Chính sách phải có chữ tình

07:00 | 27/06/2013

511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chính sách gì thì cũng phải xét đến chữ tình, có hợp tình hợp lý thì chính sách mới thật sự đi vào cuộc sống.

Thái Chiến (NLM số 233)

Khi có quy định phạt xe không chính chủ ban hành, người đang lưu hành xe không chính chủ hoang mang, lo lắng. Tình trạng giao thông lộn xộn đã khiến người tham gia giao thông luôn luôn phải căng thẳng thần kinh đối phó, lại thêm nỗi lo bị phạt hoặc thu hồi xe khiến tâm trạng bất an. Nhưng khi Nhà nước kịp thời điều chỉnh chính sách, cho phép người dân đăng ký mới đối với ôtô, xe máy không chính chủ, thủ tục đơn giản thì ai cũng thấy yên tâm. Như thế, Nhà nước thu được khoản tiền từ phí trước bạ, phí đăng ký; người dân tự tin và đàng hoàng hơn khi sở hữu phương tiện của mình. Cái được đó khác nào bắn một mũi tên trúng cả hai đích. Như vậy thì đối với những người đang sử dụng phương tiện mang biển số ngoại giao, Nhà nước cũng nên làm như với xe không chính chủ vừa qua, hẳn là hai bên cùng có lợi.

Phàm những gì mà các cơ quan chức năng không quản lý được thì thường đưa ra chính sách đối phó tiêu cực - đó là phạt. Nhưng ngặt một nỗi, các loại hình phạt đưa ra rồi thì không có lực lượng nào thực thi việc phạt ấy. Chẳng hạn, hiện nay có chế tài xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng, người đội mũ bảo hiểm rởm. Chính sách có hiệu lực lâu rồi nhưng thử hỏi đã có ai vi phạm mà bị phạt? Bởi vì ai sẽ là người thực thi nhiệm vụ phạt. Thế là quy định vẫn chỉ là quy định nằm trên giấy. Dư luận thấy có những điều vô lý, kiến nghị những nhà hoạch định chính sách rằng, phải điều chỉnh ngay khi phát hiện nó bất hợp lý. Và điều quan trọng là phải tính toán kỹ xem các quy định ấy có khả thi hay không.

Người dân đến làm thủ tục nộp thuế trước bạ nhà đất tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, TP HCM

Quy định thu phí bảo trì đường bộ hằng năm với các phương tiện giao thông của cá nhân cũng vậy. Được triển khai từ đầu năm nhưng đến nay đã hết nửa năm rồi mới thu được 1/3 số tiền dự kiến. Có một lý do rất đơn giản để quy định này khó khả thi là không có nhân lực để làm nhiệm vụ. Có người đề nghị: đối với địa bàn dân cư thì giao cho tổ trưởng dân phố hoặc trưởng thôn đi từng nhà, nắm chắc số phương tiện của từng gia đình để thu phí. Nhưng việc này không thuộc chức năng của các vị đó nên họ không làm, mà nếu làm thì cũng sẽ gặp nhiều trở ngại, trong đó cần có kiến thức về chủng loại xe thì mới định được mức phí phải đóng.

Việc định giá thuế nhà đất để cấp sổ đỏ cũng vậy. Nhiều địa phương đã tùy tiện nâng mức giá quá cao khiến dân nghèo không có tiền nộp; thậm chí có người được làm sổ đỏ rồi cũng không đến nhận. Bỏ qua ý kiến người dân, làm theo ý của người có chức quyền mà không nghĩ đến quyền lợi của người dân thì khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Dân phải gồng mình chịu thiệt và không ngớt kêu ca, khiếu kiện là điều dễ hiểu.

Qua mấy việc nói trên thì thấy rằng, trước khi đưa ra chính sách, quy định gì, các nhà soạn thảo, các cơ quan thực thi phải cân nhắc, rà soát thật chuẩn mực rồi mới ban hành. Đồng thời, các chính sách và quy định đó phải được đưa thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Sau khi chỉnh sửa, bổ sung thấy phù hợp với chủ trương của Nhà nước và hợp lòng dân thì mới triển khai thực hiện.

Lại nói về lấy ý kiến quần chúng. Thời gian vừa qua cả nước tiến hành lấy ý kiến đóng góp vào Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi. Đây là hai vấn đề hệ trọng và nhạy cảm của đất nước và của toàn dân. Tất cả các địa phương đã dành thời gian tổ chức nghiên cứu và thảo luận. Tuy nhiên, vì tầm quan trọng của hai vấn đề này nên không thể nóng vội, khống chế thời gian như ban đầu dự kiến. Vì vậy, kỳ họp thứ năm của Quốc hội mới kết thúc đã quyết định tiếp tục lấy ý kiến bổ sung để hoàn chỉnh Hiến pháp và Luật Đất đai từ nay đến cuối năm.

Nhưng cũng qua việc lấy ý kiến của nhân dân thì thực tế có những điều cần phải chấn chỉnh. Đối với địa bàn dân cư, các xã, phường tổ chức lấy ý kiến ở cuộc họp tổ dân phố hoặc cấp thôn. Nhưng với hai vấn đề lớn như vậy mà tổ chức hai cuộc họp vào buổi tối, mỗi cuộc chỉ trong khoảng thời gian 1-2 giờ thì bà con chưa góp ý được bao nhiêu. Đó là chưa kể trình độ dân trí ở nhiều địa bàn còn thấp, bà con chưa được tìm hiểu văn bản, chưa biết đóng góp cái gì. Vì thế, có những cuộc thảo luận về Luật Đất đai sửa đổi mà chỉ có mấy ý kiến thắc mắc cụ thể về mức thuế nhà đất của gia đình nào đó đã chiếm gần hết thời gian cuộc họp. Và những cán bộ chủ trì những buổi thảo luận đó cũng không ít người còn hiểu lơ mơ, không dẫn dắt, hướng người dân vào thảo luận những vấn đề thiết thực. Do đó, chất lượng của những buổi thảo luận này rất thấp.

Việc Quốc hội tiếp tục kéo dài thêm thời gian để lấy ý kiến của toàn dân vào bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi như vừa qua là hợp ý Đảng, lòng dân. Cổ nhân đã dạy rằng: “Dục tốc bất đạt”. Việc lớn mà nóng vội, đốt cháy giai đoạn thì dễ thất bại. Mong rằng, tất cả các chính sách ở tầm vi mô cũng cần có thời gian thích đáng, cần tham khảo ý kiến rộng rãi của toàn dân mới đưa vào thực hiện. Nghĩa là chính sách gì thì cũng phải xét đến chữ tình, có hợp tình hợp lý thì chính sách mới thật sự đi vào cuộc sống.

T.C

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc