Chi tiết nhỏ mà lớn chuyện

10:00 | 26/08/2012

1,909 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Có vẻ như quy định nhỏ liên quan đến CMND đã không tham khảo ý kiến người dân trước, vì chính người dân mới “bị” hành liên quan đến CMND.

Đã có những công dân ở Hà Nội được cấp chứng minh nhân dân (CMND) theo mẫu mới. Nhiều ý kiến ghi nhận sự tiện dụng, phù hợp với xu thế phát triển của mẫu mới nhưng cũng có ý kiến khác xung quanh việc thể hiện thông tin cá nhân trên mẫu CMND mới.

Nghị định 170/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 27/2012 của Bộ Công an quy định, CMND mới có kích thước chuẩn quốc tế (85,6mm x 53,98mm), bằng chất liệu nhựa. Trên CMND được ghi các thông tin cơ bản về căn cước cá nhân như tên họ, năm sinh, quê quán, có mã vạch chứa đựng một số thông tin khác. Thời hạn của CMND mẫu mới vẫn giữ nguyên như cũ là 15 năm.

Nghị định 170/2007/NĐ-CP ban hành đã 5 năm nhưng do công tác chuẩn bị cơ sở vật chất không tương xứng nên mãi đến tháng 8/2012, việc này mới được triển khai thí điểm hẹp tại một số quận, huyện của TP Hà Nội.

Trong đó có quy định ghi thêm thông tin về họ tên cha, mẹ trên mặt sau của tấm CMND nhằm công khai danh tính cha, mẹ, giúp phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó trong trường hợp cần truy tìm, phân loại. Thực ra điều này đã có trong hồ sơ gốc. Vì vậy các chuyên gia pháp luật cho rằng, việc ghi tên cha, mẹ sẽ gây ra phiền toái. Chẳng hạn có nhiều người thiếu bố hoặc mẹ, thụ tinh nhân tạo từ nguồn tinh trùng mua, hiến tặng thì sao? Mà đã là CMND thì không thể bỏ trống. Lại gặp trường hợp bố, mẹ là tội phạm sẽ tạo cho họ sự mặc cảm. Nghe ra chỉ có đám con giời, thiếu gia là thích vì người ta dễ biết bố mẹ là ai để nương nhẹ khi xử lý sai phạm.

Nước ta hiện có 10% dân số là người cao tuổi, trong đó rất nhiều người có song thân đã khuất núi, nay phải khai cả tên các cụ liệu có tác dụng gì? Rõ ràng việc để tên cha mẹ trong CMND là không cần thiết.

Còn theo ý kiến công dân thì không nên hiện đại nửa vời bởi đã có mã vạch, có mã số cá nhân, việc truy cập sâu thông tin cá nhân của ngành công an là quá đơn giản, việc gì phải ghi tên cha mẹ?

Hơn nữa nếu làm vậy, chẳng lẽ CMND thay được khai sinh, sẽ gây phiền toái về tranh chấp pháp lý, chẳng hạn như tranh chấp thừa kế…

Lại có ý kiến đề xuất trên CMND cần ghi nhóm máu, mã số thuế và... số điện thoại cần thiết khi gặp sự cố... sẽ hữu ích hơn.

Có vẻ như quy định nhỏ liên quan đến CMND đã không tham khảo ý kiến người dân trước, vì chính người dân mới “bị” hành liên quan đến CMND.

Được biết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiến hành nghiên cứu, kiểm tra những nội dung được nêu trong Thông tư 27 của Bộ Công an, trong đó có việc đưa thông tin về bố, mẹ công dân lên CMND. Nếu phát hiện những nội dung trong Thông tư 27 không phù hợp với Luật Dân sự và đảm bảo quyền bí mật thông tin cá nhân, Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến chính thức tới Bộ Công an để kiến nghị Chính phủ sửa đổi.

Hoan nghênh Bộ Công an đã có quyết định tạm dừng triển khai mẫu CMND mới do ghi nhận ý kiến của công dân để xem xét đề xuất sửa đổi

Bảo Văn

(Năng lượng Mới số 149, ra thứ Sáu ngày 24/8/2012)