Chuyên gia Bùi Kiến Thành: “Đừng phí phạm tài nguyên sức lao động”

06:52 | 16/10/2013

3,073 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc nền kinh tế đang để một bộ phận người dân ngồi chơi là phí phạm tài nguyên đất nước, phí phạm sức lao động của cả cơ cấu dân số đang vào thời kỳ lý tưởng. Trong câu chuyện với phóng viên Báo điện tử PetroTimes, ông Bùi Kiến Thành bày tỏ mong muốn thời gian tới, các cấp quản lý cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh để họ được trao thêm cơ hội phát triển bền vững. Có vậy mới tạo điều kiện cho người dân trong độ tuổi lao động có nhiều việc làm.

Năng lượng Mới số 265

Nợ công không xấu, nhưng cần công khai con số!

PV: Chính phủ vừa đề nghị Quốc hội cho phép nới bội chi ngân sách 2014 từ 4,9 lên 5,3% GDP để tăng mạnh cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Thực trạng ngân sách thu không đủ chi đã được nhiều cơ quan chức năng công khai nhiều năm nay. Tôi cho rằng đây là câu chuyện của quản lý ngân sách.

Trên thực tế, quản lý ngân sách luôn chịu sự chi phối từ quản lý kinh tế. Mọi người biết, ngân sách Nhà nước chủ yếu đến từ thuế. Như vậy, muốn túi tiền của Nhà nước được cải thiện thì doanh nghiệp phải khỏe mạnh, hàng phải bán được, tiền thu về mới mong hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Trong lúc chia sẻ cùng tôi, rất nhiều chủ doanh nghiệp than vãn, khi nền kinh tế có dấu hiệu khủng hoảng, đã cạn “lực” vì cùng lúc phải gánh 2 “quả tạ” trên vai - lãi ngân hàng và nghĩa vụ thuế.

Muốn cải thiện tình hình này, không có cách nào khác chúng ta phải cố gắng tạo được một môi trường kinh doanh lành mạnh, một hành lang pháp lý đủ mạnh để kích thích doanh nghiệp “năng động, xông pha” hơn.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành

PV: Chi phí thường xuyên trong hệ thống cơ quan công quyền luôn là tiêu điểm của việc lãng phí, thiếu ý thức. Ông có đồng ý với quan điểm trên?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Theo tôi, trong khi bội chi ngân sách đã rõ nét, chúng ta phải nhìn sâu vào mặt chi tiêu của bộ máy công quyền. Vấn đề chi tiêu hợp lý, chất lượng hóa công tác sử dụng viên chức Nhà nước, chi phí thường xuyên, chi phí hội thảo, hội nghị, tham quan, xe cộ… từ ngân sách công đã được quan tâm đúng mức chưa. Việc Chính phủ đề nghị Quốc hội nới biên độ bội chi là của năm 2014, tức là còn 1 quý nữa để toàn hệ thống chính trị tính toán và đánh giá mọi tác động của đề nghị trên. Đầu tư 1 đồng phát triển kinh tế xã hội sẽ tạo được bao nhiêu công ăn việc làm, giải tỏa bao nhiêu cho hàng tồn kho, kích cầu ở những lĩnh vực nào…? Tất cả phải có địa chỉ cụ thể!

Tôi nghe câu chuyện một bộ phận viên chức Nhà nước lười nhác, sáng cắp ô đi tối cắp về. Các quốc gia đang hướng tới việc tinh giảm biên chế công chức, tăng lương mạnh cho khu vực này để giảm tham nhũng, giảm sức ép “cơm, áo, gạo, tiền” cho họ nhằm nâng cao thực chất công việc khối cơ quan Nhà nước. Tôi cho rằng bộ máy công quyền của chúng ta còn cồng kềnh và không hiệu quả. Ai cũng biết cả, nhưng đáng buồn là không thấy ai xắn tay vào giải quyết khu vực này.

PV: Bội chi ngân sách sẽ gây ra một phần nợ công. Đây là một vấn đề lớn phải không, thưa ông?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Nợ công là tổng giá trị các khoản tiền mà Chính phủ thuộc mọi cấp từ Trung ương đến chính quyền địa phương đi vay. Việc đi vay này là nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách nên nói cách khác, nợ Chính phủ là thâm hụt ngân sách luỹ kế đến một thời điểm nào đó. Để dễ hình dung quy mô của nợ Chính phủ, người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu % so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nợ công không xấu. Đi vay là việc chính phủ mọi quốc gia trên đà phát triển đều phải làm. Người dân nào có nhu cầu sử dụng đường cao tốc, tàu điện trên cao, sân bay hiện đại, trường học, bệnh viện, nhà hát… vấn đề là nợ công được công khai đến đâu, công tác khiển khai được minh bạch như thế nào. Thứ nhất, đáp ứng được nhu cầu bổ sung vốn cho đầu tư phát triển và cân đối ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, nhiều dự án cơ sở hạ tầng, các chương trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, dự án trọng điểm quốc gia... đều được đầu tư bằng nguồn vốn vay công. Thứ hai, các chỉ số nợ công chính thức, mà còn phải kiêm tra độ chính xác, hiện nay nếu theo chiến lược dài hạn và chương trình nợ công trung hạn thì đang trong giới hạn an toàn. Xu hướng giảm tỷ trọng nước ngoài trong cơ cấu Chính phủ với tiêu chí: tỷ trọng hàng năm là nợ trong nước tăng lên và nợ nước ngoài giảm đi.

Cách đây 1-2 năm, Bộ Tài chính có thông tin mỗi năm nền kinh tế hơn 100 tỉ USD của Việt Nam phải nợ khoảng 5 tỉ USD. Thứ nữa, chúng ta đi vay nhưng phải nhìn thấy nguồn trả nợ, điều chỉnh được dòng chảy tài chính trong đất nước để từ đó cân đối và thu xếp trả dần. Nếu nhiệm kỳ này ồ ạt vay thì đến nhiệm kỳ sau và đời con cháu chúng ta sẽ kẹt trong vũng lầy tài chính. Tình hình ngân sách đã rất căng thẳng, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế chứ không giải quyết vấn đề một cách toàn diện, cái chính phải bằng mọi cách giảm được chi tiêu. Hơn nữa, nếu Chính phủ đi vay quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân. Nói cách khác, tổng vốn của xã hội là một miếng bánh, nếu người này chiếm phần lớn thì đông đảo những người còn lại nguy cơ phải chịu đói. Nới trần bội chi ngân sách cũng là một giải pháp nhưng đi kèm với đó là các điều kiện ràng buộc việc tăng hiệu quả đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của những người ra quyết định sử dụng đồng vốn. 

Cần đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp ngoài quốc doanh

PV: Nhưng thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt là nền kinh tế đang “tụt hậu”. Tuy có không ít người cho rằng đây là hệ quả tất yếu khi cả nền kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng. Nhưng tại sao các nước xung quanh ta lại không ảnh hưởng nặng nề như của Việt Nam. Theo ông thì nguyên nhân nào khiến chúng ta rơi vào thực trạng này?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Vấn đề của mình là phải nhìn thẳng vào nguyên nhân sâu xa của nó hay nói là nguyên nhân đích thực của nó. Đó là do chính sách tiền tệ của mình không phù hợp. Đã có thời gian doanh nghiệp bị thiếu vốn đầu tư. Muốn chống lạm phát, ổn định vĩ mô thì doang nghiệp phải sản xuất được, phát triển được. Doanh nghiệp không phát triển thì làm gì còn tăng trưởng. Vì vậy nên phận sự của các cơ quan quản lý Nhà nước là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo điều kiện cho nhân dân có nhiều việc làm. Để cho người dân ngồi chơi là đang phí phạm tài nguyên đất nước, phí phạm sức lao động của người dân... Tài nguyên của chúng ta không phải là khoáng sản mà lớn nhất là sức lao động của người dân... Dân ta được đánh giá là cần cù, lại là dân số trẻ, sức trẻ của chúng ta rất nhiều thì phải có năng suất lao động lớn thì mình phải phát huy được năng suất lao động. Năng suất lao động ngày càng kém vậy nên nền kinh tế sẽ tụt hậu.

Duy trì sản xuất là cách duy nhất để cải thiện chất lượng nhân lực

Chúng ta chưa thấy thực sự nguyên lý của một nền kinh tế thị trường, chúng ta chưa thấy được trách nhiệm cốt lõi của quản lý Nhà nước; trong một đất nước muốn dân giàu nước mạnh thì dân phải giàu, mà muốn dân giàu thì dân phải có việc làm, hay là giá trị việc làm của dân tăng lên. Nếu để dân thất nghiệp thì phí phạm sức lao động của người ta, ảnh hưởng tới vấn đề đào tạo ra một thế hệ lao động có chất lượng cao...

Rồi chúng ta cắt giảm đầu tư công hàng loạt cũng làm kinh tế thụt lùi. Tái cấu trúc kinh tế, tái cấu trúc đầu tư là đúng, nhưng phải làm thế nào cho đạt hiệu quả thì phải tính.

PV: Thực tế việc tái cơ cấu đã được bàn nhiều, nói nhiều nhưng dường như việc đó đang được thực hiện một cách ì ạch, thưa ông?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Tái cơ cấu là gì, là khi một nền kinh tế đang bị đau ốm thì giờ phải làm sao cho mạnh khỏe. Hiện tại, doanh nghiệp đang ốm vì nhiều lý do. Muốn cấu trúc lại nền kinh tế, thì ít nhất phải làm cho doanh nghiệp khỏe mạnh, làm cho nó phục hồi.

Làm sao có thể tái cấu trúc khi mà các doanh nghiệp chìm vào nợ xấu, tài sản thế chấp thì không có. Cũng không thể cấu trúc kinh tế nếu chưa giải quyết được các vấn đề sở hữu chéo trong ngân hàng, những vi phạm tín dụng… Lấy phương tiện đâu để cấu trúc nền kinh tế. Nói thì nói mà các phương tiện làm thì không có, không có quyết tâm quyết liệt xử lý các vấn đề cần phải làm để cho doanh nghiệp có thể phát triển, thì không có cách gì cấu trúc được.

Doanh nghiệp Nhà nước là thủ phạm của hơn 30-50% nợ xấu, nợ khó đòi của hệ thống ngân hàng. Vì vậy nói cấu trúc nền kinh tế từ doanh nghiệp tư nhân đến doanh nghiệp là bất khả thi vì không có phương tiện để làm. Nếu không quyết tâm, quyết liệt để mà làm, đừng có mong mỏi tái cấu trúc cái gì được.

PV: Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong thời điểm này chúng ta cần xem lại hay nói chính xác là nên đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong hệ thống kinh tế. Ông có ý kiến gì về nhận định này?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Thì mình cũng phải đặt câu hỏi tại sao như thế? Những người có trách nhiệm nghiên cứu giải pháp là ai, có thấy được tầm vĩ mô hay không. Mà thấy được thì người ta có quan tâm hay không? Hay chuyện vĩ mô người ta không quan trọng, mà người ta quan trọng nếu cứu anh này thì có lợi ích gì cho mình...

Cụ thể như Điều 3 của Nghị quyết 11 nói rõ ràng lắm. Nhưng mình không có làm, mình chỉ lo siết chặt tiền tệ, trong khi Điều 3 nói rằng, phải tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên lĩnh vực kinh tế nào có hiệu suất đầu tư (ICOR) cao về sử dụng đồng vốn. Chứ không phải đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước, với hiệu suất đầu tư kém, phải bỏ ra 14 đồng mới sản xuất ra một đơn vị sản phẩm trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 4 đồng là họ có thể làm ra 1 đơn vị sản phẩm rồi.

Kinh tế tư nhân cần phải được coi trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội

Thế nên việc mình cần làm là phải dùng số tiền có hiệu quả nhất, chứ không phải đổ tiền vào doanh nghiệp Nhà nước rồi đầu tư vào những cái không có hiệu quả.

Để làm được việc đó thì cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách phải suy xét kỹ. Không nên lẫn lộn giữa chính sách và biện pháp. Chính sách là việc dài hơi còn biện pháp lại là chuyện nhất thời. Hiện tại các cơ quan quản lý Nhà nước mới chỉ đưa ra biện pháp biện pháp kia nhưng chỉ là biện pháp thôi chứ không là chính sách...

PV: Theo ông, lĩnh vực nào của nền kinh tế hiện nay cần được quan tâm đầu tư?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Cần làm bảng nghiên cứu tình hình kinh tế ra sao và lĩnh vực đó có tiềm năng phát triển thị trường trong nước như thế nào? Nước ngoài ra sao? Và nó có khả năng đi đến đâu? Đó là sự nghiên cứu nghiêm túc để biết được Việt Nam mình có tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nào để nâng đỡ lĩnh vực đó phát triển. Phải có chính sách tiền tệ bảo đảm cung ứng đủ cho doanh nghiệp phát triển. Nếu nói năm nay mục tiêu tăng triển tín dụng của mình  là 12% và năm tới là 13% hay 11%, như vậy là rõ ràng mình đã điều tiết cái trần tăng trưởng của tín dụng rồi thì làm sao lạm phát được nữa. Nó chỉ lạm phát là khi mình không kiềm chế được tăng trưởng tín dụng và khi mình chi tiền mà không tạo ra sản phẩm, không có sản phẩm tương ứng. Việc cuối cùng là Ngân hàng Nhà nước cung ứng đầy đủ số lượng để cho nền kinh tế phát triển, đừng có để nước khô mà thành hạn, nhiều quá thành lụt...

PV: Vậy còn vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, thưa ông?

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang có hướng điều hành chính sách tiền tệ khởi sắc, ít nhất là so với 5-7 năm trước. Ngân hàng Nhà nước đã mạnh tay hơn trong việc cải thiện thanh khoản. Tuy nhiên, những biện pháp tức thì, trong ngắn hạn như việc cung cấp gói tín dụng 30.000 ngàn tỉ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản là không có mục tiêu rõ ràng. Vấn đề nằm ở chính sách vĩ mô, để giải quyết từ gốc rễ sự bất cập của lĩnh vực bất động sản mới là điều quan trọng.

Mặt khác, nếu Ngân hàng Nhà nước quán triệt được đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của một ngân hàng Trung ương, tức là điều tiết lưu lượng tiền tệ, không thừa mà cũng không thiếu, để cho nền kinh tế phát triển ổn định thì thật tuyệt vời. Dẫu vậy, khả năng hấp thụ của nền kinh tế vẫn là mấu chốt của vấn đề. Sau khủng hoảng, bao nhiêu doanh nhân có thể thoát ra khỏi bế tắc của chính mình và dũng cảm đứng lên từ vũng bùn?

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Chuyên gia Bùi Kiến Thành sinh năm 1932 được biết đến là người Việt đầu tiên được đào tạo về tài chính tại Hoa Kỳ, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay, ông được vinh danh trong chương trình Vinh danh nước Việt năm 2004.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, nhận lời mời của một số lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, ông có đưa ra nhiều đóng góp và được công nhận như trong sự nghiệp xây dựng chính sách đổi mới, chuyển đổi từ nhà nước chuyên chính vô sản sang nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường (1980-2003), một số vấn đề kinh tế tài chính phát sinh khi Nga cắt giảm viện trợ (1991-1992), chính sách xây dựng các tập đoàn kinh doanh lớn cần thiết cho phát triển đầu tư và hội nhập quốc tế (1992-1993), xây dựng chính sách đối với Việt kiều (1991-2003). Ông tư vấn về luật pháp biển, các vấn đề biên giới biển 1991-1995. Hỗ trợ Ban Biên giới Chính phủ nghiên cứu cơ sở luật pháp quốc tế bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa, khu vực dầu khí trên Biển Đông.


Linh Tùng (thực hiện)