống rượu bia biến tướng thành vấn nạn

PV: Có thể nói, đã từ rất lâu rồi rượu bia đã đi vào mọi ngõ ngách sinh hoạt của đời sống. Không lẽ lại là… “truyền thống”?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Uống rượu là một sở thích của con người, nhưng trước tiên nó là một sinh hoạt nhóm, là phương tiện giao tiếp, một sinh hoạt giữa người và người. Như cố nhân có câu “Trà tam rượu tứ” hoặc “Rượu ngon phải có bạn hiền”, “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Loại trừ những người nghiện rượu, hầu hết người ta thường uống rượu tập thể vì thích không khí tập thể, thích được trò chuyện trong men rượu hay thoải mái nói lên lòng mình mà không ngại ngần. Rượu khiến cá nhân tự tin hơn, khiến sự buồn bã nhanh chóng trôi qua… Uống rượu là sinh hoạt nhóm xã hội, nó tồn tại từ xưa và giá trị của nó vẫn được đảm bảo nếu người ta biết kiểm soát hành vi… Nhưng không phải ai cũng có thể điều chỉnh, kiểm soát được chính mình. Vì thế hành vi sử dụng rượu bia ngày càng bị lạm dụng…

Rất nhiều tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia

Người ta uống vì vui và cũng vì buồn; uống khi thành công, uống khi thất bại, uống cuối tuần, uống đầu tuần, uống cả buổi tối rồi lan sang buổi sáng sớm ăn sáng cho ấm bụng hay trưa giải lao cho dễ tiêu… và lâu dần trở thành thói quen khó bỏ biến tướng thành nghiện ngập.

PV: PGS nghĩ gì khi đời sống văn hóa tinh thần của chúng ta ngày càng nhợt nhạt, buồn chán; tuy ngày càng có nhiều chương trình giải trí ra đời song nó ít có giá trị về mặt tinh thần mà chủ yếu chỉ là cuộc chơi kinh tế của nhà sản xuất. Chính đó cũng là một lý do khiến nhiều người ngày càng tìm đến rượu bia để giải khuây?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Việc con người tìm đến rượu vì hàng loạt những lý do. Khi người ta cho rằng không rõ lý do gì thì cũng vẫn có lý do nhất định. Chính sự buồn tẻ, chính sự thách thức đi vắng, chính sự sẻ chia nghẽn mạch cảm xúc, chính sự thu hút của cuộc sống hiện tại quá thấp làm cho người ta giải khuây theo kiểu riêng của mình… Và uống rượu bia là một trong những kiểu giải sầu hay chia vui! Sự cô đơn, sự lạc lõng, sự tẻ nhạt trong những mời gọi khác liên quan đến đời sống con người thôi thúc người ta chọn rượu như một người bạn cũng là cách lý giải mang tính luận chứng.

PV: Kinh tế suy thoái, đời sống một bộ phận trở nên khó khăn hơn, cử nhận, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng nhiều cũng là một nguyên nhân khiến người ta càng tìm đến rượu bia chứ không hẳn là thói quen, là do nghiện rượu. PGS có thấy điều này qua khảo sát, nghiên cứu không?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Ở nghiên cứu của chúng tôi, những cá nhân thiếu cơ hội, thiếu sự thách thức, không có động cơ thực hiện hoài bão, mất đi những thói quen tư duy tích cực sẽ dễ dàng “đắm chìm bia rượu” có biểu hiện sâu hơn, nhiều hơn... Lẽ dĩ nhiên, xét trên bình diện nghiên cứu, chính những thất bại và thành công của cá nhân, chính sự thách thức quá lớn của xã hội, chính sự chinh phục chưa thành công nhiều mục tiêu cũng dễ làm người ta sầu đời và rượu là sự chọn lựa nhất định.

Tiêu thụ nhiều rượu bia gây lãng phí kinh tế

PV: Rượu bia là phương pháp giao tiếp, là cách thức lấy lòng thủ trưởng… không ít bạn trẻ đang nghĩ như vậy. Thưa PGS, hẳn đây là do những quan niệm sai lầm, lệch lạc về rượu bia và nó sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực sau đó?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Rõ ràng đây là một quan niệm cần được xem xét. Người ta có thể giao tiếp bằng nhiều cách mà không phải dùng rượu, mà bằng sự thương thuyết chuyên nghiệp, người ta cũng có thể thể hiện sự hết lòng hay trung thành với sếp không phải lúc nào cũng qua rượu… Nếu cho rằng rượu bia là phương tiện thì càng phải biết sử dụng phương tiện ấy thông minh. Thế nhưng, có không quá ít người dần dần trở nên phụ thuộc và con số ấy lên đến xấp xỉ 5% thì quả thật là đáng tiếc cho quan niệm ban đầu.

Việt Nam nằm trong nhóm hàng đầu thế giới về tiêu thụ rượu bia

Hàng loạt những hậu quả có thể thấy đó là tiền của tốn hao, sức khỏe giảm sút, cá nhân trở nên thay đổi hành vi - hành vi lệch chuẩn xuất hiện… Còn trên bình diện xã hội đó là hàng loạt những mâu thuẫn, xung đột nảy sinh kéo theo hàng loạt những tệ nạn xã hội, có nguy cơ rối loạn trật tự, các dịch vụ biến tướng xoay quanh sau cuộc ăn nhậu xuất hiện và có thể nói những hành vi xã hội khó kiểm soát theo xu hướng tiêu cực có nguy cơ tồn tại… Và đó là cái “nghèo” xét trên bình diện khái quát: nghèo về kinh tế nhập xuất bia rượu, nghèo về văn hóa tinh thần…

PV: Thói quen bàn công việc, thỏa thuận ký hợp đồng trên bàn nhậu, được gọi đó là cái “bắt tay trong men rượu”! Những hợp đồng ấy sẽ dẫn đến những công trình, những sản phẩm không đạt chất lượng, thậm chí là gây hại cho con người, xã hội. PGS nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Nhận định của bạn là có lý. Chính rượu bia sẽ làm cho cả hai bên thiếu kiểm soát. Khi mà quy chuẩn làm việc không được tôn trọng thì nguy cơ tiêu cực có thể nảy sinh. Vì thế, hậu quả trầm trọng như đã phân tích không chỉ dừng lại ở góc nhìn của cá nhân mà tồn tại trên bình diện xã hội. Thách thức này, nếu nói một cách căng thực sự có thể kéo theo cái trì trệ của cả “một góc lớn” trong một nền kinh tế là thế.

PV: Thưa PGS, nước ta là một nước nghèo, song việc tiêu thụ rượu bia cũng như những mặt hàng xa xỉ khác lại nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới. Sự phi lý tột cùng này cho thấy những bất bình thường trong xã hội hiện tại. PGS có thể chia sẻ thêm về ý này?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Việt Nam vẫn đang thuộc diện nghèo với đa phần là nông dân, có thu nhập thấp. Hàng xuất khẩu vẫn chủ yếu là bán nguyên vật liệu và gia công hàng tiêu dùng; nguồn đầu tư trong nước còn ít mà chủ yếu là vốn vay nước ngoài và các khoản viện trợ của các tổ chức tín dụng quốc tế thì cái danh “tiêu xài lạc quan nhất thế giới” thật không đáng để tự hào.

Thực tế thì trong những năm gần đây, thu nhập của người dân Việt Nam có phần khá hơn, do đó sức mua và chi tiêu cũng tăng theo; nhưng nhìn con số 3 tỉ lít bia tiêu thụ mỗi năm cho thấy nhiều mặt tiêu cực trong nếp sống của người Việt. Việc tiêu thụ quá nhiều bia rượu do sản xuất trong nước cũng gây ra việc lãng phí kinh tế. Thay vì người Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ đôla cho việc mua bia thì đổi lại, 3 tỉ đô ấy chuyển thành tiền xuất khẩu, đem lại lợi ích kinh tế vô cùng to lớn. Lớn hơn rất nhiều việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong một năm… Đó là những bất thường quá đáng mà có lẽ nó sẽ trở thành nỗi đau thực sự khi nhìn nhận vấn đề sâu sắc.

PV: Những tác hại, tiêu cực của rượu bia đối với con người, xã hội là quá rõ ràng, song gần như các nhà khoa học chưa có nghiên cứu nào về giải pháp giảm tiêu thụ rượu bia cả. Theo PGS thì trước mắt chúng ta cần làm gì?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Trước mắt, trên góc nhìn cá nhân, hành vi sử dụng rượu bia và hành vi nghiện rượu bia vẫn đang tiếp tục được tôi quan tâm. Song song đó, thiết nghĩ cần có những thay đổi mạnh mẽ song song trong nhận thức và thái độ. Đặc biệt, việc người lớn cần điều chỉnh quan niệm rằng chỉ tuyển, chỉ “quy hoạch” hay có ưu tiên những người có “nội lực” thâm hậu về bia rượu… và chính những người lớn và những đối tượng làm công tác quản lý, tuyên truyền cần nhìn nhận vấn đề này và thực thi một cách nghiêm túc.

Song song đó là những chiến lược truyền thông dài hơi cũng như những điều chỉnh về việc nhập các loại bia rượu dựa trên thuế trần. Ngay chính việc xem xét các doanh nghiệp hoạt động chuyên sản xuất loại hàng này cũng cần có những vận động tự nguyện tuyên truyền hay khuyến khích có một loại quỹ hành động vì bia rượu theo khuynh hướng điều chỉnh là điều có thể suy ngẫm!

Việc đề xuất nâng thuế xuất tiêu thụ rượu bia của Bộ Tài chính cũng là một giải pháp đáng kể. Cứ đánh vào túi tiền là các “đệ tử Lưu Linh” sẽ tự điều chỉnh.

PV: Cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!

Kết quả khảo sát 470 người trẻ tuổi từ 18 đến dưới 28 thu được như sau:

Thời điểm bắt đầu sử dụng rượu bia  trên 48 tháng với 60,6% người được khảo sát. 20,2% đã sử dụng rượu bia “trên 36 tháng đến 48 tháng”, 12,2% uống rượu bia “từ 12 tháng đến 36 tháng” và với số lượng lựa chọn ít nhất 7% uống rượu bia “dưới 12 tháng”.

Có 49,6% sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi uống rượu bia “một lần nhưng không đều đặn mỗi tuần”, 25,5% “trên ba lần/tuần”, 13% uống “ba lần/tuần” và 11,9% “hai lần/tuần”. Có 55,7% đối tượng khảo sát uống từ 3 lít trở lên, 21,3% uống từ 0,5 lít trở xuống mỗi ngày, 11,1% uống 1-2 lít và 11,9% uống từ 2-3 lít.

50,4% người nói dối để được uống rượu bia, 27,7% mượn tiền để được uống, 23,2% uống rượu bia ngay cả khi sức khỏe không tốt và tới 24,7% cố uống khi người khác ra sức ngăn cấm.


Lê Trúc (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc