Có loại bệnh... “không bình thường”?

06:42 | 04/10/2013

6,062 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bài học tuyển dụng ở báo chí Trung Quốc đã phải đến mức kiểm tra xem thần kinh của người dự tuyển có bình thường hay không quả là một điều đáng báo động về sự không bình thường của con người trong thế giới hiện đại ngày nay.

Như Thổ (NLM số 262)

Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Đoàn Nhà báo Việt Nam do Phó tổng biên tập Báo Nhân Dân Thịnh Giang dẫn đầu đã sang thăm Hội Nhà báo Trung Quốc và làm việc, gặp gỡ, trao đổi với một số cơ quan báo chí trọng yếu.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo của một tờ báo lớn nhất, nhì Thượng Hải và cũng là một tờ báo lớn của Trung Quốc, vị lãnh đạo của tờ báo đã trao đổi với đoàn những kinh nghiệm trong việc tuyển chọn phóng viên.

Ông cho biết, mỗi năm, trung bình tòa soạn của ông nhận được chừng khoảng hơn 2.000 đơn xin việc, trong đó tất cả đều có trình độ đại học hoặc trên đại học. Các bước tuyển chọn của tòa soạn cũng giống như các tòa soạn ở Việt Nam.

Bước 1 là kiểm tra lý lịch, bằng cấp và cho làm một số bài thi trắc nghiệm.

Lọt qua được vòng 1 thì thi tuyển vòng 2 - thi viết báo. Việc chấm thi sẽ do các ban chuyên môn của báo đảm nhiệm.

Chẳng hạn, người dự tuyển xin thi vào làm phóng viên viết mảng văn hóa thì sẽ do Ban Văn hóa - Xã hội chịu trách nhiệm ra đề bài, chấm bài và tất nhiên là có sự tham gia, giám sát của hội đồng tuyển chọn.

Sau vòng 2 là vòng kiểm tra xem người dự tuyển có "bình thường" không, hay nói một cách "trần trụi" là kiểm tra xem thần kinh của người này có bình thường hay không.

Nghe ông nói mà tất cả anh em trong đoàn nhà báo Việt Nam hết sức ngạc nhiên và cảm thấy đây là điều rất không bình thường. Từ trước đến nay chưa từng có chuyện khi tuyển chọn người vào làm việc lại phải kiểm tra xem thần kinh người ấy có bình thường không. Mà kiểm tra được điều này thì thật là khó.

Nhận thấy vẻ ngạc nhiên và thắc mắc của các nhà báo Việt Nam, ông lãnh đạo tờ báo kia thong thả giải thích: "Xã hội Trung Quốc đang phát triển rất nhanh. Thanh niên bây giờ sống trong một thế giới rất hiện đại. Hơn nữa, hầu hết các gia đình Trung Quốc, đặc biệt là ở thành thị chỉ có một con, nên các cháu được sinh ra và lớn lên trong điều kiện vật chất hết sức đầy đủ, được cha mẹ chiều chuộng, chăm sóc và từ nhỏ đã trở thành những ông hoàng, bà chúa. Khi đi học, rất nhiều cháu được đưa vào các trường danh tiếng. Ngay từ nhỏ, chúng đã được làm quen với những phương tiện thông tin đa dạng. Có thể nói, cuộc sống của chúng gần như chìm trong thế giới ảo. Cách sống này đã gây cho chúng sự hoang tưởng, phi thực tế, hay nói một cách thô thiển hơn, chúng là những “con gà công nghiệp”. Ở trường thì học giỏi, văn hay, chữ tốt; tư cách đạo đức cũng không có vấn đề gì, nhưng... chúng lại chẳng biết gì cả ngoài mớ kiến thức của nhà trường và cuộc sống trong thế giới ảo qua máy tính".

Rồi ông kể cho chúng tôi nghe những chuyện dở khóc dở cười khi kiểm tra ở vòng thứ 3.

Có những thạc sĩ, cử nhân mà lại không biết cách luộc một quả trứng, không biết uống một hớp trà như thế nào cho đúng. Có người "thẳng thắn" đề nghị là nếu được tuyển chọn thì anh ta có thể giữ được những cương vị như trưởng, phó ban, rồi lại tiếp tục "thẳng thắn" đề nghị là với trình độ như vậy thì phải nhận được chế độ lương bổng, đãi ngộ tương xứng. Nhưng khi nói rằng, người đó sẽ chỉ được hưởng một khoản lương rất thấp, còn muốn có thu nhập cao thì phải viết, viết càng nhiều thì thu nhập càng cao, thậm chí thu nhập của phóng viên cao hơn thu nhập của trưởng, phó ban thì ứng viên không chấp nhận…

Nói tóm lại là người dự tuyển vào làm phóng viên đã có những suy nghĩ… rất không bình thường. Và để loại bỏ những trường hợp này thì thật là mệt mỏi, đặc biệt là những trường hợp được các VIP giới thiệu.

Từ trước đến nay, nói đến những người có thần kinh không bình thường thì mọi người chỉ nghĩ đó phải là người điên, có những biểu hiện, hành động mà nhìn đã thấy là anh ta điên… thật. Nhưng điên cũng có rất nhiều loại. Có loại thì múa may quay cuồng, ra giữa đường, giữa phố gào hét, có loại thì đập phá… Nhưng cũng có loại thì lại "điên" trong tư tưởng, trong suy nghĩ, mà phải tinh ý lắm mới nhận ra thần kinh của họ có những biểu hiện không bình thường.

Hiện nay, tình trạng thanh niên có những biểu hiện không bình thường về tâm lý đang là vấn nạn trên toàn thế giới chứ chẳng riêng gì Trung Quốc.

Ở Nhật Bản chẳng hạn, Chính phủ đang đau đầu vì hội chứng Hikikomori, tạm dịch là “căn bệnh sống khép kín, ngại giao tiếp với xã hội”. Đây là những người không bị bệnh tật gì, học hành đàng hoàng, có bằng cấp, nhưng lại không thể nào hòa nhập được với xã hội, mà chỉ sống với thế giới ảo là chiếc máy tính và ru rú ở trong nhà.

Năm 2010, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã mở một cuộc điều tra và thấy số người mắc bệnh này ở Nhật khoảng hơn 700.000, nhưng theo những con số khác thì phải hơn 1 triệu và độ tuổi đang tăng dần từ 21 tuổi lên đến 32 tuổi.

Những người mắc bệnh này thuộc giới trung lưu và bắt đầu mắc bệnh từ tuổi thiếu niên. Căn bệnh này bắt đầu từ… chính cha mẹ. Đó là do sự cưu mang của gia đình đối với con cái một cách thái quá, là mong muốn con mình phải học hành giỏi giang, phải có vị trí trong xã hội, phải trở thành những "vĩ nhân". Vì ước vọng như vậy nên ngay từ khi con còn nhỏ, họ đã nhồi vào đầu con mình mong muốn đó và dùng mọi kế, mọi cách để buộc đứa trẻ phải đi theo con đường mình đã đặt ra.

Trước áp lực từ gia đình và áp lực trong việc học tập, có những đứa trẻ đã phát điên ngay từ nhỏ, còn những đứa trẻ thoát được, lớn lên và đến độ tuổi thanh niên thì mắc hội chứng hikikomori, hoặc có những biểu hiện thần kinh không bình thường, đặc biệt là bệnh hoang tưởng. 

Ở Việt Nam, giới trẻ đang mắc những chứng bệnh thần kinh ngày một nhiều. Các bệnh viện tâm thần luôn chật ních học sinh đến khám, chữa bệnh. Ở nhiều cơ quan, đơn vị đã có không ít những người hoang tưởng đang làm việc và gây ra rất nhiều phiền toái cho lãnh đạo và cộng đồng. Đặc biệt là ở một số người học vấn cao, có kiến thức. Họ đã vẽ ra không ít những ý tưởng, kế hoạch mà thoáng đọc thì thấy có lý, nhưng rồi đến lúc mất công, mất sức soi xét lại thì mới thấy rằng, đó là những ý tưởng viển vông, xa rời thực tiễn, hoàn toàn không có tính khả thi.

Nhưng để xử lý những người mắc bệnh như thế này thật vô cùng khó. Nếu không cẩn thận thì sẽ bị mang tiếng là mất dân chủ, không tôn trọng sự "sáng tạo", là không biết trọng dụng người tài…?

Gần đây, chúng ta nói rất nhiều về chuyện những thủ khoa, những người học giỏi không kiếm được việc làm. Đúng là trong xã hội ta hiện nay, việc kiếm một chỗ đứng, một vị trí công tác trong một cơ quan công quyền, hoặc trong một đơn vị nào đó thật không đơn giản. Có một điều là ở cơ quan nào bây giờ cũng kêu thiếu người và kêu thừa người. Thừa là thừa những người không làm được việc, thiếu là thiếu những người có trình độ, có tay nghề, có phẩm chất đạo đức tốt. Ngay trong các cơ quan báo chí Việt Nam cũng vậy. Tòa soạn nào cũng kêu thiếu phóng viên có nghề, có "máu viết", nhưng tòa soạn nào cũng thừa ra một đống những phóng viên viết thì chẳng ra gì, nhưng lại còn tinh tướng, cậy mình có bằng nọ, cấp kia.

Vậy nên, bài học tuyển dụng ở báo chí Trung Quốc đã phải đến mức kiểm tra xem thần kinh của người dự tuyển có bình thường hay không quả là một điều đáng báo động về sự không bình thường của con người trong thế giới hiện đại ngày nay.

N.T