Món ăn của mẹ

12:02 | 01/02/2014

2,880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không hiểu sao lúc nào tôi cũng nghĩ mẹ tôi đã làm nên những món ăn kỳ diệu mà tôi từng ăn trong suốt những năm tháng ấu thơ và trai trẻ ở một làng quê nghèo bên bờ sông Đáy.

Năng lượng Mới số Xuân Giáp Ngọ 2014

Đó là canh dưa nấu tép, lá dâu bánh tẻ nấu hến, cá rô kho quấn rơm, cá quả nướng dầm tương gừng, cá diếc kho mầm riềng và rau cúc tần, cá lành canh băm viên nấu với mẻ và dọc mùng, cua tháng Mười nấu với rau cải năm lá. Những năm tháng tôi còn trẻ, thôn quê ngập tràn các loại rau dại và cá cua, tôm ốc... Và từ những thứ đó, mẹ đã làm nên những món ăn mà không gì có thể thay thế được.

Bây giờ trời đất đang sang đông. Hôm qua về quê, đi qua lối xóm nhỏ, tôi bỗng dừng lại. Trong hoàng hôn mờ sương lạnh, mùi một món ăn mẹ nấu xưa bỗng dâng lên mơ hồ nhưng ngào ngạt làm tôi sững lại, dừng bước. Sau một thoáng bị quyến rũ bởi mùi vị món ăn đó là ngập tràn nỗi nhớ mẹ. Mẹ mất đã sáu năm, nhưng cứ mỗi khi trở về đến đầu làng là mẹ lại hiện ra trong ký ức tôi. Và có một món ăn chẳng phải cao lương mỹ vị gì, nó giản dị và gắn với người thôn quê như chính một người ruột thịt của họ luôn gợi nhớ cho tôi - đó là món canh dưa nấu tép.

Trước kia, tôi cứ tưởng trong thời đại có quá nhiều loại thực phẩm thì người ta không còn nhớ cái món quê mùa ấy nữa. Và những món ăn của những người thôn quê dần dần ra đi và chỉ còn lại đâu đó trong ký ức của những người đã từng được ăn. Nhưng không phải thế. Một lần ngồi cà phê nói chuyện lan man về các món ăn xưa, tôi nhắc đến món canh dưa nấu tép. Tất cả bạn bè  bỗng ồ lên. Và họ tranh nhau nói về món ăn đó cho dù một nửa những người ngồi đó sinh ra và lớn lên ở thành phố chứ không chỉ là tôi, một kẻ sinh ra và lớn lên ở một làng quê gắn liền với những món ăn dân dã. Và tôi nhận ra rằng: món ăn đó thực sự tạo ra một mùi vị đặc biệt, sự ngon miệng và cả vấn đề liên quan đến sức khỏe nên nó có sức sống lâu dài như thế chứ không phải chỉ bằng ký ức.

Bây giờ, thi thoảng những người nội trợ ở thành phố vẫn thường đi chợ sớm để may mắn mua được một món tép về kho dưa. Bởi bây giờ, tép không nhiều như ngày xưa nữa. Đồng ruộng có quá nhiều hóa chất nên rất nhiều loài côn trùng cũng như cua cá chẳng còn bao nhiêu và nhiều loài đã biến mất. Có điều lạ là hầu như ai là người Việt Nam, đặc biệt những người xứ Bắc có mùa đông giá lạnh thì đều biết cách nấu món canh dưa nấu tép. Người ta muối dưa quanh năm, nhưng canh dưa nấu tép chỉ trở nên tuyệt ngon khi ăn vào mùa đông giá lạnh. Mà canh dưa phải nấu với tép, nấu hai lửa mới thấy hết vị ngon của món ăn đó. Nấu làm sao cho dưa và cá nhừ nục ra, quyện vào nhau. Rồi không thể thiếu được là rau diếp bánh tẻ, tước bỏ sống lá, cuộn lại, cùng rau kinh giới thái nhỏ như sợi thuốc lào ăn kèm với canh dưa.

Khi còn trẻ, tôi cứ nghĩ vì nghèo mà những người thôn quê chỉ có thể nấu canh dưa với tép chứ làm sao có tiền mua cá to để nấu được. Nhưng không phải thế. Tôi đã từng nấu canh dưa với những khúc cá to, loại cá chép hai, ba kilô hay cá trắm năm, bảy kilô. Nhưng tôi không thể tìm thấy mùi vị của món canh dưa thuở trước mẹ nấu với tép. Tép thì có nhiều loại. Tép mương, tép mại, đòng đong, cân cấn, cá diếc lá mơ (cũng được người thôn quê coi là tép)... Vào mùa đông, ao đầm, mương máng và đồng ruộng cạn nước rất thuận lợi cho người thôn quê kiếm cá, kiếm cua. Cũng vào mùa đó là mùa trồng rau cải. Một trong những món ăn thường nhật của người thôn quê là dưa, cà. Có dưa muối xổi, có dưa muối nén để ăn dài ngày cũng như cà muối xổi và cà nén để ăn quanh năm.

Có lẽ vì những lý do đó mà món canh dưa nấu tép được sinh ra và nó trở thành món ăn mà ai đã từng ăn không thể nào quên được. Đặc biệt món ăn đó gắn với mẹ. Mẹ lúc nào cũng thương những đứa con, lo cho chúng từng miếng ăn. Những năm tháng xưa đói khổ, làm gì có tiền mua thịt, mua cá hay trứng. Những người thôn quê sống nhờ mảnh đất của mình. Ngũ cốc, rau quả lấy từ đồng đất, cá tép lấy từ đầm ao, mương máng. Từ những gì kiếm được trên mảnh đất của mình mà mẹ làm ra những món ăn cho những đứa con. Những đứa con cứ thế lớn lên cùng những món ăn ấy của mẹ và mùi vị của những món ăn mẹ nấu không bao giờ rời bỏ chúng tôi. Những món ăn đó ngoài cái ngon đặc biệt của ẩm thực còn chứa đựng biết bao ký ức và nỗi niềm về mẹ.

Tôi có xem một bộ phim nói về một nhà hàng ở Paris. Nghe tiếng đó là một nhà hàng nấu rất ngon, một nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng và vô cùng khó tính của nước Pháp tìm đến. Nếu nhà phê bình này đặt bút khen nhà hàng nào thì nhà hàng đó sẽ không biết để đâu cho hết tiền, còn nếu ông chê thì cho dù nhà hàng đó có nổi tiếng đến đâu cũng có nguy cơ đóng cửa. Khi biết ông đến để ăn ở nhà hàng của mình, chủ nhà hàng hoảng sợ. Họ cử ra một chàng trai nấu rất ngon của nhà hàng nấu một món cho nhà phê bình ẩm thực kia. Khi món ăn được mang ra, tất cả các nhân viên nhà hàng nín thở. Số phận họ trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhà phê bình đó. Nếu ông nhíu mày thì sự nghiệp của nhà hàng sẽ kết thúc và nếu ông nhắm khẽ đôi mắt và gật gù thì cánh cửa tương lai của nhà hàng sẽ mở ra rộng lớn. Nhà phê bình ẩm thực nhìn món ăn trong một thoáng và bắt đầu đưa miếng ăn đầu tiên lên miệng. Rồi người ông như run lên, chiếc dĩa trên tay ông rơi xuống sàn. Nước mắt ông ứa ra...!

Ký ức ông hiện về những ngày đói rét. Ông chờ đợi mẹ đi làm từ trang trại trở về. Bà vào bếp nấu cho ông một món ăn. Ông đã ăn món ăn ấy trong những đêm mùa đông đói rét của nước Pháp. Đó là món rau hầm. Không có gì ngon hơn món ăn được nấu trong tình thương yêu bất tận của người mẹ. Món ăn đó vừa nuôi dưỡng thân xác ông vừa nuôi dưỡng tâm hồn ông. Và ông đã đặt bút viết về món ăn của nhà hàng đó như viết những gì kỳ diệu nhất của người mẹ thương yêu đã khuất.

Sao câu chuyện về ẩm thực của một người ở rất xa chúng ta với một nền ăn hóa khác và cả ẩm thực cũng khác biệt vô cùng nhưng lại có cùng tinh thần với những câu chuyện ẩm thực của chúng ta? Bởi ẩm thực đó được nấu bằng những gì có trên mảnh đất ta sống. Những thứ đó gần gũi với ta ngày ngày. Bởi nó được nấu bằng trải nhiệm bao đời của những người ruột thịt của ta và bởi nó được nấu với sự hy sinh cao lớn lao nhất của bà ta, mẹ ta cho chính ta. Và những điều đó là những gì cốt lõi của tình yêu thương của con người trên khắp nẻo thế gian chứ đâu phải của riêng một người nào.

Chính vậy mà ta từng ứa nước mắt khi nấu cho con ta ăn một món ăn mà mẹ đã nấu cho ta. Tôi đã từng se lòng khi đọc hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Và bây giờ, trong những ngày cuối năm của thế kỷ XXI, thế kỷ của những phát minh khoa học và công nghệ ngoài trí tưởng tượng của ta cách đây vài ba chục năm, tôi vẫn không cầm lòng được khi một chiều trở về cố hương mình và đâu đó từ bếp lửa nhà ai mùi canh dưa nấu tép tỏa ra.

Món ăn đó cho dù ta không trực tiếp ăn, nhưng khi ký ức ta dâng lên mùi vị của nó thì chính lúc đó tâm hồn ta đã rộng hơn một chút.

Nguyễn Quang Thiều